Không là máu thịt nhưng hơn ruột rà (hết)

Ngày đăng: 29/04/2016 03:51:54 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Tình hình chiến sự tạm yên, tôi mừng khi được quay lại quê nhà đòan tụ gia đình, được bà mỗi ngày ôm ấp trong vòng tay thương yêu. Tôi đi học và hàng đêm vẫn ngủ chung với bà, bà còn lo cho tôi nhiều điều so với trước kia.

NGHĨA NẶNG TÌNH THÂM

Tuy không biết chữ nhưng đêm nào bà cũng ngối bên cạnh coi chừng tôi học tập.Bà quở trách khi tập tôi bẩn hoặc cong queo. Bà bắt tôi viết lại nhiều lần cái chữ mà bà so với sách mẫu  tôi viết chưa được đẹp. Lên lớp Tư ( lớp 2 bây giờ ) bà bắt tôi đọc bài cho bà nghe dù bà không biết mặt chữ nhưng linh cảm và kinh nghiệm sống bà biết tôi đọc sai ở chỗ nào..

Ngày vui kéo dài không được bao lâu . Đầu năm 1964 khi Nguyễn Khánh làm chỉnh lý Dương Văn Minh thì chiến sự bùng lên. Chợ Xuân Hiệp vắng bóng người , trường học không ai vãng lai, trên sông không bóng dáng ghe, đò. Tôi lại phải quay lại Cầu Mới, lại phải xa quê, xa bà thêm một lần nữa.

Đến mùa hạ năm 1965, chiến sự càng trở nên ác liệt, pháo từ Tam Bình bắn về xóm Bà Soi Xuân Hiệp mỗi đêm. Người dân ở rạch Cái Cá Xuân Hiệp phải rút vô ruộng tá túc không dám ở lại vườn. Gia đình tôi đành phải bỏ nhà cửa vườn tược ra đi

Từ đây gia đình tôi được đòan tụ.   Việc đòan tụ đánh đổi bằng cả cơ ngơi ở quê nhà. Cũng từ năm nầy tôi không còn xa bà cố thân yêu của tôi. Tuổi trẻ vô tư có biết gì , được sống bên bà là cả trời hạnh phúc và sung sướng. Người lớn trong gia đình có trăm nghìn nỗi lo toan tôi đâu cần biết…

Càng lớn, cái nhìn và nhận định của tôi càng thực tế hơn, tôi càng yêu thương quý trọng bà cố của mình như chưa từng được quí trọng. Ngày càng ngày tôi luôn khăn khít với bà, biết đỡ đần bà trong các sinh họat hàng ngày, lúc nầy bà bắt đầu chậm chạp biểu hiện của sự gìa yếu. Lúc nào bà cũng có mãnh khăn lau trầu vắt vai  Đến năm học lớp 9 lớp 10 tôi vẫn còn gần gũi thân thuộc với mãnh khăn ấy.

IMG_2005  Mỗi khi rửa mặt hay tắm rửa xong tôi vẫn rề rề gần bà để lấy chiếc khăn ấy lau mặt dù nó phản phất cái mùi vôi, mùi thuốc, cái mùi đã gần gũi vơi tôi từ thuở còn bồng trên tay- Khi  bà nói chuyện  với ai thì thôi, nếu bà ngồi một mình tôi lấy khăn lau mặt bà hay mắng tôi : – Gần có vợ rồi mà cứ lấy khăn trầu lau mặt, hổng sợ con gái con lứa nó cười. Tôi cười trừ rồi cứ để mặc bà la thế nào cũng thây kệ.

Sau biến cố năm Mậu Thân , khi rời  quê lên tỉnh học Bà lại lo hơn cho tôi . Ngòai tiền ăn được ông nội gởi đóng hàng tháng, tiền sách vở công khai mua sắm mỗi đầu học  kỳ, ông nội còn phải cho tiền hàng tuần để tôi tiêu vặt. Ba mẹ tôi không cho gì thêm  bởi không bao giờ cầm tiền. Sợ tôi thiếu thốn so với bạn bè, bà cố ki cóp nhịn bớt trầu cau, một phần ” tạm bỏ túi ” tiền lẽ khi bà đứng trông cửa hàng cho cả nhà ăn cơm ở nhà sau . Tiền ấy khi là tiền bán mấy cái bánh, năm ba viên kẹo, vài cái bong bóng..mà bà trực tiếp đứng bán cho bọn trẻ trong xóm . Cuối tuần bà gói lại thành một gói nhỏ chờ tôi về.

Đến năm tôi học lớp 11, vật gía leo thang vù vù . Tiền tiêu vặt trở nên khó khăn bẩn chật. Tôi không dám thố lộ với ai, ba mẹ tôi thì cực nhọc quá nhiều rồi ( còn phải lo cho các em tôi nữa ) ông nội thì như tôi đã nói vô cùng khó tính. Thế mà bà tôi biết, phần tiền ” phụ cấp ” của bà ngày càng tăng lên. Đến Vĩnh Long, cầm sấp tiền lẻ của bà  trong tay tôi lại không dám xài khi nhớ đến bà ngày ngày phải làm cái việc ” ăn trộm” để cho tôi.. có tuần chủ nhật về nhà gói tiền lẻ ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Cũng vào năm học nầy, một sự việc xảy ra làm tôi nhớ mãi. Năm đó tôi học buổi sáng, thế nên về nhà chơi, chiều chủ nhật độ chừng 3 giờ tôi phải đón xe đi Vĩnh Long.Trước khi đi bà dúi cho tôi gói giấy như mọi khi. Không chần chờ, tôi mở túi xách PANAM (lọai giỏ vuông, màu trắng, thịnh hành thời ấy ) cất gói giấy ngay…Ra đến lộ, mới đứng đợi xe chừng 5 phút thì con nhỏ em gái của tôi chạy ra ngó dáo dác rồi đi nhanh đến bên tôi kề tai nói nhỏ ( vì lúc nầy học sinh Cầu Mới đợi xe đứng chung quanh tôi cũng nhiều )

– Anh đổi lại gói giấy nầy, gói kia là thuốc xỉa ăn trầu, bà cố đưa lộn.

Khi lên xe, nước mắt tôi cứ chảy dài, tôi thương bà biết bao nhiêu..

Theo quan niệm của người xưa, đã 17 -18 tuổi thì trai đi cưới vợ. Khi tôi ở cái tuổi nầy bà hay ngồi cạnh nói nhỏ với tôi – Con cưới vợ đi để bà biết cháu dâu của bà ra sao – Trong niềm yêu thương bà vô hạn, tôi nói như trong tiềm thức nói ra – Con còn nhỏ mà. Chừng nào con thi đậu, con đi làm việc , có tiền con để dành nuôi bà. Chừng nào bà mất con mới cưới vợ. Bà thương con rồi, ba má thương con rồi, con không cần ai thương con nữa cả. Nhưng ở đời, đâu phải chuyện gì cũng đều thực hiện được theo ý mình .

Đến năm 1975, tình hình cả nước không còn êm ả nữa.Tin tức chiến sự từ miền Trung đưa về thay đổi mỗi ngày, theo dõi báo chí thấy rõ tình hình chính quyền Sài Gòn vô cùng bi đát. Đêm 3/4/1975, cái đêm kinh hòang cho gia đình tôi . Phân chi khu Cầu Mới bị quân giải phóng tấn công. Chiến sự đã làm ngôi nhà của nội tôi cháy rực trong lữa đỏ. Cả nhà xuống hầm núp , khi phát hiện nhà bốc lửa thì không còn kịp để chữa, pháo lúc ấy thi nhau nổ chụp trên không, thóat ra khỏi nhà là mạnh ai nấy tìm chỗ núp..Tiền bạc vốn liếng tập trung vào hàng hóa đã cháy thành đống tro tàn .Nội tôi như người mất hồn, đứng bên nền nhà cháy rụi gục đầu đau đớn với hai bàn tay trắng.

Chưa đầy một tháng sau miền Nam hòan tòan giải phóng, nét mặt mọi người rạng rỡ vì được hòa bình,không còn chết choc, nhưng ông nội tôi thì đau đớn trong lòng ..Phải chi nhà đừng cháy, phải chi… Bà tôi, ông nội tôi trở lại vườn xưa , mướn người thu dọn cây lá um tùm để cất căn  nhà chòi cạnh mé sông trên nền nhà cũ khang trang của ngày trước. Bụi rậm được phá bao nhiêu thì ở bấy nhiêu, lúc nầy chẳng ai dám đi ra xa nhà vì ngay trong lúc dọn nền, người làm thuê đã tử nạn vì đầu đạn M79 còn sót lại phía sau nhà .

Từ chỗ ra đi khỏi quê, giờ trở lại với hai bàn tay trắng, người thì gìa yếu, ông bà nội tôi buồn phiền đau bệnh trầm kha, bệnh lúc nầy không tìm ra thuốc điều trị, có một số thuốc hay ông nội tôi cất để dưỡng già cũng đã tiêu tan từ cái đêm hỏa họan đã qua. Bà cố tôi tuy lớn tuổi , có phần lụm cụm nhưng còn khỏe hơn , nhưng tâm tư lúc nào cũng rầu rầu.

Cuối cùng tất cả những người tôi thọ ơn đều qua đời trong sự thiếu thốn, đơn lạnh

Sau khi tạm ổn định gia đình ( cha tôi ở lại Cầu Mới trên nền nhà cũ nhỏ như cái chòi) tôi đi học rồi đi làm .Lời hứa với bà năm xưa  tôi không thực hiện được. Từ Vĩnh Long về Cầu Mới trong giai đọan sau nầy rất khó khăn  Từ Cầu Mới về Xuân Hiệp càng khó hơn nữa . Có nhiều lần đợi đò, đợi qúa giang  về thăm bà không được tôi đành phải trở lại trường với nổi buồn không nguôi .

Lúc nầy bà tôi ở với người cháu , ăn uống sinh họat trong vườn vô cùng thiếu thốn . Có lần về được với bà , hai bà cháu ngồi bên nhau bà nói như dặn dò như cầu khẩn – Bà ăn uống như cực khổ quá , chú mầy học tập xong ngày nào cũng phải đi lao động , ít dòm ngó bà. Nhiều bửa ăn kho khô quẹt nuốt cơm không vô, con có mua được mì gói thì gởi về cho bà  để bà làm canh ăn cơm hoặc nữa đêm đói bà nấu ăn cho dễ. Nghe nói tôi như đứt từng đọan ruột, tôi trở về Vĩnh Long tìm khắp  các cửa  hàng, các sạp tạp hóa trong nhà lồng chợ để tìm mua mì gói cho bà. Tiếc thay, sau tháng 4/75  chỉ còn mì gói giấy COLUSA sản xuất nhưng thường bán theo tem phiếu  chứ đâu có nhiều mà chạy về đến Vĩnh Long. Tôi đành ngậm ngùi nín lặng không nhắc gì thêm với bà . Sau nầy, và bây giờ thấy mì gói đầy trong tiệm, đầy trên xe, đủ lọai mì, đủ loại giá tôi nghe ngậm ngùi và xót xa. Chỉ bấy nhiêu đó tôi còn  lo cho bà chưa được thì nói gì nuôi được bà cho đến ngày bà trăm tuổi ?! Miếng ngon vật lạ ngày nào tôi còn bé bà dành hết cho tôi, nay thì thế nầy ư ?

Một đêm vào ngày thứ bảy , cùng các đồng nghiệp ở trường TH Sư phạm ngồi coi chương trình văn nghệ kịch Lá Sầu Riêng , hình tượng già yếu thương con thương cháu của bà Bảy Nam đã làm tôi xúc động. Tôi xem xong  vở kịch về khu nội trú nằm một mình rồi khóc .Sáng hôm sau tôi về Cầu Mới thật sớm, đi bộ như chạy về Xuân Hiệp thăm bà cố tôi. Tôi chẳng biết nói gì, làm  gì để bà vui ngòai những chiếc bánh rẻ tiền tôi mua về cho bà và bà đã cắt ra cho thằng con chú  tôi vô tư ăn  đầy một bụng chẳng biết chừa ai ( nó còn nhỏ quá chỉ 5,7 tuổi gì thôi )

Sau lần về thăm đó, ít ngày sau bà bệnh và nhanh chóng qua đời. Cũng như ông nội tôi , nhà không làm đám tang, chỉ làm đầy đủ thủ tục để chôn cất. Mọi người cố tình không cho tôi hay (mãi đến bây giờ tôi cũng chẳng biết sao như vậy ) Cuối tuần về nhà nghe tin tôi chỉ biết nói trời ơi rồi phát sốt đến mấy hôm miệng mồm đắng nghét.

Lại nhớ một lần năm đó tôi còn rất nhỏ, cở 4 – 5 tuổi gì đó.Vào một ngày nắng đẹp, bà cố bắt thang hái trầu trên sân, tôi chạy vòng vo dưới chân thang để nhặt lá trầu rơi. Hái trầu xong bà dời thang bắt qua cây mù u cạnh hiên nhà. Tôi trố mắt ngạc nhiên. Bà níu nhánh mù u hái một nắm lá bản to, kết làm cho tôi cái mão đội đầu. Để điểm trang thêm, bà ngắt đủ các lọai hoa dại cắm chèn quanh vành mão.Tôi khóai quá, đội mão cầm gậy tre chạy vào nhà trên nhảy múa trước tủ kính cạnh bàn thờ. Bà gọi ơi ới – đừng nên múa may trước bàn thờ, hổng nên.

Năm tôi 35 tuổi, thằng bé con đầu của tôi lên 4, một hôm làm xong đồ dùng dạy học cho đồng nghiệp, thấy còn nhiều giấy và vật liệu dư bé bảo ba làm cho con cái nón như trong phim vậy. Tôi làm cái mão cánh chuồn cho con. Ngồi cắt giấy với đầy đủ các vật liệu như giấy cứng, hồ dán,kim ghim, giấy màu, dây kim tuyến bỗng tôi chợt nhớ cái lần bà làm cho tôi cái mão bằng lá mù u, đơn sơ và thiếu thốn không phải như bây giờ, tôi nhớ bà  mà nước mắt chảy dài xuống má. Thằng nhỏ ngơ ngác nhìn tôi rồi bật tiếng kêu mẹ : – Mẹ ơi, sao ba khóc nè mẹ ? Con kêu ba làm cái nón cho con , ba làm hổng được thì thôi, con đâu có ép mà ba khóc ?!

Tôi bế thốc thằng nhỏ lên nghẹn ngào : – Ba khóc hổng phải ba làm không được . Ba khóc vì chuyện khác . Mai mốt lớn lên ba nói cho con biết !

Tôi trao chiếc mão cho con, thằng bé đội lên đầu vô tư chạy lung tung trong  nhà, miệng tía lia: Ta là Tề thiên Đại Thánh..tùng ,tùng ,tùng..

Năm tháng dần trôi, thằng bé con tôi năm nay đã ba mươi mấy tuổi, con đầu của nó cũng đã 6 tuổi rồi, nó đang làm việc xa gia đình. Chuyện năm xưa tôi vừa khóc vừa làm mão cho chắc nó không bao giờ còn nhớ.

Nhưng tôi tin rằng, cũng có lúc nó thư thả vui chơi với con , và nó  sẽ nhớ lại những kỷ niệm thời ấu thơ bên cha mẹ , để rồi cũng có phút nghẹn lòng để con trẻ phát hiện những giọt nước mắt lăn dài trên má của cha.

Người mà. Ai chẳng biết ơn và thọ ơn, ai không biết thơm thảo, thủy chung với tổ tiên, ông bà cha mẹ cho dù có khi đó chưa  hẳn là máu thịt của mình .

Kính dâng hương linh  Bà cố và những người thân đã khuất

Cầu Mới chớm hạ 2016

NGUYỄN GƯƠNG

 

 

Có 7 bình luận về Không là máu thịt nhưng hơn ruột rà (hết)

  1. Một câu chuyện có thật, tình cảm ngọt ngào, sâu đậm giữa hai người không có liên hệ ruột thịt, bà cố và chắt, khiến người đọc vừa cảm động vừa thấy lòng chùng xuống vì tình cảm của bà lẫn cháu đã dành cho nhau trong suốt cuộc đời. Có mấy ai được trải nghiệm và được đón nhận một tình thương vô biên từ bà cố như tác giả. Chắc chắn là tình thương mà Nguyễn Gương nhận được từ bà cố đã góp một phần không nhỏ vào cách sống cũng như sự thành công của tác giả khi bước chân vào đời.

    Cám ơn tác giả đã cho bạn đọc một món quà tinh thần thật quý về tình người.

  2. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay ,thật sự  cảm động tấm lòng nhân hậu của bà dành cho cháu và tâm chân thật kính trọng, biết ơn  của một thằng cháu ngày nào luôn hướng về người bà thân yêu ,,,Hoành Châu (Gia đình C  )

  3. Phan Lương nói:

    Đọc xong lòng chợt cảm thấy nhớ Bà của em quá

    Em cũng từng có một người Bà đáng kính như thế

    1. Hu hu
  4. My Nguyen nói:

    Bài viết rất thật, đã khơi dậy trong chúng ta những tình cảm thiêng liêng thời thơ ấu và mãi đến bây giờ…Thật cảm động và trân quý biết bao!

  5. Bài viết thật hay , đọc mà cảm thấy ngậm ngùi làm sao ấy !!! Cảm ơn tác giả đã cho mọi người được nhớ lại những năm tháng tuổi thơ mà ai cũng đã trải qua

  6. Cám ơn Nguyễn Gương có bài viết rất lý thú và cảm động lòng người…Mong có dịp gặp nhau nhé Nguyễn Gương. Chúc em luôn vui khoẻ và viết nhiều nữa nhe…

Trả lời Lê Thân Hồng Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác