Ngôi trường tuổi thơ (phần cuối)
Đọc đến đây các bạn sẽ thắc mắc, sao trường chúng tôi học lại sướng như vậy, muốn học thì học, muốn nghỉ thì đánh kẻng… về, và chúng tôi mất kỹ luật quá. Không dễ đâu các bạn ạ. Nhà dân cạnh trường mỗi khi làm rơi một vật nặng bằng kim loại kêu đánh “keng” (một cái thùng hay một cái nồi) thì chúng tôi lại đòi cô cho ra chơi (hay về). Nhưng đâu có được. Chỉ mấy cái gỏ thước xuống bàn là trật tự được vãn hồi. Còn về chuyện vệ sinh thì phải công nhận, nhưng trường tôi làm gì có nhà vệ sinh, làm gì có nguồn nước? Muốn rửa tay phải đến giếng bơm ở khu dân cư bên cạnh, mà phải đi hai người; một người bơm, một người rửa. Nói đến đây tôi chợt nhớ và thương cho các thầy, cô dạy tôi ngày ấy. Suốt một năm học làm gì không có lần bị chột bụng. Trong hoàn cảnh đó phải làm sao?
Bàn học cũng là một vấn đề đối với bản thân tôi. Trường được trang bị kiểu bàn chuẩn cho học sinh tiểu học thời đó, với mặt bàn nghiêng, có băng ngồi dính liền, và chỗ cho 4 học sinh. Học sinh lớp Năm và nhỏ người như tôi thì mặt bàn phần thấp nhất đã cao gần đến ngực. Viết bài, nếu ngồi trên băng, thì không với đến đầu trang tập, do đó tôi phải đứng xuống đất viết. Và tôi cũng viết kiểu đối phó: ghi ngày xong thì xuống vài hàng, ghi môn học lại xuống vài hàng, khi ghi đến tựa bài thì đã gần nửa trang. Tôi chép bài chủ yếu ở nửa trang cuối. Bao giờ tôi cũng xin ngồi đầu bàn vì dưới chân có thanh gỗ nối băng và bàn sẽ làm tôi cao thêm 5 – 7cm, tiện “đứng xuống, ngồi lên”. Vì ngồi bàn đầu đối diện bàn giáo viên nên bàn này chỉ mình tôi ngồi, nếu có thêm bạn nào ngồi cạnh tôi thì bạn ấy sẽ không ngó thấy bảng do bị chói. Tôi còn nhớ có lần vào mùa dế, tôi bắt được một con dế lửa hang thật to. Thường tôi chỉ bắt được dế cỏ, loại dế sống dưới lá mục (ở Phước Long có nhiều cỏ tranh, người dân cắt tranh xong rãi ra phơi tại chỗ, vài hôm sau mới trở lại lấy chỗ tranh đã khô mang về đánh thành tấm dài khoảng 1mét lợp nhà), và người dân để quên hay trời mưa to làm cọng tranh rơi xuống đất. Chỉ cần nhất đám lá lên là bắt được chúng. Loại dế này nhỏ con và đá không hay bằng dế bắt hang.
Cũng tình cờ trước đó nhà ăn xoài, tôi nhỏ nhất nhà nên được … cạp hột, sau đó tôi lấy hột xoài mang phơi nắng vài hôm rồi dùng dao rạch một đường moi phần trong hột (phôi và phôi nhũ) bỏ thế là có một hộp chứa dế thật xịn. Khu tôi ở lúc ấy chỉ lưa thưa vài ngôi nhà, nên dế của tôi là vô địch xóm. Muốn có đối thủ xứng tầm thì phải mang vào trường. Vào học một tí thì con dế kêu (chắc, không phải gáy). Cô hỏi, “Em nào đem dế vào lớp?” Cả lớp im lặng. Tôi nhanh tay đẩy cái hột xoài đi thật xa ra đầu bàn bên kia. Vì tiếng kêu phát từ bàn tôi nên cô đi thẳng đến tôi. Cô kêu tôi moi tất cả vật dụng trong cặp ra. Tôi làm theo; dĩ nhiên là không có con dế. Cô nghiêng người nhìn vào học bàn rồi dùng thước moi những thứ còn lại trong học. Chỉ có mấy tờ giấy vụn, 2 hột cóc và 1 hột xoài mốc xám. Cô nhăn mặt quay đi. Tôi thoát nạn, nhưng từ đó tay phải luôn để trên cái hột xoài để chốc chốc lại khỏ lên cho dế sợ… đừng gáy.
Trò chơi, chúng tôi chơi theo mùa. Gần hè phượng nở thì chơi đá gà, là những nhị đực to nhất trong búp hoa phượng, xem đầu con gà (túi phấn) của ai bị rụng khi móc 2 nhị đực lại với nhau. Chúng tôi cũng hay băng sang sân banh bên kia đường (dạo ấy rất ít xe hơi, thỉnh thoảng mới có xe Lam và xe bò) để chạy trong đám cỏ may thi xem … quần ai dính cỏ may nhiều nhất. Phía sau sân banh có ngôi nhà sàn của hai vợ chồng viên Mục sư Tin Lành người Mỹ. Họ có 2 con, một trai, một gái cũng trạc tuổi tôi. Trao đổi văn hóa, ngôn ngữ xảy ra. Tôi học đếm one, two, three… từ 2 bạn ấy.
Cuối năm lớp Tư tôi được hạng nhất. Nhưng rồi tôi nghe tin: Vì trường tôi là trường nhánh, không tổ chức lễ phát thưởng mà phải sang trường chính dự lễ, nên học sinh hạng nhất trường nhánh chỉ được nhận phần thưởng hạng nhì! Tôi tức lắm, chả biết làm gì, chỉ biết mè nheo với mẹ (mè nheo với ba thì bị đòn), hăm he không thèm dự lễ. Mẹ phải dọa nếu không dự lễ sẽ không được lên lớp, nên tôi đành thỏa hiệp: “Vú (tôi gọi mẹ bằng Vú) phải nói với mọi người, con hạng nhì là do trường ép chứ con hạng nhất.” Đến ngày lãnh thưởng tôi được biết đối thủ của tôi là một nữ lưu xinh đẹp tên Ngô Thị Phương Mai. Sau này, khi gia đình vào tỉnh lỵ sống tôi học chung lớp với “nàng”. Nàng đi học luôn mặc áo đầm, tóc cài nơ, có xe hơi đưa đón. Cha nàng là trưởng ty Công chánh, là con đỡ đầu của Giám mục Ngô Đình Thục, bào huynh của tổng thống thời bấy giờ. À, tòa nhà giám mục ở đầu cầu Lộ là nhà của Cha Thục đấy các bạn.
Nguyễn Hoàng Long
Nguyễn Hoàng Long có đầy ắp những kỷ niệm của tuổi thơ, tuổi thơ của thế hệ chúng ta, của cô và các em, không có những món đồ chơi đủ loại được bán khắp mọi nơi như ngày nay nên chúng ta ai cũng phải có sáng kiến để tự tạo ra những món đồ chơi riêng cho mình. Trí thông minh cũng nhờ đó được phát triển hơn và trẻ em cũng có cơ hội vận động, chạy nhảy làm lợi cho sức khoẻ hơn.
Suy nghĩ kỹ thì thấy trẻ em ngày xưa tuy vật chất không được đầy đủ, đồ chơi cũng không dư thừa như trẻ em ngày nay nhưng niềm vui cũng như hạnh phúc chắc chắn phải hơn ngày nay nhiều lắm. Đây chỉ là nhận xét riêng của tôi, hy vọng là không bị nhiều người phản đối.
Bài viết hay và vui thời tuổi thơ ,, Cảm ơn tác giả Nguyễn Hoàng Long .
Chắc tác giả sẽ viết thêm nhiều chuyện cũ,
chuyện về ” nàng ” chẳng hạn…
Bạn Hạnh trùng tên với người chị nuôi của mình hồi học TPH (có nhắc đến trong truyện “Hai Người Bạn”). Mình sẽ ‘nhín một chút’ để chia sẻ ‘nàng’ của mình (chỉ một chút thôi) với các bạn.