VỀ THĂM ĐAMRONG.
Vạn vật sáng dần lên trong nắng sớm, Đoàn thiện nguyện của Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo Người Tàn Tật và trẻ Mồi Côi của chúng tôi cùng với Báo Thanh Niên lên đường, đang khi Thành Phố vẫn còn ngái ngủ.
Ảnh: internet
Với tôi, đây là một chuyến đi đặc biệt. Bởi vì ý niệm trở về thăm lại Đamrong như hạt mầm được gieo trong tiềm thức vậy! Hạt mầm ấy cứ lớn mãi, lớn mãi đến chật chội trong ký ức nhỏ nhoi , (ngược chiều với năm tháng của tôi!)…
Ôi! Chuyện áo cơm, viên thuốc, quyển vở, hiếu hỷ … đã làm cho tôi “mắc nợ” với hạt mầm (nhung nhớ) về mảnh đất Đam Rông này, qua nhiều năm tháng.
ĐamRong nơi đoàn Thanh Niên Xung Kích (TNXK) của chúng tôi từng đến xóa nạn mù chữ. Rồi gởi lại nơi đây 3 đồng đội thân yêu của mình. Thật là đau xót!
Ngày xưa ấy, Sở Giáo dục phát động phong trào 3 cùng ( Cùng Ăn, Cùng Ở, Cùng Làm) với Người Dân địa phương. Nhưng trong suy nghĩ của tôi “3 Cùng” chưa đủ, mà phải là “4 Cùng” mới được! Bởi vì, Ngôn Ngữ là chiếc chìa khóa diệu kỳ giúp Con Người đến gần với nhau hơn! Thế là chúng tôi thực hiện thêm: “ cùng nói” với người anh em dân tộc thiểu số!
Tất nhiên, ở Lâm Đồng có nhiều dân tộc, nhưng tập trung vẫn là Người Kinh, Người Koho, Người Nùng, Người Mạ, Người Cil…Vì thế, mỗi khi thay đổi địa bàn giảng dạy, chúng tôi lại học thêm một “tiếng mới” cho thích nghi.
Nhóm chúng tôi có 5 người, dạy ở Bản DaLa. Ngày ngày tôi hay theo dân làng lên nương rẩy, đi làm thì ít, mơ màng ngoạn cảnh thì nhiều. Nhưng thú vị nhất là chúng tôi có cơ hội học tiếng dân tộc. Rảnh rang một chút thì lấy giấy ra ký họa những góc sinh hoạt của bà con, bản làng! Thời Thanh Niên của chúng tôi thật hồn nhiên, sôi nổi, vô tư, tràn đầy nhiệt huyết, chan hòa tình yêu thương dành cho mọi Người.
Tôi còn nhớ khi mùa mưa hoành hành trên vùng cao nguyên này, thì đường đất bị sạt lở, giao thông mất lối, xe không vào được. Đoàn TNXK chúng tôi gần 3 tháng bị biệt lập với thế giới bên ngoài. Chúng tôi đói cả thể chất (vì thiếu lương thực) lẫn tinh thần vì không có thư của bằng hữu, người thân. Nhưng bạn nào cũng lạc quan cả.
Thế đó,
Mấy chục năm trôi qua rồi, tôi không dám đụng đến món Bí Ngô vàng ươm , hấp dẫn với mọi người… bởi vì ngày ấy, Lớp Trẻ chúng tôi có “ bí ngô đủ món” trừ cơm.. ăn đến phát ngấy.
**
Còn bây giờ,
Liên tỉnh lộ 27 được tráng nhựa dẫn đoàn lên ĐamRong đi ngang qua huyện Lâm Hà. Nơi đây, Thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng mầu mỡ, Café đủ nước và độ ẩm nên đang đậu những chùm quả căng tròn, xanh mướt, nặng trĩu cả cành!
Khi xe vào khu vực ĐamRong lòng tôi bồi hồi, nhớ về thời gian khổ của Lớp Trẻ chúng tôi. Tôi cũng hồi hộp không biết diện mạo của vùng đất ngày xưa thay đổi ra sao? Náo nức, vui, buồn xem lẫn trong tôi.
Mùa này có những mảng mạ non, vừa được cấy xuống những thửa ruộng nhỏ, uốn quanh theo những thung lũng hẹp, chạy dọc dưới chân những ngọn núi.
Dòng K’Rongnô hiền hòa vươn mình, uốn khúc, len lõi qua nhiều buôn làng của núi rừng Tây Nguyên. Những ngày nắng thế này, giòng sông không chở nặng phù sa, nhưng cũng khá màu mỡ, đủ nuôi đất, nuôi cây, nuôi gia súc và cả con Người, khiến cho dòng nước đùng đục ấy có lưu lượng hơi gấp!
Lưu vực của dòng sông lan rộng qua nhiều núi đồi trùng trùng, điệp điệp chạy dài bên nhau, nhấp nhô nhiều loại cây trồng. Từng mảng bắp, mảng café như được bà con tính toán sao cho cân đối, vừa có cây lương thực để ăn, vừa có cây công nghiệp để có thu nhập tích lũy, tiêu dùng vậy.
Đoàn chúng tôi không có thời gian vào sâu trong buôn, nên không biết bây giờ bà con chăn nuôi Gà, Heo có nhiều không? Nhưng những đàn bò có vài con bê thì lác đác bên đường! Thế cũng tốt rồi!
Dọc theo hai bên đường, quán xá mọc lên ! Điều đó cũng có nghĩa là người đồng bào dân tộc đã tiến lên một bước quan trọng! Họ biết tiêu tiên, chứ không còn trao đổi hàng hóa như trước kia nữa! Mừng sao!
Thực vậy,
Ngày xưa, bản làng nghèo nàn lắm. Dân bản không biết mua bán bằng tiền! Họ chỉ biết trao đổi hàng hóa mà thôi! Một kg Muối, một chiếc quần đùi, một chiếc áo, vỹ thuốc… đổi được một con Gà, Gùi Bắp, những quả Bí v.v….
Do thiếu Tinh bột, Đạm, Đường…lại ở trong môi trường sốt rét, thương hàn, kiết lỵ, bướu cổ nên phần lớn bà con và TNXK hay bị bệnh.
Tôi ngậm ngùi khi nhớ lại lần tôi mang chiếc áo sang nhà bà con dân tộc đổi một con gà về nấu cháo, bồi dưỡng cho cả nhóm. Người đồng bào nói với tôi rất chân chất:
— Ban ngày còn Gà đi chơi rồi! Tối nó về, Bạp Mế (Ba Mẹ) mang nó qua cho cô giáo K’ Liên há!
Chúng tôi ra lớp dạy ban đêm, khi về tới, thấy con gà ở sẵn trong nhà rồi, nên lục đục làm thịt gà, nấu cháo. Nấu mãi, nấu mãi tới nửa đêm, thịt cứ trơ trơ săn chắc, chẳng mềm! Thì ra, vì yêu quý thầy cô, nên họ lựa con gà trống lớn nhất để đổi. Cả nhóm chúng tôi dỡ khóc, dỡ cười vì được thưởng thức con gà trống đã lên hàng cụ tổ của lão làng!
***
Gần 10g , Đoàn Thiện Nguyện mới tới trường Tiểu Học Đạ Tông.
550 trẻ em học cấp 1 và 2 đang ngồi đùn lại dưới bóng mát của hàng cây trong sân trường, để chờ chúng tôi! Thương quá đi những đôi mắt đen láy, trong veo với hàng mì dày cong vút, và mắt biết cười đang bẽn lẻn, pha chút tò mò khi nhìn chúng tôi! Những mái tóc đen, lờm xờm khét nắng, hay le ngoe cháy vàng. Các em rụt rè khi chúng tôi bắt chuyện. Các em hồn nhiên cười khi chúng tôi tặng quà! Chúng tôi yêu các em biết dường nào!
Lễ trao Học Bổng được mở đầu bằng 2 tiết mục văn nghệ, đơn sơ, dễ thương quá!
Tan lễ, các em tự động mang ghế nhựa vào lớp học cất gọn. Rồi ríu ra , ríu rít, dắt díu nhau ôm quà về nhà.
Có lẽ, Đam Rông đón Trung Thu sớm nhất nước mình ! Bởi vì, hôm nay các em được phá cổ bằng bánh Trung Thu. Tiếc là chúng tôi không có Lồng Đèn tặng các em. Tôi ước gì các em được lớn lên từ học đường và những ngày lễ hội như hôm nay vậy!
Đoàn chúng tôi ra về, với những trận cười rộn rã, mỗi khi bác tài xế chịu khó dừng lại ven đường, để chúng tôi tặng bánh cho trẻ con đi chăn Bò, hoặc những cháu bé lơ thơ chơi bên đường, ngơ ngác khi chúng tôi cho bánh, rồi ngây ngô cười, rất tươi.
Ngang qua Nhà Thờ Đá, đoàn ghé vào tham quan. Tặng bánh cho tốp con Chiên hôm nay đi “Trực” ( Gùi Cát và Đá ở lòng suối lên tu bổ Nhà Thờ). Họ đang nằm nghỉ trưa, rầm rì chuyện vãng bên nhau. Trông họ thật mộc mạc, đơn sơ khi đón khách lạ.
Chúng tôi ra khỏi huyện Đam Rong thì cơn mưa vừa trờ tới! Mưa như reo vui trên từng quảng đường chúng tôi qua! Mưa mang nước về. Nghĩa là sự sống đang dâng lên từ lòng đất no nước, hứa hẹn mùa màng bội thu.
Còn chúng tôi cũng hân hoan sau chặng đường dài, mang lại niềm vui cho trè con huyện lỵ nghèo nhất nước mình.
Chúng tôi tin rằng ngày mai sẽ tươi sáng hơn khi mỗi chúng ta biết đem niềm vui đến, và san sẻ bớt một chút khó khăn của những Người anh em ở vùng Sâu. vùng Xa.
Lê Liên
(Đà Lạt 19/08/2014)
( Trích từ tập Du ký)
Lê Liên cảm ơn trang nhà đã đăng bài viết ‘ thăm ĐamRông” của Lê Liên.
Mỗi khi đi đâu đó về LL hay viết một chút gì đó chia sẻ với mọi người cho vui. Hy vọng các anh chị đồng cảm với Lê Liên.
Mến chúc cả nhà ta thật nhiều sức khỏe, An Vui và bút lực dồi dào.
Thân ái,
Em, Lê Liên