Ăn Tết với ngôi nhà xưa

Ngày đăng: 10/02/2016 05:20:28 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Còn 2 tháng nữa là tết, anh Linh một thợ mộc ở Chợ lách cho biết đang thực hiện một căn nhà xưa để gia chủ ăn tết. Có người ngạc nhiên hỏi, ông Chánh có nhà to như biệt thự thì cất nhà làm gì nữa ? Anh thợ bắt đầu nói

Nhà đời nay kiểu cổ

Đây không phải là trường hợp duy nhất ở tỉnh Bến Tre mà trước đó ở Cái Mơn, Sơn Định đã có người yêu cầu anh cất nhà kiểu xưa rồi. Thợ mộc phải đi Long An, Bình Dương để tìm mua sườn nhà theo ý gia chủ. Một bộ sườn nhà rường có giá từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, gia chủ chọn loại rẻ nhất vì cất để kịp ăn tết, tiếp khách chứ không phải để ở. Dựng xong căn nhà, gia chủ đòi đóng vách ván chung quanh chứ không chịu xây tường bởi vì theo ông tường không hòa hợp với màu của cột nhà.

Ván đóng vách giá khá đắt, gia chủ tận dụng mấy cây xoài lão có sẳn trong vườn để cưa ván, thoa lên một lớp dầu nhớt mới để mối mọt đừng ăn. Trước khi làm vách những miếng ván này được phơi nắng cho dầu rút vào cây.

Làm nhà nhưng gia chủ không làm cửa để cho thoáng và có ánh sáng. Hơn nữa, nhà này nằm trong khuôn viên vườn có hàng rào kẽm gai bao bọc thì ngại gì kẻ gian (?). Ông nhờ  ông chủ đò chạy tuyến Mỹ Tho tìm mua một tủ thờ Gò Công loại đơn giản không cẩn xa cừ, không cao giá nhưng trông thanh lịch. Còn loại tủ nhất cẩn xà cừ giá vài chục triệu đồng nhưng theo ông không sang. Có tay bán đồ cổ gạ ông mua bộ liễn cổ, tranh chữ Hán nhưng ông không ưng, không phải là thiếu tiền nhưng ông thấy mình không phải là nhà sưu tập, có vài thứ cũng không lên đẳng cấp! Hơn nữa, với những đồ cổ thì tất cả phải đồ vật khác phải xưa quý cho đồng bộ, nên đành khước từ. Mấy ngày liền, ông đi chợ nhìn ở bến tàu xem có ghe hàng ở Chợ Mới (An Giang) xuống không, để mua bộ tranh kiếng “Cửu huyền thất tổ” kèm theo hai bên cửa buồng mua thêm 2 bức Thoại Khanh- Châu Tuấn cho giống nhà của ông bác thuở xưa. Tranh kiếng là đồ nội thất bình dân thường có ở các ngôi nhà 3 gian ở thôn quê, được làng nghề ở Chợ Mới sản xuất,  được bán theo ghe hay xe đạp chạy khắp hang cùng ngỏ hẽm. Bàn thờ thì phải có bộ lư hương, loại lớn thì chợ huyện không có bán, ông gửi xe nhờ tài xế xe đi thành phố mua giúp trên đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình). Ngoài chân đèn, lư hương, ông còn tìm cho được cái chân đế dĩa trái cây bằng gỗ có chạm hình hoa mai, nghe đâu giá bán 5 triệu đồng.

Trang trí nội thất

Ông nhớ lại ngày xưa, nhà bác Sáu của ông phía trước có hai bộ ngựa gỏ dầy cả tấc.

Hàng này nếu có dư tiền mua cũng được nhưng gấp quá tìm đâu ra. Có người hiến kế, lại chỗ làm ghế đá đặt một miếng dale bằng xi măng có kích thước như tấm ván ngựa được chà láng và sơn đen có vân trông như gỗ quý. Bộ “ngựa giả” này, người nằm cũng mát lưng mà không sợ kẻ gian khiêng mất. Ông dự trù Tết này, mấy đứa cháu ông lắc bầu cua hay chơi loto ngồi trên đó có nhảy nhót trên ngựa cũng không sợ trầy xướt Chỗ ngồi giữa nhà thì không phải bộ salon đắt tiền là đúng kiểu, mà phải có bộ trường kỷ với hai ghế dài và một bàn đá cẩm thạch. Loại này thì phải tìm những nơi thu mua đồ cũ, họ tân trang lại bằng cách thay đổi các chi tiết sứt mẻ trong trường kỷ và đánh bóng lại vật cổ xưa này.

Trong các vật dụng để tiếp khách ngày Tết quan trọng nhất là bình trà. Bộ đồ trà Minh Long tuy đắt tiền nhưng trưng bày không phù hợp với ngôi nhà. Tìm một vỏ bình bằng trái dừa không khó vì bày bán khắp các quầy hàng thủ công mỹ nghệ ở các điểm du lịch miền Tây, nhưng tìm một cái bình trà đặt vừa vặn trong vỏ bình thì hơi khó vì loại hàng này các cơ sở sản xuất ở Lái Thiêu giờ đây ít sản xuất, song cũng phải tìm mua.

Tranh tứ bình trên tường

Xưa ở thôn quê, Tết đến nhà nghèo thường lấy giấy báo dán vách cho mới. Họ lấy hình ảnh đào kép cải lương, minh tinh màn bạc trong lịch, trong báo để dán trang hoàng nhà cửa. Có người mua bộ tranh dân gian tứ bình (4 tấm) như: Sự tích Trầu cau, Con Tấm con Cám, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, cũng có nhà treo Tề Thiên Đại Thánh, Tiết Nhơn Quý chinh đông, các tranh này đều có chữ giải thích, duy có bộ Tứ quý hoa quả bình, Mai Lan Cúc Trúc là không chữ nên trẻ em không khoái. Năm nay, để trang trí cho giống xưa, gia chủ đã sai con đi chợ Bình Tây tìm mua 2 bộ tranh tứ bình, người bán đòi 240 ngàn đồng/bộ, chê đắt không mua, tìm tranh tương tự 4 tấm có lọng kiếng sang trọng hơn nhưng ông bố không hài lòng. Ông giải thích, ở miền Bắc có tranh Đông Hồ, tranh hàng Trống, còn miền Nam có tranh truyện dân gian do họa sĩ danh tiếng Lê Minh vẽ cách nay hơn nửa thế kỷ. Treo tranh truyện dân gian vừa để giáo dục trẻ con vừa giải trí, vừa thưởng thức nét vẻ tinh tế của họa sĩ.

Lương Minh

Bai đăng báo xuân thị trường 2016

0 nha  xua 1      H1

0 nha xua 2                 H2

0 nha xua 3              H3

0 nha xua 4H4

Có 1 bình luận về Ăn Tết với ngôi nhà xưa

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thú chơi mới độc đáo của người ” có nhà to

    như biệt thự” thật là thú vị!

    Xung quanh nhà có vườn cảnh mát mẻ quá!

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác