Đám giỗ dòng tộc (kỳ 2)

Ngày đăng: 23/08/2015 05:58:29 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Thưa cô! Sáng nay con dậy sớm gỏ mail và gửi hình cho cô xong là con thay áo quần đến chị H. Mới sáu giờ thôi, trong khi chị H hẹn các anh bảy giờ lên thuyền, nhưng chị Châu cũng lấy xe chở con đến Duy Tân, chơ không cho con đi bộ. Năm người đang ngồi ở phòng ăn, thấy con vào, chị Huyền liền chạy ra đón và dắt con đi mua vé ăn buffet giá đến tám chục nghìn lận! Theo con là quá đắt, vì vật giá Huế con ăn hai đọi cơm hến chỉ mười bốn nghìn, tô bánh canh chả cua chỉ mười, mười hai nghìn thôi, mà rất ngon, con rất thích.
Trong này cũng có bún Huế, nhưng nấu không ngon như ở ngoài. Con chỉ ăn tô bún nhỏ không ngon, bánh cuốn không nhân. Bánh bèo đổ mỏng, bánh lọc nhỏ xíu không mỡ. Hai món này ngon hơn Hương Cau, nhưng tính ra là quá mắc. Biết vậy khi kia đừng mua vé, mà đi ra ngoài ăn vừa rẻ, vừa ngon hơn. Xe chúng con đến bến đò đã thấy các anh và Bé Mỹ chờ sẵn  với lố nước suối lẫn thanh trà Bé Mỹ mua ở chợ, nhưng hơi bị khô. Chị H thì đem cả hộp Chocolate.

Người ta mướn thuyền rồng chỉ sáu trăm nghìn, còn chị H mướn đến triệu hai để đi suốt ngày , ghé chùa Thiên Mụ trước khi dừng ở Nguyệt Biều ăn kỵ, rồi dạo chơi trên lăng hết ngày mới về khách sạn nghỉ ngơi.
Thuyền nổ máy chạy một vòng xuống hướng cầu Đông Ba mới quay lên cầu Trường Tiền, làm tụi con thi nhau chụp hình cảnh cầu với núi rất đẹp. Con chỉ chụp cầu, núi với sông Hương thôi là đủ rồi, còn Đức Tính chụp rất nhiều cảnh Huế nhìn từ sông Hương. Chị H chỉ chụp hình người của đoàn ngồi trên thuyền để giữ lại những kỷ niệm đẹp bên nhau thôi chơ không chụp cảnh.
Thuyền đến cầu Giã viên, cây cầu nầy không thẳng mà cong, người ta còn xây các ngôi nhà nhỏ bên thành cầu để khách nghỉ chân, trú mưa, hay ngồi hứng gió, câu cá.

Thuyền ghé chùa Thiên Mụ. Con chỉ chụp cái tháp bảy tầng lớn, biểu tượng của Huế là tháp cổ và cây cầu sáu vài mười hai nhịp. Sân sau của Chùa cũng có cái tháp nhỏ và cái đỉnh cắm đầy nhang cũng hay hay nên con chụp luôn.
Còn Đức Tính chụp cảnh hai bên bờ sông, thuyền rồng, thuyền vịt, núi non lẫn resort vườn cây, có lẽ để làm tư liệu viết văn sau nầy. Đoàn đi vòng quanh chùa rồi đứng đợi. Trong chùa các sư đang nhập hạ đang tụng kinh ở chánh điện. Khách du lịch viếng chùa cũng khá đông, nên con chỉ đứng bên ngoài vái vọng vào, chứ không vô chánh điện lễ Phật, nhưng cũng giúp chị H tìm thùng phát sương bỏ tiền cúng chùa.
Trước khi đi tiếp, cả đoàn đứng gần cổng, sau lưng sông Hương rẻ hai nhánh êm đềm xanh biếc chụp hình, rồi xuống thuyền tiếp tục thượng nguồn thẳng tiến.
Thuyền ghé vào bến đò xóm Vạn ngày xưa đi chợ Đồn, cạnh vườn nhà cô Cả, tụi con lên tính đi thẳng, nhưng gặp phái đoàn họ Thân đi kỵ viếng nhà thờ, trong đó có anh An, và nhiều người con không nhớ hết. Mọi người chào nhau, các anh mời đoàn mình ghé thắp nhang nhà thờ nên mọi người vào. Thật ra mọi người thích nhìn những trái bưởi to, tròn, lủng là lủng lẳng, thò ra khỏi hàng rào, thấp gần sát đất để mà vuốt ve, sờ nắn và ước chi được hái ăn hơn là tưởng nhớ đến tổ tiên.

Dũng con chị Cả Tình ở giữ nhà thờ lên đèn, đốt nhang. Chu cha ơi nhiều bát nhang quá! Thắp đến ba bó cắm mới đủ. Mọi người lạy xong ra ngồi ở bàn nhìn ra vườn cây. Dũng cho cắt thanh trà đem ra. Lần đầu tiên con ăn thanh trà thấy có nước và ngọt, chơ những lần trước rất khô, không có mùi vị chi hết. Còn bưởi đỏ, con nghe nói chua nên con không ăn. Anh An thông thái, hết giải thích hình chụp thờ đến nguồn gốc thanh trà do Vua Gia Long đem giống là bưởi Năm roi về trồng, với gốc tôm chua từ Gò Công do bà Từ Dũ đem về. Tôm chua thì sử sách có ghi chép, còn gốc gác thanh trà từ bưởi Năm roi thì còn phải nghĩ lại.

Thấy còn sớm, tụi con ghé dì Hai để thăm vườn cây. Dì chưa đi kỵ vì chưa có ai về trông nhà. Mọi người đi xem bưởi, dâu, chị H chê con chụp hình sao thấy bưởi nhỏ hơn bên ngoài. Vân Anh chụp hình trái chè, vì biết uống lá chè mà chưa hề thấy trái bao giờ. Đồi chè Dalat xén thấp nên không bao giờ có trái. Cây chè nhà dì cao ơi là cao có lẽ trồng đã lâu năm, cùng tuổi với khu vườn nên trái trĩu cành.

Dì cắt bưởi tàu cho ăn, còn kêu là ăn giống bưởi ni nên thuốc, được cái là bưởi cũng có nước và ngọt, dù không bằng bưởi  Năm roi, hay bưởi da xanh như ở trong Nam, nhưng vẫn được mọi người thanh toán sạch sẽ.

Ngồi trước sân nhà dì rất mát nên không ai muốn đi cho đến mười giờ, con vào kiếm ba đòn chả dì đã lấy ra khỏi tủ đông, dì nói dì cũng đã hấp sơ lại nên đem đến cúng có thể cắt dọn ra dĩa mời được.
Tụi con đến nhà thờ đứng ngoài cổng, con chụp hình cửa phường, cổng nhà với bình phong chơ chưa vào. Một lát sau có hai xe của phái đoàn cô Cẩm đến, con vào thay áo dài để lên làm lễ. Chỉ lạy xong ba bàn thờ là mồ hôi tuôn ướt đẫm cả áo hết rồi, phải lật đật cổi ra để thở, và còn có thể ngồi ăn.

Con đưa ba đòn chả cho Bình đem lên đặt cúng. Chị H kêu Tường Vi cắt chả dọn ăn. Tường Vi vui vẻ, nhanh nhẹn đi ngay làm chị H khen là đệ tử ruột. Không ngờ Tường Vi chỉ cắt hai dĩa dọn ra bàn cho chị H thôi, còn bao nhiêu đem cất tủ lạnh. Con phải xuống kiếm dĩa, may mà vợ Bình phụ cắt giùm, con đem ra mời đủ hết tám bàn. Mọi người khen chả ngon. Chị Thoa cứ hỏi con là làm sao mà chả trắng?

Cỗ đặt ngon lắm cô ơi! Cũng bánh tráng nướng xúc vả trộn có rau răm, húng tròn lẫn đậu phụng. Chả tôm, hoành thánh chiên giòn, gà bóp tiêu muối, rau răm, củ hành. Tôm xóc tỏi, bánh bao chiên , bò ra gu và tráng miệng yaourt. Con bận vào cắt chả nên chị Huyền để dành sẵn cho con một chén đủ các thứ, chơ con không biết món gì. Bàn ni ăn mạnh quá! Chỉ có món bò còn thôi, chơ món mô cũng hết sạch sẽ. Mấy bàn các ông nhậu thì còn dư nhiều, tha hồ cho quý bà bỏ nylon đem về.
Ăn ngon và no nên ai cũng muốn ngủ, thành ra thuyền chỉ chạy lên khỏi điện Hòn Chén một tí liền quay về khách sạn cho các chị nghỉ ngơi, làm con cứ tiếc tiền thuê thuyền nguyên ngày quá sức.
Về khách sạn có máy lạnh mát mẻ cho các chị tránh nóng, chờ nắng dịu, lại sữa soạn đến quán “Không gian xưa” do Hoá mời.
Quán nầy nằm ở đường Điện Biên Phủ ( dốc Nam Giao ), Sau bao lần làm đường, họ đổ đá nên dốc cũng đã bớt cao.  Quán mới cất theo kiểu nhà xưa, mái ngói thấp, nhiều cột, chính giữa nhà lầu. Hai bên hai nhà trệt. Tiếp viên mặc áo dài tím, còn phục vụ cũng tím mà là áo ngắn.
Đoàn bây giờ có  thêm Minh, vợ chồng Hoá, vợ chồng Yến nữa là mười bốn người, ngồi gian giữa của ngôi nhà trệt đầu tiên.
Đầu tiên là món hến xúc bánh tráng, rồi mít trộn. Những món đặc trưng của Huế. Tới
món thứ ba là xúp hải sản làm mọi người no hết trơn rồi! Ấy! Chỉ mấy món ăn chơi thôi, còn cá mú hấp, thịt phay tôm chua cuốn bánh tráng, rau lang xào tỏi là không ai ăn nổi, nhưng cơm niêu, tôm rim và canh chua hến nấu măng rất ngon thì ai cũng không thể bỏ qua. Chị H nói tôm rim như ri chắc là cô thích lắm! Tôm rất tươi, rim rất đỏ và bóng lưỡng. Cơm cháy vàng mơ ăn với ruốc xào sả rất ngon, có cà pháo mắm tôm, dưa cải chua, dưa mắm, dưa giá…thật là bá cháy. Nhưng canh hến mới là độc chiêu. Hến con nhỏ nên không dai, rất tươi, nấu với măng muối chua vàng vàng và cà chua chín đỏ lột vỏ ngon không chê vào đâu được, dù no muốn nứt bụng ra rồi! Quán ni ngon và nổi tiếng đã lâu rồi, khiến cho ai muốn ăn món Huế thì tìm về, bảo đảm ghé một lần rồi suốt đời không thể nào quên.
Tráng miệng gồm nho, dưa hấu và chuối tiêu, nhưng chuối còn xanh quá, nên Đức Tính lấy tăm ghim lại đem về, chờ khi nào chín sẽ ăn cho biết giống chuối của Huế ngày xưa chuyên dành để tiến Vua.
Chúng con chia tay nhau để mai còn gặp khi đi tế họ, và hẹn gặp nhau ở Sài Gòn.
Đêm nay con về khách sạn ngủ lại với các chị.  Con chúc cô ngủ ngon.

Bài và ảnh Thân thị Vân Hà

21/8/2015

h2H2               Bên trong Từ Đường, con cháu đang lễ Ông.

h3                    Tháp nhỏ trong khuôn viên chùa Thiên Mụ

h4                                    Cầu Giã Viên trên sông Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác