Không May Mắn (Thông Dịch Hay Mắc Dịch. P2)
Ngày đăng: 2/09/2015 06:20:51 Sáng/ ý kiến phản hồi (23)
Thứ bảy mới vừa qua, ông mặt trời thức muộn, đã 7 giờ mà ngoài sân còn sâm sẫm mờ mờ. Hình như thiếu tiếng những con chim chảo chẹt gọi nhau chào bình minh vui tai. Những âm điệu trầm bổng, dân quê ấp Năm ngày xưa theo đó chế thành lời nhạc “tía chửi tao, tao chửi tía”. Phía xa lộ liên quận cách nhà mình khoảng non trăm mét, cũng không nghe tiếng vỏ xe rít trên mặt đường ào ào rẹt rẹt như những ngày bận rộn. Trong không khí dịu mát yên bình sáng sớm ngày cuối hè, vạn vật còn say ngủ trên địa phương quê mùa nhỏ bé nầy, thời gian riêng tư của nhiều thứ giác quan và tinh thần của mình đang hòa quyện với hương vị ly cà phê “4 trong 1” đầu tiên trong ngày. Tâm tư lan man phấn chấn cho một ngày nghỉ ngơi rảnh rổi, đột ngột vang lên âm thanh trong trẻo từ lưng lững thang lầu.
– Đợi nắng lên một chút, khoảng 8-9 giờ, anh cắt cỏ dùm, xong xuôi vô nhà tắm rửa rồi lái xe cho em đi chợ mua thức ăn.
– Giờ đó tắm luôn ngoài sân, vô nhà chi cho hao nước phông-tên.
– Anh muốn nói trời mưa. Hồi hôm trước khi ngủ, em còn xem dự báo thời tiết nói hôm nay chỉ có mười phần trăm mưa vùng mình. Chắc là không mưa đâu.
– Đúng rồi, không mưa đâu, chỉ mưa đây thôi. TV mới nói 9 giờ bắt đầu mưa rào, tiếp theo từng đợt mưa phùn sẽ đến và đi từng thời điểm và kéo dài đến 4 giờ chiều.
– Đúng rồi, không mưa đâu, chỉ mưa đây thôi. TV mới nói 9 giờ bắt đầu mưa rào, tiếp theo từng đợt mưa phùn sẽ đến và đi từng thời điểm và kéo dài đến 4 giờ chiều.
– Vậy mình đi chợ cho sớm, ăn cơm trưa xong thì đi tới nhà thằng Tí xem có giúp được gì.
– Tuần trước anh nghe lời em mang càng tôm tới, có thằng nào cho làm gì đâu. Rớ vô việc gì tụi nó cũng từ chối. Cái nầy nặng lắm, cái kia khó lắm. để tụi con làm, ông Tám ngồi chơi cho phẻ. Tui chưa lụm cụm mà con cháu muốn loại mình ra khỏi vòng quay xã hội.
– Ủa, hôm đó thấy ông bèo nhèo, áo quần lem luốt mà nói là tới để ngồi chơi xơi nước hay sao?
– Ừ, tui buồn tình định bỏ về, mở cửa vòng ra sân sau cho đở bực. Ôi thôi rác rưới tùm lum, nào vỏ xe cũ nuôi muỗi bay đầy, nào lò nướng gãy càng bung nắp, máy móc nhà bếp vất tùm lum, xe đẩy con nít nằm chõng gọng, chai lọ vương vãi lềnh khênh, dụng cụ thể dục nặng như chì. Tui một mình dọn đám rác hơn 2 tiếng đồng hồ, đổ mồ hôi mà không thấy thằng nào chạy ra phụ tay hay kêu ông Tám ngồi nghỉ.
– Ông trách chi con nít, để tui trả ông 8 đô rưỡi cho mỗi giờ lụm rác nghen, giá lương tối thiểu của tiểu bang mình.
– Giá đó trả cho việc lụm rác vỏ kẹo, đầu lọc thuốc lá vòng vòng bệnh viện hay công sở, nhàn nhã như công tử dạo huê viên. Còn vụ dọn đám rác thập niên ở nhà thằng Tí mới mua, bà trả tui 20 đồng một giờ cũng chưa đủ đô, đủ độ. Bà sửa soạn đi chợ cho sớm, hôm nay trời mưa bà cho tui ngồi nhà lên mạng.
– Ông làm ơn đừng yêu đương lãng mạng kiểu “năm em mười sáu tuổi”, làm phước cho bà con nông dân xóm ấp.
– Bà không chịu lên mạng xem thơ văn người ta còn ướt át tình tứ, đậm đà tha thiết hơn tui nhiều.
– Người ta trẻ, còn ông mấy bó biết hông.
– Sao bà biết người ta còn trẻ.
– Nếu không trẻ thì người ta cũng làm thơ từ nhỏ quen tay, nghe được. Còn ông hồi nào chưa từng viết cái thơ. Ý quên có chứ, thời ông đi lính, bộ rảnh rổi lắm sao mà viết cả đống thư rải đều trong chương trình “Lá thư tiền tuyến”. Tui xui xẻo đọc được tuồng chữ xấu như ma, văn chương toàn là tân cổ nhạc. Con nhỏ bạn thấy bao thơ nhà binh xanh xanh có in hình chàng lính trẻ đội nón sắt, tay cầm súng nhảy dựng co một giò. Nó mê tít năn nỉ tui, chị không thích thằng nầy thì để em hồi âm, tội nghiệp người ta nắn nót chắc là vất vả lắm. Phải không có con nhỏ đó thì tui dấu biệt thơ của ông rồi, tui nghĩ bỏ qua cũng uổng và có chút háo thắng với nhỏ bạn. Thế là em gái hậu phương nầy viết ít chữ chọc ông cho đỡ buồn. Con nhỏ bạn tui, mấy năm sau nó cũng lấy chồng lính, bây giờ người ta ra sao thì ông thấy rồi..
– Tui tự biết mình dở trăm bề, hy vọng kiếm được cái gì để gọi là cân bằng tâm lý. Việc gì bà cũng giỏi là nhờ có thiên tư. Còn tui mọi việc mỗi tệ, lại không được nâng đở thì biết ngày nào chui ra khỏi vùng lá ủ.
– Tui mê ca hát mà chưa bỏ đói ông bữa nào à nghen, đừng ở đó nói móc. Tui vừa gọt mướp vừa ca hát giải buồn số phận, ông có thể vừa làm thơ vừa rửa chén được không.
– Sao không. Một Lúa cọ nồi “Một tay nắm chặt chùm xơ mướp. Uy dũng như ngày giữ giáo gươm”, bà chưa ngán tui sao.
– Bữa đó ông hên đột xuất, cũng nhờ tôi châm vô mấy câu tháo nghẹn cho ông. Chứ ông làm gì có nội hàm. Ý quên, bây giờ người ta nói là nội lực, hay nội công gì đó. Bài đó tui góp nửa phần, vậy mà ông đành lòng ký tên 1 lúa, lẽ ra phải là 1 lúa bảy lăm.
– Bà muốn hùn chấm bảy lăm, thì thử thả lỏng cho tui gõ ít bữa, biết đâu có ngày nhờ phần đầu tư của bà mà tui trúng mùa lúa trổ.
– Ông lo tiền chợ đầy đủ, việc nhà trôi chảy, thì ai dám xeo nại thì giờ online quí báu của ông. Nè, thằng Tí mới text trong máy, nhờ ông sáng nay tới chỉ nó mua sơn, Ông tám của con nít hài lòng chưa?
– Thì ít ra tụi nó cũng nể câu ra đường hỏi người già cả.
– Già hơn trái đất, bỏ qua vụ kinh nghiệm đi tám mình ơi. Bây giờ người ta hỏi Google mỗi việc nhỏ như mẹo trị ho hay cách kho nồi mắm, việc lớn như nhờ GPS chỉ đường tới mọi hang cùng ngỏ vắng từ nước Mỹ bao la cho tới xứ Congo vắng vẻ. Dở tiếng Anh như tui, đôi khi cũng nhờ nó thông dịch.
– Haha, Google của bà thông dịch thông thái quá, hôm trước ổng dịch “Cây Gạo đại thụ” của bà con, có dịp cho dân ấp năm tui cười lăn.
– Tại người đưa thông tin không phân tích rõ, không ai dịch danh từ riêng. Tui thí dụ: ông Điển làm thợ hồ, dịch đúng từng chữ sẽ như thế nầy “Mr. Electricity is a lake worker”. Muốn dịch chính xác, cần phải hiểu ý câu và thay thế tiếng mẹ đẻ cho các từ Hán Nôm và từ mượn ngoại quốc. Cũng như tôi hiểu chữ điển mà ba má đặt tên cho ông không phải là điện.
– Tui là người Việt nói tiếng ta mấy chục năm mà gặp mấy câu nầy cũng muốn ngọng. Bà nghe 2 câu tiêu biểu nghen: Người Việt ở xứ người ta, chỉ nói tiếng mình. Người Việt ở xứ người mình, chỉ nói tiếng ta. Câu chữ đơn giản, nhưng tui cứ nghĩ hoài về 2 từ ta và mình chéo qua xỉa lại trong đó có nghĩa lý thâm sâu thế nào.
– Thôi, nghĩ không ra dễ sanh bịnh tâm tư hay làm da mặt nhăn già háp. Ông gọi thằng Tí, rồi đi “Hôm Pí-pô” mua đồ giúp cháu cho nhanh. Tui sửa soạn nấu món “Canh gà Thọ Xương”, trưa ông về ăn. Chiều nay, trời còn mưa thì ông cứ vô tư múa bút.
– Bà giỏi việc tề gia trị quốc, chỉ có vụ Đờ Hôm Đi-pô (The Home Depot) cứ nói trật hoài.
– Nói trật, miễn ông làm trúng thì được rồi.
– Tôi phải lạng vào vùng bóng tối để hiểu thôi.
– Bắt đầu lách ra vùng ánh sáng thi thố với người ta, ông ở đó nói ba sàm dần lân hoài. Con cháu mượn gì, mình làm thế ấy, đừng bày đặt ý cò ý kiến. Nhớ cho kỷ danh ngôn: “No money, no talk”.
– Đến đầu kia thì làm thinh, còn đầu nầy cũng phải thuộc lòng “No money, no honey”. Ui, đời tui sao có nhiều cái nô quá.
– Đi lẹ đi, không thôi thì nô tài cũng không có.
– Nô tài là gì?
– Là đám người bóng bảy phục vụ cho các ông vua và các bà thái hậu.
Sáng hôm đó trời mưa lâm râm không dứt. Lúa và hai đứa cháu dạo cái shop có máy điều hoà rộng hàng ngàn mét vuông của hệ thống công ty tầm cở nhứt-nhì của nước Mỹ, họ chuyên ngành kinh doanh vật liệu xây dựng và trang hoàng nội ngoại thất. Một nơi mà hầu như mọi người đến để mua những thứ lặt vặt nhỏ như chai thuốc xịt muỗi kiêm luôn trừ ruồi, hay đến đó lên kế hoạch như xây cất nối nhà thêm phòng đầy tốn kém. Hoặc mua nhũng bức tranh, lọ hoa, chậu kiểng làm đẹp cho nhà cửa, cho các văn phòng của họ.
Cả buổi giúp vợ chồng thằng cháu trong việc chọn lựa các loại sơn và một số vật dụng, những việc mà nhân viên bán hàng chuyên trách sẵn sàng trả lời rất nhanh chóng đầy chuyên nghiệp. Xong việc làng, tới việc nhà là tò tò đẩy xe theo bà xã đi chợ mua thức ăn cuối tuần.
Xong xuôi mọi thứ, tâm trạng hân hoan như vừa trả xong một cái “bill” nợ nào đó, Lúa tôi chưa kịp mở online thì nghe tiếng thằng Tí gọi lại:
– Ông Tám nhớ dùm con, hồi sáng mình có mua thùng 5 gallons loại sơn trần nhà. Tụi cháu định sơn ít phòng trong đêm nay, nhưng tìm hoài không thấy. Vợ con giữ receipt, chút nữa nó về nhà dò kiểm lại.
– Tao nhớ rồi, đầu tiên tụi bây rinh thùng sơn bỏ lên xe truck , sau đó bỏ xuống đất để chất cây ván lên trước. Chính tay ông dẹp chiếc xe đẩy hàng trống trơn, nhưng tụi mình quên thùng sơn còn nằm đâu đó trên sân bốc hàng. Bây giờ mới 7 giờ, chỗ đó 10 giờ đêm mới đóng cửa. Con cứ chạy đi không cần mang theo receipt, ông Tám cũng ra đó một mình ngay bây giờ.
Nhân viên phụ trách khu vực bốc dỡ hàng gọi điện với nhau hỏi có ai giữ thùng sơn lúc khoảng trưa nay, họ nói câu huề vốn: “thùng sơn nếu còn nằm trên xe đẩy, dù để ở đâu cũng không ai dám lấy”. Chúng tôi vào văn phòng quản lý chờ họ tìm kiếm để cuối cùng nhận được câu an ủi: “Out the luck”.
Ngỡ rằng khó thoát tội hư hỏng để mất thùng sơn 5 gallons hơn trăm bạc của đứa cháu, mình vừa về đến nhà thì nghe thằng Tí gọi giựt ngược:
– Ông bà Tám sửa soạn, tụi con qua rước ông bà đi chơi ngoài Atlantic tối nay.
– Bữa nay xui quá mà đi đâu, mới vừa bị con nhỏ Manager của The Home Depot trù ẻo “out the luck”, tao không muốn đi cờ bạc.
– Ông Tám ơi, out the luck có nghĩa không may mắn lần nầy, hay ở chỗ đó. Còn mình có quyền may mắn ở chỗ khác mà. Tụi con được bạn tặng vé xem ca nhạc ở casino Caesars xuất 10-12 giờ, con cũng có hai cái thẻ 50 đô cho ông bà Tám kéo game chơi.
– Ok, ông bà Tám sẽ đi với tụi cháu.
Từ Philadelphia chạy trên freeway 42 ra thành phố Atlantic chừng một tiếng đồng hồ. Vừa đến khu vực máy đánh game là Lúa nhảy vào ghế chiếc máy đánh ít nhất mỗi lần 1 đô. Máy là tên hạm, nó nuốt cái thẻ trị giá 50 và 60 đô tiền giấy trong chiếc bóp ốm nhom của mình không đầy 30 phút. Buồn tình đảo một vòng xem thiên hạ đỏ đen cho hết giờ. Đi vòng vòng cũng chán, cuối cùng mình đứng nín khe sau lưng để che gió cho bà xã. Úi chao, bả cù cưa thế nào mà tài khoản của bả lên tới ba trăm mấy.
– Ông thua sạch thẻ rồi hả. Tui cũng lạnh giò rồi, thôi rút thẻ ra đến cashier đổi tiền rồi đi kiếm gì ăn.
– Sáng mai tui đi với ông mua cho thằng Tí thùng sơn. Nếu nghe lời thông dịch của ông rồi kiêng cử không đi chơi đêm nay, thì đâu có cơ hội gở gạc cho cháu.
– Chuyện ăn tiền casino khó hơn lên trời. Nhiều người thua cả nhà cửa, mất việc, tan nát gia đình luôn đó bà ơi. Out the luck, out of luck. Xui một lần hay xui triền miên cũng sẽ chết thảm như nhau!
Một Lúa
Boardwalk là lối đi nối liền các casino và các cửa hàng trứ danh bán quần áo và vật lưu niệm, các nhà hàng khách sạn và nơi giải trí khác. Boardwalk là kiến trúc sàn gỗ loại chịu đựng mọi thời tiết, được lắp trên đà sắt và trụ bê tông, mục đích sàn gỗ có kẻ nhiều hở để rớt bớt cát bụi theo chân du khách mang từ bãi biển gần bên. Trên boardwalk có 2 dịch vụ xe nhỏ đẩy một vài du khách bằng sức người và đầu máy chạy bằng pin điện kéo đoàn wagon. Ván đóng trên boardwalk theo mô hình chữ V, nên hình chụp tạo cảm tưởng như người đi trên mái nhà.
Cỗ xe tứ mã của Đại đế Caesars. Tiêu biểu cho casino Caesars, Atlantic City, New Jersey
Chị Tám ui ! Hồi em biết lên mạng vô trang nhà, tui mới 36 ( ? ) tuổi hà. Anh Lúa lúc ấy 63.
Anh Cả ui,
Năm tới anh đủ 4 bó cứng chưa. hihihi
OUT THE LUCK , OUT OF LUCK or UNLUCKY tất tất cũng đều xui xẻo , thảm hại ,, lại gặp một bài độc đời nữa rồi ! Tác giả ôi !! Hoành Châu (Gia đình C )
Hoành Châu,
Tụi Tây có bằng quản lý chiên nghiệp, gặp Lúa sẽ nói như vầy:
– Anh Gạo không được đẹp trai!
Thay vì “Thằng Lúa sấu ỉnh” như lời tụi bạn nhậu ở ấp Năm.
hihihi
Bài viết thật tự nhiên, vui quá! Nhờ anh Một Lúa mà mình biết thêm một số sinh hoạt ở bên ấy. Cảm ơn anh!
My Nguyên,
Tự nhiên như chuyện ấp Năm. hihihi
Nghe cách nói chuyện và đối đáp của anh Lúa và chị Lụa,chúng em biết chắc là anh chị rất ư là hạnh phúc,thật là vô cùng ngưỡng mộ .Bài viết rất hay chúng em đợi xem tiếp . . .
Chà0 bạn Lài Võ,
Cám ơn lời bình luận. Nhưng đèn nhà ai nấy thổi. hihihi
Tui tạm dịch câu : Canh gà Thọ Xương là “Chicken soup Tho Xuong” thì anh em mình ở 1/2 vòng trái đất hiểu tuốt.
Canh gà Thọ Xương và Cây Gạo đại thụ là những món trứ danh trong thế kỷ 20&21. hihihi
Một ơi! Thực ra anh đã đọc bài viết của Một hôm còn ở trong mail của anh lận. Nhưng lúc ấy anh bận rình con số 6000000 cà trật cà vuột vì cái còm pút tơ cổ lổ sĩ của anh cũng như cái ca mê ra dỡ ẹt chộp chậm lắm…nên khi bấm nó ló ra số 1…Anh cũng nghĩ chắc là số này của Một đây…Thật là vui quá vui, hên quá hên…Vậy là anh hỏng có bị out the luck hay onlucky phải hong?
Đại huynh PT ngôi sao,
Thằng em sợ huynh rầy là chen vô không đúng lúc. hihi
Anh Lúa ơi ! Em khoái nhất cái câu chơi chữ từ đồng nghĩa của anh ” Người ở xứ ta thì nói tiêng mình, Mình ở xứ người thì nói tiếng ta”
Em ấn rượng nhất là ở chị Lụa bao giờ đối đáp với anh rất nhạy bén và cũng rất đáng yêu,cái đáng yêu của người phụ nữ yêu chồng và đảm đang mọi công việc
Gia định anh rất là tuyệt vời!
Gia tài của bài dăn có 2 câu chủ lực mà kéo xuống lúc 2 sao thành 8 bổn
Anh viết ” Người Việt ở xứ người ta chỉ nói tiếng mình,người Việt ở xứ người mình chỉ nói tiếng ta
Hi hi
Em viết lại cũng đúng ý anh nhưng chỉ là ko đúng nguyên văn thôi
Nghe sư huynh cư ngụ ở Philadelphia, như vậy chỉ cần chạy qua cẩu thì tới casino Atlantic rồi phải kg huynh ?. Như vậy đệ sẽ tìm ra ngay thôi, vì nhà của ông anh vợ đệ chỉ cần mở của ra là thấy sòng bài Atlantic rồi.
Trình độ thông dịch của sư huynh như thế cũng o.k rồi đó huynh ơi. Mai mốt có dịp đệ được huynh thông ngôn cho thì ăn chắc hì,hì…
Qua cầu gió bay là chỉ mới đến đất NJ. Muốn đến Atlantic City còn phải bò gần 60 miles. Hoài Thương muốn “đóng tiền điện” cho casino, bạn đến Las Vegas gần hơn.
Sorry huynh, đúng rồi qua cầu gió bay thì mới tới được NJ. thôi, còn phải chạy thêm khoảng 1 giờ nưã chứ . Ở đây muốn” đóng tiền điện” chỉ cần chạy hơn 1 tiếng là có rồi, kg cần phải lên tới Vegas tốn thêm xăng đó huynh ơi.
Nhớ khi nào đệ qua Philadelphia chơi, huynh làm thông dịch dùm là được rồi .hi,hi.
haha. Lúa dịch tiếng Téc-ki-la qua tiếng ta thì tạm được, bạn Hoài Thương ui
Đôi lời trần tìmh cho bài viết Không May Mắn (Out the luck).
Những lời thoại và các tình huống trong bài không xảy ra trong một ngày, mà thật sự nó xảy ra bất chợt hoặc thường xuyên trong đời sống thường ngày của Một Lúa.
Mặc dù ML rất đam mê viết lách, nhưng đó là việc chưa ai thấy cần thiết trong cuộc sống quần quật vì cơm áo gạo tiền của gia đình mình. Vì vậy đôi khi thì giờ giữa các việc làm bị chèn lấn mà sinh ra lời qua tiếng lại nho nhỏ như trong bài. Cũng như những chi tiết trong lời thoại, ML thấy đó là sự thật bình thường của bản thân. Chứ không hề cố ý nói cạnh khoé ám chỉ bất cứ một ai khác.
Thí dụ trong một buổi họp mặt mà mọi người tham dự mặc toàn áo màu sáng, mình lỡ lời phát biểu “trước đây tôi thích mặc màu sậm, nhưng nhờ vợ tui cằn nhằn mãi mà tui bỏ màu đen tối đó”. Mình ngỡ câu nói sẽ ok, sẽ hợp lý, sẽ có duyên lúc đó. Nhưng không ngờ dư âm sẽ dính chấu dài dài trong khoảng không gian bao la nầy.
Những bài viết phản ánh một góc nhìn nhỏ nhoi nào đó của xã hội, những ý kiến cá nhân của mình nếu có trùng hợp chỉ là vô tình. Mong độc giả lượng thứ.
Một Lúa
Cứ tưởng sau chiến tranh loại consertina được tháo bỏ đi, giờ cũng còn có người dùng lại. Haha
Hi vọng “không biết không có tội”. hihihi
Thiện tai…Thiện tai !!!.