Những ngày mới đến Mỹ (Kỳ 2)

Ngày đăng: 23/03/2015 05:40:40 Sáng/ ý kiến phản hồi (7)

Lúc mới đến Mỹ tôi ở tạm nhà anh Chánh ở thành phố Harvey bên khu Westbank khoảng hơn tháng. Anh là một trong khoảng bốn chục anh trong nhóm bảo trợ. Nhờ anh kể lại, khoảng thời gian mới đến Mỹ không liên lạc được với gia đình ở Vĩnh Long, mặc dù biết chắc chắn mỗi ngày má anh cắt rau muống đi bán, cuộc sống vất vả lắm, nhưng không có cách nào giúp đở được gia đình. Do vậy biết anh là người Vĩnh Long, tôi hỏi anh học Tống phước Hiệp năm nào. Anh cho biết mặc dù gia đình anh ở vùng Tân Ngãi, không xa châu thành Vĩnh Long lắm, nhưng thời trung học ba anh cho anh lên Sài Gòn học Pétrus Ký ra trường năm 71, không học Tống phước Hiệp như tôi.

Thời gian mới đến Mỹ anh cũng làm bồi, bếp trong nhà hàng. Sau đó xin  được việc làm ở dàn khoan dầu ngoài biển Đại Tây Dương. Mỗi lần đi làm bằng tàu hay trực thăng. Trong đoàn trực thăng có  khá nhiều phi công là người Việt Nam, cũng là những người trong nhóm bảo trợ tôi. Anh làm suốt hai tuần, về đất liền nghỉ một tuần. Anh mướn nhà ba phòng, anh trả tất cả tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Khi anh đi làm ngoài dàn khoan, để nhà lại cho bạn bè ở. Anh kể, trong tuần về đất liền, đến phòng nào ngủ nhờ cũng bị bạn đuổi ra khỏi phòng, phải ra phòng khách nằm giử bộ sofa.

Mấy năm sau anh liên lạc được với gia đình ở Việt Nam, anh xin gia đình cho anh bảo lảnh ba má anh qua Mỹ. Ba anh không chịu đi, anh năn nỉ mãi, ba anh đồng ý. Giấy tờ đã xong xuôi, chỉ chờ ngày đi Mỹ. Gần đến ngày đi, ba anh mất, má anh đổi ý không muốn đi Mỹ nữa. Sau này trường hợp của tôi cũng giống hệt như anh. Diện cô 9 ưu tiên hơn, tôi bảo lảnh cô 9 qua Mỹ năm 92 lúc tôi chưa có quốc tịch. Sang năm 93 có quốc tịch, nếu má tôi không mất, tôi bổ túc thêm bằng quốc tịch, chậm lắm đến năm 95 ba má tôi cũng đến Mỹ. Má tôi lại mất trước khi cô 9 đến Mỹ khoảng một tháng, nên ba tôi không muốn cho cô 9 và đứa con để tang. Sau đó ba tôi cũng xé bỏ giấy tờ không muốn đi Mỹ nữa.

Thời gian ở nhà anh Chánh, anh là người chở tôi đi đây đó nhiều nhất. Rất may lúc tôi vừa đến Mỹ, anh có hai tuần nghỉ. Không biết đó là tình cờ hay có sự tính toán của anh. Buổi tối đầu tiên, rất khuya mới đến nhà anh ngủ, sáng hôm sau anh vẫn thức sớm chở đến quán cà phê Việt Nam, hình như tên quán là Sài Gòn. Vào quán, bàn nào cũng đầy người tóc đen, nói tiếng Việt như bắp rang. Đợi mấy phút mới có một bàn trống. Anh gọi bánh mì thịt và cà phê phin, sửa hay đen cũng cùng giá tiền. Ngồi ăn ổ bánh mì khá to, nhấm nháp ly cà phê phin, nhớ lại những khúc bánh mì Hàm Nghi, rồi chạy qua Brodard hay Thanh Bạch uống cà phê.

Ăn sáng xong anh chở về tiệm Walmart gần nhà. Lần đầu tiên tôi thấy bải đậu xe của tiêm Walmart ở thành phố Harvey rộng thênh thang. Tôi nghĩ mang tất cả số xe đang đậu ở đây về phố Vĩnh Long, chắc không đủ chỗ đậu. Tiệm lớn gấp nhiều lần nhà lồng chợ Vĩnh Long, đi giáp vòng mõi chân. Tuy khá to lớn nhưng người đi mua sắm đông nghẹt như chợ Tết ở Cầu Mới. Đi lòng vòng, nhìn món nào, tính ra tiền Phi sao mà mắc quá trời. Tôi chỉ mua một hộp bao thư năm mươi xu. Mua bao thư xong, trên đường về tôi nhờ anh Chánh chở dùm đến bưu điện mua tem. Tôi giải thích với anh, tối qua một anh nhận gởi dùm khoảng một trăm thư. Đó là số thư của những người đang còn ở bên Phi nhờ gởi dùm cho thân nhân của họ. Bên Bidong và bên Phi có lệ, người rời trại thường nhận thư chưa dán tem của những người còn ở lại, mang ra ngoại quốc gởi dùm. Tôi cũng đã từng nhờ người rời trại gởi dùm thư. Có một thư đến tay cô Hà ở Seattle ở Mỹ gởi dùm. Cô Hà có địa chỉ của tôi,  gởi qua Phi cho tôi 20 đô. Thường những thư từ nước khác gởi qua Phi, bỏ khoảng 20 đô tiền mặt, ít khi mất. Ở Việt Nam có lần tôi bỏ 20 đồng vào bao thư gởi lên Sài Gòn bị mất. Năm học đệ tứ tôi và Hồng Lợi đi Sài Gòn chơi, chúng tôi ở nhà Thanh ở Nancy, Thanh dẫn đi chơi giáp Sài Gòn suốt tuần. Tết năm 69 tôi bỏ vào bao thư 20 đồng tiền “mừng tuổi” gởi cho Phượng em của Thanh. Phượng nhận được thơ trống không, 20 đồng biến mất.

Tôi móc ra đếm lại những món tiền ân tình cất tận đáy bóp, đáy lòng. Hai mươi đô của cô S nhà ở đường Trưng Nữ Vương, chắc ở gần nhà Đặng Huệ, khi rời trại cho. Hai mươi đô của cô Hà. Hai mươi đô của cô giáo Nguyệt cho lúc cô rời trại. Hồi ở Bidong tôi ở chung nhà với bé Thảo. Cô giáo Nguyệt là cô giáo dạy bé Thảo hồi ở Sài Gòn. Cô Nguyệt thường đến thăm bé Thảo nên biết tôi. Bé Thảo bây giờ đang ở gần chị Lưu Phương bên Úc. Con chị 6 bên Mỹ vừa gởi 100 đô, tôi chỉ xài 20, còn 80. Tối qua mấy anh cho 100. Tổng cộng tôi có hai trăm tư. Tôi muốn gởi về Phi cho mười người bạn, mỗi người hai chục đô, tôi vẫn còn bốn chục. Anh Chánh không nói thẳng, nhưng tôi hiểu ý anh muốn hỏi, sao không gởi về cho vợ con, gia đình. Tôi giải thích với anh, tôi rất yên tâm, không lo cho cô 9 và đứa con. Cô 9 giỏi lắm, dư sức tự xoay sở nuôi con. Hồi ở Bidong ba tôi chuyển cho tôi năm trăm đô. Cao Ủy biết được tôi nhận tiền từ Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do, Cao Ủy muốn tôi rời Bidong càng sớm càng tốt. Tôi cũng muốn gởi cho ba má tôi, nhưng chưa phải bây giờ và cũng không phải là số tiền nhỏ nhoi như thế này. Những người còn lại bên Phi cần hơn. Anh Chánh nói, mỗi lá thư gởi trong nước Mỹ dán một con tem, gởi ra ngoài nước Mỹ dán hai con tem. Mỗi tập tem có hai mươi con, vậy chỉ mua một tập tem đủ rồi. Lúc đó một con tem khoảng hai mươi xu. Anh chở tôi đến bưu điện, anh nói, vô mua đi, tập nói tiếng Mỹ, anh ngồi chờ ngoài xe.  Tôi nói với anh, phải bỏ tiền vô mười cái thư, đề tên người nhận, chắc hơi lâu. Anh nói mua tem thôi, về nhà gởi. Nghe lời anh, nhưng tôi thấy hơi phiền, phải nhờ anh chở đến bưu điện lần nữa. Về tới nhà, anh dẩn tôi lại thùng thư trước cửa, anh nói, viết thư xong, mang ra bỏ vào thùng thư này, kéo cây cờ thẳng lên. Cây cờ là một mảnh thép mỏng, dài khoảng một gang tay, cuối  mảnh thép có hình giống như một lá cờ, gắn bên hong của thùng thư. Vậy là khi muốn gởi thư, bỏ thư vào thùng, kéo cây cờ dựng lên. Nhân viên bưu điện chạy xe, chiếc xe lớn hơn xe lam đưa khách Vĩnh Long Bắc Mỹ Thuận ngày xưa một tí, tay lái đặt phía bên phải. Thấy thùng thư có cây cờ dựng lên, họ ghé lại, vì có tay lái bên phải nên không cần phải xuống xe, chỉ cần thò tay ra, có thể lấy, hay phát thư. Nếu mình có thư gởi đến, họ sẽ lấy thư gởi đi, bỏ thư đến vào. Chỉ việc gởi, nhận thư ở Mỹ cũng là điều mới lạ đối với tôi lúc mới đến Mỹ. Những nhà mới cất sau này không có thùng thư trước cửa nữa. Tôi ở căn nhà thứ nhì, bên hong căn thứ nhất đặt hai thùng thư chung cho hai mươi bốn căn nhà. Mỗi thùng có mười hai hộp thư có khóa. Một hộp thư chung cho hai mươi bốn nhà lớn hơn, để gởi đi những lá thư đã dán tem sẳn, cũng có khóa, nhưng có chừa khe hở để bỏ thư vào. Phía dưới là hai hộp lớn để bưu kiện, khi có bưu kiện, nhân viên phát thư bỏ vào hộp bưu kiện, khóa lại, để chìa khóa vào hộp thư của mình. Khi mình mở lấy bưu kiện, chìa khóa dính luôn trong hộp bưu kiện. Hộp thư của tôi số 12 B, có lần tôi mở lộn 11 B vẫn được, nhưng chỉ lộn một lần thôi nhé. Cố tình lộn nhiều lần, cảnh sát sẽ đến hỏi thăm sức khỏe, vì ngay thùng thư có đặt máy thâu hình.

Ngày kế tiếp anh Chánh chở đi picnic ở một công viên, tôi không nhớ tên, cũng không nhớ ở vùng nào và đi bao lâu đến công viên. Công viên quá lớn, quá cổ so với Thảo cầm viên Sài Gòn. Tôi nhớ trong Thảo cầm viên Sài Gòn có đề năm 1864. Vừa vào cổng công viên này, tôi thấy có bảng chỉ dẩn, chắc cũng có bảng ghi lý lịch của công viên. Anh Chánh không ghé, nên không biết được công viên có từ lúc nào. Lúc đó cũng không nghĩ rằng, sau này có ngày ngồi nhớ lại công viên này, nên cũng không hỏi. Những cây cổ thụ trong Thảo cầm viên Sài Gòn rất cao. Những cây cổ thụ trong công viên này có thể không cao hơn những cây cổ thụ trong Thảo cầm viên Sài Gòn, nhưng thân cây rất to, to hơn nhiều lần. Phía dưới thân bám đầy rong rêu, dây leo, tôi không dám đến gần, chung quanh cây có nhiều lá mục, sợ rắn rít ẩn dưới lá. Có thể nhân viên không dọn dẹp để khu rừng trông hoang dã hơn. Tôi cũng không biết, có phải công viên được thành lập từ một khu rừng nguyên sinh hay không. Có những khu trông có vẽ như còn nguyên vẹn, lâu lắm rồi không có bàn tay con người tàn phá. Có lần tôi thắc mắc về danh từ khu du lịch sinh thái ở Vĩnh Long. Một học sinh niên khóa 79 giải thích, đó là những khu chưa bị bàn tay con người tàn phá. Tôi nghĩ, ở Vĩnh Long không còn có khu vườn cây nào còn nguyên thủy, kể từ khi có người Việt đặt chân tới, cách đây mấy trăm năm.

Đi một vòng nhỏ nhìn phong cảnh, rừng rậm của công viên vùng Louisiana, thấy có nhiều giống vịt thật lạ, lạ thật, chứ không phải lạ như tàu lạ.  Quay trở về nơi các anh đang tổ chức picnic. Một anh đến hướng dẩn, anh chỉ bàn đang để dỉa, tô giấy, ly nhựa, khăn giấy. Anh chỉ ra ngoài, hai anh đang nướng thịt bò, heo, thích ăn gì cứ đến lấy. Anh chỉ tiếp những thùng đựng nước đá chứa nào bia lon, bia chai, có cả bia hơi, nước ngọt đủ loại, nước trái cây, nước lọc. Tôi không lạ với những buổi ăn picnic như thế này. Bên Phi chúng tôi đã tổ chức nhiều lần cũng gần giống như vầy, nhưng thức ăn, uống không phong phú như bên Mỹ thôi. Bên Phi chúng tôi thường tổ chức picnic bên dòng suối. Tiền tổ chức những buổi picnic bên Phi cũng do các anh đang tổ chức buổi picnic này gởi cho. Sau này các anh bên Pháp, Cali biết được địa chỉ của chúng tôi, tháng nào cũng gởi cho một, hai trăm đô chi viện. Điều lạ đối với tôi trong lần picnic này là hai anh đứng nướng thịt, bên Phi có nướng thịt đều do các chị đứng nướng. Than bên Phi làm từ củi trên rừng gần đó, đốt lên ngửi mùi thơm thơm “quen thuộc” (Đời tôi chỉ ngửi được một lần, Hồng Lợi có lẽ nhiều). Than bên Mỹ cục vo tròn, có lẽ là than đá, khó nhúm, khi cháy lên tỏa mùi gắt không chịu nổi.

Lấy dỉa đến xin một miếng thịt bò, một miếng thịt heo, vài loại rau, một ly bia hơi Heinecken đến một gốc cây ngồi ăn một mình, nhớ da diết những người còn lại bên Phi. Rồi đây một thời gian ngắn những người còn lại cũng rời trại, tản lạc khắp các phương trời trên nước Mỹ. Tự nhiên nhớ đến câu thơ, bao giờ ta gặp lại em lần nữa . .

Sau khi đến Mỹ khá lâu vẫn còn nhớ về Phi. Thời gian ở Phi thật tuyệt diệu trong cuộc đời ly hương. Các anh từ Louisiana, California, Pháp gởi tiền chi viện đều đặn. Khoái nhất là các anh gởi tiền đến Phi, đều để tên tôi là người nhận. Nhiều người hàng xóm tưởng tôi là người giàu có, tháng nào cũng lảnh mấy ngân phiếu. Mỗi tuần đều có họp mặt hay picnic. Có lần mướn phim về chiếu, mượn trường học làm rạp, ăn bánh mì với thịt gà do các chị rô ti. Lần tổ chức chiếu phim này có bảy em bé xin vô coi, bánh mì gà chỉ còn dư năm ổ, tôi nhường phần tôi vẫn còn thiếu một ổ. Hai anh lớn mang hai ổ bánh của hai anh đến, nhường cho tôi và một em bé còn thiếu. Tôi không thể từ chối. Cám ơn tấm lòng của hai anh.

(còn nữa)

Hoàng Hưng

IMG 2               Bé Thảo ngày rời trại đi Úc, gần chị Lưu Phương

IMG_0002                                               H2: Một lần picnic bên dòng suối

 

 

Có 7 bình luận về Những ngày mới đến Mỹ (Kỳ 2)

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thấy bài tiếp theo của út Hưng, đọc liền, đoạn viết gửi tiền qua Phi cho các bạn còn ở lại chưa được đi, cảm động!

    Lại “còn nữa” , làm như tiểu thuyết của bà Tùng Long xưa vậy trời!

    Hồi lúc đó mà út Hưng có máy ảnh và chụp hình giữ được tới bây giờ là hay quá!

  2. Phan Lương nói:

    Khi xa xứ, những bạn bè tứ phương VN cũng trở thành những người thân của nhau, sống chan hòa và đùm bọc nhau.Thật là một tình cảm tốt đẹp

    Càng đọc ,càng thấy thương hơn những người anh, người chị và những bạn bè sống xa gia đình và xa quê hương xứ sở.Để có cuộc sống hôm nay họ không ngừng đấu tranh cho sự sống và cái chết gian khổ biết dường nào!

    Vậy mà còn lắm những người thích bịa chuyện thương tâm hơn để kể lễ và cầu xin những nguồn lợi ích từ họ

    Ôi. Cuộc đời luôn có muôn mặt và vạn sắc hương anh nhỉ?
    À hình như anh luôn có những người bạn tốt giúp đở nhỉ?
    Bây giờ những ngày gian khổ ấy đã qua hết rồi .Mọi sự hy sinh của anh đều đã được bù đắp.
    Em chúc anh và chị Chín luôn sống vui, sống khỏe bên các cháu nội đáng yêu nha anh

  3. Hoành Châu nói:

    Cũng  như   Út  Hoàng  Hưng,   nhiều  người anh , người   bạn của Hoành Châu   sau khi đến định cư ở Mỹ khá  lâu ,,, cũng đều nhớ về những  kỷ niệm đẹp  với Ban  cộng sự  trên đảo , có  cô giáo người Phi  nhiệt tình trong giảng dạy  khi còn trên đảo ,  cuộc sống ở đảo là một cộng đồng nhỏ , có cùng chung mục tiêu rõ rệt ,  rất tương thân tương ái  như trong một gia đình,,, ai rời xa cũng nhớ nơi ấy  trong cuộc đời ly hương của  mình  ! ,,,,,,Bài   viết chân  thực  , cảm động  ở tình người ,, ÚT Hòang Hưng ạ !Chúc  ÚT nhiều sức khỏe  để tiếp nối  nhé ,   14Hoành Châu

  4. nguyễn thị đức tính nói:

    Qua bài viết của anh Hưng, em mới biết những ngày sống tỵ nạn ở Phi cũng có nhiều kỷ niêm buồn vui đầy xúc động như thế. Anh viết thật chân thực mà vô cùng  hấp dẫn, khiến mọi người phải nôn nóng mong chờ phần tiếp theo.

  5. vothilai nói:

    Chờ đợi thấy bài của Hoang Hưng là đọc ngay, bài viết rất hay ,rất cảm động tình người lúc tha hương.Càng đọc càng thấy thương những anh chị sống xa quê hương, chúc Hoàng Hưng mạnh khỏe,vui vẻ và viết tiếp hết về cuộc sống bên Mỹ cho các bạn xem.

  6. Neang Phi Rom nói:

    Hoàng Hưng ơi! PR thật tình bái phục HHg, viết thật hay, thật khỏe, PR cũng muốn viết, cũng muốn phản hồi mà công việc hàng ngày quá bận rộn nên rất buồn vì mình không làm được những gì mình mong muốn, nhưng vẫn luôn đọc bài của các bạn.

  7. hoàng Hưng nói:

    Thành thật đa tạ, chị 11 Hạnh, Phan Lương, 14 Hoành Châu, 15 Đức Tính, Võ thị Lài, Phi Rom đã đọc bài, khuyến khích một tài năng chưa lên nhưng sắp xuống. Đa tạ! Đa tạ!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác