CHUÔNG NHÀ THỜ KHÓC ĐƯA NGƯỜI NGÀN THU…
Thêm một người… quen cũ lại ra đi! Tin nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà mất lúc 6g30 sáng ngày 31/ 10 nhằm mùng 8 tháng 9 nhuần năm Giáp Ngọ, tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố HCM, dù đã tiên liệu trước khi hay tin ông bị đột quỵ phải cấp cứu, vẫn khiến tôi bàng hoàng đau xót…Nói không ngoa, ông là một trong những cây đại thụ về mặt văn học và sân khấu cải lương của miền Nam từ trước giải phóng cho đến nay. Một mất mát to lớn mà những người yêu mến ông và ngành sân khấu cải lương khó có thể bù đắp được. Hầu hết anh em văn nghệ sĩ và những người yêu văn học nghệ thuật ở miền Nam, không ai là không nhớ đến vài câu thơ trong bài thơ nổi tiếng “ Hoa trắng thôi cài lên áo tím” của ông sáng tác từ năm 1958 đã được nhạc sĩ Huỳnh Anh, con trai danh cầm Sáu Tửng phổ thành ca khúc, và câu nói bình dân, cửa miệng của người đời “ Lạy Chúa con là người ngoại đạo…” cũng chính là câu thơ trong bài thơ nói trên. Và ngay cái tựa đề bài viết tiễn biệt này cũng trích từ mấy câu thơ của ông: “Xe tang đã khuất nẻo đời / Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu / Từ đây tóc rũ khăn sô /Em cài hoa trắng trên mồ người xưa.”
Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ông là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Ngoài làm thơ, Kiên Giang, với nghệ danh là Hà Huy Hà, còn là một soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều-Hoa Phượng, Quy Sắc… Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.
Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng… Ông từng tham gia phong trào ký giả ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe của chính quyền cũ áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này, Kiên Giang đã bị đi tù.
Sau 1975, Kiên Giang làm Phó đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ phòng nghệ thuật sân khấu.Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh qua 3 nhiệm kì.
Ấn tượng về ông, khi đầu những năm 1970, tôi ở Sài Gòn vừa học vừa tập tành viết lách, làm báo, là một người đàn ông trung niên, nhỏ con, đầu đội nón phớt, chân đi chữ bát, có thói quen viết không bao giờ… bỏ dấu, đợi khi viết xong, mới từ từ đọc lại bản thảo và bỏ dấu, và tôi cũng là một trong những người… hiếm hoi được ông rũ về nhà vài lần, một ở Thủ Thiêm trước 1975, và lần nữa ở bên cầu chữ Y quận 8. Song ấn tượng ban đầu không thể nào quên, ấy là căn nhà sàn bằng gỗ và lá dừa nước nằm đơn độc giữa chập chùng dừa nước bên Thủ Thiêm, phía trước nhà treo một cái mẹt ( cái sàng) to, trên dán giấy trắng, viết ngoằn ngoèo bốn câu thơ theo kiểu chữ thư pháp: “ Từ dạo về đây sống rất nghèo/ Bạn bè chỉ có gió trăng theo/ Những phường bất nghĩa xin đừng đến/ Để cửa thềm ta xanh dấu rêu”, bốn câu thơ ông nói là của nhà thơ Nguyễn Bính, người thầy và là người anh kết nghĩa của ông trong kháng chiến. Có vẽ lúc đó ông sống khép kín, ít giao du, phần lớn cuộc đời ông dành cho thơ ca, sân khấu cải lương và nhất là chương trình tiếng thơ Mây Tần mà bà xã tôi cũng là lính, nghệ sĩ diễn ngâm của ông. Bên cạnh là chuyên mục thơ trên báo Điện Tín, ông khiêm nhường ghi là “Lều thơ”, cái lều thơ nhỏ bé, khiêm tốn ấy lại luôn rừng rực những vần thơ yêu nước, là nơi “khởi nghiệp” của nhiều cây bút thơ ở miền Nam bấy giờ.
Thơ ông phần lớn dung dị, mộc mạc với ngôn ngữ và cả phương ngữ Nam bộ, gần gũi thân quen như: “Thuở ấy anh hiền và nhát quá…”, “ Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương” hay “ Ngày mai đám cưới người ta/ Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn”…
Rất nhiều bài tân cổ giao duyên: Trái gùi Bến Cát, Đội gạo đường xa, Tim đá mạ vàng, Ngồi trâu thổi sáo, Ánh đèn soi ếch, Người đẹp bán tơ, Hương cau quê ngoại, Trái tim cò trắng, Vắt sữa nai nuôi mẹ, Hương sắc gái Cà Mau, Lập quán kén chồng, Ni cô và lão ăn mày, Khói lò gạch, Cô gái miền Tây… của ông thời đó, được mọi người nồng nhiệt đón nhận, bởi sự dung dị, chơn chất của con người Nam bộ, nhận xét về ông, người cùng thời, nhà thơ Bùi Giáng viết: « ‘Lành mạnh, thanh cao, vị tha và ái quốc’, ông Thiếu Sơn nói không sai một tấc một ly nào cả, khi giới thiệu thơ Kiên Giang. Ông Kiên Giang tuyệt nhiên ‘không cầu kỳ, không giả tạo’ mà đạt tới chỗ sâu thẳm nhất trong linh hồn mọi người, một cách thuần nhiên “ và nhà văn Sơn Nam người bạn đồng hương thân thiết những năm sau này đã viết: “«Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi.»
Những năm sau khi về hưu, ông sống cuộc đời vất vả ở Hội Ái hữu Sân khấu, ít viết, chủ yếu sinh hoạt cùng với các câu lạc bộ thơ ca, đặc biệt là ở câu lạc bộ thơ ca quận 8. Ông vẫn quan tâm đến những mầm non văn học và sân khấu, tôi chỉ được gặp ông vài lần vội vả thoáng qua. Tôi hứa sinh nhật lần thứ 80 của ông, vợ chồng tôi đến thăm ông, nhưng vì chuyện riêng lại không đi được…
Bây giờ ông đã 85 tuổi, và ông ra đi thanh thản trong một sáng sớm chớm đông trong vòng tay người thân, bè bạn. xin được mượn những vần thơ sống mãi của ông để được đưa tiễn ông: “Hoa trắng thôi cài trên áo tím / Mà cài trên nắp cỗ quan tài…/… Xe tang đã khuất nẻo đời / Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu / Từ đây tóc rũ khăn sô /Em cài hoa trắng trên mồ người xưa.”
Gò Dầu hạ, 31/10/2014
TRẦN HOÀNG VY
Nhà thơ Kiên Giang (ảnh Lương Minh 2012)
Tôi nhận được tin sớm từ khi anh nhập viện ở quận 8 và NTPhương do anh Ngô Nguyên Nghiễm báo tin. Hôm sau tôi cho anh Phong Tâm hay, hai anh em như chết lặng, dù không ai nói, nhưng linh cảm rằng đây là chuyến đi cuối cùng của Anh Hai Kiên Giang. Được báo tin anh mất, tôi thừ người ra, định cầm viết, đôi dòng..nhưng không viết được. Điện cho bạn già PTâm, báo cho ảnh hay, mới biết PT đang ở Đồng Nai, trên chuyến xe đi Nha Trang.
Trần Hòang Vy ơi, tôi vừa nhắc bạn trong buổi nói chuyện với VThuyên và LNThụy, nhân quý vị ấy xuống Trà Vinh phát hành tập thơ Nguyệt Lãng. Bây giờ, gặp bạn trên trang này, bất giác làm nhớ lại 45 năm trước, cùng anh Kiên Giang vui thú với Lều Thơ, với Mây Tần.
Vĩnh biệt Anh Kiên Giang, người anh luôn trải lòng cùng đàn em. Nguyện cầu hương linh anh về cõi vĩnh hằng.HB
Tôi rất mến mộ nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà từ khi đọc thơ và xem những tuồng cải lương của ông sáng tác. Dù biết ông tuổi cao, nhưng tin ông qua đời cũng làm tôi nao buồn và thương tiếc. Để tưởng nhớ và như lời tiển biệt, cầu nguyện hương hồn ông được miên viễn an bình bên kia thế giới, tôi tìm và chép vào link dưới đây những clips ngâm thơ và ca nhạc liên quan đến bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím xin ghi lại nơi đây để anh chị em nếu muốn thưởng thức ….cho tiện.
http://anhtuvaban.blogspot.com/2014/10/blog-post_31.html
…”HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM”
MÀ CÀI TRÊN NẮP ÁO QUAN TÀI…( KG)
Tiếc thương thi sĩ tài danh ấy
Lưu tiếng tình thơ mãi muôn đời !!!
,,,”Hoa trắng thội cài lên áo tím , tàn rồi bao kỷ niệm xa xưa , núi xanh sông biếc còn rơi lệ ,”,,,, khi anh không còn ngồi để kết vòng hoa tang !! Tiếc thay một nhà thơ tài danh , tôi chép những bài thơ này và nghe các chị hát bài ca này khi tuỏi đời còn rất nhỏ,!!,Kính chúc hương hồnHÀ HUY HÀ tức nhà thơ KIÊN GIANG được về nơi chín suối ,Cô Hoành Châu
Tôi vừa tìm được 1 thư riêng, viết tay của anh Kiên Giang gửi, là một bài thơ tặng tôi và đứa em ruột. Để rõ về tuổi tác, thì anh không phải sinh năm 1929, mà thêm 2 tuổinữa mới đúng. Bài thơ viết ở 1 quán ven đường, thuộc xóm bụi Tân Quy Đông, trưa 29 tháng chạp 99 ( 4.2.2000). Tôi trích 4 câu anh viết
Bảy mươi ba, trắng mái đầu
Nổi trôi trên cạn qua cầu chông gai
Không trà rượu, chẳng cành mai
Xuân khô u ám rụng rơi dọc đường…
Trích THAY CHÉN RƯỢU NỒNG, đọan II, góp phần nhỏ vào tư liệu về anh, sau này. HB
“Chuông đổ ngân nga…”
Kính cẩn cúi chào tiển biệt nhà văn nhà báo Kiên Giang Hà Huy Hà. Thần tượng rất lâu và mãi mãi của tôi.
người Từng ngưởng mộ bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài lên Áo Tím của nhà thơ Kiên Giang .
Cầu Vong Linh Ông Bình An nơi Cỏi Vĩnh Hằng .
Từ phản hồi của anh Hồng Băng, tôi tò mò tìm hiểu ngày sinh của thi sĩ, nhà báo, soạn giã Kiên Giang Hà Huy Hà ( tên thật là Trương Khương Trinh, người gốc Đông Thái, An Biên, Rạch Giá) bằng Google Search thì thấy như sau:
-Wikipedia: 17 tháng 2,1929 => 85 tuổi
còn Hoa Trắng Thôi cài Trên Áo Tím thì viết năm 1962.
-giaoduc.edu.vn: sinh tháng 2, 1928 => 86 tuổi
-dantri.com.vn: sinh 17/2/1927 => 87 tuổi
còn Hoa Trắng hôi Cài Trên Áo Tím hoàn thành 1958.
-vietbao.com tổ chức sinh nhật cho Kiên Giang vào năm 2008 lúc ông 81 tuổi => 87 tuổi
Vậy thì sự thật ra sao?
Huynh Anh Tú,
Người nổi tiếng như ông Kiên Giang Hà Huy Hà, cũng nên có nhiều truyền thuyết như thế, mới nhắc cho chúng ta đào sâu nhớ dai hơn nửa.
Cùng các anh chị trang nhà,
Có lẽ, tôi cũng nên công bố, lần đầu tiên, trên trang nhà tòan văn bài thơ ( Anh viết thư riêng cho tôi bằng văn vần), do chính anh viết có chữ ký, bản gốc, để chúng ta thử đóan xem anh bao nhiêu tuổi, rồi sau đó tôi sẽ gửi đến một số nơi khác để góp phần nhỏ tư liệu về Kiên Giang. Vì không rành về chụp, scan..nên tôi đã nhờ đứa cháu làm giúp. Nay mai sẽ trình làng. Quý vị vui lòng chờ và xin góp ý để tìm ra sự thật. HB
Hoành Châu nhớ tới hồi nhỏ đã chép 2 bài ” Hoa trắng thôi cài trên áo tím “, một bài như đã được đăng , anh chiến sĩ ” chết hiên ngang dưới bóng cờ ” vì ” ,,,, giữ màu áo tím ngôi trường cũ, giữ cả lầu chuông nóc giáo đường “, còn một bài khác nàng tím đã biệt trần gian ” . Ta hãy nghe nhé :
,,,” Ba năm sau chiếc xe hoa cũ ,
Chở áo tím về giữa áo quan !
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang
,,,,,Lâu quá không về thăm xóm đạo ,
Không còn đứng gác ở lầu chuông
Nhưng khi chuông đổ anh đều ngỡ
Người cũ cầu kinh ở giáo đường !
,,,,,Lạy Chúa con là người ngoại đạo ,
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời ,
Trong lòng con giữ màu hoa trắng ,
Cứu rỗi linh hồn con chúa ơi !!