Thờ chồng
Trong giấy khai sanh, Hai Hậu tên là Trần Trung Hậu, sanh năm 1953. Cha Vô danh, mẹ là bà Nguyễn Thị Phấn.
Sau hiệp định Geneve 1954, đất nước thoát ách đô hộ của Pháp. Bà Mười trở về quê chồng ở ấp Trà Ngoa canh tác ruộng vườn sinh sống như bao người thân thuộc và láng giềng cùng xóm.
Sau lần đứa con trai thọ bệnh gần như thập tử. Người quả phụ hai mươi sáu tuổi quyết định giao số ruộng vườn thừa hưởng phần hương hỏa con Út của chồng. Bà Mười nhờ người anh chồng thứ Bảy có đất vườn gần đó cai quản dùm. An bày mọi thứ, bà dẫn thằng con trai đến ở trọ rồi sau đó cất căn nhà nhỏ trên đất người anh rể ở xã Thiện Mỹ ngoài bìa chợ quận Trà Ôn. Với hai bàn tay trắng, bà Mười mua bán tảo tần nuôi thân bà chỉ vừa đủ sống. Còn lại tất cả những gì chắt chiu kiếm được và tình thương vô bờ của bà đều dồn hết cho dòng huyết mạch nhỏ nhoi của người chồng vắn số.
Từng ngày thằng con lớn lên ngoan giỏi trong tình thương của bà mẹ goá. Đến khi Hai Hậu học lên trung học đệ nhị cấp, bà rời Trà Ôn dọn lên khu Đàn Tiên, thuộc phường Cái Khế của nội ô tỉnh lỵ Phong Dinh (Cần Thơ}. Sáng sáng, bà nấu xôi nấu bắp bày bán tại chợ nhóm Mít Nài, Nơi bà con xóm lao động nghèo phát sinh họp chợ dọc theo một khoảng lề trên con lộ nhựa chạy cặp theo sông Cái Khế, ngay đoạn dòng sông vừa chảy qua Cầu Đôi Mới một đỗi. Mỗi ngày chợ tan lúc 9-10 sáng, Bà Mười mua chút cá mắm mang về nấu ăn sẵn cả ngày cho hai mẹ con. Buổi trưa bà quảy gánh lòn lõi các hẽm sâu sình sụp thu mua ve chai lông vịt đồng nát, bao trùm vùng thâu mua đến tận vùng Rạch Ngỗng. Có bữa tối mịt, đèn đường hiu hắt, bà mới lò dò gióng gánh về đến nhà. Những chiều về trể, có khi bà ăn cơm tối với thằng con, nhưng thường là bà ngồi ăn một mình và hài lòng nhìn đứa con đã nên vóc nên hình đang chuyên cần học tập.
Niềm vui thành công học tập chưa phai lạt thì năm sau Hậu thi hỏng tú tài 2 trong mùa hè 1972, ngay lúc tình hình chiến trường sôi động đỏ lửa và đâu đâu cũng nghe dân tình bàn tán xôn xao về lệnh tổng động viên quân dịch. Hậu chưa biết làm gì thì một ngày có người gõ cửa. Đó là bác Hai lối xóm lâu nay, người mà bà Mười hay hỏi thăm về luật tổng động viên và trường hợp Hậu có được miễn dịch vì lý do gia cảnh khi bà chỉ 43 tuổi và không tàn tật. Bác ấy không rào đón với bà Mười và Hậu: Sư đoàn 4 Không quân chỗ ông đang phục vụ có đợt tuyển mộ số lượng chuyên viên cơ khí. Nếu bà Mười và Hậu muốn thì ông ta dẫn Hậu vô trại giới thiệu, ký tên bảo lãnh về mặt an ninh. Nhưng phải dấu biệt bằng cấp tú tài để tránh bị rắc rối với Nha Động viên, hợp lệ việc đi lính trơn ngành kỹ thuật chỗ đó. Ông ta nói thêm, Hậu có bằng tú tài I, anh đương nhiên nằm trong thành phần tài nguyên quốc gia theo luật động viên nhân lực. Và phải chờ lệnh gọi nhập ngủ khoá sĩ quan theo tuần tự tháng năm sinh.Trước thời gian đó chừng vài tháng, khớp gối chân phải của bà Mười thường hay bị sưng nhức. Những ngày vai nặng gối sưng, bà uống thuốc giảm đau và tiếp tục từng bước chậm chạp trên đường mưu sinh hàng ngày. Nhiều lúc cơn đau khớp nhói tới tim, nhưng bà Mười không dám nghĩ chuyện ngồi nhà dưỡng bệnh. Bác sĩ cho bà thuốc bồi bổ mô sụn, giảm đau và những lời khuyên hạn chế đi đứng hay khuân xách nặng.
Bà Mười từng chứng kiến bao tang tóc trong chiến tranh, trong đó có người chồng của bà. Một ám ảnh không nhỏ khác mà bà không thể xem thường là sức khoẻ suy yếu, nỗi lo không biết bà còn đi đứng gánh vác như lâu nay. Thấy bà lo lắng, Hậu ngỏ ý xin bà phó thác theo dòng định mệnh của thân trai thời loạn như bao người khác. Nhưng hoàn cảnh bà không giống những người khác. Một mẹ một con, thì bà làm sao sống nổi trong cô đơn đau yếu lúc Hậu như cánh chim trời, chưa nói tới chiến tranh đầy bất trắc. Bà Mười suy đi nghĩ lại thiệt hơn, cuối cùng bà khuyên Hậu chộp thời cơ nầy mà nhảy trước. Hai Hậu nghe theo lời mẹ, anh nhờ bác quen gần nhà giúp làm thủ tục đầu quân chuyên ngành cơ khí, được huấn luyện bảo trì và sửa chửa phi cơ quân sự.
Lương lính của Hậu không nhiều, nhưng anh tiện tặn tạm nuôi sống bà mẹ vất vả đến lúc phải nghỉ bệnh vì khớp gối có nguy cơ mòn mẻ lớp sụn. Thời gian phục vụ tại căn cứ Sư đoàn 4 Không quân, Hậu quen biết Như Ngọc là con gái lớn của một sĩ quan bộ binh, chỉ huy phó đơn vị đặc trách bảo vệ an ninh khu vực phi trường Trà Nóc. Tháng 6-1974, hai người kết hôn trong một đám cưới mà đa số khách mời là lính. Tháng 10-1975, Như Ngọc sanh bé Như Thủy, lúc mà mọi nguồn kinh tế của gia đình bà Mười gần như bế tắc. Xã hội đầy người thất nghiệp và số đông dân chúng hành nghề thương mại bỗng chốc đứt ngang thu nhập hoặc trắng tay. Tiền bạc thắt ngặt và bó hẹp mọi giao lưu. Bà Mười bắt đầu bán dần vàng bạc mà bà dành dụm lâu nay. Gia đình của sui gia cũng lâm cơn khốn khó, ba của Như Ngọc khăn gói cải tạo không biết ngày về. Như Ngọc xin phép Hậu và mẹ chồng, tha thứ cho cô dùng số nữ trang quà cưới tặng cho mẹ ruột và 2 đứa em làm lộ phí phòng thân để họ trở về quê ngoại ở tận Đông Hà, Quãng Trị.
Bà Mười tức thời trở lại nghề thu mua phế liệu đúng vào lúc mọi người rảnh rổi thu gọn, dọn dẹp nhà cửa. Thiên hạ mang bán đủ thứ vật dụng kim loại và mủ nhựa cũ hư hoặc không xài. Bà và con trai che một khoảng sân để làm một vựa nhỏ thu gom từ những người gánh giỏ như bà lúc trước. Trong đó có một vài người mà bà không nghĩ họ có thể thích nghi cảnh ngộ. Bà Mười cũng không ngờ nghề khiêm nhượng nầy làm ăn rất khấm khá hơn hẵn ngày bà gánh đôi càn-xé nuôi Hậu ăn học. Người goá phụ gần 50, lại có cơ hội ky cóp thêm chút ít vàng bạc phòng thân cho đến khi nguồn phế liệu trong xã hội cạn kiệt.
Gia đình bà Mười không còn lý do gì để nắm níu Cần Thơ. Thành thị đó, lúc bấy giờ đã trở nên rất khó bươi chải sinh nhai không riêng cho gia đình họ. Bà hỏi ý kiến con trai và dâu, tất cả đồng ý dời về ruộng vườn ở quê, tạo dựng cuộc sống mới. Thời gian sơ khởi của dự định, bà Mười và Hai Hậu thường xuyên ngồi tàu đò Cần Thơ- Hựu Thành, có lộ trình chạy trên con kênh ngang trước đất nhà. Những chuyến về quê và ở lại nơi đó 5-7 ngày với mục đích trông coi mướn người sửa sang vườn tược, hoàn tất chỗ ăn chỗ ở. Cho đến đầu năm 1979, gia đình bốn người của bà Mười dứt khoát rời khỏi Cần Thơ.
Mấy năm sau cuộc chiến, vườn tược dọc theo 2 bên bờ kênh Trà Ngoa có nhiều khoảng hoang vu chưa có chủ. Người quen lạ tứ xứ lần lượt đổ về chia sẻ canh tác ruộng vườn bao la, họ sống đơn lẻ trong vườn cũ hoặc có chỗ cũng gom lại từng chòm nhà. Dù vậy, toàn cảnh dân cư trải theo khoảng sông dài, vẫn còn thấy thưa vắng nghèo nàn.
Trên một khoảnh vườn xưa được cắt dọn phá hoang thông thoáng, có căn nhà mới dựng khang trang cách mé sông chừng 15 mét. Cột kèo bằng cây vườn gỗ tạp trên nền đất, mái lợp lá chằm, phên vách phía trước từ nền đất đến ngang ngực được đóng bằng gỗ tạp cưa xẻ từ cây cối lâu năm trong vườn. Phần vách cao hơn tới đụng mái được đan ô hình thoi bằng nẹp tre dẹp vuốt láng, tạo mành thông gió mắt cáo cở nắm tay. Ba phía vách còn lại vừng bằng tàu dừa nước xé đôi dọc thân sóng, dằn ép phơi khô vài nắng và được kết đứng tàu lá vào khung rượng ngang dọc. Sóng lá ken khít quay vô trong nhà, đều đặn dễ nhìn mà gọn sạch chắc chắn. Nền nhà đất nhưng được thường xuyên rãi nước muối nện nén láng cuộn như gương. Gian phía trước lót hai chiếc giường lớn đóng bằng ván cây sầu riêng cổ thụ, màu gỗ già đỏ au. Cũng là nơi nằm ngồi nghỉ chân ban ngày và là chỗ ngủ của bà Mười và cháu nội. Giữa nhà và dựa sát tấm vách gỗ lững ngăn làm buồng ngủ là một chiếc bàn nhỏ hình chữ nhật 4 chân cao, trên có chiếc lư hương thờ ông mười Trần Văn Hùng, liệt sĩ chống Pháp. Trước mặt bàn thờ và giữa hai chiếc giường là chiếc bàn chữ nhật 9 tấc x 1m2 đóng bằng gỗ cây còng chưa được sơn vẹc-ni. Chiếc bàn đa dụng có 6 chiếc ghế đẩu cùng một loại gỗ. Bộ bảy nầy dùng làm bàn trà tiếp khách, bàn ăn cơm hàng ngày.
(Truyện nhiều chương dựa theo lời kể, tên tuổi các nhân vật đã được thay đổi và hư cấu một số tình tiết không quan trọng)
Sau một thời gian ngắn vắng bóng, Một Lúa trở lại trang nhà với một truyện dài hấp dẫn, với lối viết rành mạch, rõ ràng từng chi tiết nhỏ khiến người đọc có cảm tưởng, đây là câu chuyện thật mà Một Lúa là nhân vật chính. Khung cảnh miền quê, thân thương, dân dã, dễ lôi cuốn người đọc, làm người đọc liên tưởng đến nhà văn nổi tiếng Sơn Nam, nếu những đoạn tiếp nối có chuyện tình cảm éo le hoặc mộc mạc, điểm thêm một chút táo bạo, người đọc sẽ nhớ đến nhà văn Lê Xuyên của thời 60, 70 ngày nào.
Với sự đóng góp tích cực của các thành viên, các cây viết mới cũng như các cây viết cũ, trang TPH-VL của chúng ta sẽ trở nên đa dạng, khởi sắc, sẽ lôi cuốn được nhiều đọc giả và nhờ đó chúng ta có thể phát huy được ” tình bằng hữu chân thật ” giữa các anh chị em của trang nhà cũng như của tất cả các cựu học sinh TPH.
Cô Hồng-Khanh
Bà Mười là nhân vật chính đây ,,, kế đến là Hai Trà Nóc ,,,Tạm ngưng , **,Hoành Châu (Gia đình C )
Chào cô Hồng Khanh,
Cảm ơn cô phản hồi và hướng dẫn các thứ.
Mời cô xem phần 3, để không ai nhận vai Hai Hậu
Và đây chỉ là chuyện làng xóm hồi lâu lắm.
Một Lúa
Câu chuyện vừa mở đầu đã lôi cuốn, hấp dẫn. Bằng lối viết bình dị, mộc mạc với những tình tiết hợp lý, tác giả đã dựng nên cuộc đời cơ cực của một quả phụ vừa 26 tuổi; vất vả nuôi con ăn học đến đỗ Tú Tài I. Rồi tấm bằng ấy không bao giờ được dùng đến mà phải dấu biệt nó đi. Có lẽ từ nỗi bức xúc đó, có lần Hai Hậu đã thốt lên rằng: “Hồi tui sửa trực thăng ở sân bay Trà Nóc…” để rồi có cái biệt danh Hai Trà Nóc. Tình tiết này theo MN là quá tuyệt vời!
Vừa vô mấy câu dạo đầu là tô đoán ngay đây là bài viết của Một Lúa chứ không ai khác, một lối viết quen thuộc, bình dị của dân Nam bộ và nhất là của người sông nước miền Tây, không thua gì các nhà văn nổi tiếng. Thôi đọc tiếp phần 2 đây, khen hoài Lúa đệ lại vui say trong chiến thắng mà bỏ quên phần cuối thì tiếc lắm lắm…..
Bà Mười , đại diện cho phụ nữ vn vùng Nam bộ.Thờ chồng ,tần tảo nuôi con,quên cả tuổi xuân thì phơi phới ( chồng chết mới hơn 20).
Anh Một Lúa rất am hiểu về đời sống cơ cực của người dân lao động ,trước và thời gian đầu của đất nước vừa giải phóng,cái cơ cực mà chỉ những người có sống trong hoàn cảnh mới hiểu hết được.
Anh Lúa ơi ! Anh nhà văn của những lao động nghèo chân chất ! Anh đã làm rúng động trái tim của người đọc rùi anh ơi !