Vĩnh Long ngày xửa ngày xưa
Vào thuở quân Pháp chưa chiếm 3 tỉnh miền tây, chợ Vĩnh Long nhóm họp nơi voi đất thuộc địa phận khóm 1 Phường 5, những cư dân buôn bán, mặc toàn bà ba vải ú, bao gồm gánh gióng, thúng, mê, mẹt, ngồi rải rác chứ không hàng lối như hiện nay. Thuở đó bên Phường một hiện nay là cơ sở hành chánh cùng quân sự, dưới quyền cai quản cụ Phan Thanh Giản, giao thông chánh là xuồng ghe. Theo lời kể lại, voi đất nơi họp chợ, cách bờ sông tiền hiện tại cả trăm thước có hơn, những khi nước lớn nơi ngã ba sông Tiền và sông Long Hồ sóng rất to và chảy xiết, do vậy những ghe xuồng từ sông cái vào sông Long Hồ không cẩn thận lèo lái thường bị chìm
Chợ Vĩnh long xưa ( ảnh từ net )
Sau khi Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền tây, thời gian sau chợ vĩnh Long được chính quyền thuộc địa dời qua phường 1, phố phường được xây dựng từ từ chung quanh chợ cùng với hệ thống quân sự hành chánh, kể cả nơi vui chơi giải trí của người Pháp như Bungalow <Công Quán> nơi đầu ngã ba sông
Bungalow được xây khoảng trên dưới 1900, ngang sông là phường 5 ngày nay. Bến tàu khách với tàu chạy bằng than đá. ( ảnh từ net ), mặt bên sông Long Hồ lở nhiều, sợ sập, cậy bác vật Lang xem, ông kết luận – Sau này sẽ bồi, không sao đâu. Quả nhiên bồi thiệt, Bungalow vẫn bình thường cho đến hôm nay. Nhờ voi đất bên phường 5 lở quá sâu. Bến xe hơi đầu tiên nằm khu đất trống bên kia đường, ngang Bungalow.
Cũng từ xa xưa lắm, lưu thông từ phường 5 sang chợ phường 1 nhờ vào con đò đầu vàm, con đò với ván dầy khoảng 3 phân, dài trên 5 thước, hai bên phía trên đóng ván bản rộng dành cho khách sang sông ngồi khi xuống trước, ai xuống sau phải đứng khi nơi ngồi kín khách, bánh lái sau được cố định bằng dây chằng hai bên, một tay chèo phía trước. Vào năm 1960, người chèo là ông già câm, dáng thấp ốm, ở trần suốt, mặc độc chiếc quần sọt ka ki vàng, loại của quân đội Pháp mặc khi xưa, quá dài quá rộng với khổ người, nên một sợi dây nịch da phần đuôi dây cong queo theo quần đến nữa lưng, thời gian này tuổi ông có hơn 60 vì tóc hói bạc, da nhăn nheo cũng nhiều. Ông chèo đò bằng cách móc ngược, lưng hướng về trước, mặt nhìn lòng đò, bàn chân chịu vào chân cột chèo, cứ vậy móc ngược cho đến bên kia sông. Thuở đó công chức, quân nhân, học sinh sang sông khỏi trả tiền, đò qua lại mỗi ngày không kể tết hay lể lộc. Thời gian sau ông Câm mất, vợ chồng anh Phú và chị Muối tiếp tay chèo, rồi hai vợ chồng này cũng chán, anh Lu cũng dân địa phương tiếp tay chèo, được một thời gian, đò nhỏ cá nhân thi nhau phát triển rất đông, đò lớn ngày xưa đành kéo lên bến từ từ mục rã.
Bên dưới cầu Bạch Đằng nhìn sang chợ cá Phường 1. Cầu khởi công tháng 02-2012, hoàn tất tháng 06-2012.
Trại đóng áo quan, ngày xưa luôn có hai thợ trong trại, bên hông, nơi xô nhựa là ông thợ đục bia mộ, nhích ra ngoài tí là ông thợ cưa, bìa bậc bằng xi măng, trước là bãi bến sông, con đò qua lại, khách lên xuống bờ sông lài đầy đá, gạch vụn, không bị sình lấm chân
Dưới chân cầu Bạch Đằng, bên phần đất thuộc phường 5, có tên Bến Đá với nhiều bia đá chất chồng, lớp nằm sát mé nước, lớp nằm trên bờ, ông thợ già chuyên đục chử cùng hoa văn trên bia cho thân nhân người quá cố, mình trần, cặp kính lão mà một tròng bị răn nứt vết tích do đá va đập, với cọng thun giữ kiếng cố định sau đầu, thuở những năm 1960 tóc ông đã bạc trắng rồi, ngồi đục đá suốt cạnh trại áo quan. Xích ra ngoài khoảng hơn thước, ông thợ cưa gổ súc, xẻ từng tấm theo nhu cầu áo quan của thợ đang đóng phía trong trại, ông thợ đục bia mộ vẫn trường kỳ theo năm tháng, nhưng thợ xả gổ súc đã thay rất nhiều người, có lẽ đây là công viêc tổn hao công sức nhất, ngày trước có tên riêng là < thợ cưa>.
Cuối dốc cầu, bên phải là đường Nguyễn chí Thanh, ngày xưa đường mang tên nhà giáo Lê minh Thiệp, nếu không đi sang phải mà đi thẳng, ngày xưa là Cầu Dài, dân cư ngụ khu vực này thành danh Xóm Cầu Dài. Cầu không do chánh quyền làm mà dân tự đóng lấy, ngang nhà ai người đó lấp ghép, cầu bằng ván ghép dọc, dài ngắn, dầy mỏng bên nhau, cao hơn mặt đất khoảng 5 tấc, nằm trên hai cọc cây, mặt cầu khoảng 6 tấc, nhà dân cư hai bên với nền nhà cao khoảng 2 đến 3 tấc thôi, do vậy thấp hơn cầu đôi ba tấc. Cầu theo nhà cư dân nên dài khoảng 600 thước có hơn, những năm 1950 cầu dù không lắc lẻo vẫn có tay gượng nằm bên trái cầu. Đất dọc theo mé sông mỗi năm lở sâu vào, nhà sát mé sông khúc còn khúc mất và chiếc cầu dài năm xưa theo đó mà đứt từng đoạn. Để bảo toàn tính mạng, tài sản và ổn định dân cư sát bờ sông tiền thuộc khóm 1 phường 5, chính quyền tỉnh cho di dời dân sống ổn định nơi khu đất làng sâu vào bên trong khoảng 200 thước. Bờ kè bê tông dài 700 thước được khởi công năm 2005, đến cuối tháng 10 năm 2007 hoàn thành, và công viên Phường Năm mở ra cho dân địa phương ngồi hóng mát cùng thể dục sáng sớm và buổi chiều chạng vạng tối
Nơi bóng mát trước mặt ngôi nhà là khởi đầu cho chiếc Cầu Dài ngày xưa, bên trái là bờ kè và công viên Phường Năm được khởi công 2005 đến tháng 10 năm 2007 hoàn tất.
Sương sớm trên công viên bờ kè Phường Năm. Phần đầu của công viên
Đầu cuối của công viên bờ kè Phường Năm, lùi về sau khoảng 200 thước trong khu dân cư Bề Đáy, chưa xây bờ kè có một bờ đất chử U đáy cao dầy, hướng ra mặt sông, dân cư truyền miệng mãi cho thế hệ sau. Ngày xưa ông bà còn dùng giáo, mác, cung tên chống tây, cư dân ngày nay còn gọi Bờ Đồn, vốn vuông mà lở riết thành chử U.
Trong đêm trừ tịch mỗi cuối năm, dân cư địa phương, Long Thanh, các xã gần, đều đổ về công viên Phường Năm xem bắn pháo hoa mừng giao thừa từ bờ sông Quảng Trường (Phường Một)
Pháo hoa đón giao thừa nhìn từ bờ kè Phường Năm
Con đường Nguyễn chí Thanh, nơi cuối là công viên Phường 5, đến đầu đường là cầu Thiềng Đức dài khoảng 580 thước, vậy mà có tới bốn con rạch đổ vào sông Long Hồ:
-
Rạch cầu kho, bên rạch sát bờ sông có nhà máy xay lúa Sáu Tăng, những người buôn bán gạo nơi nhà máy goi Bạn Hàng xáo, trong chiến tranh nhà máy bị cháy, ngày xưa gọi là xóm bến đò, rạch rộng khoảng 5 thước, chạy vòng từ bên trong đổ ra rạch Cầu Đào, hiện nay đã dần liền vì giao thông đường bộ thuận lợi, ghe xuồng không còn, ngày trước là cầu ván bắt ngang ván cầu dầy, bề ngang cầu khoảng 3 thước rưởi, hiện thời là đường liền, con rạch cạn dần do rác cư dân xả xuống dầy lên nên đáy cách mặt lộ khoảng 4 đến 5 tấc thôi.
-
Rạch cống chạy vòng ra sau chùa Long Thiền đến sau đất ộng Huyện Cần là dứt, con rạch này cạnh bên Lộ Cũ, tên con lộ này do thời Pháp cho đắp trước khi xây cầu Thiềng Đức, có lẽ thấy không ổn nên bỏ qua, con lộ mới là con đường cầu Thiềng Đức hiện nay. Đầu đường lộ cũ, bên phải khoảng đất rộng là trường học sát bờ sông long hồ, trường sơ cấp với ba lớp 1, 2, và 3, bảng trường ghi là Trường Thiền Đức ( Thiền không chữ G do dùng tên ngôi cổ tự gần đó là chùa Long Thiền, ngày xưa vị trụ trì là bằng hửu với một con cọp, nghe truyền lại cọp theo thầy tu, đàng sau đất mộ chùa phía cuối có mộ cọp, trước đây, bên trái bàn thờ tổ còn xương đầu cọp, sau năm 75 xương đầu con cọp mất tiệu ). Vào năm 1945, vị quan thanh tra Pháp đến viếng trường, thấy bản hiệu ông hỏi – Đây là trường học có phải là chùa đâu mà chử thiền lạ vậy? do câu chuyện trên mà thiền thêm G phía sau Trường Thiềng Đức, tên chiếc cầu sang sông, ngày xưa dân địa phương gọi cầu sắt, nay mang tên cầu Thiềng Đức. ngôi trường này sau đó mang thêm hai tên nữa, trường Fostille, rồi trường Thủy Binh rồi sau nữa dẹp tiệm, trường xây mới với hai dãy trệt, lợp fibro ximent, trong khu đất cận đường trước chùa Long Phước, khu vực Cầu Kè
-
Rạch Cầu Đào, vì nơi đây cây đào lộn hột rất nhiều, rạch này thông với rạch cầu kho khi xưa, nay không còn nối kết do phát triển dân cư và đường đi thuận lợi
-
Rạch cầu Cây Mít, chạy dài bên trái đường cầu Thiềng Đức, ngày xưa khi làm xong Cầu Sắt (Thiềng Đức), mới thi công đào đắp đường, con rạch hình thành, với lại khu vực này mít rất nhiều. con rạch này chạy vòng quanh khu đình làng. Khi chưa xây trường, trường cũ do xuống cấp quá nặng, gạch long tróc, trường dời, thầy trò tá túc trong đình vài năm, rồi cùng sang trường mới có đủ năm cấp tiểu học
-
Cầu Cái Cá khi chưa làm mới, trước nhiều năm gần đây, trên trụ cũ có khắc lõm năm hoàn thành ghi 1901, vì không tìm ra tư liệu cho cây cầu Thiềng Đức, hỏi thăm những người sanh những năm 1924 thì được trả lời là hồi còn nhỏ các vị ấy đã biết có cầu Thiềng Đức rồi, Chúng ta có thể tạm kết luận, cầu hình thành trong thập niên khoảng đầu thế kỷ 19, xê xích chút đỉnh thời gian so với cầu Cái Cá
Năm 2006 cầu Thiềng Đức dở toàn bộ, xây dựng theo tiêu chuẩn bê tông vĩnh cửu, cầu hoàn tất, thông xe ngày 02-09-2008.
Bác vật Lang-ảnh từ net-
Thuở tôi còn nhỏ lắm, nội tôi đã kể lại chút chuyện về cầu Thiềng Đức như sau:- Hồi trước, cầu sắt chó chạy trên cầu, nó rung rinh dử lắm, mấy ông nhà nước cậy Bác Vật Lang đến coi cầu, ổng đi qua cầu chống mạnh đầu gậy xuống cầu vài nơi xong rồi nói – Cầu không sập đâu bà con yên tâm. Quả nhiên không sao.
Năm 1945 cầu bị gở bỏ toàn bộ ván lót do chiến sự, khi bình yên, ván được lót trở lại. Khoảng những năm 1959, cầu được làm 4 chân bê tông cốt thép kiên cố, thay chân cầu thép ống tròn đã quá tệ, với cách làm như sau, gở toàn bộ ván cầu, trên mặt nước bốn khối thép khép kín hình khối chử nhật dùng làm phao chịu lực cho lấp ráp giàn làm chân cột. Hai trụ đở chánh giữa sông, mỗi trụ với 6 chân cấm xuống lòng sông, ván cầu được lót khích không thưa như thuở trước, xe chạy qua không kêu rầm rầm và đi bộ sang sông không sợ lọt chân. Trong khoảng thời gian chiếc cầu sắt rệu rạo, mỏng manh, nơi ngã tư cầu săt thuộc phần đất phường 5 ngày nay có những điều nên ghi lại vì những vị được sinh ra khoảng những năm 1920 đến 1930, kẻ còn người mất, người còn sống cũng không mấy người còn nhớ lại chuyện xưa.
Chẳng biết xe kéo xuất hiện từ thuở nào, chỉ biết nơi đầu ngã tư đã có xe kéo tay rồi, bến xe kéo này khoảng năm ba chiếc thôi, ban đêm khách đi, xe bình thường có chiếc đèn bảo dầu hỏa treo lủng lẳng một bên tay kéo, còn xe sang hơn thì chiếc đèn khí đá dành cho xe, chiếc đèn gồm 2 phần rời nhau, phần dưới là nửa khối trụ đường kính 5 phân, cao khoảng 8 phân chứa khí đá viẽn, có răn xoay lắp vào thân trên, bên hông thân trên là béc đốt khí thoát ra thành ngọn đèn khá sáng nằm trong một chụp đèn tròn, kiếng che gió bằng thủy tình vồng ra phía trước, trên đầu thân đèn, một kim vặn điều tiết lượng nước, khi cần sáng nhiều, xoay về trái, nếu xoay về phải sát cứng thì nước không xuống và đèn tắt từ từ, bên hông phía trên cạnh kim điều tiết nước là một lổ tròn khoảng 1 phân đường kính, dùng cho nước vào có nắp đậy với răn ngoài, đêm tối, đèn thấy rõ đường đi trên 10 thước.
Khi hết thời của xe kéo, cũng nơi ngã tư cầu sắt, bến xe ngựa hình thành, nói chính xác lại, do nhu cầu đi nhanh, xe ngựa giành vị trí, xe kéo tay dần không khách cũng mai một, vắng hẳn bóng người phu xe áo bà ba đen bạc màu ngắn tay cùng chiếc quần ống lỡ vải lưng cột gút, hai sợi dãi rút to bản lòng thòng khỏi áo.
Đi nhanh hơn, chở nhiều hơn, lại xa hơn. Chiếc xe đò đẩy xe ngựa ra khỏi cuộc chơi chung, một mình một bến, mà ông xe này không biết giang hồ phiêu bạt nơi đâu, khi về nơi đây. Áo sống bạc thếch đầy lang ben, ba hàng ghế ngang xây mặt ra phía trước, cây thâm xám vàng, ba hàng dọc loại băng dài sát cửa lên xuống phía sau, khách lên sau ngồi chen nhét, chỉ xe chạy mới cảm thấy đở chật chội, nơi miếng ván làm điểm tựa để bước vào trong xe, là nơi khách đứng cũng được bốn người, kẻ bấu càng xe, người bấu trên gờ phía trên, phần ông lơ đứng bìa ngoài miếng ván. Ba chiếc cửa trước vuông vức dành cho hàng ghế phía trên, khi đầy khách, lơ đóng cửa phải nâng lên vì luôn xệ, xe già quá gân cốt lỏng lẻo. Ngày trước máy xe nằm bên ngoài phía trước, nên đầu xe dài nhằng, muốn mở xem máy, phải mở cả hai bên, một miệng ống châm nước giãi nhiệt nằm chính giữa, khi xe chạy đường dài, hơi nước nóng bốc lên nghi ngút, hồi xưa xe không khởi động bằng bình, mà bằng tay quay, tên thường gọi ma ni quên “ Manivelle”, sau khi ông lơ quay máy, cây ma ni quên được đút vào dưới ghế bác tài, và bác tài luôn đội nón nỉ nghiên bên đầu. Thủ lảnh xe mà, chuyến xe đi Chợ Lách- Cái Mơn.
Bến xe lôi máy là bến xe cuối cùng nơi ngã tư đầu cầu sắt này. Cầu làm lại với đường dẫn cao rộng, dân sinh phát triển, xe gắn máy cá nhân phủ khắp nhu cầu đi lại, ngã tư trở nên thông thoáng.
Khi cầu Thiềng Đức còn là cầu sắt, đường nơi ngã tư cao ngang nền nhà dân, căn nhà trắng phía trước xây sau làm mới cầu, khoảng năm 1950 là phóng khám bệnh tư của bác sĩ Khương Hữu Long, căn này chiếm góc ngã tư, được xây bằng gạch tiểu, hai mặt mở ra hai con đường, nguyễn chí Thanh và đường xuống miếu Công Thần, phòng khám nằm chính góc, thuở đó tôi là khách hàng thân thiết của ông, do đau ban bạch, được ít lâu ông già quá không khám bệnh, tôi sang chữa bệnh với bác sĩ Guy Lesage ở một góc trong chủng viện thuộc phường 1.
Quá về phía sau phòng khám, dãy nhà không phải cao tầng như ngày nay, mà dãy nhà gạch thường, có gác cây bên trên. Đây là trường tư thục đầu tiên của Vĩnh long do em bác sĩ Long là Khương Hữu Phụng thành lập, những căn dưới dạy học, gác trên dành cho nội trú. Nghe người lớn kể lại. Ông Trần Đai Nghĩa thuở nhỏ có thời gian học nơi đây, còn kể lại rằng, buổi chiều ông thường lên cầu sắt thả hai chân đòng đưa trong khoảng trống dưới cầu. Cũng trong thời gian đó, thỉnh thoảng tiếng trống thầy pháp vang lên, cúng bắt ma trừ tà, ém vong vào trong một cái hủ đặt dưới dạ cầu sắt, nơi đây lủ khủ hủ ếm yểm tà ma.
Nhà riêng của BS Long tọa lạc bên bờ sông Long Hồ, thuộc khu vực Cầu Kè, bên phải nhà là nơi bệnh nhân lưu trú trị bệnh dài ngày.
Chúng ta có thể tạm kết luận, nơi ngã tư cầu Thiềng Đức từng là bến xe- Trường tư thục nội trú có lẽ đầu tiên trong tỉnh- một bệnh viện tư có lẽ cũng là đầu tiên do hai anh em Khương Hữu Long và Khương Hữu Phụng thành lập rất hữu dụng đáp ứng được nhu cầu cần thiết trong cộng đồng dân sinh địa phương.
Trương Phú
Nhờ tư liệu này mới biết rõ lai lịch ngã tư Cầu Thiềng Đức , trường tư thục nội trú đầu tiên và bệnh viện tư đầu tiên trong cộng đồng dân cư. Cảm ơn anh Trương Phú chịu khó thu nhặt tư liệu và hình ảnh làm sáng tỏ sư việc .Chúc anh vui tươi để đi tìm cái đẹp chung cho quê nhà !
Hồi trước, lúc tôi còn nhỏ (khoảng 1945-1948), Bà Ngoại tôi bệnh phải chở bằng ghe nhỏ (Tam bản)có mui do con cháu chèo tay từ Long hồ ra BS Long điều trị. Do Bà Ngoại tôi lớn tuổi không đi lên bờ được nên phại mời BS Long xuống ghe xem mạch và chích thuốc vì Bà Ngoại tôi cũng là thân chủ đặc biệt mà!.Cám ơn anh Trương Phú có bài viết rất công phu và có giá trị lịch sữ về quê hương Vĩnh long. Mong được đọc nhiều chuyện hay của anh nữa.
Cám ơn khích lệ của Cô Hoành Châu và anh Thạnh. tìm người xưa rồi nhờ hỏi đon hỏi ren, hồi đầu còn ậm ừ sau đó kể phứt cho tui, kẻo tui hỏi dai nhách. Đây cũng là chủ đề tôi tâm đắc, dự định cũng lâu mà kẹt có chút xíu, cũng không xong thôi thì viết cũng từng phần, rồi ghi hình, hỏi rồi viết tiếp, cũng 3 tuấn hơn. Hoàn thành mừng thấy mồ. Hồi xưa đâu có nhiều bác sĩ chỉ ông Long duy nhất ở vĩnh long, cho nên anh rành và thương quá nên đưa Bà Ngoại viếng bác sĩ tây. thuở đó bình dân thì thầy thuốc bắc, thầy pháp, niềm tin thầy pháp rất mạnh. Ôi thôi hai bạn ôi, tôi bị ban bạch suốt hơn 3 năm liền tù tì, thân hình như con khỉ, chạy đủ thầy, đủ thứ thuốc, hết gần tới xa mới tạm ổn. Lớn lên lại báo gia đình người thân. Tui cũng chán tui quá trời luôn- Phải nói đúng tôi là đồ báo cô-
Cảm ơn bạn già đã cung cấp tư liệu vô cùng quý !
Một tác phẩm hay !
Rất có giá trị lịch sử .Nhất là những tấm ảnh cũ chợ Vĩnh long xưa,cầu Thiềng Đức khi còn là cầu sắt,những câu chuyện kể về nhà Nhà Bác Vật Lang,những con đường nối liền Phường 5 với chợ Vĩnh Long đường. Bệnh viện tư của hai anh em nhà Bác Sĩ Long & Phung.
Ôi ! Một Vĩnh Long xưa trong tiềm thức đối với những ai đã từng sinh sống một thời, chắc hẳn qua bài này sẽ được gợi nhớ và làm sống dậy .
Rất cảm ơn anh Trương Phú đã cung cấp cho mọi người những thông tin về lịch sử Vĩnh Long vô cùng bổ ích này
Công trình kiến trúc xưa và nay rất quý nhưng biết trân trọng những công trình ấy, tìm tòi , lưu giữ, phổ biến cho mọi người cùng hiểu càng quí biết bao nhiêu. Cảm ơn anh Trương Phú với một kỳ công để mọi người hiểu thêm về quê hương Vỉnh Long có một không hai của chúng ta mà bao người đã quên dần theo năm tháng vì cứ mải miết theo đuổi những điều không hiện thực hoặc vì những cái quá thực của cuộc sống hằng ngày.Chúc anh khỏe mãi để giúp đời.
Cùng cô Hoa Đăng, khi viết xong trang này tôi thấy nhẹ cả lòng, bởi nhớ phần nào và tìm hỏi những người hiện đã luống tuổi, thì ghi chuyện đó, đúc kết lại, có lẽ có khiếm khuyết, sai sót. Rất mong các bạn đọc quan tâm chỉnh sữa, hoặc thêm những tư liệu cùng hình ảnh xưa về nơi này. Trân trọng.
Anh Trương Mẫn đã chụp ảnh đẹp, nghệ thuật; lại có công tìm tòi ghi chép cung cấp tư liệu quý về xứ Vãng xa xưa; thật đáng trân trọng. Thân kính.
Anh Trương Phú kính mến,
Thuỏ đi học TPH, nhóm bạn của 7 đi về hai lượt đều qua cầu Thiềng Đức.
Lượt nào tụi 7 cũng cố đạp xe lên dốc, trừ lúc xe bị xúc dây sên! Tất nhiên là thả dốc. Riết rồi gôm thắng bị mòn, 7 dùng gót chân tì vào khung xe cho vành xe cọ gót dép! Có khi vừa thả dốc vừa la toáng “tránh vô”!
Như Út Hoàng Hưng kể là chiều nào cũng có mấy anh chàng tụ lại để…nghía nữ sinh đồng nội đi học về, tà áo dài nịch sau yên… tung gió sông!
Cầu Thiềng Đức còn đưa đón nhiều cô giáo đẹp đi dạy ở trường Thiềng Đức, mỗi ngày mặc một bộ áo dài mà cả tháng trời chưa thấy mặc lại! Mát mắt vì các cô hẹn đi chung, mặc màu áo khác nhau, son phấn tươm tất!!
7 nhớ nhà bác sĩ Long ở cặp mé sông Long Hồ. Đối diện là nhà Thầy Gia dạy trường tiểu học Ngả Tư. Gần đó có nhà cô Phụng dạy nữ công, cô Lan làm giám thị.
Qua khỏi nhà bs Long một đỗi là xóm bánh phồng khoai. Họ phơi bánh doc hai bên đường! Ngon mà hổng dám…!
Lại vừa qua khỏi trường TĐ là xóm sương sa hột lựu, loại có xịt chút xíu dầu chuối thơm lừng mà Lương Minh có nhắc!
Ôi! Nhớ ơi là nhớ…để nhớ thôi…!
@KT: Có lúc tôi có nhớ lại tên quý thầy dạy tại trường Tiểu-học Ngã Tư Long-Hồ hồi đó mà không nhớ được tên thầy Gia; tôi chỉ nhớ được tên của quý thầy Hoà (hiệu-trưỡng), thầy Hai (họ Lương), thầy Mạnh, thầy Đoàn, thầy Sổ mà thôi. Cám ơn KT.
Thân mến cùng các bạn, anh Nha , anh Thạnh lớn tuổi hơn tui nhiều cũng mạn phép được xưng danh bạn, nhỏ tuổi hơn thì cũng bạn, cái này thì không sao
-Cùng cô Hạnh, hôm cô Hồng Khanh về Vĩnh long, tôi cố ý chụp ảnh cô ngồi bàn trên, chụp hai ba lần vì thấy chưa đạt được nét đặc trưng của cô,trong ba bốn hình chỉ được một, tôi cũng định có dịp chuyện cùng cô về chụp ảnh cho vui, mà không được vì tôi ghi hình cứ xẹt xẹt..rồi hết thời gian vì không thuận tiện. Cám ơn cô.
– Cô Bảy ơi, nhờ cô nhắc tôi mới nhớ lại. Trước khi đến trường Thiềng Đức phải qua xóm bánh phồng khoai, bánh phồng sữa, quết bánh bằng chày cây và cối cây, cán rồi phơi trên vĩ dựng đứng bên kia đường, buổi trưa học trò tan học về, người lớn phải ngồi canh “học dè” thấy anh nhỏ ôm cặp đi chậm chậm, mắt dáo dát, thì mau tằng hắng lớn, hoặc la “ê..ê””. Còn quá khỏi trường học là xóm rau câu, trãi đệm phơi bên đường, rau câu này mua từ Hà Tiên. Cám ơn cô.
– Cám ơn anh Nha ghé mắt, đến bây giờ, nhờ anh nhắc, tôi chợt nhớ lại. Đất Vĩnh Long mình không biết có phải là địa linh không mà có đến bốn Thủ Tướng và một chủ tịch hội đồng bộ trưởng Phạm Hùng ” cũng có thể xem như Thủ Tướng”
– Nếu đặt chiếc compa,nơi cầu kho, mở bán kính 50 thước, hai Thủ Tướng cư ngụ, hai ông Trần Văn Hương và Nguyễn Văn Lộc. TT Trần Văn Hữu, TT Võ Văn Kiệt. Đó là sau, thời xưa là cụ Phan Thanh Giãn. Văn nhân, khoa học gia trong nước cũng như ngoài nước cũng có mà có lẽ nếu chịu khó tìm tư liệu chắc còn nhiều vị nữa…Cám ơn anh Nha cũng như anh Một Lúa. Thân kính.
Nếu có dịp cô Phan Lương ghé lại nơi này, nếu thích tôi đưa cô xem một vòng khu vực nhỏ này. Thân
Tôi nói thêm về trường Thiềng Đức: Địa điểm Trường Thiềng Đức (cũ) mượn mặt bằng Đình Thiềng Đức, men theo rạch Cầu Mít vô khoảng trăm mét. Phía vỏ ca có lớp Năm do Thầy Vận dạy và lớp Tư do Thầy Lai dạy. Không nhớ cô giáo Hường dạy lớp mấy. Phía trên thềm trước chánh điện là 2 lớp Ba do cô Nga và cô Pauline con ô thanh tra Diệp dạy. Kế đó là 2 lớp Nhì do cô Oanh và cô Năm (lé) dạy. Lớp Nhứt do cô Dung ( cháu BS Long dạy). Hiệu trưởng lúc đó là ô giáo Lê Văn Chưởng. Năm 1960 trừơng Thiềng Đức được xây mới tại địa điểm hiện nay. Hiệu trưởng đầu tiên ở trường mới là thầy Võ Hữu Trí. Vẫn còn nhớ trường Thiềng Đức cũ vách trống, cứ chui lổ chó ra ngoài sân. Sân trường đình có một cây dương cao ngất. Mấy buổi học chiều tối, trời chuyển mưa cứ tưởng tượng có …ma.
Cám ơn anh Hòa đã xem và góp thêm chi tiết, chắc là anh dân phường 5 rồi, hồi xưa, phải qua con rạch rộng khoảng 4 thước, cầu được lót ván bìa theo tôi nhớ mang máng bề ngang chắc cũng được 3 thước, hiện thời cư dân ngụ dày đặc, con rạch nhỏ lại, một cầu bê tông vừa cho xe gắn máy chạy qua, dấu vết ngày xưa hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại trong trí nhớ những người luống tuổi, về sau nữa họa chăng còn lại trên trang mạng…để mà nhớ..những người ” muôn măm cũ, hồn ở đâu bây giờ”. Thân
Cám ơn Anh Phú và các Anh Chị cho các tư liệu quý giá này, tôi gốc là người Đồng Tháp nhưng gia nhập quê hương Vĩnh Long từ năm 1972 đi học , lớn lên trên tưng dòng sông , góc phố, ngôi trường … khi đọc những dòng tư liệu này cũng cảm thấy lâng lâng nhiều kỷ niệm cũ và cũng tư hào, yêu quý lịch sử quê hương mình. Xin cảm ơn rất nhiều
Cám ơn bạn Tưhientri, đã ghé xem, ngày xưa Sa Đéc củng là Vĩnh Long mà, nay có trang này nối kết những điều tưởng chừng mất, nhưng vẫn còn đâu đó khi được khơi gợi lại phải không bạn. thân.
Cho hỏi cù lao cá lóc ngày xưa, hiện nay là cù lao gì
Co ai co hinh anh cua Ty Kien Thiet Vinh Long truoc nam 1975 khong? Xin vui long cho toi duoc biet nhe. Gia dinh toi roi Ty kien thiet nam 1973.