Chuyện người tha hương ăn Tết
Hôm mùng hai Tết, Hoàng Hưng dự định sau khi đưa hai đứa cháu nội đi học về, viết lại sinh hoạt ngày mùng một Tết bên Mỹ như đã hứa với Ông Sải. Vừa về đến nhà, cô 9 đưa phần quảng cáo trong một tờ báo tại địa phương, trong báo cho biết thịt nạc thăng giá chỉ một đô tám mươi tám xu một “phao.” Cô 9 nói, bì làm hôm hăm Tết đã biếu hết rồi, cô nhờ đi mua khoảng ba mươi phao thịt khác. Phận làm trai, vợ bảo điều gì,chẳng dám làm sai. Lái xe ra đi, cố nhớ lại hôm trước cô 9 dạy, phải lựa thịt như thế nào. Cũng may đi chợ bên Mỹ, nếu ở Việt Nam, chắc cô 9 dạy thêm cách trả giá thế nào để khỏi bị lầm.
Mang về giao cho cô 9 bốn cây nạc thăng. Cô 9 kiểm lại, hai cây này ngon, hai cây này tàm tạm. Hú hồn! Tết không bị rầy là may rồi. Mở máy ra viết bài, viết được vài câu, điện thoại reo. Thường thì nhường quyền nghe điện thoại cho cô 9, vì mười lần điện thoại reo, hết chín lần rưởi là điện thoại của cô 9. Cô 9 có nhiều bạn quá, nhưng chưa nghĩ được cách hỏi cô 9, tất cả bạn nào của cô 9 đang có chồng, người bạn nào còn treo giá ngọc như Đặng Huệ. (Lương Minh biết cách chỉ dùm, xin hậu tạ)
Cô 9 vẫn mãi miết ở phía sau. Vừa viết vừa chạy đến chạy lui nghe điện thoại, chẳng biết đã viết những gì. Gần đến giờ hẹn với Hồng Lợi, bài viết vẫn chưa có đoạn kết. Thôi kệ! cứ gởi đi. Đâu phải chuyện nào cũng cần có đoạn kết.
Không biết bên Việt Nam như thế nào. Hình như bên Mỹ ai cũng né đi thăm bạn ngày mùng một. Hưng đến thăm bạn ngày mùng một, suốt năm bạn không được hưng, Hưng bị chửi là cái chắc.
(Chị Nguyễn Dao quen trên Facebook có dám đi xông đất nhà bạn ngày đầu năm không? Dạo này chị ra sao? Vui vẻ không? Từ lúc bị tấn công trên Facebook, không dám mở Facebook nữa nên không biết được tin chị. Chúc chị luôn luôn bén)
Ngoài Hồng Lợi hẹn gặp ngày mùng hai, thêm người bạn không chồng của cô 9 cũng hẹn đến thăm cô 9 ngày mùng hai. Hơi rắc rối, Hồng Lợi cao tay ấn hơn mình, từng là sư phụ của LM. Suy nghĩ, cách nào để cho Hồng Lợi và người bạn của cô 9 đừng gặp nhau. Sau cùng tính toán cũng được như ý. Hồng Lợi và người bạn không chồng của cô 9 không gặp nhau.
Lòng cảm thấy phơi phới, chở hai đứa cháu nội đi học võ chiều thứ sáu. Lại được điện thoại của ông Sãi. Ông Sãi cho biết đã nhận được bài. Ông Sãi căn dặn, viết đoạn đầu, ráng viết khoảng một trăm bốn chục chữ. Ờ! ờ! với ông Sãi, nhưng vẫn chưa hiểu ý ông Sãi. Ông Sãi cho biết thêm, bài viết chưa có đoạn kết. Ông Sãi viết dùm cho đoạn kết.
Về nhà sau khi tắm cho hai đứa cháu nội, cho ăn uống. Cuối tuần được nghỉ khỏi phải làm làm tập. Trước khi cho Tommy chơi, hỏi Tommy mười lăm chữ viết hồi sáng. Tommy trả lời, con viết đúng mười lăm chữ và đúng thêm chữ “bonus.” Tommy giải thích, chữ bonus là chữ không có trong hai chục chữ cô cho học. Viết sai chữ bonus vẫn được một trăm phần trăm. Viết đúng thêm chữ bonus cô cho một trăm mười phần trăm.
Tommy dành máy coi phim netflix. Lên phòng riêng mở xem trang Tống phước Hiệp-Vĩnh long. Nhìn bài đăng, mới hiểu ra tại sao ông Sãi dặn viết đoạn đầu khoảng một trăm bốn chục chữ. Cám ơn lòng ưu ái đặc biệt của ông Sãi, cho bài viết được “thượng tọa” trang bìa. Thật ra bài viết quá tầm thường so với những bài bình thường của những người khác. Ông Sãi cho đăng ở một góc nào đó cùng với những nhà thơ, nhà văn, nhà báo nổi tiếng, dù có được một, hoặc không ai đọc, cũng là một vinh hạnh rồi.
Đọc đến câu kết của ông Sãi viết dùm. Ông Sãi quá hay, chỉ một câu của ông Sãi, Hoàng Hưng phải viết thêm bài này.
Sáng thứ bảy mùng ba Tommy thức dậy sớm, không bị đánh thức, cũng lạ. Vừa đánh thức Gia Bảo, bạn cô 9 cũng vừa đến rủ đi lễ chùa. Thường thì quý bà vẫn đi chùa nhỏ nhất trong những ngôi chùa ở Phoenix và những vùng lân cận. Mất khoảng hai mươi lăm phút đến chùa. Cửa chùa chưa rộng mở, vậy là Phật còn ngủ, nhưng trước cửa chùa cũng có Phật. Cùng là Phật, sao có Phật chểm chệ trên tòa sen cao ngất, phía sau có hào quang lấp lánh. Có Phật lại dầm sương suốt đêm, dải nắng suốt ngày ngoài trời. Một phút ngậm ngùi cho Phật ngoài trời, cảm thấy mình còn diểm phúc, được ở trong căn nhà khá hơn ngôi nhà tranh vách đất, có máy lạnh mùa hè, máy sưởi mùa đông. Thôi thì không còn than thân trách phận nữa.
Cô 9 và bạn cô lễ Phật khá lâu, cửa chùa vẫn chưa rộng mở. Thình lình có một ông cũng không còn trẻ, lái xe khá “cao bồi,” quẹo gắt xe vô cổng chùa, đậu nghinh ngang không hàng lối. Đi nhanh đến cửa chùa, đập mạnh vào cửa. Một bác gái khá lớn tuổi nhưng trông vẫn còn khỏe mở cửa chùa. Người đàn ông bước nhanh vào quẹo qua trái ôm khoảng năm, bảy hộp đồ chay mang nhanh ra xe. Trở vô trả tiền và lấy tiếp mấy hộp nữa. Thì ra chùa này cũng là nơi sản xuất và bán thức ăn chay.
Mình đi lễ chùa, e dè gõ cửa. Người đi mua thì mạnh dạng hơn. Sau khi người mua thức ăn chay ra đi, cô 9, bạn cô 9, Tommy lần lượt bước vô chánh điện. Gia Bảo chậm chạp ngồi xuống cởi giày ra. Hai năm trước, Tết cũng đi lễ chùa này, Gia Bảo cũng vào sau nhất không tháo giày ra. Sư cô ốm chạy đến, ê! ê! con ai vậy, cởi giày ra. Tôi còn phía ngoài, nhưng vẫn đứng yên. Cô 9 chạy lại tháo giày cho Gia Bảo.
Ngày xưa có một lần tôi mang đôi giày dính nhiều bùn đất hành quân, bước vào một ngôi nhà vương giả. Tôi cũng định tới cửa sẽ tháo giày ra. Bước chưa tới cửa, một bác gái chạy ra, ê! ê! giày dơ, mở giày ra. Tôi bước nhanh lại bác, bước lên thềm gạch bông bóng loáng. Hỏi bác, thưa bác nói chi. Trông bác rất thất vọng, trả lời yếu xìu, thôi lỡ rồi, cần gì nói lẹ đi. Tôi cũng không biết, sao ngày xưa cho đến bây giờ tôi vẫn ngang tàng thấy ghét.
Sau khi lễ Phật ở chánh điện, bước ra phía sau, thấy sư ốm đang nấu một chảo lớn đồ chay. Thường thấy ở chùa này có hai sư, sư ốm chắc thấm nhuần đời là bể khổ, nên chưa bao giờ thấy sư cười. Sư mập rất vui vẻ, chắc là vui vẻ nên dễ mập (ông Sãi thì sao?)
Rời chùa, bạn cô 9 vừa nói vừa đưa cho tôi địa chỉ, bây giờ đến tu viện Phước Tường. Tôi đề nghị cho hai đứa nhỏ đi ăn trước, từ sáng đến giờ hai đứa chưa ăn gì. Bạn cô 9 miển cưởng đi theo. Tôi cố tình ăn thật lâu. Bạn cô 9 hơi sốt ruột, nói bâng quơ, từ đây đến tu viện Phước Tường bao xa, chiều nay ở Như Lai thiền viện có văn nghệ, có ca sĩ từ Cali qua. Tôi cũng không trả lời, vẫn chậm chạm thưởng thức tô phở đã nguội, ăn xong, nhắm nháp ly cà phê sữa cũng lạnh tanh.
Mấy năm trước đã tới Như Lai thiền viện xem văn nghệ. Sau khi ca, ca sĩ Trịnh Lam tâm tình, “sư cả ở thiền viện này rất chịu chơi, và những người chịu chơi thường hay nghèo.” Nói mấy lời tâm tình xong, Trịnh Lam mang thùng đựng tiền đi đến từng người quyên tiền cho sư. Theo lời Trịnh Lam, sư chịu chơi thôi, cũng còn may, chưa chơi chịu. Sư mà vẫn còn phân biệt sư giàu sư nghèo.
Sau khi trả tiền xong, dẫn Tommy, Gia Bảo vào nhà vệ sinh. Tôi dặn Tommy, chút nữa ra xe, con đòi đi coi múa lân nhe. Nghe nói đến múa lân, Tommy khoái liền.
Chạy ngược lại chừng mười cây số để xem múa lân. Vẫn còn quá sớm, còn một tiếng nữa mới tới giờ múa lân. Tuy vậy siêu thị đã chuẩn bị sẳn sàng, mỗi cửa đều gắn vô số pháo nho nhỏ. Hai cửa đều treo một dây pháo to, dài khoảng hai mươi mét. Bạn cô 9 hơi thất vọng, nhưng cũng ráng chờ.
Đến giờ lân múa, pháo nổ dòn dã, tiếng nổ lớn hơn pháo ở Việt Nam ngày xưa, nhưng màu xác pháo không hồng đẹp như xác pháo Việt Nam. Lân múa từ ngoài vào trong siêu thị, đi theo chiều kim đồng hồ, hết một vòng siêu thị mất hơn nửa tiếng đồng hồ, vì dọc theo đường lân múa, treo những bao lì xì quá cao. Đoàn lân này vừa múa xong ra ngoài. Tiếng pháo ở cửa thứ nhì bắt đầu nổ, đoàn lân khác bắt đầu múa, múa phía ngoài xong, cũng múa vòng phía trong theo chiều ngược chiều kim đồng hồ.
Coi múa lân xong, bạn cô 9 hỏi, bây giờ đi đâu. Tôi trả lời, đi ăn Tết. Chạy đến nhà Minh Hùng( Cầu Vĩ). Ngôi nhà khá lớn, rộng khoảng bốn ngàn feet vuông, tính ra khoảng ba trăm bảy mươi hai mét vuông. Ở phòng khách có một bàn bi da Pháp, bạn bè đến đánh miễn phí. Hồi đứa con về Việt Nam cưới vợ, Minh Hùng đề nghị, qua Mỹ làm đám cưới lại. Minh Hùng đăng ký mười bàn. Họ hàng của Minh Hùng ở tại Arizona đông lắm, hàng trăm người. Minh Hùng là bạn học từ trường cấp hai Hiếu Phụng đến trường cấp ba Vũng Liêm của đứa em trai Hoàng Thạnh. Hoàng Thạnh học hai năm trường Thủ khoa Huân, đến năm 75 trở về học Hiếu Phụng và Vũng Liêm.
Buổi chiều ăn tết nhà Minh Hùng tưng bưng, nhưng chưa náo nhiệt bằng buổi tối. Ăn tết có năm có khoảng ba trăm người đến dự suốt đêm. Nào bài cào , kéo phé, xì dách, xập xám, cách tê, lô tô, bầu cua . . . không thiếu món cờ bạc, ăn chơi nào của miền Nam.
Đấy là ngày Tết tạm vui ở hải ngoại, nhưng lòng luôn hướng về quê nhà. Nhiều người đang ở quê nhà lại trông ngóng chuyến ra đi hải ngoại để đổi đời. Cầu chúc những người đó được toại nguyện, để rồi ngậm nhấm nổi buồn ly hương.
Bài và ảnh Hoàng Hưng
Út Hoàng Hưng thiệt tình! Chào thua!
Câu chữ cả bài viết luôn đính kèm hàng loạt..lưỡi câu có móc ngoéo quá bén, đủ kích cỡ, rất riêng của Út! Đạo đời có đủ!
7 đọc miết rồi đọc miết lại, 7 phát hiện là Út HH có biệt tài câu giờ đối với các bạn của cô 9. Điều này 7 thắc mắc tự hỏi “tại sao?” Rồi tự trả lời với mức độ tin tưởng trúng 99,99%! Đó là vì bởi các bạn của cô 9 hôm đó thiếu vắng mấy CÔ bạn treo giá ngọc! he he he…, phải không hỉ?!
Vẫn như nhận định cũ: út Hoàng Hưng viết hay quá!
Tết xa quê như vậy là vui rồi. Có cô 9 – tay nội trợ cừ khôi – có con, có 2 cháu trai thông minh linh lợi, có em, có bạn ( nhất là có những cô bạn hỏng chịu có chồng của cô 9 )…
Câu cuối gieo vào lòng người đọc nỗi ngẫm ngợi ngậm ngùi…
Chị 3 luôn là đọc giả trung thành của nhà văn Út Hoàng hưng,chị chúc gia đình hai em luôn vui hưởng những tháng ngày hạnh phúc .Thương mến.
Bài viết của Hoàng Hưng thật là vui. Vui nhất là cái vụ hỏng cho Hồng Lợi có cơ hội gặp bà cô phòng không bạn của cô 9 . Cái thứ hai là hỏi thăm khéo Thanh Nhi còn bén không !!!(Nguyên Dao mà!) thứ ba là biết nịnh cô 9 để được điểm 10. Còn thứ tư là muốn học cách thả dê của ông Sãi thật là chí lý! hi…hi…hi.. Ăn Tết tha hương như thế cũng là đầy đủ lắm rồi…Nhưng năm sau ráng rủ rê cô 9 và bạn bè gần xa nhất là thằng bạn già NHA của tui về VN một lần cho vui vẻ quê nhà nhé Hoàng Hưng. Chúc vợ chồng em và hai cháu nội thật nhiều hạnh phúc và sức khỏe thật tốt…
Đọc bài của Hoàng Hưng mắc cười thiệt, nhớ lại mấy năm ở nhà, sáng mùng một không dám mở cửa nhà sớm, lựa người xông đất, ngày mùng một khi có ai đến nhà mình lén nhìn ra khe cửa , xem người đó tên gì, mới dám ra mở cửa, trước Tết còn dặn một em tên Giàu, Tiền… nhớ sáng mùng một nhớ đến xông đất nhà…hihi
Phật đứng ngoài cửa là để coi chừng mấy ông chở vợ đi chùa mà không thèm vô chùa
Đứng ở ngoài làm gì????
Hoàng Hưng ăn Tết tha thương như vậy là nhất rồi! Chả bù phần anh… năm nay: đón giao thừa đến VN với vài bạn trên FB, nấu mâm cơm cúng ông bà ngày 30 và mùng 1, nhận lời chúc Tết của các con từ các tiểu bang khác qua điện thoại …là hết Tết!
Còn hơn nhà dột cột xiêu của em.
Phải tản cư lên nhà má em
Hoàng Hưng ăn tết linh đình, nhiều việc để nói.
Chỗ mình lạnh quéo, đang ganh tị đây. hihi
@ Cảm ơn chị 7, chị 11, chị 3. Ngày xưa Út thường đọc bài của ông Dê h C. Chắc bị ổng đầu độc, nên bài viết của Út dể bị chửi phải không các chị. Sao không thấy các chị kể chuyện ăn Tết bên Việt Nam vzậy.
@ Cảm ơn anh Phú Thạnh. Cảm ơn anh cho biết Nguyễn Dao chính là thủ lảnh. Lâu quá không thấy thủ lảnh trên trang TPH vậy.
@ Cảm ơn Phi Rom, kể cho Phi Rom nghe, hỏng biết Phi Rom có chửi không, có chửi thì đừng chửi nhỏ. Cũng hỏng biết kể ra, cô được HHg mời đến nhà ngày mùng một, biết “ý đồ’ của HHg, có chửi HHg không nữa. Ngày mùng một Tết HHg có mời cô Sương Lâm tới nhà ăn bánh tét của cô 9 gói.
@ Cám ơn Phương Nga, anh Nha, Một Lúa.
Nhà Phương Nga không dột, cột không xiêu, chắc Phương Nga cũng chạy đến má ăn Tết.
Lạnh quéo là lạnh ra sao vậy Một Lúa.