Any question?

Ngày đăng: 12/01/2015 05:56:58 Sáng/ ý kiến phản hồi (10)
0 0cham 1

Cái tật thích trò chuyện lông bông, luận bàn thế sự năm châu, nó đã ăn vào máu của mình lúc nào không biết. Nhiều lúc cũng vui, và lắm khi cũng buồn buồn. Tình trạng ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời của tui có tăng, cho dù thật lòng muốn giảm. Tôi không quả quyết đủ trăm phần, nhưng chắc mẽm là tật nầy không do di truyền mà do lây nhiểm từ bè bạn. Khởi đầu từ mười mấy tuổi, ở vào cái khoảng tuổi nguy hiểm dễ trât đường rầy, dễ nhuốm phong trần dù không ai bắt.
Gần mực thì dễ dính đen, tôi đã sống bên ngoài sự trông nom của gia đình. Lớn lên bằng tiền bạc của cha mẹ nhưng no lòng bằng cơm chợ, nước phông-tên. Đến tuổi có chút nét chững chạc, rồi lại rơi vào cái khung ồn ào náo nhiệt của nhà binh. Nơi qui tụ đủ thứ thiên tài, những tay hài hước, hoặc những tên có thể cãi nhau vì mọi thứ trên đời. Tôi thật sự cuốn hút vào những trận cười tiếu lâm. Ham muốn hoà nhập với đám “giai huynh đệ” lắm mồm nhiều chuyện, trước tiên tôi vất vả tập tành suy nghĩ thật nhanh để nắm bắt những gì tụi bạn đía đá với nhau lóc bóc như chảo rùa rang muối. Và cũng để tránh cho mình bao lần sượng sần chai cóng như củ khoai mì kè ngập nước: “Ai cũng bật cười khoái trá, chỉ mình tui chưa hiểu chúng nói chuyện gì”.

Mấy chục năm sau những ngày tháng của thời thanh niên háo thắng, tôi ngỡ rằng thời gian là liều thuốc an thần dùng lãng quên các thói hư từ quá khứ. Vào một buổi trưa hè nóng bức, các đài tin tức địa phương đang la om sòm cảnh báo cơn nóng chết người đang phủ sóng một vùng rộng lớn, bao trùm cả mấy tiểu bang vùng đông bắc. Trong cái nóng ngột ngạt, ai bước ra khỏi nhà đều có cảm giác hình như không khí bị đốt cháy hết ô-xy. Là chân đi te rẹt, nên khó mà bó giò tự nhốt trong nhà. Chợt nhớ việc bà xã dặn hỗm nay: “Ông đi đâu thì nhớ ghé chợ mua vài bịt cà ri nị  để đó cho tui”. Có lý do chính đáng để lương tâm yên ổn, tôi mò ra Khu Thương Mại người Việt trên thành phố Philadelphia. Và đôi việc cho một công là luôn tiện ghé thăm ông bác sĩ gia đình cũng là người “mình”, để hỏi bằng tiếng ta về ba vụ thuốc men và tật bịnh la ca lẩm cẩm.
Phòng chờ đợi của bác sĩ trưa hôm đó thênh thang vắng ngắt. Tôi có thể nín thở để lóng nghe tiếng re-re từ những luồng gió máy điều hòa lành lạnh thổi êm êm xuống từ trần phòng. Cô thư ký ngồi bất động trước màn hình máy computer, tôi phải đến sát khung cửa sổ trống thông giữa hai phòng mới nhìn rõ mặt cô:
– Chào cô, tôi ghi tên gặp bác sĩ.
– Chào bác khỏe không. Ngoài trời hôm nay có “heat wave” chỉ số ozone xâm hại cao lắm nha bác. Các bác ra ngoài cẩn thận.
Úi trời, con bé nầy hôm nay lên đô cho tui là bác cũng đã quá đáng lắm rồi. Còn nhập tụ cho tui vào phe các bác của cổ thì còn chi là hạnh phúc đời trai. Không lẽ đứng đôi co lỗi phải với em cháu, tui lẵng lặng ngồi xuống một ghế khuất khỏi tầm nhìn của cô thư ký. Cái mặt của tui lúc đó chắc là rất khó coi. vốn đã nghiêm và buồn muôn thuở.
Ông bác sĩ nầy trẻ hơn tôi chừng con giáp, vẫn câu hỏi trứ danh thường lệ:
– Anh có khỏe không.
– Khỏe. Định hỏi bác sĩ kết quả thử máu hôm trước, đường chè của tui ra sao.
– Anh nên cử thức ăn nhiều đường để giữ mức đường huyết từ 120 trở xuống như hiện nay thì tốt. Khi nào lên 130 thì phải theo dõi và quyết định dùng thuốc.
– Ờ, hôm trước tui gặp chuyên khoa tim mạch khám định kỳ, ông bác sĩ đó khuyên tôi dùng mỗi ngày một viên Aspirin 81 mg để chống hình thành cục máu đông lợn cợn chạy trong huyết quản. Ổng nói đó cũng là một lý do khiến đột quỵ, tử vong, hoặc cưa chân tàn phế mà không do cao huyết áp mãn tính. Nhất là những người ngồi một chỗ chật chội trong quá nhiều giờ như trên máy bay chẳng hạn.  Bác sĩ xem tui có cần uống thuốc Aspirin không?
– Bao tử và ruột anh tốt, tuổi anh cũng nên uống Aspirin ngay bây giờ.
Úi trời, hai câu nói gần giống nhau của hai người khác nhau, tập trung vào một chữ già, khiến cho tui không còn hứng thú nói chuyện với ông nầy nửa. Thấy tui tắt đài, ổng muốn kết thúc:
– Anh còn muốn hỏi gì thêm.
– Bác sĩ có xem trận mở màn World Cup giữa Brazil và Croatia hôm 12 tháng 6 vừa rồi.
– Tui đồng ý Brazil đá trên chân thằng Croatia, nhưng trận đó trọng tài người Nhật thổi thiên vị Brazil thấy rõ, báo đài thể thao cũng bình luận như vậy. Ông coach của Croatia tuyên bố với báo chí là họ đá với 12 thằng, tui mắc cười vì có lần cũng nghe anh nói là hồi xưa ba anh đã từng nói y chang.
Như bắt trúng đài, tôi và ông bác sĩ lăn xả vào những trận bóng đá để đời từ Âu châu qua Nam Mỹ. Âm thanh từ nghe vừa đủ trở nên lớn dần của 2 người giải trí đở buồn cho giờ trưa vô vị.
Tiệc vui nào cũng tàn. Buổi nói chuyện tào lao dù hấp dẫn tới đâu thì cũng phải đến hồi kết thúc. Vừa mở chiếc cửa trở ra phòng chờ đợi, tôi chới với vì bắt gặp những ánh mắt trừng trợn ngạc nhiên, vừa soi mói vừa pha chút trách hờn. Tôi không ngờ căn phòng nầy mới đây vắng như chùa Bà Đanh, bỗng nhiên chật ních không còn ghế trống. Tôi không còn tâm trí đâu mà quẹo qua chào cô thơ ký như những lần trước. Tôi bước thẳng đến chiếc cửa tự động đóng mở bằng tia hồng ngoại. Cái nóng rát mặt bên ngoài hôm ấy khiến tôi dễ chịu hơn lúc vừa băng ngang không khí lạnh tanh của phòng chờ đợi.

***

Tôi có chút vấn đề về tim mạch, thế nên có lịch trình gặp bác sĩ chuyên khoa mỗi năm một lần. Trước ngày hẹn vài tuần thì có lịch chụp siêu âm theo  yêu cầu của ổng. Ngay giờ hẹn thì cô y tá kêu vô phòng cân đo, ghi chép các loại thuốc tui uống hằng ngày. Cô ta cuốn dây nhợ đo điện tâm đồ xong thì ấn nút cho chiếc băng tôi đang nằm thành chiếc ghế dựa và nói một câu tôi đã thuộc lòng:
– Bác sĩ sẽ đến gặp ông lát nữa.
Trong căn phòng khám cá nhân yên tỉnh, chiếc ghế dựa êm êm, không thể ngăn cơn buồn ngủ.
Tôi bừng tỉnh vì cảm giác có người vỗ nhẹ vai mình. Bác sĩ người Mỹ chìa tay cho tôi bắt:
– Ông khỏe không. Ông có cảm thấy đau vùng ngực hay không khỏe chổ nào.
Sau đó là những câu ông hỏi về thuốc men tôi dùng, về sinh hoạt hàng ngày, về các sự thay đổi bệnh trạng, vân vân…
Ông ta cũng cho biết lần chụp siêu âm năm nay không khác năm rồi. Để kết thúc, ông ta nói một câu hình như các bác sĩ đều muốn nói:
– Any question?
Tôi muốn nói cám ơn để ra về, nhưng chợt nhớ.
– Tôi muốn ngồi máy bay cho một hành trình xa, được không bác sĩ.
– Tại sao không. Vấn đề động mạch của anh không bị ảnh hưởng vì thay đổi áp suất khi máy bay lên xuống. Chúc mừng anh sắp đi du lịch, mà anh đi đâu?
– Việt Nam.
– Anh mua vé máy bay chưa?
– Chưa mua.
– Chưa mua thì chưa đi ngay được.

Phản ứng cười của tôi lâu dùng nên mất nhạy,  mấy giây sau tôi mới bật lên ha hả.
Ai nói bác sĩ chỉ biết nói chuyện ốm đau hoặc luôn cau có, mặt ngầu với các bệnh nhân.

(Tặng bạn tôi, những người ở nửa vòng trái đất)

Một Lúa

Có 10 bình luận về Any question?

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Bữa nay, long thể bất an. Nhưng Tư Kiệt mời làm MC dùm. Xong kéo nhau xuống phở Hằng làm lai rai. Nhưng vô nửa chừng, phải bỏ của chạy lấy người. Về nhà, mở máy, hôm nay, truy cập bình thường, thấy bài viết của bạn già, mừng quá, đọc ngấu nghiến. Đúng là cây viết càng già càng sung, còn tui cỡ nầy gần Tết, chữ nghĩa đâu mất hết. Chờ cho máy tính sung trở lại, mình mới sung theo !

    • Một Lúa nói:

      Chào anh Lần và Tư Kiệt,

      Lóng rày các vị lên lão làng. Dự đám tiệc thì ngồi bàn giữa để người ta rót trà dâng rịu. Còn thân tui thì hàng ngày rót nước, rót sữa mời cháu theo lịnh của bà xã.  Hehehe

       

  2. Phan Lương nói:

    Hi hi

    Khoái cái lối viết văn dí dỏm khôi hài mà rất duyên của anh Một Lúa lắm lắm luôn á.
    Đọc mà thấy mắc cười gì đâu,không chịu nổi luôn.Nhất là ở đoạn cuối bài

    -Tôi muốn ngồi máy bay cho một cuộc hành trình xa được không BS?-

    -Tại sao không ?….Chúc mừng anh sắp đi du lịch ,mà anh đi đâu

    -Việt Nam

    -Anh mua vé máy bay chưa?

    -Chưa mua

    -Chưa mua thì chưa đi ngay được

    Ha ha

  3. Một Lúa nói:

    Phản ứng cười của bạn trẻ Phan Lương quá nhanh nhạy rùi nghen.
    Haha

  4. Hoa Đăng nói:

    Vô đầu bài đọc không cần xem tên tác giả tui cũng đoán được là ai rồi, đến khi tới bàn về bóng đá cầu thủ thứ 12 là tui biết 100% là của Lúa Đệ. Nếu ở Việt Nam thì đệ sẽ được gán cho cái tên là Bà Tám, nhưng Bà tám Hòa Bình…

  5. Phi Rom nói:

    Giọng văn y như nói chuyện ngoài đời, đậm tính hài hước thu hút người đọc, thật tuyệt vời, phải nói  đọc mới thấy đã làm sao, đọc hết bài mà còn thấy tiếc hùi hụi vì bài đã hết.

  6. Một Lúa nói:

    Cám ơn Phi Rom canh me giờ HiFi mạnh trong tình huống internet bị nạn, để post bài cho bà con

  7. Luong Minh nói:

    Với cá tính như Một Lúa, phải ở Việt Nam mới phát huy được sở trường. Sáng có thể ngồi từ 7 giờ đến trưa. Dùng cơm xong, nghĩ một chút ra quán cà phê tán thêm 2 giờ nữa để về ăn cơm chiều. Tối xem TV để nạp thêm “năng lượng”. Thời dụng biểu này tui lấy được ở các nông dân Chợ Lách.

Trả lời Phi Rom Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác