Tìm về chốn xưa ( Có thêm ảnh)
Năm 1960, khi tôi vừa học xong lớp vỡ lòng ( tương đương mẫu giáo lớn bây giờ ), gia đình tôi bắt đầu cuộc phiêu bạt…Từ Đà Nẵng – miền Trung, gia đình tôi đi dần vào các tỉnh phía Nam: Quy Nhơn – Phú Yên – Nha Trang – Sài Gòn – Châu Đốc – Cần Thơ – Cao Lãnh … rồi năm 1965 đến Vĩnh Long, nơi đất lành chim đậu .
Di chuyển nhiều nơi, có nơi thậm chí chỉ ở vài tháng, nhưng không hiểu do may mắn hay nhờ nỗ lực cá nhân mà việc học của tôi không hề bị gián đoạn . Trong năm đó tôi vào lớp Nhất ( lớp 5 bây giờ ) của trường Nữ tiểu học và năm sau 1966, vượt qua kỳ thi Đệ Thất đầy cam go, tôi mạnh dạn đặt chân mình vào cổng trường trung học Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long .
Năm 1970, má tôi buộc ba tôi xin chuyển về lại quê hương vì một nỗi lo rất mơ hồ là sợ năm chị em gái đang tuổi lớn của chúng tôi sẽ lấy chồng rồi cắm rễ nơi đất khách quê người ( Nhưng than ôi, má có biết đâu, do những năm đầu đời lớn lên ở Vĩnh Long, với chúng tôi ,”đất khách” từ lâu đã trở thành “quê nhà” trong tâm tưởng ! ).
Rời Vĩnh Long về Đà Nẵng, chúng tôi mang theo mình từ âm hưởng giọng nói đến cách suy nghĩ, ứng xử và thói quen ăn uống của người dân Nam bộ . Tiếp tục học Đệ nhị cấp ở Nữ Trung học Hồng Đức Đà Nẵng … phải mất một thời gian dài, khó khăn lắm tôi mới hội nhập được với bè bạn miền Trung .
Xong Tú tài hai 1973, tôi vào Đại học rồi ra trường, đi dạy, lấy chồng, sinh con…. Bao nhieu năm đã trôi qua nhưng Vĩnh Long trong tôi vẫn là nỗi nhớ âm ỉ không lời . Tháng 5/2014, tình cờ gõ thử “Tống Phước Hiệp-Vĩnh Long” vào Google cầu may … , tim tôi như bùng vỡ khi trước mắt hiện ra website của trường cũ !
Giữa tháng 9, có chút việc phải vào Sài Gòn, ông xã khuyến khích tôi tận dụng thời gian còn lại để Tìm về chốn xưa.
. Từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long, theo sự hướng dẫn của Thanh Xuân ( người bạn cũ tìm được qua những dòng comment ngắn ngủi ), chúng tôi đến số 300 Trần Phú – quận 5 mua hai vé của hãng xe Kim Mã. Xe chạy bon bon xuống miền Tây, nhìn sang bác tài thấy ông ta lái xe chỉ bằng một mắt và một tay vì mãi nhắn tin trên điện thoại mà hồn vía tôi lên mây vì sợ chưa đến đất Vĩnh thì đã vĩnh viễn nằm lại trên mặt đường ! Cũng may là quãng đường 130 km rồi cũng qua nhanh . Xe đưa chúng tôi về khách sạn Cửu Long , một nơi ở hơi vượt quá yêu cầu của “thành phần” giáo viên hưu trí … ( hi!hi! ).
Sau khi liên lạc với chị Hoành Châu để xin được “diện kiến” các anh chị TPH-VL vào hôm sau , hai vợ chồng tôi thuê một xe Honda cũ , bắt đầu cuộc hành trình “đi tìm nhân tố X”. Trong cơn mưa chiều lất phất, nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là ngôi trường Tống Phước Hiệp xưa. Thế nhưng, trường cũ của tôi không chỉ thay tên mà còn đổi cả phong thái, hình hài … Đứng trước cổng trường , nhìn sang dãy phòng mới xây tôi không biết nên cười hay khóc, vui hay buồn ? Quay lui…, lảng tránh gương mặt trầm ngâm của chồng …, tôi cảm thấy như mình có lỗi !
Hình 1: cổng trường TPH và dãy nhà mới xây
Rời trường Lưu Văn Liệt , chúng tôi theo đường Nguyễn Văn Trỗi rẽ sang Hùng Vương để tìm lại nơi ở cũ của gia đình tôi … Hàng rào bao quanh khu nhà xưa đã được thay thế bằng dãy nhà mặt tiền của thiên hạ … Chúng tôi tiếp tục đi tìm nhà của anh Phạm Minh Sĩ, anh trai của Phạm Thị Bạch Tuyết ( cô bạn cũ hiền dịu mà tôi cố công tìm… ). Nhưng vì quên số điện thoại ở Đà Nẵng nên mọi nỗ lực của chúng tôi đều bỏ công . Lòng vòng quanh các đường phố đến đói meo, không biết chỗ nào ăn nên chúng tôi đành về trước khách sạn làm tạm một bụng bánh xèo ( mà vừa ăn tôi vừa mơ tưởng đến những cái bánh xèo dòn rụm có đường kính 8 tấc ở nhà anh Phú Thạnh, vì bánh xèo đang ăn quá dở ).
Sáng sớm 19/9 , hai vợ chồng nhắc nhau quần áo chỉnh tề để chuẩn bị diện kiến các sư huynh và sư tỷ . Đầu tiên, chúng tôi gặp anh Phú Thạnh – người có nụ cười đôn hậu, ánh mắt chân thành cùng anh Trương Mẫn với dáng dấp phong độ và mái tóc bạc bồng bềnh nghệ sĩ . Tiếp đến là Thanh Xuân bạn cũ, vẫn dáng cao dong dỏng và vẻ đẹp dịu dàng của ngày xửa ngày xưa . Rồi Thu Nguyệt xuất hiện với thanh y – thật xinh đẹp trẻ trung bên cạnh chị Hoành Châu vui vẻ, nhiệt tình. Rất vui là buổi gặp mặt đầu tiên giữa những anh chị em cùng học một ngôi trường (chỉ biết nhau qua những dòng chữ chứ chưa gặp nhau bao giờ) đã nhanh chóng trở thành cuộc hội ngộ giữa những người thân thuộc .
Thèm – nhớ hủ tiếu , chúng tôi đã được chị Hoành Châu chiêu đãi những tô hủ tiếu đặc biệt “không thể nào quên” ở quán Chiêu Ký . Đến màn cà phê, Thu Nguyệt nhiệt tình đưa cả nhóm đến một quán rất dễ thương, nơi có những ly sinh tố mãng cầu đặc biệt thơm ngon. Đủ thứ chuyện nắng – mưa , xưa – nay … râm ran vui vẻ giữa mọi người….Nhìn đồng hồ đã quá ngọ mà chuyện trò chưa thoả , cả nhóm quyết định di dời sang nhà hàng Hương Sen để tiếp tục …..”dời non lấp bể” ( ha!ha! ).
Thật vui là sau khi “giã từ vũ khí “ở mặt trận Chiêu Ký để trở về thu xếp “gia cang”, anh Trương Mẫn đã trở lại “chiến trường” để tiếp tục “chiến đấu” cùng đồng đội với một túi long nhãn của vườn nhà vừa thơm vừa ngọt. Chuyện Đông – chuyện Tây lại tiếp tục …. Những món ngon đất Vĩnh phục vụ bữa ăn trưa lần lượt được dọn ra, thách thức bao tử của mọi người… ( Theo tôi , nếu có kỳ thi Siêu đầu bếp ở Vĩnh Long, đầu bếp nhà hàng này chắc chắn sẽ vô sâu vòng trong vì không những nấu ăn ngon mà còn trình bày rất đẹp )
hình 2 : heo mọi nướng muối ớt
hình 3: gỏi cùng hủ dừa hải sản
hình 5: lẩu chua cá bông lau
hình 6: long nhãn của anh Trương Mẫn
Hợp rồi tan, vui đến mấy rồi cũng đến lúc phải tàn … ! Ba giờ chiều mọi người chia tay trong luyến tiếc…! Lời chúc sức khỏe và lời hẹn gặp lại lần sau được thể hiện thân tình qua những cái siết chặt tay và những vòng ôm .
Cám ơn TPH – VL.com đã đưa mọi người gần lại với nhau !
Tìm về chốn xưa … tôi không chỉ tìm lại được “tôi xưa”, tìm lại được “bạn cũ” , mà còn có thêm những người anh người chị thân tình cùng xuất thân từ một thành phố , từ một ngôi trường .
Trong lòng tôi , giấc mơ xưa đã thỏa …
NHƯ THUỲ
Cám ơn cô Như Thùy đã viết < TÌM VỀ CHỐN XƯA >, rất chi tiết, kẻ trở về thăm lại tên xưa nhưng cảnh đã đổi thay, lòng người về thật vui sướng thiết tha. Cư dân xưa đón bạn cũng hết lòng, hết dạ. Thời gian tuy không dài, nhưng tình người hai nơi còn dài mãi như, cọng sen khi bẻ đôi, tơ còn vương dài theo dấu đứt…
Chung vui sâu sắc với em Như Thùy , bởi mình cũng đã và cũng sẽ trải nghiệm những nghĩ suy mà em chia sẻ ở bài viết.
Như Thùy thương mến, bài viết làm chị cảm động muốn khóc đây , người viết lặn lội tìm về nơi dấu ái đã từ lâu dường như bị bỏ quên nay khởi dậy với 2 chữ “tìm về “, ,,,,Chúc em cùng ĐOÀN ” người bạn đồng hành đặc biệt khắp các mặt trận ” những ngày vui không dứt , Chị Hoành Châu
Anh Trương Mẫn ơi ! Người cám ơn trước hết phải là chính em . Bởi có sự chân tình của các anh chị và bạn bè Vĩnh Long dành cho tụi em trong lần gặp vừa rồi mới có bài viết này … Vâng, đúng như anh nói , em tin là mối thân tình giữa anh chị em chị em mình sẽ như cọng sen bẻ đôi …. “tơ vương không dứt” !
Thân kính !
Chị Hạnh quý mến , em rất vui khi được sự đồng cảm của chị . Em tiếc là chuyến đi vừa rồi do ít thời gian nên không thăm được các anh chị ở Sài Gòn . Hy vọng lần họp mặt của trang nhà năm tới em sẽ được gặp các anh chị “bằng xương bằng thịt” chứ không chỉ bằng “chữ” như vầy (hi!hi!)
Chị Hoành Châu ơi, về nhà mới mấy ngày mà em đã thấy nhớ chị rồi ! Em cám ơn các anh chị rất nhiều vì các anh chị và tình cảm của các anh chị chính là bằng chứng sống giúp ông xã em nhanh chóng hiểu ra nỗi nhớ dai dẵng của em sau chuyến “tìm về” ngắn ngủi !(Hi!hi!)
Bạn bè Vĩnh long rất cảm kích chuyến về thăm của vợ chồng Như Thùy. Qua chuyện kể, anh có mấy câu chia sẻ cùng em:
Nhớ thầy nhớ bạn nhớ trường xưa
Mơ ước tình thương mấy cho vừa
Tìm về chốn cũ nào đâu thấy
Xao xuyến lòng ai tợ khói mây…
Như Thùy mến, từ đây TN có thêm một người bạn đồng môn, cùng trang lứa, rất thân thiện, duyên dáng, dễ mến, dễ thương ở miền Trung xa xôi nhưng rất gần với bạn bè, ACE. Một chuyến tìm về đáng nhớ, phải không NT? Nhớ mãi lần hội ngộ.
Anh Phú Thạnh ơi ,
Nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ trường xưa ..
lMơ ước giờ đây đã thoả lòng …
Thêm anh , thêm chị, thêm bạn hữu …
Biết mấy ân tình kể xiết đây …!
( Hi!hi!…)
Thân kính !
Thu Nguyệt ơi,biết nói sao về cảm xúc của mình khi được đọc những dòng của bạn ? Chỉ biết nói là NT rất vui khi tình cảm của mình đối với ACE được đón nhận và còn vui hơn nữa khi được Thu Nguyệt kết tình thân .
Thương mến !
Đọc bài viết của Như Thuỳ, rất chi tiết, dí.dỏm nhưng đầy cảm xúc, chânn tình , chị cũng thật cảm động muốn khóc. Tiếc là không được gặp em và ông xã lần này, nhưng thế là em còn nợ chị em ở Saigon đó nha. Thân yêu.
Chị Đức Tính ơi ! Cám ơn chị thật nhiều vì đã chịu rời “cõi xưa” của chị để ghé mắt đến “chốn cũ” của em ( Hi!hi!) . Tất nhiên là em còn nợ các anh chị Sài Gòn …. Và món nợ nầy quyết phải trả cho xong chớ nếu không thì thân tâm không thể nào an lạc được ! ( Ha !ha! ).
không vào Sài Gòn trả nợ thì có người ra Đà Nẵng đòi nợ vậy.
Thật ngưỡng mộ hành trình xuyên thời gian tìm về chốn xưa, tao ngộ bạn cũ của anh chị Đoàn+Như Thùy.
Trong tường thuật, nếu gặp trường hợp tài xế vừa lái xe vừa text thường xuyên, mình nên nhắc nhở nhiệm vụ anh ta hoặc yêu cầu ngừng xe cho xuống nếu đúng chỗ thuận tiện đón xe khác.
Có phải Chiêu Ký hiện nay là hậu duệ của Chiêu Ký trên đường TPH hồi xưa. Thương hiệu nầy trước kia có món chiêu bài “cháo Quảng”, độc cô cầu bại và ngon đến nỗi mình bị phỏng cuốn họng hoài.
Mình tưởng Một Lúa thất lạc quê hương, ai dè cũng có vài người quê hương bỏ lại. hehe
Chúc quý vị luôn có những ngày vui.
Dạ ! Bẩm Lương đại ca , tình hình kinh tế ảm đạm này ít người chịu ra đường ban đêm … Xin đại ca cho thư thư thời gian … Đủ “đạn dược” tiểu đệ sẽ thân chinh vào tận đại bản doanh để hầu phục cho đúng lễ ạ !
Chào anh Một Lúa ! Em rất vui khi hành trình trở về của vợ chồng em được nhiều người ủng hộ . Em không biết Chiêu Ký này có phải là Chiêu Ký đã làm anh phỏng cổ không nhưng tô hủ tiếu chị Hoành Châu cho tụi em ăn ở đó là tô hủ tiếu ngon nhất mà em đã dược ăn hơn 40 năm qua . Cũng không biết có phải nhờ tình cảm ấm áp của các ace TPH – Vĩnh Long dành cho tụi em không mà hôm đó em ăn uống gì cũng thấy ngon và chắc sẽ nhớ đời . Rất mong được đọc thêm nhiều bài mới của anh để có cơ hội hiểu thêm về Vĩnh Long xưa ( em và ông xã còn dự định lần tới về sẽ rủ mọi người cùng xuống Tam Bình vì đã được đọc nhiều và cũng để được gặp anh Cả Lần, chị Hoa Đăng và em Phan Lương nữa)