Thông Dịch Hay Mắc Dịch (Kỳ 3A) Rảo Bước Giang Hồ

Ngày đăng: 20/09/2015 12:12:15 Sáng/ ý kiến phản hồi (18)
Nếu chỉ xét riêng cho đám nhóc về vụ mê truyện kiếm hiệp như thằng bạn ở xóm Chùa vào những năm một chín sáu mấy. Và cũng nếu các bậc giám khảo đồng ý cho thằng đó ‘đít bon’, thì mình cũng vớt được 2 hoặc 3 điểm. Tuy là dưới xa ‘moi-den’ của thằng bạn ở chỗ ghiền truyện và nhiều mặt khác, nhưng mình không hề ganh tị. Bởi nó là con độc nhất của gia đình khá giả chỉ có hai mẹ con. Sáng sớm nào má nó cũng phải ra mở cửa ki-ốt bán dụng cụ học trò và hàng hoá ‘ba-za’ ở nhà lồng chợ quận Tam Bình. Nó thức dậy là có sẵn một ly sữa ‘con chim’ đầy nhóc cao nghệu được quấn ủ bằng cái khăn nỉ trong tủ gạc-măng-rê. Ly sữa có pha thêm chút chất bột ca cao hiệu ô-val-tin ngon đặc biệt. Mà đôi lần hồi lâu lâu lắm, nó từng cho mình hớp ké ngụm sữa nóng với lời nhắc rất dễ giận: “ít ít thôi nghen mậy”.

Gia đình mình có anh chị đi học và đi làm ở tỉnh thành xa, lúc đó nhà chỉ còn mình và thằng em út nhỏ hơn 5 tuổi cùng sống với ba má. Thân ốm tong lúc 9-10 tuổi đã thành thạo việc nhà. Hàng ngày mình được giao việc rửa phin và ly cà phê sáng của ba vừa uống. Công việc tiếp theo là tháo ra và rửa thật sạch mấy cái lon nhựa đựng nước và các máng thiếc đựng thực phẩm treo bên hông hai cái chuồng gà lông đỏ nâu giống Niu Ham-sơ, rồi mang tất cả những những vật lon ton lỉnh kỉnh đó dựng dựa vào hàng rào kẽm gai. Má dặn là nếu có thể thì phía lòng máng phải quay về phía ánh nắng để diệt trùng. Nếu bữa nào nước lớn đầy sông vào buổi sáng, mình phải tự biết xách nước sông sau nhà đổ đầy thùng phuy để lóng phèn xài mỗi ngày. Cạnh chân thùng phuy có cái bục nhỏ bằng gỗ, giúp mình bước lên đó cho đủ chiều cao để có thể nghiêng trút chiếc thùng thiết tròn dung tích 10 lít nước phù sa sông Măng Thít. Vì không có lệ ăn sáng, cả nhà ăn cơm trưa lúc 10 giờ. Cơm chưa qua khỏi mề, mình bắt tay cọ nồi rửa chén dĩa úp vào rỗ gọn gàng và đem phơi nắng. Rồi xoay qua công việc sinh kế gia đình là giúp má làm gì đó hoặc đánh trứng cho xô bột đầu tiên trong ngày. Xong xuôi các thứ thì chuẩn bị đi học ở những ngày chưa tròn 12 tuổi lúc mới vô đệ Thất.

Thằng bạn mê truyện và mình cùng một thời lớn lên trong hai nhà sát vách, nhưng hai cuộc đời không đồng mạng. Thằng bạn đó mới thật là công tử bột lọc, ngoài việc đi học cùng lớp với mình, nó không đụng móng tay vào việc nhà. Bởi vì mỗi ngày má nó đã nhờ chị Sáu lối xóm đến nhà để nấu nồi cơm lúc khoảng 10-11 giờ và hâm nóng nồi thức ăn mà má nó nấu từ hôm qua như nồi thịt kho trứng hay nồi canh giò heo hầm đậu phộng và củ cải muối hay măng tre xắc lát. Chị Sáu cũng lo việc quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo và các công việc lặt vặt khác. Thời giờ từ lúc thằng công tử nầy mới thức cho đến giờ đi học là ăn uống nhanh chóng xong là nằm trên chiếc ghế dựa để xem truyện xưa và kiếm hiệp. Tan học về đến nhà, lúc mình bận rộn rửa chén giặt đồ, thì nó tiếp tục luyện chưỡng đến đỏ đèn. Ít khi mình thấy nó cầm đến sách vở, vậy mà nó học giỏi nhất lớp và dĩ nhiên là vượt trên mình xa lắc. Thằng công tử đó có trí nhớ đặc biệt, nó chẩng những làu thông, mà còn nhận xét phê bình tường tận từng chi tiết nhỏ trong các pho truyện Tam quốc chí, Đông châu Liệt quốc tự đời thuở nào. Lúc nó được 14-15 tuổi, hễ có dịp  thì nó rất tự tin xía miệng vào những trận ‘giang hồ võ luận’ với chú bác lão thành trong những đêm tụ họp bà con trước ngày đám tiệc. Nó thao thao với người lớn thì mình hoàn toàn bù ngắc, chỉ biết ngồi nhóc mỏ phục lăn.

Mình biết mê truyện kiếm hiệp sau biến cố tết Mậu Thân và nhờ thằng bạn công tử đó. Thời gian mà chiến sự xảy ra khắp các thành thị gây cho trường mình học phải đóng cửa. Bị cha mẹ cấm ngặt không cho chạy rông la cà khắp xóm trong những ngày nghỉ học của thời yên bình mấy năm trước. Một chàng trai 16 tuổi hiếu sự phải bó giò vùi đầu xem truyện chưỡng tại nhà thằng bạn, loại truyện dài vô tận được in từng kỳ mỗi ngày trong đống báo cũ. Mở đầu món mới có quá nhiều thuận lợi. mình nghiện kiếm hiệp một cách êm đềm trơn tru bằng truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của nhà văn bác sĩ Kim Dung như một ý trời dung rủi. Từ sau cái tết binh lửa, mỗi ngày mình thêm việc là chờ thằng bạn chưa kịp bỏ xuống khỏi tay tờ báo mới, có bữa cầm tờ báo về nhà, vừa đi vừa đọc ngấu nghiến.

1985, nhà mình nằm trong vùng lùi xa chợ huyện. Cả xóm chỉ một hai nhà có TV, và ánh sáng đèn điện chỉ là niềm mơ ước của đa số dân quê. Nhà không có máy móc điện đài để giải trí, mấy đứa con nhỏ lại thích nghe chuyện đời xưa. Vốn liếng chuyện cổ tích của vợ chồng mình nghèo nàn và trống lõng như cái mái lá trên nền đất long chong. Và thật là tội nghiệp cho mấy cha con khi nghe lời nói bé bỏng thật lòng: “Ba đặt dóc chuyện gì cũng được, tụi con cũng khoái nghe”.
Thời gian chậm trôi mang theo gia đình lùm đùm ấy, nhưng bây giờ đám con nít hôm xưa đã lớn. Lúc nầy vị trí người nghe và người nói đã thay đổi mức độ chất lượng từ ngang ngữa đến thất thế trong những buổi gia đình nói chuyện vui chơi tản mạn:
– Hồi tụi con còn nhỏ, ba hay kể trích đoạn truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, bây giờ nghĩ lại mới thấy rất nhiều điều vô lý.
– Tao quên cốt truyện đó nhiều rồi, đứa nào nói rõ chuyện gì.
– Cảnh tượng ba cho rằng tiêu biểu nhất của pho truyện rất ăn khách của Kim Dung, cái ‘scene’ ưng ý mà ba kể hoài thế nầy: Lúc đó Lệnh Hồ Xung mang nội thương trầm trọng, người không còn mấy hơi sức. Hắn gắng gượng đứng chống mủi kiếm xuống đất giữa vòng vây của 15 tay sát thủ mặc quần áo và khăn bịt nửa mặt toàn đen với đao kiếm hờm sẵn trên tay, có lẽ họ chờ nghe lệnh tên trưởng toán là cùng xông vô chém Lệnh Hồ Xung tan thành trăm mảnh. Lệnh Hồ Xung nhìn thân thủ lúc họ mới xuất hiện và cách bao vây của bọn người nầy, anh ta nghĩ rằng hôm nay khó mà thoát chết. Lệnh Hồ Xung xoay người đảo một vòng và dừng lại nơi người có cột chiếc dây vải đỏ nơi tay. Lệnh Hồ Xung nhận thấy 15 cặp mắt toé lửa chiếu thẳng về anh ta. Trong giây phút ngàn cân treo dưới sợi tóc, Lệnh Hồ Xung chợt nhớ đến kiếm pháp dùng phá thế ‘Bách thủ phi tiêu’ từ nhiều hướng ném vào một người cùng lúc, một trong những tuyệt kỷ mà anh ta vô tình học được trên vách đá thạch thất bí mật trên đỉnh Hoa Sơn. Nghĩ là làm ngay, Lệnh Hồ Xung không để bọn kia kịp ra tay và anh không cho phép mình thất bại. Người ta chỉ thấy đôi vai Lệnh Hồ Xung lắc nhẹ và ánh kiếm quang loé lên như chớp giật. Trong chớp mắt, 15 tên sát thủ cùng buông vũ khí mà ôm mặt nhào lăn lộn trên mặt cỏ. Và sau đó chúng có những hành động đau đớn và hoảng loạn như những người đột nhiên bị chọc mù đôi mắt…
– Ba có nghĩ rằng chuyện không tưởng?

– Ông vua kiếm hiệp viết cho hàng triệu người đọc như vậy, tao đâu tự ý kể thêm kể bớt. Vả lại tao có biết chi là võ thuật, mà ở đó tưởng hay không tưởng.

– Nước sôi trong ấm điện rồi kìa ba ơi, luôn tiện ba cho con tách cà phê ‘3 in 1’. Cha con mình từ từ bàn luận nhé.

Một Lúa

0 0H

 

Có 18 bình luận về Thông Dịch Hay Mắc Dịch (Kỳ 3A) Rảo Bước Giang Hồ

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Hồi nhỏ không luyện chưởng nên suýt rớt đài vì một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ

  2. Một Lúa nói:

    Anh Cả ui,

    Năm thi tuyển vào lớp đệ Thất đó, có người quen cho ba tui biết bài thi luận văn ‘cả tàu không ăn cỏ’ của tui chỉ được 1 điểm. Và thiệt sự là tui đã rớt tuốt tuồn tuột. May nhờ có 10 đứa thi đậu xin chuyển trường, nên tui là 1 trong 10 đứa được đôn lên để điền vào chỗ trống. Khởi đầu gian nan và mỏng manh như tờ giấy pô-luya mỏng tang danh sách ‘Thí sinh đậu vờt’. Ui bùn như tiếng vạc trong trăng…mùng sáu. hihihi

  3. Phan Lương nói:

    Mê luyện chưởng hèn gì nội công thâm hậu qué xé luôn.

    Viết một loáng đọc muốn hụt hời rùi cười một mình luôn.Đúng là con hơn cha nhà được phúc lớn nhát

  4. Nguyen van lan nói:

    Không biết tui có phải được đậu vớt hong, mà danh sách niêm yết là 112/114. Hú hồn !

  5. Một Lúa nói:

    Anh Cả vô vàn kính iu của tui ui,
    Năm thi đó, tên nào đậu từ hạng 80+ hoặc là rớt, mới biết bảng ‘dàng’ chỉ có 100.
    Anh Cả nói đậu 112/114 chỉ là ‘giả vạn thường dân, dã doi an ủi ngựa chứng trong sân vườn thui’. Nhưng cũng cảm ơn anh Cả hạ nhiệt xuống đồng ‘level’ với mình. hihihi

  6. Hoài Thương nói:

    Ông gì đó mê truyện chưởng thì cũng o.k, nhưng còn huynh lúc đó mê cái gì vậy huynh ?hi,hi.

  7. Một Lúa nói:

    Bạn Hoài Thương, thương hoài ui,

    Nó thì mê: cờ tướng, bi-da, tán gẫu, v..v… hihihi

  8. HLan-75 nói:

    Anh Hoài Thương tin hông thì hông biết nhe, chứ tui thì  không rồi đó,ai đời nhỏ xíu mà đi mê mấy “chiện” già chát!

  9. Hoài Thương nói:

    Chị HLan75 ơi, nếu mê bida, cờ tướng , tán gẫu thì cũng o.k, HT cứ sợ mê thứ khác thì mệt hơn nữa đó chứ, thí dụ như : “mê tán gái”…..hi,hi.

  10. My Nguyen nói:

    Anh Một Lúa ui, anh nói về truyện kiếm hiệp, MN có biết gì đâu, hồi đó chỉ mê truyện tình cảm không hè! Chỉ xin góp ý với anh một câu, sao anh không nhắc lại lời nói của đứa con bé bỏng ngày nào:”Ba đặt dóc chuyện gì cũng được, tụi con cũng khoái nghe”! Thế là xong, tranh cải với con làm gì. Hi hi…

  11. Hoành Châu nói:

    Nghe chưởng phong bay vèo vèo, né riết cũng mệt ngất ngư. Sao   không viết chuyện tình cảm cho nó êm đềm, tác giả ôi !!!           Hoành Châu  (Gia đình C )

  12. Như Thuỳ nói:

    Anh Một Lúa ơi , ngày xưa đám con nít nhà anh nói :” Ba đặt dóc chuyện gì đi cũng được, tụi con khoái nghe …” . Nay, nhiều người ( trong đó có NT ) nói : ” Huynh đặt dóc thêm chuyện gì đi cũng được , tụi này khoái nghe …” ( Hì!hì! )

    • Một Lúa nói:

       

      Như Thuỳ,

      Từ ngày đám nhỏ biết tẩy, tui bỏ tật dóc rùi NT ui. Mà chiệng thiệt của Lúa thì nó mỏng tang như tờ giấy… giấy gì đây ta. hichic

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác