Những ngày mới đến Mỹ (kỳ 3)

Ngày đăng: 28/03/2015 07:36:41 Sáng/ ý kiến phản hồi (15)

Một hôm anh Chánh chở tôi qua New Orleans, từ nhà anh bên Westbank muốn qua New Orleans phải chạy qua cây cầu thật dài bắc ngang sông Mississippi. Tên cây cầu cũng dài, Crescent City Connection, viết tắc là ba chữ C, có lẽ vì thế mà người Việt ở Louisiana gọi là Cầu Con Cò.  Xe chạy ngang cầu Con Cò khá lâu. Ngồi trên xe nhìn xuống dòng sông Mississippi phía dưới, nhớ đến cầu Bình Lợi. Chạy ngang cầu Bình Lợi nhìn xuống dòng sông cũng sâu thăm thẳm. Rồi cố nhớ lại, năm nào học địa lý có nhắc đến dòng sông Mississippi. Không nhớ nổi, nhưng nhớ tên con sông có bốn chữ S, bốn chữ I và có điều cũng không thể ngờ, bây giờ tận mắt nhìn được dòng sông này

Vừa chạy qua cầu Con Cò, anh Chánh chỉ Super Dome là sân football lớn nhất nước Mỹ.  Mái che đúc bê tông có thể chịu đựng được sức gió lên đến hai trăm dặm một giờ. Vậy mà sau này trận bảo Katrina năm 2005 sức gió chỉ khoảng trăm rưởi dặm một giờ, lại phá một phần mái che. Có lẽ gió không tới hai trăm dặm, nhưng sức giật lại mạnh.

Chạy thêm mấy phút đến nhà hàng của anh Cường. Ngày xưa anh Chánh cũng từng giúp việc cho anh Cường. Anh Chánh kể lại, lúc anh Cường cần người phụ việc, gọi anh Chánh đến, anh Cường tính tiền trả cho anh Chánh từ lúc anh gọi anh Chánh. Lúc còn đi học anh Cường đã nấu phở trong nhà để xe, bán cho bạn bè và những người quen biết. Chỉ cần điện thoại tới đặt mua bao nhiêu tô phở, anh Cường nấu mang đến giao. Qua Mỹ tôi mới biết có dịch vụ tiệm ăn mang thức ăn giao đến tận nhà cho người mua. Anh Cường đậu xong bằng cử nhân toán, không đi làm hãng xưởng. Mua lại một nhà bảo sanh có hai mươi bốn phòng giá nửa triệu đô. Anh trang trí lại mỗi phòng một nét khác nhau, mở nhà hàng. Chắc trước khi đi anh Chánh có điện thoại cho anh Cường biết, nên vừa đến anh Cường đã biết tên tôi. Anh mời vô, dọn cho tôi và anh Chánh một bàn nhậu khá nhiều thức ăn. Anh vừa nhậu, vừa chạy tới chạy lui, phụ việc trong quán.  Chúng tôi vừa nhậu vừa thưởng thức nhạc của một người Mỹ đang chơi khá điêu luyện. Anh Chánh nói, anh Cường chơi sang, mướn cả Mỹ trắng chơi nhạc cho nhà hàng. Trong suốt buổi nhậu anh Cường nói đi nói lại mấy lần. Anh mời tôi thỉnh thoảng ghé chơi, dù có đi thêm với bạn bè, anh vẫn đải miển phí. Nếu có ngại, chỉ trả tiền bia thôi, anh không tính tiền thức ăn.

75Một hôm nhìn mái tóc tôi khá dài, chị Hoa vợ anh Chánh vừa cười vừa nói, để tóc kiểu Việt Nam. Anh Chánh cũng cười, rồi rũ tôi đi. Tôi cũng không biết anh chỡ đi đâu. Chạy lòng vòng một hồi, anh ghé tiệm hớt tóc. Ngồi đợi khá lâu, thấy chị hớt tóc vẫn còn hớt cho một người. Chị hớt rất kỹ, có thể nói là o bế mái tóc cho người đó. Hớt xong chị chậm rải phủi từng cọng tóc trên chiếc áo sang trọng của người khách. Người khách từ từ đứng dậy, vung vai,  móc 100 đô mới cáo đưa cho chị thợ, anh ta nói, chị khỏi thối. Thong thả bước ra chiếc xe mui trần Corvette mới toanh. Tôi giật nảy mình, hớt tóc 100 đô. Mấy hôm trước đi ăn sáng, cạnh bàn có hai bạn trẻ, trông lực lưởng, nhưng chẳng có nét gì sang trọng, khoảng chừng ba mươi tuổi. Hai người bạn trẻ ăn xong, đứng dậy móc 100 đô, vuốt ra để lên bàn, rồi bước đi. Chủ quán vội vả chạy theo nói lời cám ơn. Còn nói vói theo, lần tới trở về nhớ ghé ăn dùm chị nghe. Đang ngồi nghĩ đến những người xài sang này là ai.  “Hưng! lên ghế chị hớt tóc cho nè,” chị hớt tóc gọi tôi. Trong khi hớt chị tự giới thiệu, tên Cúc. Chị Cúc chưa chắc đã lớn tuổi hơn tôi, khi nói chuyện luôn xưng chị, gọi tôi bằng em ngọt xớt. Hớt xong chị không lấy tiền. Thế là thêm một lần nợ cuộc đời, cám ơn chị Cúc nhiều. Sau này về Cali, nghe đồn tiêm hớt tóc của chị Cúc ở Việt Nam mới qua hớt rất đẹp, tôi vào hớt thử. Thấy tên tiệm của chị là Thanh Thủy,  tôi nhắc đến tiệm hớt tóc Thanh Thủy ở Gò Vấp. Vừa nghe nói đến tiệm Thanh Thủy ở Gò Vấp, mắt chị sáng lên, hỏi dồn dập, nhà em ở đâu mà em đến tiệm Thanh Thủy ở Gò Vấp hớt tóc. Tiệm đó là nhà của chị đó.Tôi nói với chị, từ tiêm hớt tóc Thanh Thủy đi về hướng chợ Cây Thị khoảng vài chục thước, có một cái quán tạp hóa nhỏ của bà Đội người Bắc, có hai cô con gái Thoa, Tâm thường gọi tôi bằng bác Hưng. Xeo xéo phía trước quán bà Đội có một cái hẻm đi vô một cái biệt thự lớn của ông làm ở hãng bia BGI, sau này cái biệt thự đó là trụ sở công an Gò Vấp, nhà tôi kế bên đó.  Xóm tôi ở đa số là người Bắc. Chị nói, biết cả hai cô Thoa, Tâm và biết cả xóm tôi ở. Sau này dù biết tôi lớn hơn chị một tuổi, chị vẫn xưng chị, gọi tôi là em ngọt xớt. Có một lần không biết chị nhớ gì về quê hương, gặp được người cùng xóm ngày xưa. Chị nhắc lại khắp vùng Gò Vấp, Gia Định. Nhắc đến hảng dệt Vinatexco gần nhà, rồi nhắc đến hảng Sakymen ở chỗ nào tôi cũng hỏng nhớ. Rồi nhắc đến ngã năm  Bình Hòa dài đến cầu Băng Ky. Chị hỏi tôi, có biết đường Nơ trang Long ngày xưa là đường gì không. Dĩ nhiên tôi biết, con đường này tôi đã đi lại quá nhiều lần. Không đợi tôi trả lời, chị nói một hơi, đường Nguyễn văn Học, Ngô tùng Châu, Chi Lăng, Lê văn Duyệt. .  . đã đổi tên. Chị nói tiếp, Sài Gòn mình có hai đường Lê văn Duyệt, Lê văn Duyệt Sài Gòn, Lê văn Duyệt Gia Định đều đổi tên mới. Theo ý chị thì đường Lê văn Duyệt Gia Định mang tên Lê văn Duyệt đúng hơn, vì con đường này có Lăng Ông Bà Chiểu. Chị lại nhắc đến rạp Đại đồng, Cao đồng Hưng. Nhắc đến những ngày rằm đi chùa Già Lam nhưng không ăn chay, qua Xóm Gà mua bánh mì gà. Chị nói bánh mì gà ở Xóm Gà sao mà ngon quá, qua Mỹ chưa ăn được ổ bánh mì nào ngon như ổ bánh mì gà ở Xóm Gà. Vừa nhắc đến bánh mì gà, chị chạy nhanh đến Đa Kao nhắc đến thạch chè Hiển Khánh, bánh cuốn Tây Hồ. Chị hỏi tôi, có biết sao bánh cuốn Tây Hồ có tên Tây Hồ không. Tôi chưa trả lời, chị nói tiếp, tại vì ngày xưa tiệm bánh cuốn ở chổ đền thờ của cụ Tây Hồ Phan châu Trinh. Người ta gọi là bánh cuốn Tây Hồ, rồi thành danh luôn. Chị lại hỏi tôi, bánh cuốn Thanh Trì bên Tân Định khác với bánh cuốn Tây Hồ thế nào. Rồi chị tự giải thích một dọc, tôi cũng chẳng nhớ nổi. Hôm đó khách ngồi chờ khá đông, chị vẫn mãi miết hớt cho tôi, hớt xong, chị hớt lại. Chị hớt tất cả ba lần. Hớt xong lần thứ ba, chị mới nhìn lại. Chị nói, ủa! hôm nay chị hớt cho em cao quá vậy. Ai hớt cho chị cao, chị ghét lắm, thôi bửa nay chị không lấy tiền.

Một buổi chiều ra phía trước dọn dẹp những đồ chơi của mấy đứa trẻ, chơi chán bỏ vươn vải khắp lối đi, và thường bỏ qua đêm chẳng ai lấy cắp. Năm sáu đứa trẻ cùng xóm thường chơi chung, chẳng biết đồ chơi nào của ai, chỉ gom lại cho gọn. Tôi thường ngồi nghe mấy đứa bé nói chuyện, để học nghe tiếng Mỹ, con anh Chánh mới bốn tuổi nói tiếng Mỹ nhuyển nhừ. Bên Phi tôi có làm phụ tá cho thầy, cô giáo Phi, nghe thêm được người Phi nói tiếng Mỹ, nhưng vẫn không bằng học nghe tiếng Mỹ từ những cô bé Mỹ này. Nhớ hồi ở Bidong, người Mỹ từ Mỹ đến nói chuyện với người Việt, thường nói qua người Mỹ làm việc tại Bidong, rồi người Mỹ ở Bidong nói tiếng Mỹ lại cho người Việt. Nghĩa là thông dịch tiếng Mỹ ở Mỹ thành tiếng Mỹ ở Bidong.Chỉ một lần duy nhất, một người Mỹ từ Mỹ đến Hội trường lúc 6 giờ chiều, Cao Ủy, thông dịch đều về hết. Đành phải đến chào hỏi người Mỹ, nói cho ông biết, tôi không phải là thông dịch, tiếng Mỹ còn kém, ông cần gì làm ơn nói chầm chậm. Ông đưa tờ giấy cho tôi và nói, làm ơn lấy hồ sơ của một đứa bé này, và gọi đứa bé lên cho ông gặp. Ông sẽ cho đứa bé đi thẳng Mỹ trong một thời gian ngắn nhất.

Trong khi dọn dẹp, tôi thấy một bánh xe của chiếc xe anh Chánh phù lên khác thường. Vô cho anh hay, hôm sau anh rũ tôi đến tiệm Sear thay vỏ xe. Giao chiếc xe cho tiệm Sear, anh rũ đi vào tiệm Sear. Tôi nói với anh, tôi muốn ở lại coi thay vỏ xe, anh cũng ở lại. Nhân viên tiêm Sear chạy xe đậu vào vị trí của họ muốn. Bấm nút chiếc xe hỏng lên. Lấy một dụng cụ giống như cây súng, đặt vào con ốc, bóp nghe lọc cọc trong tích tắc lấy ra một con ốc. Tháo xong năm con ốc, mang võ xe lại đặt lên máy tháo vỏ xe. Trong vòng hai phút vỏ xe được tháo ra. Tôi rất ngạc nhiên không thấy ruột xe. Thêm một điều mới lạ trên đất Mỹ. Thay xong, họ đem lại máy khác, tôi không biết để làm gì, anh Chánh nói họ “cân bằng” bánh xe lại, nghe nhưng tôi vẫn không hiểu “cân bằng” để làm gì. Khi tính tiền nhân viên tiệm Sear cho biết vỏ xe anh còn 45% hạn sử dụng. Họ thay cho anh vỏ mới, anh chỉ trả 55% giá tiền. Thêm một lần ngạc nhiên nữa, sự buôn bán bên Mỹ tốt quá. Ngày xưa ở Việt Nam tôi mua ruột xe Honda còn trong hộp. Khi đi thay, mặc dù ruột xe nhìn mới toanh nhưng bị xì những lổ nhỏ tí ti, người thợ nói, bị xì lổ mọt. Mang đi đổi, tiệm bán ruột xe không nhận lại, mất toi ba trăm đồng.

Thay vỏ xe xong anh mua thêm một món đồ phụ tùng xe mang về nhà. Hôm đó là ngày chúa nhật, Liêm đang ở nhà, anh nhờ Liêm thay dùm. Liêm là bà con chú bác với anh, cũng ở Vĩnh Long vừa qua Mỹ được hai năm. Anh nói, bà con ở Việt Nam có đến ở đậu, thường không ai trả tiền nhà. Bên Mỹ đa số ai cũng còn nợ tiền nhà, nên bà con đến ở đậu cũng phụ trả tiền nhà. Tôi thấy Liêm gở món đồ cũ ra, thay món đồ anh mới mua vào dể dàng. Cầm món đồ cũ, tôi thấy vẫn còn mới cáo. Tôi hỏi anh tại sao phải thay, anh nói, bên ngoài coi còn mới, nhưng bên trong sắp hư rồi. Tôi hỏi anh, thợ sửa xe bên Mỹ chỉ làm như vậy thôi hả. Anh trả lời, chỉ vậy thôi. Tôi nhớ chú chín Nam Hưng ở Cầu Mới, sửa xe ì ạch, tháo đồ cũ ra, o bế lại ráp trở vô, có khi xài được có khi không. Xe sửa xong, anh Chánh nói nhỏ, nảy giờ có thấy gì không. Nhìn trở lại sau, tức là nhìn qua căn nhà kế bên, một cô Mỹ trắng đang nằm tắm nắng trên sân cỏ, chỉ mặc trên mình hai mảnh vải nhỏ tí ti. Anh Chánh nói tiếp, có nhìn thì nhìn thẳng, đừng liếc liếc, Mỹ ghét lắm. Tôi muốn hỏi anh, sao anh biết “liếc liếc” thì Mỹ ghét, nhưng thôi. Để sau này có dịp hỏi mấy cô blonde.

 

Một buổi sáng tôi ra phía sau vườn, nhìn rau dắp cá quá tốt tươi mọc tràn lan. Nhìn lá rau quá to so với lá rau bên Việt Nam. Tôi chạy vô nhà tìm cây thước đo lá rau. Tìm được cây thước, vừa ra đến bên hong nhà thấy những bụi húng lủi cũng quá tốt, vừa đo xong lá rau húng lủi. Nói ra chắc có nhiều người không tin nổi, một chiếc lá rau húng lủi bề dài tám phân rưởi, bề ngang bốn phân rưởi. Vừa định đi ra sau đo tiếp lá rau diếp cá, anh Chánh kêu giưt lại. Đi ăn sáng nè, bửa nay anh Hổ đải. Lên xe, anh chạy đến bên hong một ngân hàng, dừng lại một cậy cột, thấy anh bấm nút nào đó, có một cái hộp chạy xuống, anh để một ngân phiếu vào. Một tí anh xoay vào cây cột, anh nói, anh muốn bỏ ngân phiếu vào trương mục và lấy ra một trăm đô tiền mặt. Thêm một điều mới lạ nữa khi mới đặt chân lên đất Mỹ. Ở Việt Nam có lần tôi đến, hình như là sở hành chánh tài chánh số 9 lảnh ra một số tiền cũng khá. Vẫn còn muốn ở Sài Gòn chơi, số tiền khá nhiều không thể giữ trong người. Tôi mang số tiền đó gởi vào ngân hàng thần tài Tín Nghĩa, con gà ấp trứng vàng. Tôi nói tuần sau tôi sẽ rút số tiền đó tại Cần Thơ. Tuần sau đến chi nhánh ở Cần Thơ rút số tiền ra. Cô thơ ký ở ngân hàng cho biết, số trương mục của tôi, được trúng số. Đã thiệt, tiền trúng số đủ bao mấy thằng bạn đi ăn mấy ngày trời. Lúc đó Hồng Lợi còn ở Nha Trang nên không được hưởng. Đó là lần duy nhất tôi đến ngân hàng. Sau này chạy ngang ngân hàng Tín Nghĩa thấy bị cảnh sát canh gác. Sau đó ngân hàng bị dẹp luôn. Tôi thắc mắc, nếu khi tôi đang bỏ tiền trong Tín Nghĩa ngân hàng. Ngân hàng bị dẹp, số tiền sẽ ra sao?

Ăn sáng xong, ra về anh Chánh biểu tôi qua lái xe về nhà. Anh chỉ sơ sơ, chân trái đạp thắng, chân phải đạp ga. Buông thắng thì từ từ đạp ga, buông ga thì từ từ đạp thắng, đừng đạp lộn là được rồi. Hồi ở Sài Gòn tôi có học lái xe mấy ngày, xe ở Sài Gòn khó chạy hơn xe ở Mỹ nhiều. Những năm đầu thập niên 70, xe ở Sài Gòn đều là xe số tay. Lúc tôi chạy xe bên Mỹ đa số là xe số tự động.

Lúc mới lên Sài Gòn học, cả tuần lể, giờ ra chơi đứng lẻ loi một mình, nhìn bạn bè ăn mặc sang trọng, đúng “mốt.” Một hôm có một chị đến đụng vai tôi, ê! làm gì đứng một mình buồn vậy. Không đợi tôi trả lời, chị kéo tôi lại với hai người bạn của chị. Chị lấy một miếng ổi ngâm với nước gì đó đưa tôi ăn. Thấy miếng ổi vàng vàng, tôi định từ chối. Chị kia nói giọng bắc, ngon lắm, ăn đi. Tôi cắn một miếng ngon thiệt. Mấy chị cùng hỏi, sao suốt tuần thấy đứng một mình buồn vậy. Tôi trả lời xong, các chị  biết tôi ở Vĩnh Long lên học. Mấy chị cùng reo lên, nhập bọn với tụi này đi, sau khi tụi mình thi đậu cùng về Vĩnh Long chơi. Hồi đi học Tống phước Hiệp bằng xe Honda là sang lắm rồi, ba chị này đi học bằng xe hơi. Sân trường có rất nhiều xe hơi của học sinh. Thỉnh thoảng tôi cúng đi xe chung với ba chị, rồi chị cả dạy tôi lái xe. Sau khi học lái mấy ngày tôi đổi ý không muốn học nữa. Tôi sợ, sau khi tôi biết lái, chị cả bắt tôi lái xe. Không lái xe tôi đươc ngồi phía sau, nghe cô gái bắc nói chuyện rất ngọt ngào đến phát ghiền. Có lần tôi nói với chị Hoa 51 học chung lớp Đặng Huệ, những cô bạn học ở Sài Gòn nói chuyện ngọt ngào hơn những cô bạn học ở Tống phước Hiệp. Chị Hoa phản đối, ơ mà! những cô bạn ở Tống phước Hiệp dể thương hơn. Dể thương, nhưng thương đâu có dể, phải hôn các chị.

Tôi lái xe về tới nhà, anh Chánh bước xuống, nhìn xuống chỗ để chân của anh. Tôi bước qua hỏi anh kiếm gì. Anh cười nói, hồi nảy tôi lái xe, anh phụ đạp thắng, coi có lủng sàn xe không. Bước vô nhà tôi hỏi nhỏ chị Hoa, vợ anh Chánh, hồi nảy anh Chánh nói, anh Hổ bao đi ăn sáng, sao đi ăn không thấy anh Hổ. Chị Hoa cười, hồi hôm anh Hổ thua hết ngân phiếu đi làm tuần rồi. Cuối cùng ngân phiếu về tay anh Chánh, anh Chánh đem ngân phiếu đi đổi lấy tiền đi ăn sáng đó.

Sát bên nhà ra phía sau vườn, anh Chánh nối một patio rộng rải, trang trí đẹp lộng lẩy, sang trọng. Trong phòng có ba cái bàn. Có mấy ngày trong tuần, bạn bè anh Chánh tụ tập lại, ra patio đánh bài. Có khi tôi thấy một sòng, có khi hai sòng. Một sòng đánh bài tứ sắc, sòng kia kéo phé hay binh sập xám gì đó, chưa bao giờ ra ngoài đó nên tôi không biết. Bài tứ sắc tôi chỉ biết đánh chút chút. Hồi ở chung với ông đồ Đỗ Chiêu Đức, ông  Đồ dạy tôi đánh, nhưng cầm hai mươi con bài mỏi tay quá, nên đánh vài bàn chẳng muốn đánh nữa.

Có một buổi sáng sau khi một anh thua hết tiền, sòng bài chấm dứt. Sau khi chấm dứt rồi, anh đó mới biết suốt đêm qua anh ngồi gần cô ca sĩ từ Cali qua. Trước khi về anh còn nói, suốt đêm ngồi gần cô ca sĩ mà tôi hỏng biết. Tôi nghĩ thầm, nếu anh biết sớm, anh còn thua lẹ hơn nữa. Thằng con tôi mê ca sĩ Như Quỳnh, đợt Paris by night nào phát hành nó cũng mua về coi, tôi thấy cô ca sĩ đó vẫn còn hát. Mấy năm nay không thấy nó mua nữa, không biết cô ca sĩ đó đã giải nghệ chưa ?

Trước khi anh thua hết tiền ra về, tôi nghe chị Hoa, vợ anh Chánh hỏi, chừng nào tàu anh đi đánh cá. Nghe anh trả lời, ngày hôm sau. Khoảng hai tuần sau vào một buổi chiều anh trở lại, chị Hoa hỏi anh, chuyến này đi khá không anh Trạng. Anh Trạng trả lời, không khá chị ơi. Chị Hoa hỏi tiếp, được mười ngàn không anh. Anh Trạng trả lời, không khá chứ cũng được hai chục. Chị Hoa nói tiếp, mấy anh kiếm tiền dể quá, về đất liền chơi sang quá mà, đi ăn là vuốt giấy trăm không, bà con lé mắt. Nhờ vậy tôi mới biết được mấy ông đi ăn một lần chỉ mấy chục, trả chẳng trăm, là mấy ông có tàu đánh tôm cá ở Louisiana.

Ngồi nói chuyện một chút anh Trạng sực nhớ, anh kêu tôi ra xe phụ anh khiêng xuống thùng cá khoảng năm chục lít đầy cá, con nào cũng to bằng bắp tay. Anh nói cho tôi và chỉ tôi, chặt đầu chặt đuôi, mổ bụng, không cần rửa, bỏ vô ngăn đá. Chừng nào ăn lấy ra làm sạch lại. Lúc đó vào chạng vạng tối, tôi vừa làm, vừa xua muổi. Nghe nói vùng Cà Mau, muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh. Không biết muổi ở vùng Cà Mau to không, muổi ở Louisiana con nào con nấy bự như con gà mái.

Có lần nghe chị Hoa kể câu chuyện, tôi thấy ở đâu cũng đa kim ngân phá lục lộ hay luật lệ gì đó. Câu chuyện liên quan đến một ông nha sĩ. Theo văn sĩ “Mộng Tuyết” kể, căn cứ vào một thống kê nào đó của riêng Mộng Tuyết, bác sĩ có ba cái nhà, tiền hưu sáu ngàn. Chắc “sĩ” nào cũng gần giống nhau, chỉ trừ văn thi sĩ. Thi sĩ Nguyễn tất Nhiên chỉ khá hơn người vô sản chân chính một chút, vì Nguyễn tất Nhiên còn có chiếc xe và ngồi chết trên chiếc xe đó. Theo một cựu học trò Ngô Quyền, con nhà văn Chu Tấn nói, nhiều người nghi ngờ Nguyễn tất Nhiên chết vì đói. Tôi nghĩ, có thể Nguyễn tất Nhiên nhịn đói để uống thuốc ngủ cho mau thấm thuốc. Ở Mỹ chết vì đói khó tin quá. Hồi mới đến Cali, tôi đi bộ lòng vòng, cảm thấy khát nước. Tôi vào siêu thị Hòa Bình, hỏi một nhân viên, ai là chủ siêu thị, tên gì. Người nhân viên chỉ tôi, anh Tol đang đứng gần đó là chủ. Tôi đến gặp anh Tol, nói với anh, tôi mới qua Mỹ, nảy giờ đi lòng vòng tìm việc làm, khát nước quá, anh cho xin lon nước. Anh Tol chạy đi lấy cho tôi lon nước. Anh nói, muốn làm ở đây không, đến đây làm. Tôi nói với anh, tôi còn một đứa em nữa. Anh nói, đến làm luôn. Khi nào có dịp, tôi sẽ kể lại chuyện đi làm ở siêu thị Hòa Bình. Bây giờ trở lại chuyện ông nha sĩ. Ông nha sĩ có biệt tài nhổ răng không đau, một người Việt Nam đến nhờ ông nha sĩ đó nhổ răng. Trước khi nhổ, cũng như các nha sĩ khác, ông cũng chích thuốc tê. Khi ông nha sĩ chích thuốc tê xong, cây kim bị gãy ngang, đầu kim vẫn còn trong hàm. Ông nha sĩ đề nghị bồi thường hai chục ngàn, bệnh nhân người Việt Nam này không chịu. Đi thưa ra tòa, nha sĩ người Mỹ giàu mà, có tới ba căn nhà mà, chỉ cần bán bớt nửa căn, mướn luật sư giỏi. Luật sư đưa bằng chứng cho quan tòa thấy, thân chủ nha sĩ của vị luật sư tài ba, có bằng chích thuốc, chích thuốc còn giỏi hơn mấy ông chích xì ke nữa, làm sao chích gãy kim được. Kim bị gãy là tại cây kim, vậy là thân chủ dược sĩ của ông không có trách nhiệm về việc kim bị gãy, trách nhiệm thuộc về hảng làm kim. Muốn đi thưa là nên thưa hảng làm kim chích. Quan Tòa rất sáng suốt, nhận thấy điều vị luật sư tài ba đưa ra rất là đúng, và xử y chang như vậy. Người bệnh nhân Việt Nam chịu thương tật, tiền đâu đi thưa nổi hãng kim, chỉ thưa nha sĩ còn hỏng nổi, đành ôm mối hận nước Mỹ văn minh, luật pháp rõ ràng.

(còn nữa)

Hoàng Hưng

 

Có 15 bình luận về Những ngày mới đến Mỹ (kỳ 3)

  1. nguyễn thị đức tính nói:

    Anh Hoàng Hưng ơi, mai mốt anh xuất bản thành một cuốn ký sự luôn nha,. đọc một lúc cho khỏi phải đợi chờ. hihi

  2. Luong Minh nói:

    Câu chuyện này quá hấp dẫn, buộc tôi phải đọc một hơi cho liền mạch. Thông thường một bài dài  4000 chữ , tôi thường cắt 2 ra là thành hai bài, nhưng với bài này tôi phải để nguyên, nếu không độc giả đọc nửa chừng thì phải “lẩm bẩm” chưỡi thằng biên tập. Nhiều thông tin ngồn ngộn ngày xưa ở vùng Sài gòn -Chợ lớn chảy vào ký ức của độc giả. Nó làm cho người lớn tuổi khoái trá, người nhỏ tuổi biết thêm về một thành phố của ngày xưa, nào là đường Nguyễn Văn Học, ngã tư Xóm Gà, chợ cây Thị ..Tôi nghĩ, nếu truyện chạy theo mạch này thì cuốn Những ngày đầu mới đến Mỹ được người đọc đón nhận cả hai tay.

    Lương Minh

  3. KiềuOanh nói:

    -“Chị Cúc chưa chắc đã lớn tuổi hơn tôi, khi nói chuyện luôn xưng chị, gọi tôi bằng em ngọt xớt.” Điều này chứng tỏ anh Hoàng Hưng nhìn trẻ hơn tuổi đó nhe.

    – Anh Hoàng Hưng, ở Mỹ hớt tóc cũng có khyến mãi nữa hở anh? Nhưng may mắn là khuyến mãi có….2 lần, nếu khuyến mãi thêm chắc sẽ thành kiểu tóc ..cao (nặng) quá. hihihi.

  4. HLan-75 nói:

    Anh  Hoàng Hưng kể chuyện này là có thiệt  ha anh?Sao giống chuyện  nhà của em quá, em có chị con nhà bác tên Hoa,chồng tên Chánh,em có cậu em trai tên Liêm trước khi đi Mỹ cũng ở Phi 6 tháng.Anh Hưng nói là em giựt mình, hông lẽ…

  5. vothilai nói:

    Theo Hương Lan nói , nếu anh Hưng kể  chuyện nầy là thật thì trùng khớp với gia đình HL,vì em cũng biết những người nầy. Chị Hoa, anh Chánh, chú Liêm. Anh Hưng kể tiếp nữa đi, anh kể hết những  vui buồn khổ sở từ lúc anh ra đi cho đến bây giờ.Vì chuyện anh kể đang hồi hấp dẩn.em muốn biết thêm cuộc sống bên Mỹ dù không ở Mỹ.

  6. Hoành Châu nói:

    Bài viết  hấp dẫn ,  vui tươi  càng đọc càng thấy  bị lôi cuốn , lối viết thật  tự nhiên  mà vô cùng duyên dáng  ,, chuyện mướn  Luật sư  BIỆN HỘ  từ xưa tới nay  là thế   , thật hài hước ,,,,, 14 Hoành Châu (Gia đình C )

  7. Phan Lương nói:

    Em thấy hay là anh xuất bản Tạp Hồi Ký Những Ngày Mới Đến Mỹ này đi .Hay lắm đó anh

    Mới đọc một loáng đã thấy hai chữ ( còn nửa) đành phải chờ phần 4 ra lò đọc tiếp vậy

    Viết nhanh nhanh anh nhé

  8. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Đức Tính nhiều, “mai mốt” sẽ xuất bản (Xin chờ đọc chữ mai mốt)

  9. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn ông Sãi ông Sãi đọc đến 4000 chữ. Định viết chừng 3 ngàn rưỡi là vừa, không ngờ viết đến 4 ngàn, đọc nhiều thấy chán, xin lổi.

  10. Hoàng Hưng nói:

    Chào mừng Nữ Hoàng trở lại trang nhà.

  11. Hoàng Hưng nói:

    Hương Lan ơi! Hương Lan có phải là Hương Lan ngày xưa viết chữ không dấu phải không. Có thể Hoa Chánh trong câu chuyện trùng hợp với người quen của Hương Lan thôi. Chỉ có anh Chánh và Liêm là người Vĩnh Long. Chị Hoa không phải là người Vĩnh Long. Gần chợ Trường An cũng có Ngọc Hoa em chị Ngọc Lệ học cở HHg, qua đảo gặp Ngọc Hoa và Liêm là con của chú Ngọc Hoa.

  12. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Lài nhiều. HHg sẽ cố gắng kể tiếp.

  13. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn chị 14 và Phan Lương nhiều.

  14. HLan-75 nói:

    Anh H Hưng, chính là nó đó anh Hưng ơi, chỉ khác chut xíu là bi giờ có dấu rồi,mừng hén?

    Dạ, anh nói đúng rồi,chị Ngọc Hoa là con bác,em với Liêm là con chú,khi đọc bài anh viết em ngờ ngợ là vậy ,giờ thì biết rồi,không phải.Nhưng không sao, anh cứ kể tiếp đi.Em cám ơn anh Hưng ,lâu lắm rồi mà anh vẫn còn nhớ HL viết chữ không bỏ dấu,thân mến.

  15. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Kỳ ba này nhiều tình tiết, nhiều sự việc đan xen, hấp dẫn. Trí nhớ út Hưng tuyệt quá! Chờ tập 4.

Trả lời Hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác