Những ngày đầu lên tỉnh học (kỳ cuối)

Ngày đăng: 26/01/2016 07:51:12 Chiều/ ý kiến phản hồi (20)

Một buổi chiều thứ bảy, tôi về Cầu Mới. Vừa về tới nhà thấy trong nhà có một chiếc xe Honda mới màu đỏ. Số xe 303 B, số nhà cô năm 303 đường Văn Thánh. Đứa em cho biết, má tôi mới mua của một người cùng chợ, tôi đã quên tên. Ông mua xe về chạy vòng chợ Cầu Mới. Sau khi tan chợ, chung quanh chợ Cầu Mới khá trống trải. Có thể chạy xe Honda vòng chợ. Chạy được một vài vòng, ông muốn ngừng lại, không thể ngừng. Ông la lên, bà con ai ngừng xe lại dùm tôi. Tưởng ông nói chơi, không ai giúp ông. Ông treo giải thưởng, ai ngừng xe dùm, tôi cho một trăm. Cũng không ai giúp, ông tăng giải thưởng lên. Một anh chạy theo, nhảy lên phía sau ông và ngừng xe lại được. Không biết người đó có lấy tiền thưởng không? Ông không muốn chạy xe Honda nữa và kêu bán xe.Sáng sớm Chúa nhật tôi chôm chìa khóa xe Honda, chạy thẳng về Vĩnh Long. Chiếc xe nầy đã đưa tôi đi nhiều nơi. Sài Gòn, Chợ Lớn, Vũng Tàu, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Sóc Trăng. Bạc Liêu, Cà Mau. Sau năm 75 tôi bán rẻ xe này lại cho chú năm Tân, trưởng ấp mới.

Untitled                              ảnh minh họa (nguồn net)

Hồng Lợi cũng có chiếc xe Honda Dame. Lúc lên Sài Gòn học, Hồng Lợi chạy đến văn phòng nạp giấy xin hoản dịch. Đậu xe trước sân, đi vào văn phòng nạp giấy vẫn để chìa khóa trong xe. Hồng Lợi không để lại  thẻ chủ quyền và mảnh giấy với hàng chữ: “Tặng người hữu duyên”  trên yên xe. Như người ta đã thấy trong những ngày cuối tháng 4 năm 75 tại bến Bạch Đằng.  Mặc dù không có mảnh giấy ghi tặng người hữu duyên, cũng không để lại thẻ chủ quyền.  Người hữu duyên nào đó, cũng mượn xe Hồng Lợi. Sau đó dịch cũng không được hoản, chiếc xe cũng biền biệt. Người hữu duyên không trả lại xe, buồn tình, Hồng Lợi vào Thủ Đức.

Cùng cấp đệ tứ 1,2,6,7,8 học Anh văn. Tứ 3,4,5,9,10 học Pháp văn. Cô Khanh dạy tứ 1,2,6. Cô chê lớp tứ 7 của tôi không ngoan ? Cô nhận dạy lớp khác.

Gần cuối năm đệ tứ, tôi và Hồng Lợi chọn ban A, cuối cùng Hồng Lợi muốn đổi qua ban B. Ban nào cũng được, nhưng Hồng Lợi đổi ban qua B, tôi cũng đổi theo. Chắc nạp lại hai miếng giấy chọn ban sát bên nhau, nên hai đứa được học chung B1. Tôi vần H và ư học B1, Kỳ Hồng vần H và ô học bên lớp B2.

Cuối năm đệ tứ, tôi và Hồng Lợi đi học lớp hè do anh Vân và anh Thảo đang học Sư Phạm dạy. Cùng học có Ngọc Lệ, Ngoan, Mai. . Đã liên lạc được Ngọc Lệ và Ngoan. Mai thì không ai biết, đã lưu lạc phương nào.

Hè năm trước, tôi, Hồng Lợi và Khanh học lớp hè do thầy Bảo dạy. Quen với Tuyết Lan, Sung và Loan. Phải học lớp thầy Nguyên dạy thì gặp Đặng Huệ rồi.

Gần bốn mươi năm sau gặp lại Tuyết Lan trong ngày họp mặt của hội cựu học sinh Tống Phước Hiệp Cali. Tuyết Lan hỏi thăm về Hồng Lợi và Dương châu Khanh. Lúc đó tôi chỉ biết Hồng Lợi đang ở Mỹ nhưng không biết ở tiểu bang nào và  cho Tuyết Lan biết Dương Châu Khanh đã tử trận hơn ba mươi năm.

Trong lớp hè thầy Bảo, tôi thường hay nhìn qua Sung, Sung đưa tay chỉ chỉ lên bảng. Tan học tôi hỏi Sung, hồi nảy chỉ lên bảng, ý gì vậy. Sung nói, giờ học phải nhìn lên bảng nghe thầy giảng, đừng nhìn qua Sung. Tôi nói, tan học rồi, thầy hết giảng rồi, được nhìn Sung phải không. Sung chỉ cười, không trả lời.

Nhà Loan ở trong cầu Ông Me, mỗi chiều Loan chạy chiếc Mobylette ra ngủ chung với Sung. Một đêm kinh hoàng năm 68. Một trái đạn quái ác rơi xuống đường Hùng Vương. Mảnh đạn tàn nhẩn đã cướp đi đời Sung. Loan nằm kế bên được bình an.

Chị Sung ơi, dẩu biết cuộc đời là vô thường. Chiến tranh đã cướp đi cuộc đời của chị và Dương Châu Khanh quá sớm. Chị và Khanh còn quá trẻ, đang yêu đời, lúc nào cũng tươi cười. Chị và Khanh ra đi vội vã, gieo niềm đau bất tận vào lòng bạn bè còn ở lại. Chị và Khanh yên giấc nhé, mãi mãi ngậm ngùi nhớ thương chị và Khanh.

Một sáng mùa Đông năm học đệ tam, trời lành lạnh. Đi học, tôi mặc thêm một chiếc áo ấm mỏng mỏng. Ấm và lạnh là hai tỉnh từ chỉ hai trạng thái đối nghịch nhau. Tại sao gọi cái áo ấm hay cái áo lạnh đều cùng nghĩa. Mùa đông Vĩnh Long buổi sáng lành lạnh một tí, vài giờ sau nắng lên rực rỡ xua tan cơn lạnh. Cảm thấy nóng lên, nhưng không thể cởi chiếc áo ấm ra. Nóng! nóng ghê ghớm, cắn răng chịu cơn nóng. Vừa tan học, cởi phăng chiếc áo ấm, đi nhanh ra cửa. Vừa ra cửa, thầy Tỏ thấy, bước nhanh lại phía tôi. Tôi vọt lẹ lại chiếc xe, rồ máy, quẹo trái chạy nhanh ra cổng, thầy Tỏ theo không kịp. Sáng hôm sau thầy Tỏ đi qua, đi lại lớp. Nhìn tôi, tôi nhìn lại thầy. Thầy đi luôn không nói gì. Hôm nay tôi đã thay chiếc áo trắng đồng phục rồi. Hôm qua tôi mặc áo sọc ca rô màu đi học. Vậy mà lúc đó tôi còn nghĩ táo bạo. Tại sao hôm qua phải chạy, tà tà đi ra. Bị thầy bắt, hỏi thầy, em mặc áo này từ sáng tới giờ, sao thầy để yên. Bây giờ tan học, ra khỏi lớp, em có thể không cần mặc đồng phục. Sau này nghe nói, thầy đuổi một nữ sinh ra khỏi trường vì cô đi học mặc đồ lót màu đỏ. Tại sao thầy không nhờ một cô giám thị làm chuyện “tế nhị” như thế này hay hơn.

Vừa mua quyển sách mới, tan học đi nhanh lại cô Tâm xin cô chữ ký. Cô nói tay cô dính phấn không hà. Nói với cô, dính phấn cũng không sao, đưa viết cho cô ký, tay cô còn dính phấn màu đỏ, quyển sách cũng dính  phấn đỏ. Nghe tin cô đã bay cao. Không biết đúng không? Trên cao cô có thấy, những đứa học trò của cô, vào tuổi cuối đời vẫn gắn bó liên lạc nhau, chắc cô cũng cùng vui.

Những năm học trước, một năm học sáng, năm sau phải học buổi chiều. Năm đệ tứ được học buổi sáng, qua năm đệ tam cũng được học buổi sáng. Hai năm liên tục học buổi sáng, tan học thường ghé nhà Hồng Lợi ăn cơm. Má tôi bận buôn bán không có thì giờ làm cá, ăn thịt quanh năm. Đến nhà Hồng Lợi được ăn cá chạch kho nghệ tuyệt vời. Nhất là món cá thu kho, chưa bao giờ tôi được ăn. Dù ăn ngon thế nào tôi cũng chỉ ăn được ba chén cơm, Hồng Lợi ăn khá hơn. Vừa ăn cơm xong bụng quá no, Hồng Lợi rũ đi uống cà phê. Sau Tết Mậu Thân tôi và Hồng Lợi bắt đầu ngồi quán cà phê. Ngày xưa thường ngồi quán Bạch Phụng xéo rạp hát Lê Thanh. Trong quán có chị Yến tóc dài, có nhiều anh lớn tuổi ngồi trồng cây si, lúc đó chúng tôi chưa biết gì. Đến quán cà phê, Hồng Lợi thường uống món độc đáo chưa thấy ai uống. Soda không chanh không đường không nước đá không ly không ống hút. Lúc đó ở Việt Nam cầm chai nước ngọt “tu” là không lịch sự. Nghe nói bên Âu Châu cũng vậy, chỉ có bên Mỹ là bình thường.

Có một câu chuyện vui: Nhà sư trẻ đi khất thực giửa trưa hè. Cảm thấy khát, sư ghé vào một nhà xin nước uống. Cô gái mang cho thầy chai nước, nhưng quên mang ra ống hút hay ly. Khá khát nhà sư cầm chai lên “tu.” Cô gái chợt nhớ, nói:

-Thầy đừng tu, để em lấy. .

Sư trả lời:

-Thôi đừng lấy, để thầy tu.

Cô gái nói;

-Thầy cứ tu, em vẫn lấy. .

Sư vui lên, trả lời:

-Nếu em lấy, thầy thôi tu.

Khoảng năm 1966 học sinh bàn tán xôn xao quyển Vòng tay học trò của bà Nguyễn Thị Hoàng. Tôi nghĩ chắc không riêng học sinh trường Tống phước Hiệp xôn xao, có lẽ học sinh toàn quốc đều xôn xao. Rồi thời gian sau đề tài đó cũng không còn nóng bỏng, mọi người cũng quên đi. Châu thành Vĩnh Long lần nữa lại xôn xao một câu chuyện có thật, không phải là tiểu thuyết. Cô giáo tiểu học dạy trường Thiềng Đức kết hôn với một người học trò học lớp hai ngày xưa của cô. Tuổi của cô giáo tiểu học và học trò thường chênh lệch nhau khá xa. Người học trò đó có thể nhỏ hơn tôi khoảng bốn tuổi, cô giáo có thể lớn hơn tôi ít nhất là tám tuổi. Nguyễn Thị Ly vừa cho biết, mối tình của cô giáo và người học trò vẫn còn bền vững, vừa mua lại căn nhà em dâu của Ly dưới dốc cầu Lầu.

Một ngày tan học Hồng Lợi rũ tôi chạy theo một chị cùng lớp. Chị chạy chậm chúng tôi chạy chậm, chị chạy nhanh, chúng tôi chạy nhanh theo. Chạy một khoảng đường chị ngừng lại. Chúng tôi đợi mãi chị vẫn chưa chạy, bỏ cuộc quay về. Hôm sau, gặp chị ngoài sân trường. Chị nói, hôm qua hai anh chạy theo, tôi ngừng lại đợi, chỉ nhà cho hai anh, sao hai anh quay về. Tôi chỉ cười không trả lời, nhưng nghĩ, phải biết vậy đâu có quay về. Hôm sau thong thả chạy theo chị về cầu Cái Cam, qua dốc cầu quẹo mặt, chạy vô một đổi. Chị ở cùng người chị và đứa em trong một căn nhà nho nhỏ nhưng rất gọn ghẻ xinh xắn. Tôi chỉ đến nhà chị một lần, sau này Hồng Lợi thường đến, vì hiếm khi gặp Hồng Lợi ở nhà như lúc trước. Sau này ở Sài Gòn, nhận được điện tín của Hồng Lợi gọi về dự đám cưới. Tôi thích quá! Trước sau gì cũng phải cưới vợ. Sớm kiếm được người ý hợp tâm đầu, chấp nhận chôn chặt đời trai bên hồng nhan tri kỷ. Thế cũng vui!

Chạy về dự đám cưới, nghĩ gặp lại cô dâu là người bạn học, chắc vui lắm. Về đến nơi, biết cô dâu không phải là chị bạn học ngày xưa, tôi hỏi Hồng Lợi chuyện ngày xưa. Nguyên văn câu trả lời của Hồng Lợi, bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Tao hỏi hoài mà cô ấy không trả lời.” Không biết Hồng Lợi khờ khạo, hay giả bộ khờ. Ở vùng quê, người con gái chấp nhận cho người con trai đến nhà nhiều lần, chấp nhận cho người con trai đến gặp mẹ, thì đã nghĩ đến chuyện ngày sau rồi. Ba cô ấy vừa mất, hai đứa học hành chưa tới đâu. Thương nhau phải ráng chờ thêm ít nhất là vài năm. Tôi nghĩ vậy, nhưng không nói cho Hồng Lợi nghe. Có nói cũng đã muộn rồi.

Trong lòng tôi luôn nghĩ Sài Gòn, tôi bắt đầu tích lũy tiền. Canh me xin tiền ba khi không có mặt má, xin tiền má khi vắng mặt ba. Khi có chìa khóa tủ, chôm được số tiền nào, nghĩ là lấy đi má không biết. Má thường đếm mỗi sắp một ngàn, bó mười sắp lại. Những số tiền nào má chưa kịp đếm, lấy một ít, nghĩ là má không biết. Có lần lấy trọn bó mười ngàn, nghĩ rằng má cũng không biết. Ăn cắp được tiền nhiều mới thấy lúng túng, không biết giấu nơi đâu cho an toàn. Bao những quyển sách, bỏ giửa bìa sách và giấy bao, cũng không thể để nhiều. Lấy bộ đồ cũ, xếp lại để tiền trong bộ đồ, đặt bộ đồ cũ dưới đáy rương, cũng chưa hết. Đi đâu cũng kè kè số tiền, không qua mắt được cô năm. Một hôm ra sau giặt đồ, trở vô mất một số tiền lớn, còn lại một số đủ xài khoảng hai tuần. Yên lặng chứ đâu dám nói cho ai hay. Một hôm ba tôi từ Cầu Mới lên thăm, cô năm đem số tiền tôi đã mất đưa lại cho ba tôi. Ba tôi nói cô năm trả lại tôi số tiền đó. Ba tôi nói với cô năm, má tôi đã cho ba tôi biết, tôi đã lấy nhiều tiền lắm, má tôi không biết chính xác là bao nhiêu. Khi cô năm đưa lại tôi sáu ngàn, tôi mới biết tôi đã mất sáu ngàn, thật sự tôi cũng không biết mất bao nhiêu. Ba tôi chỉ nói với tôi, ở quê có nhiều người kiếm năm ngàn làm vốn cũng chưa có. Sau đó tôi cảm thấy khỏe, lấy ra hết số tiền cất giấu, gởi hết cho cô năm. Cô năm hỏi ăn cắp số tiền lớn để làm gì, tôi vẫn không nói lý do.

Gần cuối tháng tư có kết quả thi đệ nhị lục cá nguyệt. Thầy Thọ đến lớp phát cho mấy tấm bằng tưởng lệ xanh, đỏ cho những người có điểm thi từng môn từ hạng nhứt đến hạng ba. Phát luôn kết quả của tháng trước, lần lượt thầy phát cho tôi bốn tấm. Khi gặp lại thầy, tôi nhắc lại kỹ niệm ngày xưa, những ngày cuối tôi học tại ngôi trường Tống phước Hiệp. Tôi không nhớ những tấm xanh, đỏ gọi là gì, hỏi thầy, thầy cũng không nhớ.

Mua bản đồ Sài Gòn, Chợ Lớn, lần đầu tiên chạy xe Honda lên Sài Gòn, chạy thẳng VũngTàu thăm ba tôi đang thụ huấn tại rừng Chí Linh. Trở về Sài Gòn ghé bà dì, em ruột bà nội tôi, nhà ở đường Trung Dũng gần chợ Cây Thị. Tôi nói với người chú, ý định về Sài Gòn học. Chú nhờ người bà con cũng có chút địa vị, dẫn đến xin học ở ngôi trường dành cho con quân nhân, công chức. Tôi trình bày lý do, tôi ở trọ nhà người cô đi học, nhà quá đông, trên mười người, nhà bà nội ở Sài Gòn chỉ có ba người. Văn phòng trường hỏi học bạ và giấy tờ chứng minh ba tôi là quân nhân hay công chức. Tôi đưa mấy tấm xanh, đỏ mang theo để khoe ba tôi và tấm giấy trung tâm huấn luyện ở rừng Chí Linh cấp cho tôi được phép vào trại thăm ba tôi. Văn phòng trường chấp thuận cho tôi học đệ nhị niên học tới, vì sắp bải trường. Niên học tới phải bổ túc thêm giấy tờ đầy đủ. Niên học sau Hồng Lợi học nhị B một tại Tống phước Hiệp, tôi học nhị B1 ở Sài Gòn, chấm dứt những ngày tháng lên tỉnh học.

Tôi trở ra Vũng Tàu cho ba tôi hay. Ba tôi rất yên tâm khi tôi ở chung với bà dì. Ba tôi hỏi, có phải số tiền ăn cắp để dự trù đi Sài Gòn? Ba tôi cũng nghĩ nhà cô năm quá chật, nhưng vẫn không biết tính sao. Ba tôi cũng biết tôi thường lui tới với Hồng Lợi và cũng biết Hồng Lợi ở một mình bên cầu Đào. Ba tôi nói với má tôi, tuổi của tụi tôi chưa ở một mình được. Giả sử như Hồng Lợi không ở một mình trong một căn nhà, cuộc đời của Hồng Lợi chắc chắn đi hướng khác.

Hoàng Hưng

 

Có 20 bình luận về Những ngày đầu lên tỉnh học (kỳ cuối)

  1. Neang Phi Rom nói:

    Đọc bài Hoàng Hưng làm tôi nhớ lại lúc lên tỉnh học, thường mẹ tôi gởi tiền cho tôi, cứ 10 tờ vô một xấp, có một xấp mẹ để lộn tới 11 tờ, giờ nghe HHg kể chiện làm tôi nhớ lại quên nói với mẹ, khi đếm tiền nhớ kỷ hơn… mẹ tôi đã mất lâu rồi…hic hic

    Hoàng Hưng kể chiện thời cắp sách, nhiều kỷ niệm vui buồn, nhớ vanh vách , hay thiệt, buồn nhất có người bạn đã ra đi khi còn quá trẻ, tràn đầy sưc sống…

  2. nguyễn thị đức tính nói:

    Anh Hoàng Hưng kính mến, những câu truyện kể chân thực của anh thật cuốn hút người đọc. Có khi khiến rơi nước mắt, có khi làm cười muốn nôn ruột một mình giữa đêm khuya thanh vắng. Em muốn nhắn là : Thôi, anh viết chậm chút để em theo. Anh viết nhanh quá , sao em theo kịp. ( Theo tốc độ và phong cách viết đáng ngưỡng mộ của anh đó. hihihi ).

    • Hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Đức Tính. Có một điều này chắc chắn  một trăm phần trăm, một ngàn bài viết của HHg không bằng giá trị một bài viết của Đức Tính.

  3. Lyhuong nói:

    Sáng sớm ,khu phố còn ngủ,yên tĩnh, đọc hai lần bài của  Út Hưng -thấm thía .Đề nghị nhà văn H.Hưng của chị ba  xuất bản thành sách ,chị xin xí trước một cuốn .

    • Hoàng Hưng nói:

      Dạ! chị Ba, nhưng HHg vừa hỏi, chẳng có nhà in nào chịu in quyển sách dầy có 20 trang.  Chúc chị và anh luôn khỏe

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thấy chữ “kỳ cuối” , tiếc quá!

    Bao nhiêu vui buồn, tính toán, lo toan

    của một quãng đời học sinh đáng nhớ!

    Một trò nhỏ có chí lớn, út Hưng !

    • Hoàng Hưng nói:

      Thưa chị 11, phần cuối đã viết xong, còn phần đầu chưa viết chị 11 ui. Chúc chị ăn Tết vui vẻ. (Đừng quên lì xì em út)

  5. Hoành Châu nói:

    Chuyện kể thật ly kỳ ,,,  VÀI ĐIỂM HƠI  VÔ  LÝ , ý ” độc ”
    ,,1/ Ông   sư    gì  mà   nói    chuyện  nhiều    như     vậy  !!
    2/   Chiếc  xe   máy  này  không  biết  thắng ( mới nghe   xốp dẽo ),, chỉ   có   trong   chuyện   kể   của   ÚT   Hoàng   Hưng thôi  !
    Đúng là  chúng ta gặp  phải   nhà văn  cực   HÀI   rồi.      Kakaka !  14 Hoành Châu  (Gia đình C  )

    • Hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Cát Cát nhiều. Cát Cát mở youtube xem: “Ni trưởng chùa Long Khánh đánh ni cô vì 2 đòn bánh tét” hay lắm. Chúc Cát Cát ăn Tết dzui dzẻ, mạnh phẻ, hỏng có ghẻ.

  6. Hoàng Hưng có lối viết thật độc đáo, viết lan man từ chuyện này kéo sang chuyện khác làm người đọc hụt hơi, tưởng chừng như chuyện được kể không mạch lạc nhưng thật ra lại là rất ư mạch lạc trong cái không mạch lạc đó. Đó cũng là ưu điểm để lôi cuốn người đọc từ giòng đầu đến giòng cuối……..

    Cô Chín hãy nhốt Hoàng Hưng trong nhà, đừng cho đi ra ngoài nhiều để HH có thời giờ sáng tác thêm những bài viết hay cho mọi người cùng thưởng thức. Đọc giả sẽ vừa đọc vừa ngậm ngùi, vừa đọc vừa phải cười vì lối viết có một không hai của HH.

    Cô Hồng-Khanh

     

    • Hoàng Hưng nói:

      Kính thưa cô. Cám ơn cô khen thưởng. Mùa Đông sau khi đưa Tommy, Gia Bảo đi học, rãnh được mấy tiếng, viết được chút chút. Trời ấm dần cũng hết rãnh rồi cô ơi. Chúc Thầy Cô sức khỏe an khang.

  7. My Nguyen nói:

    Anh Hoàng Hưng ơi! Trí nhớ của anh thật tuyệt vời. Câu chuyện đã lôi cuốn người đọc qua từng chi tiết nhỏ. Có vài chỗ khôi hài đã tăng thêm tính hấp dẫn… MN cũng biết mối tình của cô giáo với học trò trong câu chuyện của anh. Mối tình ấy đến nay vẫn bền vững. Họ đã có cháu nội ngoại đông vui. Cô giáo đã già, ông chồng trẻ hơn nên lúc nào cũng đỡ đần cho vợ…

  8. vothilai nói:

    Đọc bài viết của anh Hoàng Hưng rất thú vị,như cô Hồng Khanh nói anh viết từ chuyện nầy sang chuyện khác  làm người đọc theo muốn hụt hơi.Chuyện kể có lúc đọc thấy bùi ngùi,có lúc mắc cười,anh Hưng giỏi thiệt rất tiếc bài nầy là kỳ cuối. Anh nói mối tình cô giáo và học trò không biết phải là cô giáo dạy em hồi lớp Ba ở trường Phú Qưới ngày xưa không,cô giáo em là cô Đào cô ăn chay cô rất hiền,cô đã có cháu nội ngoại cuộc sống cô rất là đầm ấm hạnh phúc.Tụi em muốn đọc thêm bài viết mới của anh.

    • Hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Lài nhiều. Lài khỏe không? Hồi anh học lớp tiếp liên trường Thiềng Đức, cô Đào dạy lớp tư. Hình như lúc đó cô Đào đã ăn chay trường rồi. Chúc Lài ăn Tết thật vui.

  9. Phong Tâm nói:

    Tôi nghĩ Hoàng Hưng viết rất thật (tất nhiên chuyện kể nào cũng có chút hư cấu tạo thêm sức hấp dẫn). Về vụ chạy xe máy không biết thắng và giảm ga tay là có thật trăm phần trăm. Ở quê tôi khoảng năm mấy sáu mươi? (không nhớ rõ thời gian) có 1 ông Y tá tư sắm chiếc Vét-Pa tập chạy… không biết ngừng, bà con ở gần lộ phải căng dây cho ổng ngã xuống đám cỏ, may mà chạy chậm. Sau 75 ( mới tiếp quản) có 1 ông “Cán” mê chiếc Honda đen của UB xã dùng chung. Chiều vắng, ông hỏi cách chạy vòng quanh chợ, chạy được, muốn ngừng lại quên thắng, tắt máy, hoảng quá ông chạy thẳng xuống sông bến chợ, vậy là xe uống nước người lội vô an toàn.

    • Hoàng Hưng nói:

      Cám ơn Đại ca nhiều. Vậy là câu chuyện người chạy xe không biết thắng do đứa em khoảng 13 tuổi kể lại, chắc là có thật. Chúc Đại Ca nhiều sức khỏe.

    • Như Thuỳ nói:

      Anh Phong Tâm ơi, hồi ở Vĩnh Long, lúc xe Honda mới nhập về ba em có mua một chiếc . Em xin ba dạy em chạy …  Đến vòng ba cho chạy một mình em quên mất cách thắng để ngừng, vậy nên cứ chạy vòng vòng hoài lại rú lộn ga , hồn vía lên ngọn cây … réo ba inh ỏi . Kỷ niệm kinh hoàng đó em nhớ tới giờ !

  10. Phong Tâm nói:

    Vậy là Hoàng Hưng đã có thực tế của Như Thuỳ xác nhận rồi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác