TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 8 )

Ngày đăng: 27/08/2015 10:44:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (16)

Bến Hàm Tử, khi đề cập tới, ai cũng nghĩ ngay đến đấy là địa danh đánh dấu nhiều chiến công hiển hách của tướng Trần Nhật Duật đánh tan được Toa Đô tại đây và cho quân Tàu một bài học nhớ đời. Với tôi, ngoài ý nghĩa lịch sử, Bến Hàm Tử, còn có ngôi nhà 170/8 chứa tất cả những gì quý báu, những kỷ niệm của một thời thiếu nữ và là mái ấm thân thương bên cạnh ba mẹ, các anh chị em ruột thịt, trong vòng tay êm ấm của Bà Nội, bác, cô, chú và tất cả anh chị bên nội, bên ngoại đã chung sống quây quần trong mấy chục năm và mãi đến giờ vẫn còn trong tâm khảm.

                                   BA TÔI và NGÔI NHÀ ẤM ÊM

Chặng đầu tiên ở miền Nam là căn phố ở Phạm Ngũ Lão, đối diện với bên hông của nhà ga Saigon, không xa chợ Thái Bình và cũng rất gần rạp chiếu bóng Thanh Bình, nơi mà chúng tôi được ba mẹ cho phép đi xem phim, phần lớn là phim của Charlie Chaplin hoặc phim “Thằng béo, thằng gầy” của Laurel và Hardy đóng. Dạo đó rạp Thanh Bình dành ngày cuối tuần để chiếu phim cho trẻ em, chúng tôi chỉ cần mua một vé là cả đám được vào xem, có lẽ chủ rạp muốn nâng đỡ trẻ con nên dễ dãi. Ba tôi rất kỹ lưỡng trong việc chọn phim cho chúng tôi xem, những phim nào có chuyện yêu đương là nhất quyết không có mặt chúng tôi. Tôi còn nhớ, năm đó tôi đã 12, 13 tuổi, chị tôi hơn tôi hai tuổi, rạp Thanh Bình chiếu phim ca nhạc do tài tử Mỹ cũng là ca sỹ nổi tiếng và rất được giới trẻ Việt Nam ái mộ là Pat Boon đóng, chúng tôi thích lắm, xin phép để được đi xem nhưng ba tôi nhất định không cho, chúng tôi thất vọng và cũng không hiểu tại sao, sau này mới vở lẽ ra là phim có chữ “love”, tựa đề April Love!

Ba tôi quan niệm, trong gia đình đông con, con chim đầu đàn quan trọng nhất, tốt xấu hoặc hay dở của đám em sau này đều từ con chim đầu đàn mà ra. Mặc dù rất thương và gần gũi con cái nhưng ba tôi cũng rất nghiêm khi chúng tôi còn nhỏ. Chị tôi và tôi lúc đó đang theo học Đệ nhất Cấp của trường Gia Long, đang ở trong lứa tuổi dậy thì, ba tôi không cho se sua, chưng diện. Đi học chỉ được mặc áo dài trắng đồng phục bằng vải, quần trắng hoặc đen, đi guốc trắng, quai trong, thật đơn giản. Có lần mẹ tôi mua guốc màu, guốc kiểu cho chúng tôi, ba tôi không cho đi, chúng tôi phải vâng lời, chỉ thỉnh thoảng đi thử trong nhà và ngắm nhìn cho đỡ thèm. Khi bước sang Đệ nhị Cấp, ba tôi dễ dãi hơn, ba tôi cũng hiểu là chúng tôi đã có trí khôn, đã có thể phán đoán được phần nào nên từ từ cho chúng tôi tự quyết định trong một số việc. Đầu tiên hết, tôi được tự chọn ban khi lên Đệ nhị Cấp, ba tôi không hề cản trở lúc tôi chọn ban C, mặc dù sau đó khi lên Đại học, việc chọn ngành sẽ bị hạn hẹp hơn các ban khác. Tôi học khá về tất cả các môn nhưng ba tôi đã để cho tôi được thoả nguyện vì biết tôi rất thích văn chương và sinh ngữ. Càng lớn, ba tôi càng cho chúng tôi được nhiều tự do hơn nữa, ba tôi tin tưởng ở chúng tôi và tin tưởng là những gì ba tôi dạy dỗ đã thấm nhuần nơi chúng tôi nên không phải lo nghĩ gì lắm,  có thể nói, thời gian sau này chúng tôi được tự do hơn các bạn cùng lứa tuổi rất nhiều nhưng không ai trong chị em chúng tôi đi vượt quá khuôn khổ để ba mẹ tôi phải lo lắng hoặc buồn phiền. Bây giờ nghĩ lại mới thấy là ba tôi hiểu tâm lý và rất sáng suốt trong việc dậy dỗ con cái, cách dạy của ba tôi đối với chúng tôi cũng tương tự như cách cai trị của Minh Trị Thiên Hoàng đối với dân Nhật sau thế chiến thứ hai, với chính sách thắt chặt khi dân trí còn thấp kém rồi sau đó mới từ từ nới lỏng và cuối cùng cho hưởng hoàn toàn tự do. Ba tôi đã dẫn dắt chị em chúng tôi nên người hữu dụng còn Minh Trị Thiên Hoàng đã đưa nước Nhật từ một nước bại trận lên hàng cường quốc chỉ trong vòng mấy chục năm.

Có thể là chủ quan nhưng tôi luôn nghĩ, không có người cha nào thương yêu, gần gũi và lo lắng cho con cái như ba tôi, cũng như không có người ông nào tận tuỵ hết lòng vì cháu như ông ngoại (khi sinh tiền, ba tôi chỉ có cháu ngoại còn nhỏ cận kề để chăm sóc). Ba tôi mất gần 20 năm, khi các cháu còn nhỏ, đến nay các cháu đều đã trưởng thành nhưng con cháu đều nhắc đến ba tôi bằng tất cả tình thương mến. Ai cũng tiếc là ba tôi không sống lâu hơn để nhìn thấy các cháu nội ngoại ngày nay thành đạt, nên người, phần lớn do công lao của ba tôi và nhất là đã và đang sống theo tinh thần mà ba mẹ nêu ra, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, có tình nhân ái, biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Chúng tôi tin rằng, ở một nơi nào đó ba tôi vẫn hằng theo dõi để dẫn dắt con cháu đi đúng đường, để đưa con cháu lạc lối trở về trong vòng tay ấm của gia đình, để anh chị em biết yêu thương nhau, biết nể trọng lẫn nhau và nhất là đoàn kết, theo đúng câu “chị ngã, em nâng”,  “em ngã chị nâng”, làm gương cho con cháu…

Ngày nay tôi tìm thấy hình ảnh của ba tôi nơi các em Châu, các em cũng tận tuỵ, thương yêu con cái, hết lòng với vợ con để xây dựng một mái ấm gia đình vững chắc, tôi vui mừng vì tình yêu gia đình của ba tôi vẫn còn thể hiện qua các em tôi và sẽ còn mãi mãi trong những thế hệ cháu chắt sau này…

Gia đình tôi càng ngày càng đông, từ năm chị em ở Hà Nội bây giờ đã thành tám, một em gái được sinh ở Phan Thiết, thêm một gái và một trai ở Saigon, em trai áp út mới có vài tháng tuổi, xinh xắn, bụ bẫm trông giống như em bé trong quảng cáo của sữa Sma. Nhà bắt đầu chật vì ngoài gia đình tôi còn bà Nội, gia đình cô tôi, chị Hảo, chị Tố, con của bác tôi, các chị phải từ Phan Thiết vào học trường Gia Long vì trường Phan Bội Châu chỉ có bậc Đệ Nhất Cấp mà thôi. Bác Cả và chú tôi tuy không ở luôn nhưng cũng thường xuyên có mặt tại nhà. Có thể nói chúng  tôi chung sống  theo đại gia đình từ lúc tôi biết nhận thức nên vì thế sự đoàn kết và tình gia đình luôn luôn được chúng tôi trân quý và gìn giữ.

Sau nhiều tháng tìm kiếm, đại gia đình chúng tôi dọn về số 170/8 Bến Hàm Tử, đây là một villa khá rộng nằm trong một ngõ thuộc quận Năm, gần nhà thương Chợ Quán và Cầu chữ Y.  Trước mặt nhà là Trường tiểu học Hàm Tử, phía bên phải là một ngõ nhỏ của nhà bà Hai, hàng xóm, phía trái là một dãy phố, từng căn sát nhau nằm dọc theo suốt hông nhà của chúng tôi và cách tường bao quanh nhà là lối đi nhỏ. Tại đây toàn là người Tàu sinh sống, nhiều gia đình nhưng chúng tôi quen thuộc với Dỹ Hàn, cô bé tàn tật có mẹ chuyên bán cháo huyết thật ngon, chú Kẹo, chúng tôi đặt tên như vậy vì chú chuyên làm kẹo bánh để bỏ mối, kẹo đậu phọng của chú thường được chúng tôi chiếu cố, chị em bớ Tỉ khoảng cỡ tuổi chị em chúng tôi, học sinh trường Bác Ái. Cha mẹ bớ Tỉ có tiệm mì ở góc đường Trần Bình Trọng, mỗi tối các chị em bớ Tỉ đều thức khuya, chờ cha về và reo lên mừng rỡ để đón chào, căn nhà của bớ Tỉ đối diện với cửa sổ phòng khách của chúng tôi, cách nhau một bức tường cao và một ngõ hẹp nên bên kia nói, ở bên này đều nghe rõ mồn một, chúng tôi không biết tiếng Tàu nên không hiểu hết, tuy nhiên cũng có thể đoán được, đó là một gia đình hạnh phúc và cha con chắc chắn phải thương nhau lắm. “Mimi ngộ ái nị, ngộ ái nị, ngộ ái nị”, bài hát từ nhà bớ Tỉ vọng sang thường xuyên làm chúng tôi gần như thuộc lòng mặc dù đó là bài hát tiếng Tàu.

Một sự tình cờ đã đưa tôi và bớ Tỉ gặp lại nhau tại Đức cách đây ít năm làm tôi thấy quả là trái đất tròn, bây giờ tôi mới biết tên thật của bớ Tỉ là Ngọc Mai và chồng của bớ Tỉ là bạn đồng khoá của chồng tôi ở trường Đại Học Đà Lạt, phân khoa Chính trị Kinh Doanh.

Nhà mới của chúng tôi có một sân nhỏ ở phía trước, một đường nhỏ ở bên hông để đi vào cửa sau, bước vào là nhà trên, bên phải là phòng khách và phòng ăn, bên trái là ba phòng ngủ, phòng ngoài cùng dành cho bà Nội, kế đó là phòng của ba mẹ gồm hai giường lớn, một giường của ba mẹ, giường kia dành cho các em nhỏ, cuối cùng là giang sơn của bốn chị em chúng tôi và hai chị Hảo Tố, ba giường sắt hai tầng sơn màu hồng, xanh, vàng nhạt, một bàn học lớn đặt ở giữa phòng. Giường nào cũng có nệm trải drap nhiều mầu rất sáng sủa và đẹp mắt. Từ nhà trên đi xuống bếp phải qua một nhà ngang, rộng và dài, hai bên nhà ngang là sân, không mái che nên có nhiều ánh mặt trời, một bên có bể cạn rộng để chứa nước. Trước khi đến bếp là hai phòng ngủ, một dành cho cô và anh Trúc, phòng kia là của chú và bác Cả. Gia đình cô bớt người vì chị Ninh đã ở riêng, anh Đa được học bổng du học ở Úc Đại Lợi. Nhà bếp rộng rãi đâu lưng với vườn của ông giám đốc bệnh viện Chợ Quán. Bếp có giếng nhưng nước bẩn, bị ô nhiễm vì cống rảnh, không dùng được nên phải có nắp đậy kín và là chỗ ở thuận tiện cho họ nhà gián, phía tay phải có hai bể cạn thật lớn. Dạo mới đến, nhà không có nước máy nên hàng tuần có xe chở nước tới bán và bơm đầy tất cả các bể cạn trong nhà. Ít lâu sau khi có nước máy thì các bể cạn này dùng để chứa nước mưa.

Cả gia đình chúng tôi đều vui thích và cảm thấy thoải mái được sống trong một không gian tiện nghi và rộng rãi, nhất là tôi đang ở trong lứa tuổi mà thỉnh thoảng cũng muốn có một khoảng trống của riêng mình, mỗi lần như vậy tôi lại rút lui lên giường của tôi ở tầng trên để nằm đọc sách hoặc để suy tư. Nhà ở xa nên không còn hàng ngày cuốc bộ đến trường như khi còn ở Phạm Ngũ Lão, qua vườn Tao Đàn, dọc theo Đoàn Thị Điểm mà nay phải di chuyển bằng xe bus, phải đi hai tuyến xe mới đến được trường. Tất cả các anh chị khác cũng thế, người đi xe đạp, người đi xe gắn máy, ai cũng hài lòng và không ai phàn nàn gì cả. Các em nhỏ thì đã có trường ngay trước nhà, đợi đến chuông rung mới ôm sách vở chạy vào lớp, thật là tiện.

Thời gian thấm thoát trôi qua, hai năm sau mẹ tôi sanh em trai út, chúng tôi tổng cộng sáu chị em gái và ba anh em trai, chị tôi lúc đó 18 tuổi, đang sửa soạn thi Tú Tài. Anh Trúc học quân y, ở nội trú nên thỉnh thoảng mới về thăm nhà, bác Cả cũng không còn ở chung, chú tôi qua đời khi còn trẻ, xe của chú tôi bị giật mìn trên đường từ Tân Mai, Biên Hoà trở về Saigon sau khi đi kiểm soát gỗ trong rừng, bà nội tôi mất trước khi mẹ tôi sinh em út. Bù lại chúng tôi có thêm thành viên mới, anh Hiển, con trai độc nhất của bác Cơ, chị ruột của mẹ tôi từ Đà Lạt về Saigon để học Dược Khoa.

Anh Hiển đến, đem theo luồng gió mới, sự náo nhiệt, vui vẻ cho cả gia đình, nhất là cho chị em chúng tôi. Anh tuy lớn hơn chúng tôi vài tuổi nhưng tính tình thật trẻ trung, năng động, anh là đầu têu cho bao nhiêu vụ nghịch phá và chọc ghẹo mọi người, không ai giận anh mà ngược lại chúng tôi đều thương quí anh và chỉ sau một thời gian ngắn, tưởng chừng như anh là anh ruột của mình, chẳng khác gì anh Trúc và anh Đa. Ngày được tin anh mất trong trại cải tạo, ba mẹ tôi cũng như chị em tôi đau đớn và đã khóc như mất người con và người anh ruột thân thương, cho đến bây giờ trong các câu chuyện, chúng tôi vẫn nhắc nhở, tiếc nuối người anh đã để trong chúng tôi bao kỷ niệm khó quên, đã chia sẻ ngọt bùi với chúng tôi biết bao nhiêu ngày tháng của một thời Hàm Tử…..

Ba mẹ tôi đều đi làm việc nên trong nhà thường có ít nhất là hai người giúp việc, hầu hết đều là những người thân tín từ Huế vào, những người trẻ, sau khi giúp việc cho gia đình một thời gian, me tôi đều xin cho vào làm tuỳ phái ở Tổng Nha Điền Địa, mẹ tôi rất có uy tín nên cũng xin được  cả cho con cái của láng giềng vào làm việc trong Tổng Nha, có thể nói ba mẹ tôi được dân trong xóm kính nể và thương mến lắm, ba mẹ được hàng xóm gọi là “ông bà chủ”, hỏi ra mới biết đó là danh hiệu của ông bà chủ villa.

Các anh chị và chúng tôi theo thời gian bắt đầu trưởng thành và từ từ rời tổ ấm, chị Hảo lập gia đình và ra ở riêng, anh Trúc ra trường, làm việc ở Kiến Hoà cũng lập gia đình và lập nghiệp ở đó, anh Đa sau khi du học về, ở với chúng tôi một thời gian cũng lập gia đình và ra ở riêng, cô tôi ở chung với anh chị Đa. Hai bác tôi, thân sinh của hai chị Tố Hảo cũng đổi về Saigon nên chị Tố cũng về ở với hai bác và gia đình chị Hảo. Nói chung thì bên nội, sau mấy chục năm, không còn ở chung với gia đình chúng tôi nữa nhưng không phải vì vậy mà bớt người, nhà chúng tôi là đất lành nên chim đến đậu rất đông, các anh chị em bên ngoại từ Huế hay bất cứ nơi nào khi vào Saigon đều cư ngụ tại Hàm Tử, có người chỉ tới thăm ít ngày, có người tạm trú một thời gian, có người ở lại luôn với gia đình chúng tôi, ai đến, ba mẹ tôi đều mở rộng vòng tay chào đón và được đối đãi với tất cả chân tình, như con cái trong nhà, chúng tôi cũng coi đó như chuyện tự nhiên, có phải chăng ba mẹ đã rèn luyện cho chúng tôi tính chia sẻ và lòng nhân ái từ lúc còn trong bụng mẹ tới lúc mới ra chào đời.

Nhà đông, không bao giờ vắng bóng người, một người chị họ đã viết trong cuốn sách mừng thượng thọ 90 của mẹ tôi “Ngôi nhà 170/8 Bến Hàm Tử của Cô ( theo lời chị Bé Em ) là ngôi nhà bình yên nhất thế giới. Khi nào chị muốn tìm không gian tĩnh lặng là chị ưa đến ở lại nhà Cô. Mà kể cũng lạ! Nhà Cô lúc nào cũng đông người! Quá đông là đàng khác! Thế nhưng không bao giờ có tiếng la rầy, cãi cọ, gây gỗ, hay lớn tiếng với nhau bao giờ. Đó là ngôi nhà tình nghĩa, luôn cứu trợ, cưu mang các cháu mồ côi, cơ nhỡ. Cô xin việc cho các cháu làm để các cháu có đồng ra, đồng vào, rồi cô còn xin việc cho cả hàng xóm, nuôi con hàng xóm. Bé Thuỳ ngủ với Cô, bú chung bình sữa với Tu, cho đến lúc lớn cũng không chịu ăn cơm, thiệt giống hệt Tu.

Chẳng những các cháu từ Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Long Xuyên đến Saigon đều ghé trạm dừng chân ở nhà Cô, mà rồi các bà con gần xa từ Bắc vào Nam đều đến tá túc nhà Cô hết thảy. Toàn là bà con của Cô không à! Vậy mà Chú vẫn vui vẻ đón tiếp. Đó là đôi vợ chồng quý hoá, hiếm có nhất trên đời, mãi sau này va chạm thực tế nhiều rồi con mới nhận ra: trên đời này hiếm có ông chồng nào yêu vợ, đối xử tốt với bà con gần xa của vợ như Chú……….”

 

Tôi là con duy nhất trong gia đình đã rời tổ ấm để phiêu lưu sớm nhất, năm 1967 sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, tôi xuống Vĩnh Long dậy học, ba mẹ tôi buồn lắm, nhất là ba tôi, nhưng thấy chim con đã đủ lông, đủ cánh nên ba mẹ tôi phải để tôi bay, mỗi tháng tôi về thăm nhà một lần mặc dù đường đi khá nguy hiểm, 1970 tôi xin đổi lên Đà Lạt, cách xa hơn nên những lần về thăm nhà cũng ít hơn, hầu như chỉ có ba tháng hè nhưng bị phân cách bởi những cuộc đi gác thi ở các tỉnh khác. Từ dạo đó tôi ít có dịp chung sống với ba mẹ tôi và chia sẻ những kỷ niệm với các em nhỏ của tôi sau này, khi các em bước vào tuổi dậy thì cũng như tuổi thành niên. Đầu năm 1975 tôi được sang Tân Tây Lan tu nghiệp một năm, khi ra đi tôi đâu biết là mãi đến gần 10 năm sau tôi mới được gặp lại ba mẹ và anh chị em tại Sydney, Úc Đại Lợi.

Em gái thứ tư của tôi là người lập gia đình sớm nhất, sau đó đến phiên anh Hiển, ba tôi không muốn cho ở riêng nên đã xây một căn lầu gồm hai phòng rộng rãi ở nhà ngang cho vợ chồng em tôi và vợ chồng anh Hiển. Ba cháu ngoại đầu tiên của ba mẹ tôi đã được sống trong căn nhà êm ấm này, căn nhà đầy ắp thương yêu, đầy ắp tiếng cười, đầy ắp tình nhân ái, chia sẻ. Làm sao quên được những ngày chủ nhật đông vui, con cháu trong nhà, con cháu ở nơi khác tụ họp lại để ăn những món ngon do mẹ tôi nấu, khi thì thịt bò nướng, khi thì phở, khi thì bún bò, lúc thì nem nướng v…v…rồi vui đùa trò chuyện, chọc ghẹo lẫn nhau.

Những ai đã đến hoặc ở nơi căn nhà ấm êm này đều ấp đầy những kỷ niệm yêu thương khó quên, đã có hơn hai người nói với chúng tôi là khi gia đình tôi ra khỏi nước, mọi người còn ở lại thấy như hụt hẫng, mỗi lần có dịp đi ngang nhà đều muốn rơi nước mắt vì thương nhớ. Để rồi những khi có những đau buồn, tuyệt vọng hoặc có niềm vui khôn xiết đều như có mãnh lực gì đưa chân tới 170/8 Bến Hàm Tử, để nhìn, để thấy căn nhà, để có cảm giác như những thành viên ngày xưa sống ở đó đang cùng chia sẻ với mình, cả vui lẫn buồn.

Căn nhà của chúng tôi ngày nay vẫn còn đó nhưng số nhà cũng như tên đường đã thay đổi. Năm 2013 về Việt Nam, chúng tôi ghé thăm căn nhà êm ấm, bên ngoài nhìn vào không thay đổi mấy, giàn hoa giấy mầu trắng vẫn còn đó, ngày xưa khi mới dọn đến, ba tôi mua ba cây hoa giấy ba màu khác nhau để trồng, không hiểu sao chỉ có cây hoa giấy trắng sống sót và mọc rất mạnh, leo lên phủ cả mái nhà, hoa nở trắng xoá, rất đẹp, năm nào ba tôi cùng các anh cũng phải cắt xén bớt cành, chỉ sợ cây mọc nhiều và mạnh quá mái ngói sẽ bị hư. Hai vợ chồng người chủ mới cho chúng tôi vào thăm nhà, bên trong đã bị thay đổi rất nhiều, nhà ngang bị bịt kín để xây thêm phòng cho thuê, không có cửa sổ, không có ánh sáng mặt trời nên tối tăm, mù mịt. Ngoài phòng khách, chúng tôi còn nhận ra tủ thờ của gia đình chúng tôi dạo nọ, chiếc tủ kiên cố và rất đẹp mà ba tôi đã thuê thợ đóng bằng một loại gỗ quý, ngày xưa để trong phòng của bà Nội.

Chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi, tất cả đều phải đổi thay theo luật tuần hoàn của tạo hoá “Thương hải biến vi tang điền”, huống gì căn nhà nhỏ bé của chúng tôi. Chỉ có căn nhà cùng những kỷ niệm trong tâm trí của chúng tôi cũng như trong tâm trí của những người đã từng tới đó sẽ không bao giờ thay đổi, dù chỉ là một thay đổi cỏn con như hạt bụi.

Ngôi nhà ấm êm 170/8 Bến Hàm Tử của tôi nay chỉ còn trong kỷ niệm !!!

bài và ảnh Lê-Thân Hồng-Khanh (2015)

                             LỜI TÁC GIẢ

Tập hồi ký nhỏ ” Tìm về kỷ niệm ấu thơ ” được viết để tưởng nhớ đến Ba tôi, xin tặng Mẹ tôi và tất cả các Anh, Chị, Em, những người đã cùng tôi trải qua bao kỷ niệm và chia sẻ biết bao thăng trầm của cuộc sống.

Xin cám ơn cô Ngọc Điệp, giáo sư hướng dẫn của tôi một thời Trung Học Gia Long, các đàn anh, các thân hữu, các em cựu học sinh Tống Phước Hiệp, cùng các bạn đọc  đã hàng tuần bỏ thời giờ để đọc và có lời khích lệ, nhờ đó mà tôi có thêm động lực để tiếp tục sáng tác.

h1H1                 Ba mẹ và các con, kỷ niệm 30 năm ngày cưới tại 170/8 Bến Hàm Tử, Saigon 1974

h2h2                         Ba mẹ, kỷ niệm 50 ngày cưới tại Greystanes, Sydney, Australia.

h3h3 Các anh chị em, chụp trong sân nhà Hàm Tử 1960

h4h4              Các anh chị em chụp trong sân nhà Hàm Tử 2013

Có 16 bình luận về TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 8 )

  1. PhươngNga nói:

    Cô kính mến,

    Em đang ngồi chờ Ba Má em đi nha sĩ. Vội đọc hồi ký của cô.  Em có tính đọc rất nhanh 1 lần, cho “biết” kết cuộc để mong có kết cuộc đoàn viên vui vẻ.

    Thường sau đó em đọc lại từng đoạn kỷ lưỡng. Em đọc thấy cô về Việt Nam năm 2013, cũng là năm em về VN, tiếc quá, không gặp cô. Thôi chắc em phải chờ lần tới.

     

  2. Như Thuỳ nói:

    Kính thưa cô ! Chúng em vô cùng cám ơn cô đã dành thời gian cho hồi ức TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ , giúp tongphuochiep-vinhlong.com thêm phần hấp dẫn, đồng thời cũng giúp chúng em hiểu thêm nguồn cội đã tạo nên cô giáo mẫu mực của mình . Thưa cô , Bà chắc chắn sẽ rất vui và cảm động khi đọc những dòng cô viết về gia đình trong bài cuối cùng này . Và đây chắc chắn là món quà ý nghĩa nhất mà cô dành tặng Bà trong mùa báo hiếu Vu Lan .

    Từ tuần sau , với chúng em , thứ Sáu sẽ trở lại bình thường như trước đó … !

  3. Trương Phú nói:

    Cám ơn cô Hồng Khanh đã tặng các bạn đọc trong trang nhà, tư liệu quí trong mọi khía cạnh của xã hội và gia đình. Đọc để được học thêm. Quá công phu và quá hay cho rằm tháng bảy năm nay.

  4. My Nguyen nói:

    Cô kính mến! Từ đầu bài này, khi vừa đọc lời giới thiệu em đã bị thu hút, muốn biết xem ngôi nhà 170/8 Bến Hàm Tử SG đã diễn ra những gì trong ký ức tuổi thơ của cô. Càng đọc, em càng ngưỡng mộ nề nếp của một đại gia đình, trên thuận dưới hòa, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Ngôi nhà này thật đúng như lời chị Bé Em của cô đã nói:”Ngôi nhà 170/8 Bến Hàm Tử là ngôi nhà bình yên nhất thế giới…” Đặc biệt là cách dạy con của ông, như một Minh Trị Thiên Hoàng đối với dân Nhật. Nhờ vậy mà đã thành công, các con của ông đều trở thành những người thành đạt, đủ tài, đủ đức và kế thừa là các cháu của ông…

    Bài cuối này trong tập hồi ký “Tìm Về Kỷ Niệm Ấu Thơ” của cô là một món quà vô cùng quý giá trong mùa Vu Lan này, để cô dâng lên hương linh người cha đã mất và tặng cho những người trong gia đình, đặc biệt là cho Bà đó cô. Kính chúc cô và gia đình luôn vui khỏe và hạnh phúc.

  5. Phan Lương nói:

    Cô thương kính

    Đọc hồi kí của cô đến phần thứ 8.Em càng nể trọng và kính yêu về ông ,về bà, hai đấng sinh thành của cô vừa nghiêm khắc ,vừa thương yêu gần gủi các con.Một cách giáo dục con cái rất là tuyệt vời.Điều này thật khó kiếm trong xã hội ngày nay lắm cô à.

    Em đã giảng day 30 năm ,các phụ huynh của từng cấp học trò không hề biết giáo dục các con như thế.Thường. thì họ chỉ biết cung phụng tiền bạc và vật chất cho các cin của họ ,rùi phó thác con em mình cho nhà trường giáo dục ra sao thì ra.Nhưng đa phần cậu ấm ,cô chiêu ỷ có tiền thì hống hách ,không nghe lời Thầy ,cô giáo dục gì hết.Nghe cô kể về sự giáo dục của ông ,em đã ngộ ra được rất nhiều điều,

    Em chúc Bà luôn dồi dào sức khỏe ,em chúc cô luôn tươi trẻ và viết nhiều bài hay góp mặt với trang nhà ngày càng phong phú hơn

  6. vothilai nói:

    Cô kính yêu ! đọc xong hồi ký của cô phần 8 ,cảm thấy thỏa mản nhưng buồn vì không còn cảm giác chờ đợi.Em thật ngưỡng mộ nếp sống của gia đình cô, một đại gia đình có một không hai .Những hình ảnh trông rất hạnh phúc,cô thật tỉ mỉ viết từng chi tiết một,chúng em đọc rất thích thú .Cô ơi, cô viết tiếp thuở cô và thầy quen nhau đi cô,em chờ đọc tiếp.Kính chào cô chúc cô và gia đình vui khỏe .

  7. Hoành Châu nói:

    Cô thương  quý  ,
    Tập HỒI KÝ NHỎ Tìm  về   kỷ  niệm  ấu   thơ    của    Cô   là   một   trong   những  tư    liệu   vô   cùng quý   giá , chân thực    đậm    nét  lịch    sử    xã   hội  ,  giáo dục  của một thời kỳ  đặc  biệt hiếm gặp    và  vạch  rõ     tâm   lý   thời cuộc    của  hàng   ngũ   trí   thức   đương thời !. Thật hùng   hồn   sội động    mà  cũng   thật  trữ   tình   lãng  mạn   văn   học ,,,Riêng    tâp   8   Ba tôi và căn nhà  ấm  êm    , ngoài   giá   trị nghệ   thuật   ra  ta thấy rất rõ tính gia tộc ,  niềm hạnh phúc  tự hào của  con cháu  khi được sống trong mái  ấm thực sự   và  biết cách   gìn  giữ  ,phát huy   truyền  thống  cho  gia  đình   nhỏ  bé   của   mình   sau  này . Thật đáng  trọng vọng !
    Kính thưa cô , chiều nay 28/8/ 2015 là ngày em  chờ đợi   và  vui   nhiều ,,,    nhưng cũng là ngày  em buồn  nhớ  BÀ   và  Cô  nữa  đó  , Cô ơi .   Em Hoành Châu (Gia đình C )

     

     

     

     

     

     

     

     

     

  8. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Em có nghe Ngọc Nữ và một số bạn có điều kiện có đến thăm Cô ở 170/8 Bến Hàm Tử những năm 69, 70 gì đó. Nữ kể khi hỏi Cô Khanh thì nhiều cô đi ra nhìn, cho nên phải hỏi cô Hồng. Em nghe và thầm ao ước, giá mình được đi Sài Gòn để một lần được ghé thăm Cô giáo mà mình hằng thương yêu quí trọng. Ước mơ của cô học trò nhỏ nhà quê khi ấy mãi chỉ là mơ ước mà thôi.

    Nay em đã có nhà ở Sài gòn thì Cô giáo yêu thương đã biệt mù sơn dã tận Đức quốc!

  9. Phan Lương nói:

    Cô thương kính

    Hôm nay 29.8 em bị quê một cục to tướng luôn cô ạ

    Số là sáng hôm nay cô Hoa Đăng gọi cho hay trưa nay có chị Đức Tính đi cùng với chị bạn dự đám giỗ nhà bạn ở Tam Bình sẽ ghé nhà PL rùi mới lên nhà cô.Lòng em cứ náo nức được đón tiếp chị,vì chị đã về nhà cô Hoa Đăng những 2 lần mà chưa ghé em lần nào hết

    Đến 11h em gọi cô hỏi sao chưa thấy ai hết.Cô bảo sắp tới rùi.Chỉ lát sau là chị đến cùng với chị Ngọc Lan và chị Ngọc Thúy,cùng với hai Thầy,một là Thầy Trần Hữu Quang ,là Thầy giáo của em từ năm học cấp hai,còn Thầy kia là Thầy Bùi Chí Hiếu ,là Thầy chấm thi trong các kỳ em thi GV giỏi của Tỉnh.Trong đó còn có một người rất đặc biệt .Mới gặp em đã ôm chầm lấy và gọi rất vui mừng ” cô Hồng Khanh!”

    Thì chị Đức Tính và chị Ngọc Thúy bảo không phải là cô HK, Em rất ngạc nhiên,bởi vì dù chưa gặp cô lần nào nhưng gương mặt cô em quen lắm,em vội chửa ” sao giống cô HK thế.nhỉ”.Chị ĐT không để em thắc mắc lâu,chị giải thích đấy là em của cô HK nên trông giống thôi

    Ui trời ơi ! Em không thể tưởng sao chị em gì mà giống nhau thế nhỉ?

    Rùi chị ĐT cũng không nói cho em biết cô đó tên là gì

    Thế đấy cô ạ

    Hu hu hu

    • Phan Lương ơi, không phải chỉ có một mình em bị lầm đâu mà người đầu tiên bị lầm đó là Đức Tính ngay hôm đón cô ở Phi trường Tân Sơn Nhất, tiếp đó là bao nhiêu em khác cũng bị lầm giống vậy nhưng lần này do sự sắp đặt cố ý của Kiều Trinh. Đây là một sự lầm lẫn rất vui và thú vị nên sau đó ai cũng cười xoà.

      Trong gia đình, chị Huyền ( Huyền Khanh ) và cô rất giống nhau mặc dầu không phải là song sinh, ngay trong bà con nếu lâu không gặp cũng thường bị lầm vì vậy em chẳng có bị quê chút nào cả.

      Cô đã hứa sẽ về thăm em và Hoa Đăng nhưng chưa thực hiện được nên nhờ chị Huyền thay thế. Hy vọng em và Hoa Đăng đều vui khi gặp người đại diện của cô.

       

       

      • Phan Lương nói:

        Nhưng đúng thật là vui lắm cô à!

        Mấy thuở mới có dịp được đón tiêpcác chị ,các cô và quí Thầy đến nhà chơi trong không khí thân tình như thế.

        Chắc là nhờ tháng 7 ,mùa Vu Lanem ăn chay đó cô

        Hi hi

         

         

         

        • nguyễn thị đức tính nói:

          Phan Luong than yeu, vì muốn dành cho em và chị Hoa bất ngờ nên đến phút chót , chị mới cho chi Hoa và em biết là có chị Huyền ( em cô Hồng Khanh) muốn xuống ấp 4 thăm , vì khi đọc trên trang nhà, cô Hồng Khanh và chị Huyền rất mến chị Hoa và em , cũng như cảm thấy yêu thích miền quê yên ả nơi đó. Tiếc là , hôm.ấy chỉ ghé được nhà em mà không qua nhà chị Hoa được ( tiếc quá không được uống nước dừa ngon ngọt vườn chị Hoa), chị vô cùng áy náy nhưng vì thời gian có hạn , chị Huyền và chị đã mua vé xe về Saigon trước rồi, không thể ở lâu thêm được ( Tội chị Hoa ghê). Chị rất vui đã ghé được nhà Phan Lương để thăm cây Hoàng Lan và các giò lan tươi thắm của em). Chị xin lỗinếu như đã quên giới thiệu tên chị Huyên, có lẽ vì mọi người gặp được nhau vui mừng xúc động quá đó. Hẹn gặp lại ấp 4 thân thương một dịp khác nhé.

  10. Thưa anh Trương Phú,

    Các em thương mến,

    Một lần nữa xin cám ơn anh Trương Phú cùng các em đã theo dõi tập hồi ký “Tìm về kỷ niệm ấu thơ ” từ bài viết đầu tiên đến bài viết cuối cùng và có những phản hồi chia sẻ.

     

    Xin gởi lời thăm và lời chúc anh Trương Phú cùng các em mọi điều an lành.

  11. Hoàng Hưng nói:

    Kính thưa cô. Đọc xong bài của cô, em nhớ Sài Gòn lạ. Ngày xưa lúc ở Cần Thơ, vài ba tuần là dù về Sài Gòn. Chẳng có nhà cửa, quê quán ở Sài Gòn, sao lúc đó gọi là “về Sài Gòn.”  Có một lần lên được máy bay về Sài Gòn, máy bay cất cánh một đoạn khá xa rồi. Không biết tại sao bị gọi quay lại, tất cả xuống hết trình giấy phép, ai không có giấy phép không được lên phi cơ.

  12. vothilai nói:

    Chị Phan Lương ơi ! Không chỉ mình chị nhầm đâu,hôm cô về thăm trường em cũng ôm chi Huyền Khanh ,nhìn lại phía sau thấy cô mới biết mình lầm cả đám quê ơi là quê .

  13. Cô thật may mắn vì có một gia đình lớn, hạnh phúc và rất yêu thương nhau. May mắn cho em là đã từng được viếng thăm ngôi nhà ấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác