Một Góc Nhân Ái

Ngày đăng: 30/03/2015 07:34:03 Sáng/ ý kiến phản hồi (16)

Nén hương thành kính dâng lên hương linh ngài Lý Quang Diệu! Cám ơn đất nước ngài đã rộng lòng nhân đạo đón nhận chúng tôi trong lúc những cửa khác đã lạnh lùng khép kín. Cám ơn người dân của ngài đã một thời cưu mang những người bơ vơ thế nầy.

Tháng 6 năm 1989. Từ ấp Năm, tôi được một bà chị con nhà dì ở Cần Thơ, hớt hãi nhắn tin cần gặp mặt. Mục đích chị muốn cho tôi xem lá thư của một đứa cháu trai gởi cho má nó là một bà chị khác. Lá thư gởi từ đảo Galang, Indonesia.  Nhìn ngày tháng rất mới lúc đó, chữ viết tay đầy 2 mặt giấy kẻ hàng ngang khổ A4 của đứa cháu đã trưởng thành mà tôi chưa từng biết mặt. Nội dung thăm gia đình thì ít, lá thư lần lượt diễn tả cảnh khổ một trại cấm sau ngày 26/3/1989. Và cụm từ “Đừng ai đi nữa” được lập đi lập lại khoảng 5-7 lần, rải đều từ đầu thư đến dấu chấm dứt.

Cũng thời gian đó, tôi vô tình được người quen tại chợ Tam Bình cho xem một bức thư cũ hơn của đứa cháu vừa rồi. Bức thư nói sơ lược những cam go hành trình, họ may mắn được một tàu quốc tịch Anh cứu vớt đem vô Singapore. “Một thiên đường của những thuyền nhân”. Đó là dòng tâm tình của chính em thanh niên viết cho thân nhân của nó. Ngoài ra, chú thanh niên kia con nhờ mẹ em trong rằm tháng Bảy năm đó đến chùa Phước Sơn. Ngôi chùa Phật lớn nhất trong huyện tôi, nhờ quý thầy tổ chức trai tăng. Mục đích cầu siêu cho những vong hồn mà chú cảm nhận linh ứng phò trợ và cầu an lành cho chiếc tàu Anh quốc ân nhân.

Tháng 8/1989 chúng tôi rời khỏi nước, được tàu hàng hải quốc tịch Na-Uy cứu vớt. thuyền trưởng người Na-Uy cho biết:

– Hiện nay thì không còn quốc gia nào chấp nhận quí vị ngoại trừ Singapore, quí vị có đồng ý cho chúng tôi chở quí vị đến đó hay không. Và khỏi phải nói là chúng tôi chấp nhận.

Chiều hôm sau, trải qua hơn 30 giờ trú ngụ an lành trong tình thương của những người ngoại quốc, chúng tôi bịn rịn chia tay những thủy thủ đứng dài theo một bên boong tàu đưa tiển. Đoàn người nam phụ lão ấu, đa số chân trần nối gót rời tàu bước ra khung thang treo có tay vịn dựng cặp hông tàu, được cẩn thận bọc lưới an toàn để mọi người an tâm đi xuống mặt bê tông cảng. Từ chân cầu thang, chúng tôi bước lên lớp mạt cưa màu sáng trải một đường rộng chừng 1 mét dài hơn 10 mét trên bề mặt bê tông nhơm nhớp để  lần lượt lên đầy 3 xe bus. Tôi không hiểu mục đích lớp mạt cưa rất sạch dùng bảo vệ “những bàn chân Việt” không dính dầu nhớt bến cảng. Hay là tránh việc lôi nhớt trét sàn xe, hoặc là cho cả hai mục đích. Với 3 chiếc xe bus mới tinh sạch sẽ. Với cách đối xử nhẹ nhàng thân thiện,  nhẫn nại khi thiết lập thủ tục. Mà không thấy một nét khó chịu, một cử chỉ hay lời nói hách dịch quan liêu từ những viên công chức các ngành di trú, hải quan và cảnh sát ở những phút ban đầu khi tàu mới cặp cảng. Là ấn tượng thiện cảm không thể phai mờ trong mỗi chúng tôi đối với quốc gia mà lâu nay chỉ nghe đồn loáng thoáng.

Chúng tôi đến trại vào buổi tối, việc đầu tiên là chúng tôi là đi lãnh mùng chiếu rồi tự kiếm một chỗ nào trống trong mười mấy ngôi nhà biệt lập mà nghe nói trước đây là một doanh trại của người Anh. Đêm đó chúng tôi còn vững bụng an giấc ngon lành trên sàn xi măng nhờ buổi cơm trưa trên tàu Na-Uy vẫn bao che nỗi.

xOx

Sáng hôm sau, anh em tôi được dân trại cố cựu đãi một ly cà phê pha sẵn. Vừa nhấm nháp ly cà phê no bụng, vừa nghe mỗi người vài câu:

– Tính luôn quân số ghe anh, bữa nay chắc trại nầy hơn tám trăm. Dân trại nầy đi định cư mau lắm, trong 3 tháng mà không nước nào nhận, thì nước tàu vớt sẽ hốt hết. Thường là mỗi tuần đều có đợt đi định cư bay thẳng nước chấp nhận. Ai đi Mỹ thì phải qua Phi học ESL 6 tháng.

– Một hai ngày tới, bà con mới đến sẽ được chụp hình làm thẻ ID. Có thẻ đó, mỗi chiều mình được ra phố từ 5 giờ đến 11 giờ đêm. Cuối tuần trại cho ra cửa cả ngày từ sáng sớm. Trước cửa trại có trạm xe bus, 15 phút chạy ngang một chiếc sạch sẻ thoải mái chở rộng rinh.

– Singapore sạch sẻ số một, có luật cấm khạc nhổ xả rác, cấm tiểu đường hay vẻ bậy lên tường. Thí dụ mình vất cái tàn thuốc không đúng chỗ, bị phạt lần nhứt 250 đô Sing, lần nhì 500 đô và phải ra tòa nữa.

– Trại nầy không có nhà ăn, mỗi ngày Cao Ủy cấp phát 2 đô Singapore cho mỗi đầu người (thời giá bằng 1.10 USD). Mình tự mua thức ăn mà nấu nướng.

– Mỗi sáng có một chiếc xe nhỏ vô đây bán thực phẩm tươi và các đồ dùng cần thiết. Ông chủ xe hàng là người Ấn Độ nên có bán thịt heo, đặc biệt là cái đầu heo bự chảng có 3 đô Sing. Hồi mới qua tụi tui mua về luộc, chấm nước mắm tiêu ớt. một vài lần khìa ram lung tung. Bây giờ nhìn đầu heo thấy sợ, nói chi là ăn.

– Nghe nói những nơi mà đa phần dân chúng theo Hồi giáo như ở Mã Lai rất khó mua thịt heo. Còn dân mình từ Ga-lăng, In-đô qua đây tạm trú chờ chuyến bay. Họ than thở tại đó  tuy không lệnh cấm, nhưng tụi lính an ninh trại đều theo đạo Hồi, tụi nó bắt gặp dân trại lén lút mua thịt heo từ ngoài rào, có bữa nó nổi điên đánh khỏi đi định cư. Lúc chưa là trại cấm, tụi nó đã hung hăng với dân mình. Bây giờ Cao Ủy đả rút khỏi đảo, giao trại cho đám trời con toàn quyền sanh sát.

– Ở Sing thì nói chuyện Sing. Trại mình có quán chạp phô của bà Lily, cũng là người Ấn Độ. Quán chỗ ngã ba đường lên văn phòng trại, mở của suốt ngày bán các loại đồ hộp và các món dùng hàng ngày.

– Nhưng bà con không cần mua thức ăn, mỗi buổi chiều còn có một tỷ phú người Sing mang đồ đến cho. Ổng đi xin ở các chợ các loại thực phẩm đông lạnh sắp hết hạn, rau cải héo lá chân, lá ngoài. Đồ quý thì chia từng khối theo nhà, còn lại thì chất đống trên văn phòng, ai ăn thì lên đó lấy. Tụi tui ăn riết ngán quá trời, kiếm người cho lại không ra. Rất nhiều lần phải đổ thùng rác thịt cá chưa làm, tiếc nhưng đành chịu, vì mình đâu có tủ lạnh.

– Dân ở đây lâu vì trục trặc giấy tờ bảo lảnh, được cấp giấy mỗi sáng xuất trại đi làm chính thức. Số khác có list định cư mà chờ chuyến bay đi Âu châu, Úc châu, tổ trật tự người mình ngó lơ cho họ nhảy rào ra phố làm chui, tối mò về ngủ.

xOx

Gia đình tôi được nằm trong loại có “diện” từ những ngày đầu nhập trại, nên liên tục bận rộn cho những cuộc phỏng vấn và hoàn tất các thủ tục cần thiết về y tế. Những ngày đầu căng thẳng chuyện “đậu rớt” bù đầu. Sau 3 tuần, chúng tôi được nước thứ ba chấp nhận, sẵn sàng để qua Phi. Lúc đó, chúng tôi mới yên tâm mà nghĩ đến chuyện quan sát bên ngoài khu trại “tạm dung” trên đất nước Singapore. Chúng tôi thường dùng những buổi tối để ra khu dân cư Woodland sầm uất, rong chơi trong các các khu mua sắm và siêu thị mênh mông.

Một đêm, bên ngoài siêu thị Woodland để chờ các bạn đồng hành cùng về trại,  lúc đứng chơi với người anh đang hút thuốc bên cạnh  bồn cát lớn dành gõ tàn và cán thuốc. Mình nhận thấy những người đi xe mô tô đến dựng một vùng danh cho họ trước cửa, mà chẳng phải gởi gắm ai trông nom. Họ thản nhiên úp chiếc nón bảo hiểm trên yên, có người còn treo máng hay cột túi shopping hay hành lý trên xe. Nhìn cảnh đó, trong bụng của một người từng bị giam chung với bọn siêu trộm cướp, tôi cứ âu lo nhìn về phía có những món mồi ngon, phập phòng phải chứng kiến tình huống đau lòng. Nhưng không gian quá yên bình, tôi cảm thấy xấu hổ đã mang dạ tiểu nhân xa vời mà đọ lòng quân tử trước mắt.

Với thói quen từ lúc mới vừa biết đi xe một mình lúc ở quê, là xề ngang chỗ ngồi từ sau lưng tài xế. Quen thuộc cảnh một người loay quay với hành lý hay sửa soạn quẹo cắt ngang những ghế trước, chận lối đi giữa xe, tạo một hàng người sau chiếc lưng không có mắt. Nhưng lần đầu tiên mình đi xe bus ở Singapore trong khao khát một người đang đói học, mình ngộ ra đôi điều. Hành khách đi bus, thường không mang hoặc có hành lý gọn nhẹ, ai lên xe trước là đi thẳng ra sau, nhường phần thuận tiện cho những người kế tiếp. Không cần biết ai đi bao nhiêu trạm, vì tài xế và mọi người sẽ nhẫn nại chờ bạn từ tốn lúc xuống xe. Trên xe và những nơi công cộng, người quen chỉ chào nhau trong im lặng, không to tiếng ha hả ơi ới kiểu đàm thoại tự do cho khoảng cách nơi hai đầu thửa ruộng hoặc như găp thảm cảnh sắp chìm ghe. Cặp đôi đồng phái hay khác phái ngồi gần thì chỉ thầm thì nho nhỏ. Một xe bus đầy người mà lặng thinh như cùng mơ màng yên giấc.

Những ngày cuối tuần trong trại thuyền nhân vắng hoe và vô vị. Cánh thanh niên cựu làm biển và đám nông dân chúng tôi hẹn nhau dùng cơm sớm để ra ngoài. Chúng tôi lội bộ trong nắng sáng tháng Chín, men theo vĩa hè bê tông ngang qua những biệt thự, những khu vườn cây trái. Lúc đó tôi mới chú ý, thắc mắc những biệt thự sang trọng nầy không kín cổng cao tường, không có tiếng bẹt-giê sủa vang vang đe dọa như thường thấy. Đi tà tà nghí ngố khoảng 5 km đến một vịnh biển. Tụi trai trẻ quen sóng nước lặn xuống những trụ cầu tàu gỗ thông bỏ hoang. Họ dùng những xà beng và thanh sắt do những trại viên đàn anh truyền lại để cại những con hào to tướng. Chúng tôi tắm biển thỏa thuê, lau sơ muối đóng mốc da bằng những can nước ngọt xin  từ nhà dân. Cả bọn vui chơi picnic với món thịt hào sống muối tiêu chanh, riêng tôi hơi nhát miệng vì quá xa lạ từ vỏ đến ruột loài hải sản nầy.

Xế chiều, bọn tôi đi ngược về đường cũ. Có một ông từ vườn chôm chôm mà tụi tui đứng bên ngoài trầm trồ ban sáng, ông ta hình như cố ý chờ chúng tôi. Bằng vốn ít ỏi tiếng Anh “English For Today” đã yesterday từ lâu lắm, chúng tôi đoán được ông ta kêu vô vườn hái những chùm chôm chôm Java chín mọng đỏ bầm trên cây ông chỉ định. Ông ta giới thiệu là người giữ vườn, và chủ nhân căn biệt thự nầy trồng cây cho mát cho vui, trái dừa trái cam thì người làm tự do sử dụng. Ộng ta cũng cho một trái mít già và đốn cho mấy cây mía “Thơm dịu” già rọi, mà sắc ngọt của nó như ứa ra màu vỏ nâu sậm.

Hình ảnh đám người “ngoại quốc” lang thang lếch nhếch, vác quảy cột treo thu nhặt trái rừng như dân tiền sử thế nầy chắc không lạ gì với dân bổn xứ. Chúng tôi đi dọc theo lối bộ hành lề mặt, thì một chiếc xe 4 bánh chạy đổ vô cùng chiều phía bên lề trái theo luật giao thông Ăng-lê. Tài xế ngừng lại xuống ngoắc người và chỉ chỉ về hướng trại chúng tôi. Hỗm rày biết rõ lịch sự của dân Singapore, chúng tôi chỉ cần bước một chân xuống lộ tỏ ý muốn qua đường, thì cả hai chiều xe đều ngừng hẵn để nhường bước. Bác chủ xe ăn mặc rất sang trọng, nói xe ông có thể chở 4 người, nếu muốn thì ông chở những người vác đồ về trước, rồi quay lại chở tốp đi sau cứ ngồi tại đây mà đợi. Nhìn số bạn bè với quần áo nhàu nát ẩm ướt quá giang chiếc xe sang trọng có chiếc cửa sổ hạ thấp lòi ra mấy ngọn mía. Lòng tôi rộn ràng niềm vui chưa biết tên để gọi.

List bay thường dán trước ngày đề-pa chừng 5-7 ngày trên bảng văn phòng trại. Người đi định cư ở châu Âu, châu Úc thì từ phi  trường quốc tế Changi bay thẳng về nhà mới. Chỉ có người định cư Hoa Kỳ là bắt buộc qua Phi tiếp tục nhai cơm Cao ủy cho chương trình 6 tháng ESL. Vì biết chúng tôi còn vướng trạm Phi, ông A-Sút, một tỷ phú người Sing cũng là mạnh thường quân thường xuyên của của trại và bà con dân trại lục tục mang quà ủy lạo.  Như quần áo giày vớ cũ mới, mùng mền mới, va-li, thùng giấy các tông dầy, dụng cụ làm bếp như xoong nồi rổ rá, dao thớt, bếp dầu mới. Đường muối bột ngọt, đồ hộp thức ăn lỉnh kỉnh đủ loại, cà phê ca cao, đường trà sữa hộp, vân vân. Chúng tôi ngoài miệng cười vui, cám ơn mọi người quan tâm, nhưng trong lòng lo lắng, không lẽ bọn mình sắp về chốn lưu đày.IMG_0322

Gần đến ngày chia tay đất nước Singapore, chúng tôi chứng kiến một nốt trầm không vui. Chiều đó tôi cần ra chợ để mua một số phim và pin cho máy chụp hình trước khi qua Phi. Thủ tục xếp hàng và nộp ID cho nhân viên gát cổng vô sổ như bao nhiêu lần thường lệ. Khi trả lại ID cho một thanh niên trước tôi chừng 5 người, chú em đó đòi thêm một ID kế đó. Người gát cổng không đồng ý yêu cầu đó. Những người đứng trong hàng muốn yên chuyện, nên kêu người nào lên nhận ID của mình mà ra cổng. Lúc đó người ta xầm xì: “Thằng đó nhảy rào hồi 3-4 giờ rồi, có đâu mà nhận”. Chú thanh niên tiếp tay cho phi vụ xấu vẫn tiếp tục lớn tiếng hỗn hào, muốn lấy ID của bạn cho bằng được. Lời qua tiếng lại thì chú thanh niên phun nước bọt vào mặt ông Security già. Ông ta tức giận xáng thằng kia một bạt tay nháng lửa. Đồng hương đứng trước tôi nhào đến ôm giữ em thanh niên đang lồng lộn tru tréo. Những trật tự viên người Việt trực nhật bước ra mời chú em gây sự trở lên văn phòng trại. Còn ông Security già trong đồng phục và huy hiệu trên áo đang ôm mặt khóc nức nở tại văn phòng cổng gát.

Hai hôm sau gia đình chúng tôi chia tay Singapore sau 40 ngày cư trú thật là hạnh phúc. Đến Bataan, Philippines, chúng tôi vỡ lẽ, dân trại Singapore ngỡ như lấy vàng 24 so với vàng 18 mà tội nghiệp chúng tôi. Chứ dân tứ xứ gom về, họ quả quyết tình trạng trại Bataan vẫn khá hơn nhiều nếu so các trại vùng Đông nam Á.

Từ những lá thư đầu tiên của bạn bè còn ở trại Singapore, chúng tôi nhận được tin thật buồn. Chú thanh niên sai quấy trong buổi chiều hôm đó bị giám đốc trại ký giấy giữ chân trong phòng kỷ luật 3 ngày. Còn ông Security già rất thân thiện dân trại lâu nay, đã bị công ty chủ quản sa thải vĩnh viển. Thế mới hiểu, tại sao ông ta bật khóc sau khi không kềm cơn giận mà đánh người. Trong những tháng ở Phi, chúng tôi thuật chuyện xung đột đó với các bạn học Anh ngữ ở Phi. Có người nổi nóng: “Vụ đó mà xảy ra ở Galang sau ngày thành trại cấm, bảo đảm thằng nhỏ đó trước sau cũng bị tụi an ninh trại làm thịt. Không bao giờ ở đó có vụ đuổi đám kiêu binh như vụ đuổi ông già hiền khô ở Sing”

Với quý vị, những biểu hiện trên đây vào những ngày ấy, có thể chỉ là phần nhỏ nhân ái quen thuộc trong chuỗi dài tập quán và lịch sử đất nước các vị. Nhưng đối với chúng tôi, nó rất mới mẻ và mênh mông tình người như trời biển bao la.

Một Lúa

Lời SOS: Câu chuyện này khá dài, do có một số đoạn không thích hợp với tôn chỉ trang, SOS xin được phép kiểm duyệt. Tuy nhiên toàn bài có nhiều điều hay, chúng ta cần suy nghĩ, học hỏi nên chọn đăng để chia sẻ cùng anh chị em. Thành thật xin lỗi tác giả và bạn đọc (SOS)

 

Có 16 bình luận về Một Góc Nhân Ái

  1. Một Lúa nói:

    Ba năm cộng tác trang nhà (1 trên bộ cũ, 2 trên bộ mới), lần đầu tiên mình bị dao kéo ông Sãi.

    Cám ơn LM chừa dàn “Xề” cho mấy câu vọng cổ. Nếu vọng cổ thiếu xề, thì nó trở thành tân nhạc.

    hihihi

  2. Phan Lương nói:

    Gian nan vì cuộc sống tươi đẹp!

    Đây là một hồi ức.đáng giá trong đời.anh.nhỉ?

    Bài viết rất hay .Rất xúc động lòng người đọc với nhiều thứ tình cảm : Tình gia.đình.,.tình.bạn bè luôn.đồng cam.cộng.khổ ,.Tình nhân.loại mạnh.mẻ.mà.đất.nước.Singapoe dành.cho

    Hãy viết tiếp những hồi ức đẹp trong đời mà.ta mãi.nhớ.để chia sẻ với bạn bè.anh.nhé

  3. Trịnh Như Thuỳ nói:

    “Lửa thử vàng, gian nan thử sức ” . Có khi nào anh muốn đổi những trải nghiệm quý báu đã qua để lấy một cuộc sống trơn lu bằng phẳng không anh Một Lúa ơi ?

  4. Một Lúa nói:

    Như Thùy ui,

    Câu hỏi hơi mắc à nghen.

    Cũng xin thứ lỗi cho câu trả lời có chút “chả cheo”.

    Không có đường binh, mình phải chọn đường khó. Nhưng nhờ vậy mà có chiệng dai nhách nói “quài”.

    Có chút chảnh khi kêu nài với phái đoàn sắp nói Ok, gia đình chúng tôi không đi riêng lẻ nếu “tách form” bỏ lại đứa cháu. Và có chút tự hào từng nếm chút gian nan để hù cháu nội cháu ngoại sanh ở Mỹ. hihihi

     

  5. nguyễn thị đức tính nói:

    Rất cảm động về câu chuyện anh Một Lua kể. Em vô cùng ngưỡng mộ Ngài Lý Quang Diệu và yêu mến đất nước lẫn con người Singapore nên thường du lịch đến nơi này, thành phố đẹp xanh như một công viên tuyệt vời.

    • Một Lúa nói:

      Như Thường,

      Có tiếp xúc với người Singapore, mình mới thấy những tính tốt nhân hậu trong ruột và ngoài da của họ là do giáo dục. Xã hội yên ổn là do công dân tuân thủ luật pháp công minh được áp dụng một cách công bằng liêm chính. Mọi người quyết tâm tuân thủ những bó buộc để cùng thăng tiến xã hội.

      Như vậy có nghĩa là, không một giống dân nào tuyệt đối thượng đẳng như sự tuyên truyền của thời Đức quốc xã.

  6. Một Lúa nói:

    Những năm 80, dù kinh tế nông thôn cạn kiệt, nhưng tình người bao năm qua vẫn còn trớn lết tới. Đám tiệc đơn giản mà thân thuộc tụ họp đông vui, tình làng nghĩa xóm đằm thắm chan hòa.

    Có đâu như đứng từ nhà nầy nhìn thấy nóc bên kia mà rào ngang trùng trùng ngăn cách. Muốn đến với nhau phải đi vòng vo tam quốc… Mỗi nhà là một thế giới riêng tư, xa lạ như chưa từng quen biết mấy chục năm nay.

  7. Doan thanh Truyen NK79 nói:

    Chao anh Mot Lua,

    Ko biet anh Mot Lua con nho me ben tram xe buyt ko? Tu tram xe buyt di ve huong ‘hai ong khoi’ de di tam bien, minh di qua nhung san co, duoc cat rat la gon re va ky luong .. dep ngo ngang! O trong trai, cai nga 3 ma anh Mot Lua ke, tui toi goi la ‘nga 3 dua tien’. Moi chieu xe buyt dau tai day, de dua nguoi ta ra san bay. Nuoc mat cung do nhieu lam o day, co ca cua toi nua ! Ha ha..

    Truoc tram kiem soat o cong va ben hong, co nhung doi co rat la nen tho. Cho do rat ly tuong de … tam su. Chac anh Mot Lua luc do co gia dinh nen ko biet, nen ko ke … Ha ha …  Ah con chuyen cai dau heo: may thang ban luc do no hoi toi: Sao mat cua may bong len het vay? Toi tra loi: chac tai … cay dau heo …. Ha ha.. Tu nam 1981 den bay gio, toi van con so … cai dau heo!

    De tai hap van, nhung doc chu thich cua anh SOS, thay … hoi on. Nhung ma ko dang long dang , thanh ra moi viet cho anh vai hang. Xin dung ke cho ai nghe  HA HA …  Cam on anh Mot Lua da goi lay cho tui nhung ky niem da hon 30 nam roi, o noi ma chung ta cung cam nhan duoc ‘cai tinh nguoi’ ! Phan hoi nay ko dau, trat chanh ta tu lung tung, xin anh thong cam!

     

    • Một Lúa nói:

      Chào bạn Doan Thanh Truyen,

      Phản hồi dài không dấu của bạn hơi khó đọc, nhưng tôi có thể hiểu được 98.6%.  Hy vọng sẽ được đọc những cmmt sau nầy của bạn bằng tiếng ấp Năm. hihihi

      Sáng nay, tôi có nhận một email của một bạn học (người mà hùi sưa dân xóm Chùa tụi tui gọi là “Người em xóm Chợ). Bạn ấy hiện ở Sydney và nói cũng từng ở trại đó 1 tháng, không chừng lá thư mà tôi đọc ké ở Tam Bình là của đứa cháu kêu cô ta bằng dì Út, được gởi từ trại đó… (Nếu đúng, thì ngừ đẹp xóm Chợ làm ơn lên tiếng cho vui trên trang nầy)

      Bạn DT Truyen, dĩ nhiên trong nhất thời, tôi không thể nhớ hết mọi chuyện. Nhưng tất cả những gì bạn nói chung quanh trại, tôi đều nhớ hết. Chỉ là không từng cảm giác trên những ngọn đồi Bạch Mã hay thung lũng tình yêu theo lời của bạn. Cũng tiếc! hihi

      Tôi còn quên nhiều chuyện như có rất nhiều người vẽ lại theo ký ức,  ghi lại trên gỗ hình những chiếc tàu ân nhân cứu vớt họ, còn treo trên khu văn phòng trại.

      Tuy là Singapore nhập nước xài từ Malaysia, mà trại đó luôn cung cấp nước chảy mạnh suốt ngày đêm.

      Và học thêm một điều của họ là giữ những đồng tiền giấy luôn sạch sẽ thơm tho. Không dùng tiền xu thảy đáo làm trầy xước kim loại.

      Cám ơn bạn và tất cả các bạn. Hy vọng sẽ nhận được mọi đóng góp cũ và mới.

       

       

       

  8. vothilai nói:

    Anh Một lúa thân mến !Bài viết của anh em đọc  rất cảm động,tình yêu thương đồng loại trong mỗi con người rất đáng được tran trọng.Hình chụp đây là gia đình của anh ? anh ghi chú cho em biết từng nhân vật với .Anh viết tiếp cho tụi em biết thêm về cuộc sống gia đình anh,em rất muốn biết.

    • Một Lúa nói:

      Chào bạn Võ Thị Lài,

      Chiệng gia đình Lúa không biết nên trích ở khoảng nào coi cho được. hihi.

      Hình chộp sau khi gia đình mình đến Singapore khoảng 10 ngày.

      – Phía bên phải nhìn vào là 2 đứa cháu dzợ, đứa lớn gọi bà xã bằng cô, đứa gọi dì.

      – Thằng nhỏ ôm trái banh đứng trước má nó, cháu gái kêu Lúa bằng cậu.

      –  Những đứa còn lại trong hình là Lúa Lụa và 4 đứa con. Qua Phi, bà xã sanh thêm thằng Út.

      Đông vui và rất hao gạo. hihi

       

       

  9. PhươngNga nói:

    Anh Một Lúa. Tuy dao kéo cắt đi vài khúc (hy vọng không là ruột) nhưng vẫn còn thấm đượm tình nhân ái đậm đà tuy khác chủng tộc, khác ngôn ngữ.

    So sánh với tình trạng “dầu sôi lửa bỏng” ISIS ngày nay, chỉ đành buông một tiếng thở dài não lòng!

Trả lời Phan Lương Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác