Tết tết đến…(có thêm ảnh)
Đến nay, vòng quay của Tết đã hiển hiện trên mọi nẻo đường Việt Nam nhưng tập trung rõ nét nhất hình ảnh của Tết Việt trong những ngày này có lẽ là CHỢ .
Gọi là chợ mai cũng được, vì thường bắt đầu trong buổi mai sớm, từ 5 đến 7 giờ . Cũng có thể gọi là chợ “chồm hổm”, do người bán kẻ mua đều chủ yếu cùng một tư thế ngồi trong cuộc bán – mua . Chợ được nhóm bên hông chợ Hàn, một ngôi chợ lớn của Đà Nẵng đã có tên tuổi từ xa xưa, chủ yếu phục vụ những người đi tập thể dục sáng sớm về tranh thủ ghé ngang chợ búa . Người bán đa phần là những phụ nữ nông thôn quanh Đà Nẵng hoặc từ các tỉnh thành khác nhập cư Đà Nẵng chưa tìm được công việc ổn định . Mỗi sáng sớm, họ từ các vùng ngoại ô hoặc ven biển Đà Nẵng với đôi gánh oằn vai : nào thịt, nào trứng, nào gà, nào rau, nào đậu, nào chuối, đu đủ … ( mùa nào thức đó ), hoặc cá tôm từ những chiếc ghe nhỏ đánh bắt ven bờ . Nhiều người xuất phát từ Hội An ( cách Đà Nẵng 30 cây số ) trên những chiếc xe máy cà tàng, phía sau đèo hai chiếc sọt to với : nào hến, nào nhộng, nào dâu tằm, nào bắp ( những sản vật nổi tiếng của Hội An ), cùng bánh tét, bánh rò, bánh tổ, bánh in, bánh khô mè … để cúng Tết theo truyền thống địa phương . Tất cả bọn họ đều sáng sớm tất tả ra đi, chỉ mong “mở hàng” may mắn, gặp được khách mua dễ dãi để nhanh bán hết hàng và kiếm chút đồng lời …
Như vậy đó , những phụ nữ miền Trung lam lũ chân không “yếu” tay không “mềm” chút nào trong cuộc mưu sinh . Những ngày cuối đông giáp Tết này họ đã không ngần ngại sớm khuya mang những mặt hàng ấm nồng hương Tết, đem xuân đến cho những phiên chợ mai và trông chờ vào đó để mang xuân về cho mái ấm gia đình !
Thương lắm những em nam sinh sáng sớm phụ mẹ bán hàng nhưng còn mắc cở ( sợ bị đưa lên báo ) nên che mặt “Cô ơi đừng chụp con”, và nhất là thương lắm những bà nội bà ngoại đã hơn bảy mươi vẫn ngày ngày quang gánh trên đường mưa nắng … !
Bài và ảnh Như Thuỳ
Như Thùy ơi,những hình ảnh đời thường đẹp đẽ nầy , luôn thấy ở mọi miền đất nước chúng ta đó thôi ,thật là gần gụi ,nao lòng.Năm mới ,L.Hương thân chúc Như Thùy và Ông xã được mọi điều tốt lành.
Dạ , thời điểm này, chợ lớn – hàng lớn thì tấp nập phô phang ; còn chợ nhỏ – hàng rong thì thấy thương đứt ruột … Em cũng xin chúc anh chị một năm mới an lành !
Chị thích thể loại gần như phóng sự này
Để có cái nhìn bao quát về cuộc sống…
Vào Xuân rồi, vui, buồn, trăn trở… tuổi hườm hườm…
Cám ơn chị đã đồng cảm với em về … chợ đời . Cầu chúc chị lúc nào cũng …thân tâm an lạc !
Như Thùy thương mến ,
Bài viết là văn tự đến từ thực tế đời thường có hình ảnh đính kèm mang tính thời sự cao và tính dân tộc sâu sắc ,,, người viết bộc bạch nỗi niềm yêu thương nhân dân lao động chân chính của mình trên mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên . Đoạn cuối bài có làm người đọc xúc động mạnh ,,,Hãy đi nhiều và viết nhiều lên em nhé,,, một tâm hồn đẹp của chị ! Hoành Châu ( Gia đình C ) !
Chị ơi , mỗi sáng đi tập thể dục ở bờ sông về ghé chợ … Người mua đa số đã về hưu thư thả còn người bán lam lũ tất bật mưu sinh … Cũng Tết, cũng xuân !
Bạn Như Thùy mến! Bài viết của bạn thể hiện những sinh hoạt đời thường, gần gũi, chân chất biết bao! Qua bài viết này, MN biết được một số hoạt động mua bán của người dân Đà Nẳng trong những ngày giáp Tết. Hình ảnh những người già với những đôi quang gánh thấy chạnh lòng làm sao!
Thân chúc bạn Như Thùy hưởng một mùa Xuân vui tươi, hạnh phúc…
Đời thường trong gió tết, nét sắc trong lam lũ đón xuân, một nét chấm cho cõi nhân luân. Cám ơn cô Như Thùy có lòng chia sẻ lạ mà thân quen.
Anh Trương Phú ơi , tiếc là em không có được một chút tài của anh để hình ảnh có hồn hơn …
Kính chúc anh và gia đình có một năm mới an vui – hạnh phúc !
My Nguyen ơi, Đà Nẵng có hai chợ lớn là chợ Hàn và chợ Cồn . Những ngày này hai chợ đó bán mua sầm uất lắm . Riêng những chợ nhỏ, chợ tạm như NT đề cập trong bài viết thì chỉ nhóm ì xèo đầu buổi sáng rồi tan . Chợ tan , người bán lại dong ruỗi khắp các ngã đường để cố gắng bán cho hết hàng … Tình trạng đó chắc không chỉ riêng Đà Nẵng mà có mọi nơi trên đất Việt Nam …
Sắp năm mới rồi , cầu chúc My Nguyen và gia đình đạt được muôn sự tốt – vạn sự lành trong cuộc sống !
Bài viết thật sâu sắc , cảm động lắm Như Thuỳ ạ.
Chị Đức Tính thương ! Chị Hai đang ở Sài Gòn và sẽ về ăn đám giỗ ở Vĩnh Long , nếu các chị cùng về chơi dịp nầy chắc sẽ vui lắm … Năm mới em kính chúc các chị khoẻ mạnh, nhiều niềm vui, nhiều chuyến đi chơi xa khắp mọi miền đất nước !
Lâu rồi mới thấy trầu cau
Nhớ xuân của mẹ hương màu cõi thiêng!
PT.
Anh Phong Tâm kính mến ! Không biết trong Nam sao chớ ở ngoài em trầu cau là phẩm vật không thể thiếu trong các mâm cúng từ đám giỗ đến cúng đầu năm ( mồng 9 tháng Giêng ), cúng đất ( tháng 2 hoặc tháng 8 âm lịch ), cúng tất niên ( từ 16 tháng Chạp trở đi )… chắc do với ông bà mình ngày xưa : ” Miếng trầu là đầu câu chuyện … “.
Kính chúc anh và gia đình luôn an lành để tụi em được đọc nhiều những sáng tác mới của anh !
Ở trong Nam (riêng chợ Cái Mơn) gần mươi năm trước có một bà chuyên bán trầu cau. Khi bà mất, có một cô gái bán. Nhưng, những năm gần đây khó tìm thấy ai bán trầu cau ở chợ nữa. Một số đám cưới cần lễ vật cổ truyền (trầu, cau) phải đi tìm mua, mua cau dễ hơn mua trầu, vì trầu gần như chẳng thấy ai trồng, hầu như xứ Cái Mơn hiện nay không dễ gặp người già bỏm bẻm nhai trầu như xưa.
Mỗi lần giỗ mẹ, các con dâu gắng tìm, têm 1 dĩa cúng theo tục lệ để nhớ, hai năm nay chẳng còn, nên thấy hình người bán trầu của Như Thuỳ bỗng nhiên nhớ quá! Miền Trung, anh tin chắc vẫn còn tục cúng trầu lâu dài, cũng như miền Tây từ Cần Thơ, Sóc Trăng…có lẽ thường gặp hơn.
Cám ơn Như Thuỳ cho biết vài chi tiết được gìn giữ theo phong tục của vùng đất miền Trung. Chúc Như Thuỳ và gia quyến luôn mạnh khoẻ, thật hạnh phúc.
Anh Phong Tâm biết không , ở ngoài em số người già hiện còn ăn trầu cũng khá nhiều ( mẹ chồng em là một trong số đó ) . Thêm nữa, cúng kiến cưới hỏi gì cũng buộc phải có trầu cau nên không chợ nào là không có hàng trầu cau , chợ nhỏ ít nhất cũng một hai còn chợ lớn thì năm sáu và những tháng cận Tết cưới hỏi cúng kiến nhiều thì phát sinh thêm nhiều hàng hơn . Năm 2013, lúc em vào cưới vợ cho con trai ở Mỹ Tho, trước hôm chánh sính nhà gái điện cho ông xã em nói cho chế, miễn mâm trầu cau làm tụi em rất ngạc nhiên vì với miền Trung đó là phẩm vật chính trong việc cưới hỏi nên xin cứ y áng và nhờ họ tiếp tục đặt dùm . Ngoài em, không chỉ cưới hỏi nhất thiết phải có trầu cau mà cau còn phải thiệt đẹp , trầu phải thiệt tươi, buồng cau phải đủ 105 trái cùng với 105 năm lá trầu để ám chỉ trăm năm hạnh phúc . Thiệt tình, theo em chỉ cần tượng trưng là đủ , nhưng vì mong muốn tốt đẹp cho hạnh phúc của con nên cái gì họ nói tốt là mình nhắm mắt theo thôi ( Hi!hi! )
Phong tục bao đời đều có cái hay, cái đẹp của nó, Như Thuỳ à. Nét đẹp văn hoá thì cứ gìn giữ. Miền Nam dễ dãi cái gì chế được để giảm bớt rườm rà thì chế, do đó lớp trẻ sau nầy lần hồi quên hết nền nếp văn hoá xưa của ông bà để lại. Thời đại phát triển theo chiều hướng mới từng ngày là lẽ tự nhiên nên phải chịu thôi. Chỉ lớp người già như PT ưa hoài cổ nên buồn chút chút!