Rượu lễ nghĩa (Phần 2)

Ngày đăng: 12/08/2014 11:03:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (11)

Bà con dân quê vùng Tam Bình-Trà Ôn thường nhắc cho nhau về một đám cưới gay cấn bởi chủ nhân ảnh hưởng chút dị đoan phong kiến. Câu chuyện đó cũng được ba tôi kể lại để đám nhỏ chúng tôi nghe cho biết và để các vị trưởng bối chiêm nghiệm trong ngày vu quy của đứa em con người chú Sáu chúng tôi năm 1982 ở ấp Năm.

Trở lại ngày xưa hơn nữa, 1933, ba tôi còn độc thân với tuổi đời vừa đúng 20. Vì ảnh hưởng cuộc suy thoái kinh tế thế giới, giá lúa tại miền Nam lúc đó chỉ còn 2 cắc một giạ nên ông nội tôi không đủ khả năng tài chánh, bắt buộc ba tôi nghỉ học ở Sài Gòn. Về Tam Bình không có việc gì làm nên ba tôi qua cù lao Mây giúp điều chỉnh giấy tờ sổ bộ cho ông bà bên ngoại ba tôi có nhiều đất điền ở đó. Đúng vào lúc dân cư trên cù lao trù phú nầy và dư luận bên chợ Trà Ôn bàn tán xôn xao…

Chuyện khởi đầu từ ông Tư Túc, chủ vựa lúa gạo ngay doi Chành trên cù lao Tròn ngang chợ cá Trà Ôn. Ông ta nghe đám lái buôn lúa khen không tiếc lời về con gái ông Năm chủ điền bên cù lao Mây. Lâu lâu, lại có người nhắc đến phẩm hạnh cô gái ấy. Ông Tư Túc hiếu kỳ nên giả làm dân mua bán trên ghe thương hồ tìm đến nhà ông chủ Năm, một phú hộ chỉ cách Trà Ôn một khoảng băng ngang sông cái và đi thêm chừng hơn cây số nữa trên con kênh xáng do người Pháp đào xuyên ngang cù lao Mây. Quả là tiếng đồn không sai, ông bà chủ Năm có cô con gái út tên Nga hiền thục và đẹp gái vô cùng. Ông Tư dọ hỏi xóm giềng chung quanh, mười người nói y như một, tuy ông chủ Năm là người khó tính gắt  gao, trái lại thì cô út Nga giống tính mẹ cô là người có hàm dưỡng công dung ngôn hạnh. Lối xóm còn cho biết, năm nay có mấy nơi đến dạm hỏi út Nga, nhưng đều bị ông chủ Năm từ chối.
Trước tết, ông Tư đã nhờ người mang quà lễ đến nhà ông chủ Năm mối mai đánh tiếng. Nhân lúc thằng con trai là cậu ba Hào về nhà nghĩ tết chưa trở lại trường học ở Cần Thơ, ông Tư Túc đột ngột báo cho thằng con trai một tuần trước ngày ước hẹn lễ dạm ngõ, là dịp để hai người chuẩn bị cưới nhau được gặp mặt trong vòng lễ giáo. Mùng 4 tết năm đó có lẽ là cái tết vui nhất trong đời của đôi trai tài gái sắc này. Cũng trong tháng giêng, mùa màng thóc lúa đã xong, đất đai khô ráo và dân tình rảnh rổi, ông chủ Năm tổ chức một lễ hỏi tưng bừng cho cô con gái. Ai tham dự đám hứa hôn nổi tiếng của hai họ giàu có một cõi, bà con đều khen cặp trai gái xứng đôi, hai sui gia cũng môn đăng hộ đối. Cả hai bên nhà trai nhà gái đồng ý chờ Hào vài tháng nữa là ra trường, họ chọn ngày lành để cử hành hôn lễ vào tháng sáu âm lịch trong năm.

Nhà ông Tư Túc có chiếc ghe hầu cũng trọng, ghe có 4 tay chèo nhưng ít có dịp đi đâu xa khỏi chợ Trà Ôn. Để chuẩn bị cho ngày rước dâu, ông thuê thêm một chiếc ghe hầu lựa cho đồng trạng, luôn tiện mướn luôn bộ đầu rồng và đầu phụng gắn trùm lên hai mủi ghe. Ông còn sai người nhà chẻ tre đan uốn gọng nửa hình ống tròn dài, chằm lá kết kèm cho kín mui ghe ngừa mưa gió. Mấy bửa đó ai đi ngang bến sông của ông, người ta tưởng như có đội thuyền rồng của  Nguyễn Ánh thời còn đánh với quân của Tây Sơn trên sông rạch miền Nam năm xửa.

Không biết ai chọn cho ông chủ Năm ngày giờ rước dâu lúc 7 giờ 30 phút sáng mùng 10 tháng 6 âm lịch, ngay thời điểm con nước ròng sát khô các kênh lạch nhỏ miền quê. Cơ sở thương nghiệp của ông Tư Túc trên bờ nhưng việc làm ăn liên quan đến các loại ghe “chài” ghe tải chở lúa gạo đi lại các tỉnh và Sài Gòn nên ông hiểu biết giờ giấc và ngày tháng thủy triều cao thấp. Trước vài tuần ngày rước dâu, ông cho người qua tận bến sông nhà đàng gái nghiên cứu đường đi nước bước. Bác tài công ghe hầu trở về báo cáo:
– Bữa sáng sớm mồng 10, nếu ghe mình từ Kinh Xáng cù lao Mây rẽ vào vàm sông Phú Thạnh một đổi thì cũng không thể nào vô “khém” vào nhà ông chủ Năm trong sâu, vì con lạch nước nhỏ đó sẽ cạn phơi bãi lúc mực nước vực ròng. Cho dù mình có bắt cầu nhủi tạm ngay miệng khém thì lên bờ toàn là bưng biền không có đường đi. Khoảng sông từ vàm doi đò đến miệng khém vào nhà ông chủ Năm có một nhà có thể từ mé sông trổ lên con lộ làng, nhưng họ dứt khoát không cho mình đi xuyên ngang đất vì kiêng cữ việc dính líu vào đám cưới người dưng sẽ mang đến xui rủi và mất duyên con gái người ta. Bây giờ mình chỉ còn cách duy nhất là đậu ghe ngoài đầu vàm và đi nhờ chiếc cầu nhủi công cộng của bến đò ngang, nhưng phải lội bộ chừng 300 mét trên lộ làng mới đến nhà đàng gái.

Ông Tư Túc biết hành trình khó khăn như vậy nên thân hành qua đó kiếm người thương lượng bến bãi, mới hay ra ghe đưa dâu ngày hôm đó của ông chủ Năm cũng chịu y hoàn cảnh đó. Ông Tư Túc trở về để lo tuyển chọn trong đám con cháu những thanh niên lực lưỡng cho việc bưng các mâm quà lễ, xem xét thân thuộc trưởng bối khỏe mạnh có sức lội bộ để tham dự phái đoàn rước dâu.
Sáng ngày rước dâu, họ nhà trai xuất phát sớm hơn giờ giao ước. Cặp ghe long phụng từ Trà Ôn băng ngang sông cái và phăng phăng rẻ nước một đoạn non cây số trên con kinh xáng, thủy lộ nhân tạo có chiều dài gần 3 cây số mà người Pháp dùng xáng múc cắt ngang cù lao để gặp một nhánh sông Hậu khác trước khi qua vàm Cái Côn bờ bên kia. Họ ghìm ghe ngoài vàm con sông nhỏ rẽ vào Phú Thạnh để chờ gần đúng giờ hẹn thì cột ghe nhờ vào cầu bến đò ngang, đổ người lên bờ như dự định.
Ông Tư Túc tính toán không sai một mảy nhưng không đoán được ý trời. Vừa lúc đó thì mây đen ùn kéo đến mỗi lúc thêm dầy đặc, trời đang nắng ráo đột nhiên tối sầm u ám. Những ai thường vượt hai nhánh sông Hậu từ hai đầu vàm bắc và nam của kinh xáng cù lao Mây, một phía ngó qua chợ Trà Ôn một phía nhìn mút mắt về chợ Cái Côn. Dù là dân thương hồ hay người địa phương đều sợ những cơn mưa lớn bất chợt và dông gió trên hai khoảng sông cái vùng nầy. Họ hàng trên các ghe rước dâu của gia đình ông Tư Túc quyết định lên bờ đi nhanh đến nhà đàng gái, nếu không thì cơn mưa sắp đến sẽ giữ chân họ trên ghe làm trể giờ tốt, hoặc 300 mét đường đất sẽ làm bẩn áo quần giày guốc. Đoàn rước dâu dìu dắt nhau đi trên con đường làng trải đất nung gấp như ma đuổi. Họ thở hào hển vừa nhanh chóng sắp gọn đội hình và mâm lễ bên ngoài chiếc cổng rào cột gạch cao to của nhà gái. Đúng lúc những giọt mưa lẻ tẻ vừa rơi nhè nhẹ trên vải màu sặc sỡ của những chiếc dù vừa xòe ra. Bao nhiêu cặp mắt nhìn về hai đại diện trưởng họ đang đứng bên trong và ngoài chiếc cửa rào bông sắt đúc. Hai cánh cửa có vẻ rất nặng nề, chúng có màu sơn đen ngòm lạnh lùng, tất cả đang áng ngang khép kín bên dưới tấm bảng Vu Quy vẻ rồng bay phượng múa. Ông đại diện cố gắng xin phép cho họ hàng nhà trai được vào nhà làm lễ hoặc đứng tạm trú mưa trong nhà tiệc trước sân. Trời mưa rớt hạt nhiều hơn, nhà trai nhận thêm một gáo nước:

– Các ông bà chịu khó tá túc bên ngoài, đúng giờ Thìn, xin nói rõ là từ 7giờ30 đến 9giờ30 nầy, nhà gái chúng tôi kính mời quý vị nhà trai bước vào chiếc cổng vu quy để cùng chúng tôi tiến hành nghi thức rước dâu.

Đồng hồ chỉ đúng 7 giờ. Họ hàng nhà trai chạy tán loạn ngược trở ra mà chưa biết phải đi đâu nhưng không thể trở lại hai chiếc ghe hầu vì đường xa quá. Căn nhà đầu tiên họ gặp dọc theo con đường đất nầy ước chừng vài chục mét từ nhà đàng gái, có người ngoái dòm về phía chiếc cổng chào vu quy hồi nảy thì cảnh vật đã khuất trong màn mưa và không một bóng người chạy theo kêu họ lại. Mái tôn của căn nhà xối nước trên sân lót gạch tàu trơn trợt làm cho ông trưởng họ nhà trai vì gấp gáp nên té chõng vó văng rời dù lọng, nón rế sút khỏi đầu. Ông lồm cồm ngồi dậy người ướt như chuột lột, chiếc áo the đen dính sát vào da. Ngay lúc đó ông chủ nhà đội nón lá bước ra sân lượm chiếc dù che cho ông trưởng họ, tay ngoắc số người đang đứng  chùm nhum dưới tán cây trứng cá trước cổng. Ông trưởng họ không quên trách nhiệm của mình:

– Chúng tôi là họ nhà trai trên đường đi rước dâu, ông có kiêng cữ cho chúng tôi bước vào đụt mưa bên dưới mái hiên.

– Nhà chúng tôi có con gái lớn, tôi biết việc kiêng cữ đó nhưng để các ông bà mắc tàn cơn mưa nầy thì làm sao đi rước dâu cho nổi.

Cả họ nhà ông Tư Túc dồn cứng trong nhà người dân quê tự giới thiệu là ông Hai Niệm, đàn bà thì ra phía sau phụ với bà Hai Niệm và cô con gái tên Thơm đang nhóm lửa pha trà mời nhóm khách đang có người sắp phát run. Ông trời hình như làm khó thêm cho gia đình ông Tư Túc. Có lúc mưa nhẹ hạt tưởng chừng ngưng hẳn, bà con định cáo lui ông chủ nhà thì mưa ào xuống lớn hơn. Mấy chập như vậy thì bây giờ đã hơn 8 giờ mà mưa vẫn còn nặng hạt. Nhiều lần ông Tư Túc quyết định đội mưa đi đến nhà gái, nhưng bà vợ ông cản lại.

– Chị Ba hôm nay không khỏe, tự nảy giờ em nhờ bà chủ nhà đốt mẻ than xông hơ cho chị, anh dẫn chị đi mưa tui e  không kham.

– Hay là mình hỏi chủ nhà xin cho chị mình tá túc với một đứa cháu gái nào đó, rước dâu xong mình cũng đi ngang đây rước chị về luôn.

– Cả đời tui chưa thấy có ai đi rước dâu mà bỏ người rơi rớt như vậy, nội cái việc ghé tấp ngang như vầy tui còn lo ông bà tổ tiên quở phạt.

Ông Tư Túc còn phân vân không biết giải quyết làm sao thì nghe tiếng người nhốn nháo phía buồng trong, lát sau cô con gái của ông bước ra nói như muốn khóc:

– Ba ơi, cô Ba của con bệnh nặng lắm. Cô Ba hồi nảy nói lạnh, bây giờ nóng sốt, hai ngặt kéo quay hàm cứng lại, phải ngáng cây đũa bếp giữa 2 hàm răng mới đổ vào miệng được vài muổng thuốc ngoại cảm tán.

Ông Tư Túc xin phép ông chủ nhà được vô phía trong để xem bệnh chị mình, lát sau ông bước ra và nói với ông chủ nhà là ông muốn chở chị ông về Trà Ôn tức khắc. Ông Hai Niệm tính toán thật nhanh:

– Ông Tư cho người chèo ghe đến miệng con khém nước vô nhà ông chủ Năm, rồi nhờ vài em thanh niên phụ nhau cõng bà Ba xuống chiếc xuồng có mui của tôi cột trong ngách nhỏ khém đó. Tôi và con Thơm sẽ lội sình đẩy xuồng ra ngoài sông con.

Ông Tư Túc sai đứa cháu nhanh nhẹn trở ra doi đò dẫn chiếc ghe con phụng vào miệng khém chờ rước người bệnh. Ông ra lệnh cho tất cả họ hàng đội mưa đang nhẹ hạt, tất cả trở ra xuống chiếc ghe con rồng đậu ngoài doi chờ  ở đó. Còn ông trưởng họ có nhiệm vụ trở vô nhà gái thông báo sự việc và hẹn lại ngày khác rước dâu. Ngày thường người ta thấy ông Tư Túc nhẹ nhàng mềm mỏng vui vẻ bao nhiêu, hôm nay ai cũng ngạc nhiên khi nghe giọng ông cất cao và đôi mắt hình như có lửa. Người ta càng hết hồn khi ông Tư Túc mời hai ông bà chủ nhà và cô con gái ra ngồi nơi bàn khách nhà họ. Chính tay ông Tư dùng chiếc nhạo rượu trong khay trầu rót 2 ly và nâng 2 tay trước mặt hai ông bà Hai Niệm. Tuy không là loại rượu quý hiếm, nhưng là truyền thống, là kiêng cữ trọng đại không thể hời hợt. Một trường hợp chưa từng xảy ra đối với người ngoài cuộc được kính cẩn mời uống những ly rượu lễ chỉ dành riêng cho nghi thức cưới xin giữa hai gia đình liên hệ.

– Xin lỗi ông bà Hai và cháu Thơm, chúng tôi đã làm phiền gia đình. Xin ông bà nhận 2 ly rượu và 2 lạy tỏ lòng xin lỗi và cám ơn của vợ chồng chúng tôi.

(Hết phần 2)

Một Lúa

0 lm 5

Đồng hồ tốt mới có khả năng làm ra giờ tốt?

Nguồn: internet

Có 11 bình luận về Rượu lễ nghĩa (Phần 2)

  1. Trịnh Thị Như Thuỳ nói:

    Trời ơi , đang hồi hấp dẫn !

    Anh Một Lúa ơi ,  báo đã bán chạy lắm rồi …. !!!

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nghe bạn già Một Lúa nhắc lại chuyện xưa, tui hơi bị vui vui chuyện tui đi cưới vợ, dù ở những thập niên cuối thế kỷ 20 rồi, mà ông Dượng rễ tui ( là đại diện nhà trai ), dù cha vợ tui bảo con thắp nhang xá bàn thờ ông bà cửu quyền thôi, còn ba, má và ông nội thì thôi con à, khỏi xá ! Nhưng ông Dượng rễ tui buộc cháu vợ mình ( là tui ) phải lạy bàn thờ cửu quyền và ông nội, ba, má vợ. Dù ở nhà thắp nhang bàn thờ gia tiên, ba má tui chỉ bảo xá thôi, vì mặc luộm thuộm quá, sợ bị sự cố. Ông Dượng rễ của tui chắc cũng kiêng kỵ, lễ nghĩa cở ông chủ Năm nầy chứ chẳng chơi. Hôm ấy, tui lạy xong mấy bàn thờ và ông nội, ba, má là mồ hôi ước đẩm áo sơ mi, trên trán thì mồ hôi tuôn ròng ròng . Cũng mừng là đám cưới tui cũng diễn ra suôn sẻ, vợ chồng tui cũng sinh con đẻ cái đủ nếp, đủ tẻ.

  3. HOA ĐĂNG nói:

    Rồi, ông bạn đồng hương Một lúa ơi! câu chuyện song hành về rượu lễ nghĩa  của tui sẽ dài thêm được một khúc, ông bạn làm tui nhớ thêm một chuyện nữa, hãy đợi đấy

  4. Hoài Thương nói:

    Ôi Giời ơi, còn tới tập mấy nữa mới kết cuôc vậy sư huynh ???

  5. PhươngNga nói:

    Đang đọc ngon trớn, không cái cắt một cái cụp.  Nóng hơ lên rồi đó nghe anh Một Lúa.

    Giống như hồi xưa, coi chưởng đăng nhựt trình.  Tới hồi gay cấn, thì xin thành thật cáo lỗi, báo Hồng Kông chưa qua.

    • Nguyễn Hồng Ẩn nói:

      Chịu khó chờ Một Lúa …giải quyết đống chén bát rồi sẽ trở lại…  hahaha!

      • Một Lúa nói:

        Chào đại huynh Hồng Ẩn, chào Phương Nga,

        Lóng rày Lúa nhờ có bác Kenmore hết lòng giúp đở vụ chén bát, nhờ vậy rảnh rổi chút đỉnh. Ngặt nỗi “đỏ tình trắng chữ”, không nặn ra được nút nào, bù ngắt. hihi

Trả lời Nguyễn Văn Lần Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác