Một đời sông nước
Con sông Mississipi chảy qua nhiều miền đất mọi rợ và hiểm trở. Nhiều thuyền bè đã thành miếng mồi ngon cho quân vô lại. Để đứng vững trong cái nghề gian nan nhưng cũng đầy thú vị này, phải là tay can đảm, dám sống chết với nghề. Chú Jim là một. Thực ra, với những hành động can trường của mình, chú còn tỏ ra vượt trội cả những tay bạo phổi nhất trên dòng sông này.
– Chú Jim mất rồi.
Câu nói đượm buồn của Già Tom khiến tôi lịm người. Con sông Mississipi trước mắt tôi bỗng trở nên nhạt nhẽo, hững hờ. Còn đâu chú Jim yêu quí, tấm gương sáng của đời tôi. Suốt những tháng ngày từ lúc tôi lên đường theo tiếng gọi của Abraham Lincoln cho đến khi Nội chiến chấm dứt, tâm trí tôi hằng nghĩ về gương mặt khắc khổ đầy nét phong trần của chú. Nếu bạn từng tiếc thương sự ra đi của một người thân yêu trong đời thì bạn mới hiểu được nỗi đau của tôi khi nghe tin này, dù giữa tôi và chú không hề ruột thịt gì.
Chính đấy là người đã dạy tôi muốn thành đạt trong cuộc sống người ta phải biết làm gì. Cuộc đời lắm nỗi gian truân nhưng đầy hào hùng của chú là cả một bài học tuyệt vời.
Cất tiếng khóc chào đời trong một túp lều xiêu vẹo nằm quạnh hiu bên dòng sông Mississipi hùng vĩ, chú Jim đã phải trải qua những tháng năm cơ cực. Sớm mất cha lẫn mẹ khi vừa lên tám, chú phải lần lượt nếm đủ mùi cay đắng của kiếp người. Mấy tuổi đầu phải tự nuôi thân bằng cách ngày ngày đi mò tôm bắt cá. Những trận đòn roi vọt nên thân khi nai lưng làm thuê cho các đồn điền với đồng lương rẻ mạt…
Thế mà qua lời kể của Già Tom, dù cuộc sống có thế nào chăng nữa, trong lòng cậu bé Jim bất hạnh vẫn luôn cháy bỏng một tình yêu mãnh liệt dành cho những chiếc thuyền hơi nước tháng ngày xuôi ngược trên sông. Những chiếc thuyền ấy có một sức thu hút diệu kỳ tâm hồn cậu. Mỗi một con tàu tách bến ra đi là một lời gọi mời cậu đến những bến bờ xa. Cậu đăm đăm dõi theo con thuyền ấy cho đến khi nó mất hút cuối chân trời mà cõi lòng nao nức.
Có thể nói chú sinh ra là để hiến dâng cho sông nước. Nhưng ngay cuộc đời sông nước của chú cũng chẳng bắt đầu dễ dàng gì. Mong nhận được một chân thủy thủ tập sự, chú Jim lúc ấy vừa bước vào tuổi mười lăm, đã mất nhiều ngày trời tới lui thuyền này tàu nọ mà vẫn hoài công. Ai lại dở hơi đi nhận một đứa bé con ốm yếu. Làm thủy thủ không dễ như đi hóng mát. “Cái xác mỏng manh này, một cơn gió cũng đủ thổi bay”, các chủ thuyền thảy đầu nghĩ thế.
Song may mắn cuối cùng cũng đã mỉm cười với cậu thiếu niên đầy nhiệt huyết. Già Tom, hoa tiêu đồng thời là chủ chiếc “Chim Ưng” đã bằng lòng nhận cậu. Đó là một chiếc thuyền khá lớn chuyên chở hàng hóa tới mọi miền, từ đầu sông đến cuối sông. Vì thương hại cho hoàn cảnh bất hạnh của cậu và cũng vì Già Tom đọc thấy trong đôi mắt sáng quắc của cậu bé một niềm nghị lực, say mê. Chính ông cũng đã trải qua một tuổi trẻ đầy gian khổ.
Đời sông nước bắt đầu từ đây. “Đó là quyết định sáng suốt nhất đời tôi”, Già Tom thường nói thế và ông chưa bao giờ ân hận về điều này. Những gì chú Jim làm sau này cho chiếc “Chim Ưng” đã là câu trả lời đanh thép cho những ai từng khinh rẻ chú. Chú đã làm “Chim Ưng” từ một con tàu bình thường trở nên nổi tiếng. Bản thân chú từ một cậu bé khốn cùng trở nên một trong những tay phiêu lưu bạt mạng và tài năng nhất trên dòng Mississipi. Nói tới thuyền bè trên con sông hùng vĩ này là phải nói tới chiếc ‘Chim Ưng” và nói tới “Chim Ưng” thì phải nói tên tuổi của chú Jim.
– Ta không bao giờ được những kỷ niệm cao đẹp về chú.
Mắt trầm ngâm, Già Tom bùi ngùi nói, bàn tay nổi đầy gân run run vuốt chòm râu bạc. Theo Già Tom được ít lâu, chí Jim đã tỏ ra là một tài năng thiên bẩm của sông nước. Chú thừa sức thay thế Già Tom trong nhiều việc, kể cả điều khiển con tàu. Chú am hiểu con sông Mississipi rành rẽ không kém gì Già Tom, một tay từng trải mấy mươi năm trên dòng sông này. Chú thuộc con sông từng dặm một như lòng bàn tay: Mỗi dấu hiệu đều mang một ý nghĩa riêng. Còn phải nhớ cả dạng hình của sông vì khi đi trong lúc sương mù dày đặc hay trong đêm tối, người hoa tiêu chẳng nhìn thấy gì mà vẫn phải điều khiển con tàu. Chỉ một sai lầm thôi cũng có thể làm đắm tàu, gây thiệt hại sinh mạng, hàng hóa…
Nghề sông nước là một nghề rất đỗi khó khăn. Ấy vậy mà trong suốt cuộc đời mình, chú Jim hầu như chưa một lần phạm sai lầm.
Con sông Mississipi chảy qua nhiều miền đất mọi rợ và hiểm trở. Nhiều thuyền bè đã thành miếng mồi ngon cho quân vô lại. Để đứng vững trong cái nghề gian nan nhưng cũng đầy thú vị này, phải là tay can đảm, dám sống chết với nghề. Chú Jim là một. Thực ra, với những hành động can trường của mình, chú còn tỏ ra vượt trội cả những tay bạo phổi nhất trên dòng sông này.
Tới nay người ta còn truyền tụng chiến công đã trở thành huyền thoại của chú Jim xảy ra vào một chiều tối tháng Ba, khi “Chim Ưng” đang áp tải một số hàng hóa quí giá đi tới một khúc sông cách New Orleans chừng hai mươi dặm. Lần ấy một toán cướp khoảng chục tên hăm hở tràn lên tàu. Với những chiếc thuyền khác thì việc duy nhất phải làm là ngoan ngoãn nộp ngay tiền, hàng cho quân thổ phỉ để bảo toàn mạng sống. Song chiếc “Chim Ưng” thì không. Bọn cướp không ngờ đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Không còn cách nào hơn vì chuyến này mà mất mát thì coi như trắng tay – đời sông nước kể như đi đứt.
Một cuộc hỗn chiến xảy ra. Nhiều anh em lần lượt ngã quị. Riêng già Tom ăn một phát đạn vào vai và gục ngay đầu tiên.Thế rồi chuyện lạ xảy ra. Chẳng hiểu bằng sức mạnh phi thường nào, chú Jim, người cuối cùng còn đứng vững, một thân một mình tả xung hữu đột giữa bầy vô lại lúc này cũng tiêu hao gần nửa chỗ không người. Một tên rồi lại hai tên thi nhau lãnh vào người những nhát dao chí mạng. Trước sự chiến đấu gần như điên cuồng của chú Jim, mấy tên còn lại vội vàng phóng xuống sông tẩu thoát.Trận đánh kết thúc oanh liệt. Thật khó ai ngờ một người mỏng manh như chú Jim lại có thể đánh bại những tên cướp lực lưỡng, hung hăng.
Về phần mình, chú Jim cũng phải trả một giá đắt: Sáu nhát dao vào người. Thân hình bê bết máu của chú ngã lăn xuống mê man bất tỉnh hầu như ngay sau đó. May là không vết nào trầm trọng nên thoát chết. Chiếc “Chim Ưng” trôi vật vờ một lúc thì được tàu khác đưa vào bờ.
Mùa Giáng Sinh năm ấy, Già Tom bỗng yếu hẳn đi, có lẽ do vết thương dạo nào. Nên, vốn chẳng con cháu gì, Già Tom quyết định trao lại toàn bộ con tàu “Chim Ưng” cho chú Jim, người từ bấy lâu nay ông vẫn coi như người học trò ưu tú, một đứa con cưng. Thế là chú Jim, từ một đứa bé mồ côi không ai buồn ngó tới đã nghiễm nhiên trở thành chủ nhân một chiếc tàu lớn được mọi người vì nể. Năm ấy chú tròn hai lăm.
Những câu chuyện về lòng gan dạ cũng như tài lèo lái trên sông nước của chú Jim được Già Tom và nhiều tay thủy thủ kể lại cho bọn trẻ chúng tôi. Những câu chuyện ấy có sức mê hoặc lạ lùng, đến nỗi một ngày kia tôi nằng nặc đòi mẹ cho theo thuyền chú Jim làm những chuyến đi xa. Ừ nhỉ, con người ta sinh ra và lớn lên ở một miền sông nước không thể không nuôi trong lòng một tình yêu sông nước, Song mẹ tôi, sợ tôi đang dở việc học hành, chỉ cho tôi thực hiện ước mơ khi lên mười tám, sau khi học xong trung học.
Nhưng năm tôi vừa tròn mười tám thì đất nước bước vào một tình trạng rối ren. Sắc luật Bình đẳng Các dân tộc do tổng thống Abraham Lincoln ban hành đã đưa đến việc các tiểu bang miền Nam tách khỏi liên bang.
Và Nội chiến bùng nổ. Tôi tạm chia tay giấc mơ sông nước, lên đường chiến đấu dưới lá cờ chính nghĩa.
“Khi Nội chiến xảy ra, con sông Mississipi bị phong tỏa. Già Tom kể, gương mặt nhăn nheo đượm màu hồi tưởng – không còn thấy bóng dáng những con tàu thấp thoáng ngược xuôi trên sông một thời gian dài. Đi trên sông lúc đó khác nào đem mạng sống ra đùa với tử thần. Họa những kẻ điên rồ mới làm như vậy vì lúc nào cũng có thể ăn đạn dễ như chơi.
Ấy vậy mà trong những kẻ điên rồ lại có mặt chú Jim, người đã xem nghiệp này như một phần máu thịt của đời mình. Với chú, giã từ sông nước, dù chỉ một thời gian ngắn thôi, là cả một cực hình.
Chiến tranh làm đình đốn lưu thông khiến nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm, mắc mỏ. Một hôm, có người đến thuê chiếc “Chim Ưng” chở một số hàng với tiền thù lao hậu hĩnh. Chú Jim nhận lời ngay. Ai cũng thừa hiểu điều đó chẳng hề vì món tiền béo bở mà đơn giản là vì tự ái nghề nghiệp, vì lòng yêu sông nước thiết tha.
Đau đớn thay, chính trong cuộc mạo hiểm này tai họa khủng khiếp đã giáng lên đầu chú.
Chiếc ‘Chim Ưng” vừa chạy được mười lăm dặm, qua một đồn lũy gần Saint – Louis thì vang lên một tiếng nổ kinh hồn. Từ đồn một quả đạn pháo vào con tàu và nổ ầm lên. Một người chết ngay, vài người bị thương.Riêng chú Jim bị chấn thương nặng cột sống.Mấy người còn lại vô sự gắng đưa được con tàu hỏng hóc về bến cũ.
Những ngày ảm đạm của chú Jim bắt đầu từ đấy. Dù được tận tình cứu chữa nhưng thương tật quái ác đã khiến chú không thể nào quay về với cái nghiệp máu mủ của mình được nữa. Chú chỉ còn biết ngày này sang ngày khác nằm liệt trên giường đau khổ nhìn cuộc đời trì chậm trôi qua. Với một kẻ quanh năm bềnh bồng trên sông nước như chú Jim, còn gì đau đớn hơn khi phải chia tay với “Chim Ưng”, với dòng sông mến yêu bao năm gắn bó.
Suốt những ngày bệnh hoạn, chiều chiều chú lại nhờ người nhà cáng ra bờ sông, để ngắm nhìn chiếc “Chim Ưng” và bến sông thân thuộc, mong phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ. Chú nhớ biết bao những khúc uốn, những cua quẹo của dòng sông thân thương, nhớ nơi nào mực nước nông sâu, nhớ cái không gian hào khoáng “Chim Ưng” đã vẫy vùng… Phải, chú nhớ vô cùng!
Một đêm kia, trong nỗi đau ray rứt, chú Jim đã từ già cõi đời!
Già Tom dừng kể, mắt buồn nhìn ra con sông Mississipi nơi đã chứng kiến bao nỗi buồn vui cuộc đời. Nước sông khi đục khi trong; lòng sông chỗ sâu chỗ cạn như chính đời người có lúc vui lúc buồn. Con sông vẫn dạt dào, trìu mến như thuở trước khi tôi ra đi. Xa xa, thấp thoáng một bóng tuyền về bến.Từ phía sông thổi tới một làn gió mát rượi. Gió mát như gợi về những kỷ niệm xưa.
– Như vậy chú Jim đã vĩnh viễn giã từ đời sông nước. Tôi bâng khuâng. Thế “Chim Ưng” giờ về đâu, Già nhỉ?
– Vĩnh viễn giã từ đời sông nước ư? “Chim Ưng” bây giờ ở đâu ư? Già Tom đăm chiêu nhìn tôi. Ta biết nói với cháu sao đây. Chỉ biết sau này có người quả quyết rằng, đúng vào cái đêm chú Jim qua đời, một đêm trăng vằng vặc, chính mắt anh ta đã nhìn thấy chiếc “Chim Ưng”, từ lâu hỏng hóc và được neo tại chốn sông này, bỗng dưng không người lái lững lờ rẽ nước ra đi.
Con tàu ấy về đâu, không ai biết.
Truyện ngắn Trần Thế Kỷ