Chỉ kể dạng xàn xàn xêm xêm cở như tui, đúng ngay cái thời của những người mới đến đảo hay vừa được chấp nhận đi định cư. Thì phải thật thà thừa nhận, Anh ngữ là một trong những khó khăn hàng đầu. Hoặc nó chỉ chịu nhượng bộ rớt xuống hạng hai, sau việc không có quý kim quý tệ rủng rẻng vui tai và ấm túi.
Cũng may cho mình, hồi nhỏ được cha mẹ thương mà cho roi cho vọt răn đe bỏ bớt tật ham chơi, nhờ vậy lớn lên có chút bờ-cờ-dờ-đờ dằn bụng. Nếu không thì lúc đến trại đã băm mấy, mà còn cầm cây bút chì #2 và tập vở giấy trắng tinh của Cao Ủy, ngồi sồng sộng với đám con nít để nắn nót tập đồ tiếng ta thì trông không suông mắt lắm. Nhờ vậy mà con đường học tiếng Ăng-lê, mình tạm đánh giá đã đi được vài bước khởi đầu nan trên dặm ngàn thiên lý, dấn thân hành trình giữa đêm đông mịt mù tăm tối.
Những lớp dạy Anh ngữ do thiện tâm quốc tế đóng góp thành lập thì không cần thi cử hay ép buộc tốt nghiệp ra trường, thế nên ai đến lớp thu lượm bao nhiêu thì cứ vô tư mà lượm. Nhưng bà con hay than thở nhiều cách khác nhau nhưng gom lại cùng một ý: “Trí óc bất tòng tâm”.
Nghề cày ruộng hay lựa cá ghe lưới thì đâu cần chữ nghĩa tây u, đến khi cần tiếp xúc với người nước ngoài thì mới buồn tủi cho thiếu chữ Ô-kê. Thiệt tình thì bà con ta nhận thức tầm quan trọng của sinh ngử, ngặt nỗi cái tuổi từ ba bó trở lên thì hình như không còn phù hợp với vụ học hành cho lắm. Dù thầy cô là dân sở tại hoặc người Anh người Úc đã tận tình truyền thụ. Mà những lời giảng trong lớp học thì như gió thoảng mây bay, như con nước ròng chảy qua những thân cau xốc làm chân cầu khỉ ở ấp Năm quê cũ. Dòng kiến thức mới mẻ trôi ra biển khơi mà không chút gì đọng lại. Nhớ hồi nào đang là học sinh rồi trở thành nông dân dễ ợt. Cầm cày cầm cuốc chỉ ít năm mà khi đổi trở lại hệ học sinh, coi bộ khó hơn lội dòng nước ngược.
Rồi những cánh hải âu dù mạnh như cánh thiên thần hay rụng lông gãy gọng, cũng phải túa ra khắp bốn phương trời, như hạt mưa định mệnh theo gió mà rơi vào nơi xa lạ. Nơi xứ người, việc ban đầu là phải lo ổn cư để mà ổn canh bươi mổ. Các em dưới 18 thì bắt buộc phải tới trường lớp tùy mỗi năm sinh, đầu tiên chúng có khó khăn kiểu gà nhốt chung với vịt, nhưng vài năm thì chưa biết “mèo nào cắn miêu nào”. Lứa tuổi thành niên được khuyến khích xin nhập học ờ các “Community College” mà hầu như các địa phương nào trên nước Mỹ cũng có. Học hành giỏi dở tính sau, chuyện đầu tiên là được chính phủ cho tiền mỗi năm để trả học phí, mua sách vở, dư chút đỉnh để hằng ngày đi xe bus. Và có chút hamburger, một tố chất cần thiết giúp học bài mau thuộc.
Cánh cô bác có con cái lùm đùm hay vì bất cứ lý do gì mà không tới trường thì cũng không sao, bởi đã lọt ra khỏi luật cưỡng bức về giáo dục của quốc gia nầy. Vụ quyền lợi học hành được chính phủ sẵn sàng tài trợ, cứ để đó khi nào có dịp, y chang nhạc cảnh “anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé”.
Cái thủa ban đầu bở ngở chầm chậm trôi qua. lác đác vài nốt sần cười ra nước mắt. Bởi đám già ít chữ và hoàn cảnh không biết nhờ ai, người ta phải đem hết kỷ năng đoán việc và vận dụng thiên tư xem hình thức để hiểu thấu nội dung. Không biết các chuyện sau đây trích từ tập mấy trong kho tàng truyện kể của các vị thần thông. Một anh nọ, vào ngày kia được vợ nhờ mua thức ăn ở một siêu thị lớn hơn cái sân đá banh của huyện. Anh ta tung tăng dạo dài các kệ chưng đầy ăm ấp các món hàng hầu như còn xa lạ. Ngoài các món lấy theo lời dặn, anh hí hửng bê về một thùng thịt “cờ tây” đóng hộp, có in hình con bẹc-giê le lưỡi. Trong bụng anh định cuối tuần tạo tình huống bất ngờ, rủ rê bè bạn đến thưởng thức. Chắc mẩm sẽ làm lé mắt đám ở lâu mà dở ẹt, tưng bừng cùng với họ so sánh mùi vị cầy tây có ngon hơn bảo bối “nhất mực nhì vàng tam khoang tứ vện”, đặc sản số một quê hương. Bạn bè thân sơ nghe hú hí, tề tựu để cùng ôm bụng đói cười lăn, cha nội nầy tưởng trúng tủ thịt cầy, đâu dè mua thức ăn cho chó.
Phần đông dân mình thích ăn món gì nguyên thủy hoặc chế biến dai dai dòn dòn xực xực, gân da lẫn lộn như đầu giò chéo cánh gà có tên thành danh là bi-đong bê-đan, như bánh canh giò heo. Hoặc các món nhậu từ nạm bao quan, lòng, bắp bò gân móng. Bà con cũng hay chê thịt nạc xảm xì, nên cần phải trộn chất dai dai như dồi thủ, bò viên gân, nem, bì…Nhắc đến nem bì mới nhớ.
Hơn 20 năm trước, chợ búa ở Mỹ không có những bọc da heo xắc sợi đông lạnh, nói chi là có những miếng da heo tươi cở bằng tờ giấy tâp như ở chợ xã làng quê. Có một bà người Việt hơi lớn tuổi, bà muốn mua da heo mà không biết trong tiếng Anh nó gọi là gì.
Trong chợ Mỹ mênh mông thiên địa, không thấy một người đồng hương để nhờ thông dịch., Bà nhặt một miếng thịt ba rọi trông rất ngon đựng trong vĩ xốp bọc nylon dán sẵn nhản cân lượng và giá cả. Miếng thịt heo ba rọi chắc nụi, thịt ra thịt, mỡ ra mỡ, miếng da mỏng dính, miếng nầy mà luộc lên phay mỏng để cuốn bánh tráng với thịt cá chim hấp và bún rau nước mắm chua ngọt thì còn gì hơn. Nhưng hôm nay bà không có mục đích ăn cuốn, bà đem vĩ thịt đến quầy phục vụ cất xẻ các loại thịt tươi sống. Không cần chào hỏi hê-lô hê liếc, bà đi thẳng vấn đề. Đưa miếng thịt ba chỉ trước mặt chàng Mỹ, ngón tay chỏ của bà khỏ khỏ ngay phần thịt của miếng ba rọi, tiếp theo dùng ngón chỏ đó chỉ vào ngực chàng Mỹ, bà nói:
– You!
Anh thanh niên người Mỹ hơi nhột, chưa hiểu bà Á Châu nầy muốn gì. Nhưng do lịch sự và cung cách nhẫn nại chìu khách của người phục vụ, anh ta im lặng vận động trí não. Bà ta lập lại lần thứ 2, động tác y khuôn lần trước, nhưng ngón tay của bà chỉ ngay phần mỡ, bà cũng nói:
– You!
Lần thứ 3, ngón tay bà chọt chọt miếng da heo rồi chỉ ngược vào ngực bà:
– Me!
Anh chàng phục vụ thoáng một chút bất ngờ, rồi chợt khám phá ngụ ý cuộc đàm thoại sống động. Sau ba lần chỉ, anh ta hiểu ra: Bà khách nầy không mua thịt, không mua mỡ, mà chỉ muốn mua da heo, một thứ mà anh chưa từng bán cho ai riêng lẻ.
– How many pounds do you need?
Từ Việt Nam, bà đã biết pound là gì, nên mạnh dạn đưa cao bàn tay xòe 5 ngón. Anh chàng Mỹ mĩm cười gật đầu và nói một câu gì đó trước khi vào kho lạnh sau lưng anh ta.
Hai người xa lạ, hoàn toàn khác nhau về ngôn ngữ và tập quán, mà họ dễ dàng vượt rào cản ngôn ngữ để chuyện trò ăn ý trơn tru. Muốn được như vậy, chắc chắn họ phải có thiên tư gì đó. Đây có lẽ là một trong muôn ngàn trường hợp điển hình “Cái khó mới ló cái khôn”, nằm sâu nơi góc khuất của mỗi người có cuộc sống mới nơi xứ lạ.
Một Lúa
Lý hương GĐC xin chào Một Lúa,bài viết thật từ cuộc sống thật ý nhị,mang mang cảm động và niềm tự hào nhỏ nhoi sâu kín trong mỗi chúng ta .Cám ơn Một Lúa đã cho đọc một bài hay .Thân mến.
Cám ơn Lý Hương gia đình C,
Nhiều khi mình không nhớ mà ghi lại những kỷ niệm đẹp của bạn bè và của chính mình trên dậm trường cát bụi. Đôi khi cảm thấy vui vui.
Chưa đọc hết bài. Chỉ nhìn ảnh minh họa thôi. Một dĩa đó, công thêm bún, rau sống…chừng mấy xị được Một Lúa ?
Anh Cả,
Có dịp tui sẽ đãi anh món cá lóc hấp, ba rọi luộc phay, bánh tráng, rau thơm, cải, nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Bi nhiêu xị thì bi, haha.
Chưa đọc hết bài là đã tức cười rồi , biết thế nào cũng đến hồi kết cục , đúng là thủ đoạn của nhà văn hài ,,,,,
Bài viết hay , hấp dẫn người đọc thuộc mọi trình độ ,,, siêu thiệt nhé , anh Một Lúa ,,,hihi
Hoành Châu,
Thủ đoạn của lưỡng đạo hắc bạch giang hồ đều như vậy mà. hihi
Hay quá anh Lúa ơi.
Xin cố gắng. hihi
Một Lúa ơi! Ở VN bi giờ nhiều chuyện lạ lắm: Mỡ mắc hơn da.Ba chỉ mắc hơn nạt.Mà da thì thiên hình vạn trạng, hầm bà lằn xắn cấu,tẩm thuốc để lâu, không bao giờ thúi…Ghê lắm! Ghê lắm!!!.
Huynh Phú Thạnh,
Nghe sư huynh nói, em hết thèm thịt chuột rùi.
Trước đây em nghe chuyện nầy: Có người chết lâu mà xác chưa hư hoại, có lẽ trước khi chết, họ tẩm các chất đó quá nhiều
khoản năm 75 tới khoản năm 80’s, ở Iowa, USA, những cái món như lưng gà, đồ lòng heo, da heo…đều bỏ. Đến Super Market, xin về ăn. Đến chừng ai cũng đến xin thì các tiệm mới bắt đầu bán. Lúc đó một vĩ lưng gà, cổ gà, chỉ có 5 cents một pound. Tha hồ mua về nấu canh, nấu hủ tiếu…chắc vậy nên nhiều người Việt ở Mỹ ăn nhiều gà quá nên…có người cũng biết…gáy!! 🙂
phản hồi này hay à nhe:ai cũng biet gáy.