Rượu lễ nghĩa (Phần Kết)

Ngày đăng: 15/08/2014 11:34:27 Chiều/ ý kiến phản hồi (17)

Ông trưởng tộc nhà trai được ông Tư Túc trao trách nhiệm trở lại nhà gái thương lượng ngày khác rước dâu. Nhớ lại những lần giao dịch với ông chủ Năm, ông trưởng tộc hiểu được tình thế của ông hôm nay thật là nặng nề và khó khăn. Như bình thường thì ông rất tự tin phần việc ăn nói lễ nghi và chỉ cần chú rể phụ lo phần bưng chiếc khay trầu rượu, nhưng chuyến nầy ông đề nghị vài ông trưởng bối đi theo cho có bạn. Cuối cùng ông nài nỉ được một cô và một cậu thanh niên chịu tháp tùng ủng hộ tinh thần.  Con đường quen thuộc nầy ông đã đi nhiều lần kể từ mồng bốn tết năm nay khi nhà trai bắt đầu tới lui lễ lộc. Những lần đó ông đều cảm thấy thoải mái mạnh dạn, đôi khi có phần hãnh diện là người đại diện quan trọng cho một kiến họ danh giá ở Trà ôn. Tự hào là dân cư cố cựu một quận giàu có sung túc nổi tiếng ngay từ thời còn là Nam kỳ lục tỉnh.

Từ nhà ông hai Niệm bước đến cổng nhà ông chủ Năm chừng năm mươi mét, nhưng ông trưởng họ ngán ngầm như xa thăm thẳm. Bốn gương mặt lo âu vừa đến chiếc cổng vu quy thì có người bước ra mở rộng. Họ bước vào dưới những đôi mắt kinh ngạc của họ hàng nhà gái đang đứng ngồi lố nhố bên trong căn nhà khách treo bông kết tụi chứa mấy chục chiếc bàn dùng đãi tiệc nhóm họ từ hôm qua, sáng nay đã được người nhà xếp lại một phần cho gọn. Những người ăn mặc tươm tất chỉnh tề chuẩn bị đưa dâu hốt hoảng lao xao. Họ không hiểu chuyện gì xảy ra cho phái đoàn nhà trai với các nhân vật chính, với các mâm quả hùng hậu đẹp mắt chưa đầy hai tiếng trước. Bây giờ tất cả đang ở đâu, mà sau cơn mưa lớn chỉ còn mấy ngoe xơ xác tèm hem đến đây bằng tay không như thế.
Đại diện nhà trai được mời vào nhà an tọa đối diện với các vị trưởng bối nhà gái ngồi đông đủ một phía của chiếc bàn dài giữa sảnh, và quý bà và quý ông họ hàng khác cũng đang ngồi kín 2 bộ ngựa gõ mun nép theo hai vách hông nhà. Sát bức tường ngăn cách gian sau là ba dàn tủ thờ cẩn xa cừ thờ phượng gia tiên cổ kính đứng uy nghiêm ngó ra 3 dàn cửa lá sách gỗ cẩm lai sơn vẹt-ni bóng lộn. Tất cả như chìm trong không gian rộng thênh thang của gian trước ngôi nhà nền đá xanh, xây tường lợp ngói của ông điền chủ Lê Văn Năm.

Không khí phòng khách nhà ông chủ Năm bỗng lặng thinh nhưng có vẻ đằng đằng gay cấn. Đứa cháu trong vai rể phụ run tay khi rót những chun rượu chen nhau vừa vặn trong chiếc dĩa đồng được đánh bóng vàng chóe, xong rồi bưng khai rượu đặt trước mặt đại diện nhà trai để ông dâng mời trước khi nói chuyện. Ông đại điện nhà gái đưa lên thấm môi, tay vẫn còn cầm chun rượu đầy. Ông chủ Năm không nhận chun rượu lễ của đại diện họ nhà trai, ông đại diện nhà trai dần dừ rồi đặt ly rượu lên bàn. Hai tay để dưới gầm bàn, mặt ngó xa xăm ra cửa, ông chủ Năm xem như không có mọi người ngồi trước mặt.

Mấy chục người im phăng phắc nghe ông trưởng họ nhà trai trình bày sự kiện đặc biệt sáng hôm nay. Ông đại diện nhà gái nghe xong tái mặt và chưa thốt nên lời thì ông chủ Năm đứng lên, mặt ông ta đanh lại đen sạm lạnh lùng, không một lời hỏi thăm bệnh tình của bà chị ông sui, mà nổi cơn sừng sộ:

– Hôm trước thầy coi tháng ba tốt như rồng mà anh sui không chịu, ảnh nói thằng Hào lo học thi năm chót. Tháng sáu nầy không tốt mấy cho tuổi vợ tôi mà còn bị mưa gió lu bù. Năm nay thì đã hết tháng tốt rồi, năm tới thì kỵ  thẳng tuổi của tôi. Bửa nay mà các ông giải quyết không xong việc nầy, làm cho gia đình tôi mất mặt với họ hàng thân tộc lối xóm bà con thì thử coi tui có kiện các ông không cho biết.

Ông trưởng họ nhà trai vẫn ráng cứng cỏi:

– Vậy ông chủ Năm có cao kiến gì giúp nhà trai chúng tôi.

Ông chủ Năm hơi dịu lại một chút:

– Hôm trước ông thầy Bảy nói với tui hai giờ đại cát trong ngày hôm nay, một là giờ Thìn, hai là giờ Mùi. Hôm đó tôi chọn giờ Thìn vì sợ buổi chiều hay bị mưa. Vậy tôi cho mấy ông cơ hội chót là giờ Mùi nầy họ nhà trai phải đến làm lễ rước dâu. Các ông biết giờ Mùi là giờ nào rồi nhưng tôi muốn nhắc lại cho kỷ là 1giờ30 trưa đến 3giờ30, nhưng các ông đừng quá trể.

Ông trưởng họ nhà trai và ba đứa cháu hối hả trở ra doi đò lên ghe cho mau để chạy đua với thời giờ cũng không còn nhiều cho lắm. Ông trưởng họ nhà trai ra lệnh cho chiếc ghe hầu rời bến, nó nặng nề di chuyển chậm chạp trên kinh xáng vì chở số người trên hai ghe gộp lại. Khi họ chèo gần đến vàm kinh xáng để băng ngang sông cái mới thấm thía thế nào là lực bất tòng tâm. Khoảng sông Hậu từ vàm kinh xáng cù lao Mây nhìn qua chợ Trà Ôn trở cơn hung dữ lạ thường. Mặt sông như cái hành lang lồng lộng mênh mông, mưa đã dứt nhưng trời lại nổi dông ào ào thổi xuôi theo dòng nước ròng từ hướng Cần Thơ đang trên đường rút mạnh ra biển,  hình thành muôn vạn lượn sóng bổ dài trắng xóa ngay khoảng eo gió nầy. Ông trưởng họ được dân cư nhà gần vàm cho biết, ông Tư Túc nhắn họ cẩn thận vì ghe nặng, cứ liệu thế mà qua sông, đừng gấp. Lúc đó ông trưởng họ mới hiểu ra lý do ông Tư Túc chọn chiếc ghe mướn vượt sông về trước và nhường chiếc ghe nhà cho họ. Nhưng cái giờ Mùi “tối hậu thư” của ông chủ Năm như viên đá đè trên ngực, khiến ông trưởng họ đứng ngồi nhìn ra ngó vào bất an. Ông trưởng họ dù nóng lòng hay gan dạ thế nào thì bác tài công và bốn tay chèo cũng không dám đương đầu dông gió. Viên tài công sống bằng nghề sông nước nên sóng to gió lớn nào mà không thấy. Ông ta biết chiếc ghe hầu nầy gần như loại thuyền độc mộc, nghĩa là toàn thân ghe được làm từ một thân cây dài và lớn được thợ đẽo gọt  bên ngoài và móc bộng bên trong. Từ cái manh lườn nguyên khối gỗ ban đầu, nguời ta chấp thêm cong ghe và nối ván be cao lên trong hạn định tỷ lệ chiều dài thân ghe, chiều rộng lòng ghe và chiều sâu đáy ghe phải tương ứng . Nhờ dáng thuôn dài ít cản nước nên ghe lướt trên dòng chảy xuôi ngược trong sông nhỏ rất hay. Nhưng vượt qua khoảng sông cái trong lúc sóng bạc đầu bủa ngang sườn và dòng nước đổ mạnh thì rất là nguy hiểm, ghe sẽ bị sóng gió tấp thẳng vô hông, cuốn lăn tròn như ống trục. Tình huống nầy chỉ có cách chèo xốc ngược gió xéo lên, cứ vậy mà lấy mủi ghe lơi ra từ từ. Nhưng cũng rất nguy hiểm nếu gặp những cơn gió xoáy tròn.

Cuối cùng thì chiếc ghe hầu con rồng về đến Trà Ôn gần giữa trưa chở theo đám người đói lạnh mệt nhoài như chết đi sống lại. Ông trưởng họ điếng hồn khi biết tin ông Tư Túc mượn chiếc xe Trắc-xông của ông BangKy chợ Trà Ôn để chở cô Ba lên Cần Thơ nhập viện.
Giữa lúc tình cảnh nhà ông Tư Túc bất an thì ông chủ Năm lục đục kiếm người kiện ông Tư Túc tội bội hôn, cho dù ông trưởng họ đã mấy lần bưng khay trầu rượu đến nhà xin lỗi và xin ngày rước dâu khác. Ông chủ Năm cứ khăng khăng cho rằng năm nay không còn ngày tốt, còn năm tới là hạn sát chủ của ông. Ông còn phán theo lời sách vở của thầy Bảy: “Năm tới nữa sẽ là năm khắc kỵ của con út Nga và thằng ba Hào, cho dù cố lấy nhau thì cũng kẻ sống người chết chia lìa hoặc lớn mạng lắm thì cũng sẽ rả đám”.
Ông Tư Túc đang lo lắng sẽ gặp rắc rối với luật pháp và tòa án thì có người giới thiệu ông Biện Tâm ở Cầu Kè. Ông nầy từng làm thơ ký cho tòa án Mỹ Tho, ông ta bị gãy chân trong tai nạn xe hơi nên xin về hưu sớm. Ông Tâm tuy không học luật nhưng nhờ nhiều năm làm ở tòa án nên ông có nhiều kiến thức luật pháp và hiểu chút ít lề lối xử án của người Pháp, do đó ông có thể dự đoán mức độ thắng thua từng vụ kiện. Dân chúng Cầu Kè biết ông từng hòa giải nhiều cuộc tranh chấp dân sự rất hay, nên bà con kêu tặng là Biện cũng là do những việc làm công ích đó.

Ông Biện Tâm không hổ danh là nhà thuyết khách. Trong lần nói chuyện đầu tiên với ông chủ Năm, ông Biện Tâm giải thích chân tình với ông chủ Năm. Quan tòa người Pháp khó chấp nhận điều kiện giờ tốt của nhà gái như là lý do chính đáng để từ chối việc khước từ họ hàng đàng trai vào nhà hành lễ, nguyên nhân làm cho hai mươi hai họ hàng nhà trai mắc mưa, hậu quả có người bị sưng phổi suýt chết. Tai nạn đó cũng là sự kiện quan trọng khiến cho họ nhà trai không thể trở lại hành lễ trong buổi trưa hôm đó. Còn lý do bội hôn cũng không đứng vững, bởi vì họ nhà trai đã nhiều lần xin ông chủ Năm ngày rước dâu khác mà không được. Cũng vì chưa hành lễ gia tiên hay nhận phép hôn phối của tôn giáo, chưa có con ngoại hôn nên cũng chưa được công nhận là vợ chồng trên pháp lý hay đạo lý. Vì vậy ông chủ Năm chỉ kiện được đàng trai bội tín hôn ước, là yếu tố không được luật pháp xem nặng ký trong hôn nhân cho lắm. Về tài chánh thì đàng gái đã nhận quà lễ của khách mời và thân tộc trong tiệc nhóm họ một ngày trước đó, nên cũng không thể kê khai tổn thất chi phí đám tiệc. Trong lần nói chuyện thứ hai, ông Biện Tâm thuyết phục ông chủ Năm đồng ý ký tên không thưa kiện. Phía ông chủ Năm ra điều kiện ông Tư Túc phải ký giấy không đòi lại tiền cưới và số nữ trang, coi như đền bù danh giá cô Út Nga, “Trai hồi vơ, gia tài mất hết. Gái lộn chồng, của một đền hai”, như thông lệ các vụ thoái hôn. Ngoại trừ đôi bông tai và cặp nhẫn cưới sẽ được hoàn trả để không mất duyên con gái.
Hai mươi hai người họ nhà trai từng trú mưa hôm tháng sáu, chỉ có bà cô Ba là nhớ nhiều đến gia đình ông hai Niệm. Liền sau khi hết bệnh, bà kêu người chèo ghe mang quà biếu đến gia đình nầy. Có bữa, bà ở lại ăn cơm và tự xem mình như là thân thuộc lâu đời với họ. Bà về khoe với bà Tư Túc:

– Nhà người ta nghèo mà ngăn nắp gọn gàng, ăn ở tằn tiện mà không thiếu thốn. Có vô bếp mới thấy người ta khéo tay giỏi tính. Có nhìn chỗ ngủ mới biết người ta sạch sẽ tiện nghi. Có nói chuyện qua lại nhiều mới biết người ta thật thà phúc hậu. Có thấy người ta đối nhân xử thế mới biết người ân cần đức độ. Mai mốt chị có đi hỏi vợ cho thằng Hậu, chắc phải giả bộ bệnh để được nhìn phía sau hậu trường sân khấu.

Bà Tư Túc lắng nghe bà chị chồng nói một hơi như đọc sớ, bà phì cười:

– Thằng Hậu mới 15, phải nó cở thằng Hào chắc chị đi cưới liền cô đó.  Hôm đụt mưa trong nhà họ, chị bỗng nhiên trợn trắng, hai hàm răng cắn chặt, em hết hồn chết trân. May nhờ cô Thơm thật là bình tỉnh và khéo léo bóp miệng dùng đũa bếp ngáng giữa hai hàm răng, nó cũng tức tốc pha thuốc đổ vào miệng chị. Nó còn biết cách thoa dầu chà xát đánh gió hai mang tai, chị mới mở mắt rên ư ư, tụi em mừng hết lớn. Ủa, mà sao đám cháu dân chợ của mình không có đứa nào rành rọt cấp cứu như vậy hả chị.

– Vợ thằng Tư à, chị hỏi thiệt là em có muốn cưới cô Thơm cho thằng Hào không. Thằng Hào lớn hơn cô Thơm một tuổi, tao không coi thầy coi sách như thằng cha chủ Năm, “đa sư hư bịnh” chớ ích lợi gì.

– Em cũng muốn lắm, nhưng phải hỏi anh Tư và thằng Hào nữa chị ơi.

– Được rồi, em hỏi ý thằng Hào, để chị lo thằng Tư Túc.

00 lk 2                             H1: rước dâu

Tết năm sau, vựa lúa gạo của ông Tư Túc khai trương rất trể, bởi mồng hai tết gia đình họ bận tổ chức đám cưới cho cậu ba Hào. Trong nắng xuân dịu mát, buổi sáng hôm ấy thủy triều dâng đầy trên miền sông nước Hậu Giang để cặp ghe long phụng vào tận bến nước nhà ông hai Niệm rước cô Thơm ở cù lao Mây. Mọi người đi và về trên khoảng sông cái và cũng trên hai chiếc ghe hầu quen thuộc. Không gian yên bình và quá vui nên không ai còn nhớ hay ám ảnh chuyến vượt sông dông gió hãi hùng chỉ mới sáu tháng trước.

Trong đám cưới linh đình tại nhà trai hôm ấy, người ta xầm xì về chuyện môn đăng hộ đối. Những năm đó, người ta rất ngạc nhiên và lạ mắt về sự chênh lệch nghèo giàu thấy rõ giữa hai hộ sui gia. Có người biết chuyện cho rằng ông bà Tư Túc là những người xem trọng nhân nghĩa. Cũng có người nói rằng ông bà Hai Niệm nhận 2 ly rượu đúng giờ linh là họ đã được thiêng liêng chứng nhận kết sui gia ngay trong buổi sáng mưa dầm hôm ấy.
Tất cả chỉ là đoán già đoán non cho có chuyện. Người ta chỉ biết hai vợ chồng Ba Hào và Hai Thơm từ đó và về sau vô cùng hạnh phúc, họ sanh sản con cháu thật nhiều. Ông Hào thọ hơn 80, bà Thơm mới mất mấy năm nay, nghe nói bà thọ tròm trèm trăm tuổi. Gia đình ông chủ chành Tư Túc không chọn lựa một ngày tốt nhất của một năm một đời cho con họ, mà chọn cách thức mỗi ngày tốt một ít.
Và họ đã chọn được từ trong điều đơn giản đó.

Một Lúa 

 

00 lk 1                                       h2: cù lao Mây   

Cù lao Mây (hiện là cù lao Lục Sĩ Thành), chỗ rộng nhất non 3 km ngay tại Kinh Xáng. Cù lao Mây có hình thuôn dài khoảng 14 km, nằm trải dọc giữa 2 nhánh sông Hậu. Kể từ thượng nguồn, vị trí đầu cù lao Mây cách cồn Ấu chân cầu Cần Thơ khoảng 5km, đuôi cù lao Mây qua khỏi chợ Trà Ôn chừng 6 km. Con Kinh Xáng cắt ngang cù lao Mây nằm trong hệ thống tuyến sông Sài Gòn-Cà Mau xuyên luồn qua Gò Công, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Là phương tiện chiến lược dùng vận chuyển nông sản từ Cà Mau lên Sài Gòn được người Pháp mở mang phát triển, kết hợp giữa sông nước thiên nhiên và nhân tạo vào đầu thế kỷ trước.

H1, H2: Nguồn internet

Có 17 bình luận về Rượu lễ nghĩa (Phần Kết)

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nếu tui là ông Tư Túc thời đó. Tui sẽ hỏi cưới cô Thơm cho Ba Hào ngay tháng sau.

    • trương mẫn nói:

      Chuyện ngày xưa ông bà quê chúng ta luôn có hậu, người kể nhớ chuyện có hậu. Thì đúng hậu sanh sống có hậu.

      • Một Lúa nói:

        Anh Trương Mẫn ơi!

        Em nghe vậy thuật lại vậy. Thường là những kết thúc hạp ý nhiều người thì được giữ lâu.

        Cám ơn anh

        Lúa

  2. HOA ĐĂNG nói:

    Đọc xong phần 2 câu chuyện Rượu Lễ nghĩa là tui đã bói ngay chóc, là ý tui cũng muốn câu chuyện kết thúc như vậy, hóa ra ý tui cũng giống ý trời phải không ông bạn đồng hương Một Lúa? Ông bạn diễn tả câu chuyện làm cho người đọc có cảm giác như đang xem phim. Cảm ơn người viết chuyện.

    • Một Lúa nói:

      Anh Cả ui, Anh đừng nóng ông chủ Năm. Tháng sau của lúc đó là tháng 7 âl, không ai tổ chức đám cưới tháng đó. Vả lại ngay mùa dông bão cộng thêm việc chưa giải quyết xong kiện tụng, đám cưới tháng tết dzui hơn. hihi

    • Một Lúa nói:

      Rượu chè của tui xong rùi. Tới chiệng của Hoa Đăng theo lời dặn hãy đợi đó 2-3 lần. Tui đợi hết nổi, phải đi uống chút cà phe chiên. haha

  3. Trịnh Thị Như Thuỳ nói:

    Anh Một Lúa ơi, xa quê mấy chục năm mà coi bộ sông nước miền Nam vẫn sống trong anh mãnh liệt !  Ông Hồ Biểu Chánh dưới mồ chắc đang vuốt râu mãn nguyện  : ” Nơi góc bể chân trời vẫn có người nối chí của ta ” ( Ha!ha! )

    Có điều, chuyện xãy ra đã mấy mươi năm, thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi dó”, nên cậu Ba Hào và cô Hai Thơm mới hạnh phúc với nhau chớ nếu ở thời nay, thời mà “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó” thì không biết mọi việc sẽ như thế nào … (  Hu!hu! )

    Em thiệt ngưỡng mộ khả năng viết và và trí nhớ của các anh . Phải chăng tất cả bắt nguồn từ  : “Nhớ nước đau lòng ….. ” ??! ( Hi!hi! )

     

    • Một Lúa nói:

      Chào Như Thùy,

      Mỗi chúng ta đều muốn noi bước tiền nhân, riêng với Lúa thì không phải dễ.

      Một cọng lông thì không thể gọi là con công.

      Xuất thân từ quê mùa, Lúa biết về sông nước lớn ròng cũng không lạ.

      Một cái “key” hơi quan trọng của phần nầy là vụ nước lớn ròng (cao thấp) và ngày giờ rước dâu. Nếu trăm bề dễ, tạo mọi sự thuận tiện thì đâu sanh ra nghịch cảnh cho người và cho chính mình như trong  truyện.

      Cám ơn Như Thùy đọc bài.

      Lúa

       

  4. Phi Rom nói:

    Đọc bài” Rượu lễ nghĩa” của Một Lúa thật tuyệt vời, phản ánh thật sâu sắc xã hội và con người. Trong phần 1 buồn nhất là con dâu, thiếu cẩn thận, vô tình mà cướp đi mạng sống của hai người trong tiệc nhậu, càng hấp dẫn hơn vai trò  của ông trưởng tộc, làm tôi nhớ, hồi tôi tổ chức cưới vợ cho con trai, cũng mai mắn tìm được một ông trưởng tộc thật tuyệt, về gia đình có bề dầy, vợ chồng sống hạnh phúc trên 50 năm, còn  tài ăn nói thì khỏi chê, mọi người phải kính nể. Phần 2, đúng là cưới gã, từ xưa tuân theo lễ nghĩa đúng là bắt buộc, vì sau này lỡ có xảy ra chuyện gì không tốt, họ sẽ đổ thừa, nhưng tôi nghỉ cái gì cũng không qua ý trời, câu chuyện có hậu, vui nhất là gia đình ông Tư Túc có được một cô dâu thảo, còn con gái của ông năm qua một lần cưới gã không thành, không biết có bị mất duyên con gái không? vì miệng đời hay đề cập đến vấn đề này.

    • Một Lúa nói:

      Phi Rom muốn biết tin tức về cô Út Nga, con ông chủ Năm.

      Bi giờ mà kiếm người hỏi vụ nầy rất khó. Có dịp tui hỏi cậu Mười của tui, cậu tám mấy nhưng còn tráng kiện và minh mẫn. May ra ông cậu nầy biết được.

      Cám ơn Phi Rom về nhiều vụ

      Lúa ấp Năm

       

  5. PhươngNga nói:

    Cái thuở xa xưa khi phép vua thua lệ làng và những ông trưởng tộc vô cùng “khíu chọ” có thể đập tan nhiều đôi uyên ương.

    Em rất kết cái kết có hậu nầy quá chừng. Câu chuyện về lệ làng làm liên tưởng tới chuyện của nhà văn Sơn Nam có cái tựa rất “khiêu khích”- Trao Thân Gởi Phận Con Khỉ Mốc.

    • Một Lúa nói:

      Phương Nga,

      Làng quê tui có những ngài trước kia khó vừa vừa cũng đở, thấy bà con nể nang nên tự phong chức “khíu chọ” cho nó ngầu, rồi ngon trớn muốn “take over” tục lệ làng quê để vẻ lên trật tự mới. Cũng may là đời người cưới vợ gả chồng  trong  100 năm mới có một (hai?) lần. hihi

      Giống như chuyện mỗi ngày mỗi ăn thì “chít”. hehe

  6. HOA ĐĂNG nói:

    Ông bạn đồng hương Một Lúa ơi , chắc ông quá biết câu vụt tốc bất đạt, bây giờ một mình tui đang  đóng nhiều vai, đào phụ , kép chánh, âm thanh ,ánh sáng, hậu kì , quân sĩ… Nói thế để ông bạn phải nễ cái tài đa canh đa đoan như tui mà thông cảm dùm, đừng hối.Như hồi nãy đang phản hồi bài tiên cà phê, hậu bánh xèo, nhìn lên thấy đong hồ chỉ 16g, lật đật chạy đi vo gạo nhóm bếp nấu cơm, thây trời chuyển mưa, chạy đi ôm củi, gom lá dừa, lấy quần áo vô, nấu nươc pha sẵn cho chồng tắm, dọn cơm, rồi mới lên đây ngồi tiếp, thử hỏi làm sao có thể viết lách thoải mái được, cứ đợi đấy đùng nản, tui sè cố gắng viết cai cưới hỏi  thời khủng hoảng nhưng chắc không hay như các bài của ông bạn đâu nhé.

  7. Một Lúa nói:

    Chào đồng hương,
    Tui tưởng chỉ có Lúa là đứng rửa chén ở trời đông mà hồn gởi ở ấp Năm. Bi giờ có thêm đồng minh tả xung hữu đột.
    Trước đây Lúa từng thở than là viết bài trong kẹt bồ lúa, mà anh Cả đâu chịu tin.

  8. HOA ĐĂNG nói:

    Ông bạn đồng hương Một Lúa ơi, sáng nay đọc thấy phản hồi của anh Nha, tui thấy mình bất cẩn quá đã vô tình dùng từ nói vui không ngờ trở nên phạm thượng với bậc đại sư huynh, thật để các anh hiểu lầm mình cảm thấy có lỗi vô cùng, sáng nay đọc lại phản hồi của tui viết cho ông mới thấy trật lung tung chữ, xin ông thông cảm dùm. Tui 4 con mắt mà còn gỏ lộn lung tung, cũng tại cái tả xung hữu đột mà  nên cớ sự thôi thì hãy chờ đến lúc nào thật rảnh rang, tâm hồn thư thái hãy ngồi đàng hoàng nghiêm chỉnh rồi muốn viết gì thì viết, chủ trương an toàn là trên hết.

  9. ThanhHương nói:

    lâu rồi tôi không có vô trang web này vì bận rộn, bỗng một hôm…tôi “mò” vô vì không ngũ được, đọc được bài này của anh Một Lúa, và cũng vì có khi thấy anh đăng trên FB, lại có nguyên một cái “rừng” cây trái nên bắt đầu…cảm phục.  Câu chuyện “rượu…chè” này đọc mà tôi cứ tưởng tôi đang đọc tiểu thuyết của ông …Hồ… (Hồ biểu Chánh, Hồ Trường An)…  Cám ơn anh chia sẽ những bài viết súc tích, và các cảnh đời bình dị, chân chất của người dân Nam mình.  Way to go anh “Hồ junior”!!  🙂  Hay là anh lấy tên .. .”hồ một lúa” đi!!  🙂

Trả lời HOA ĐĂNG Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác