Rượu lễ nghĩa ( Phần 1)

Ngày đăng: 11/08/2014 10:48:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

0 ll 0

Hôm nay được nghe câu chuyện thú vị, tôi tự rút gọn giúp mình dễ nhớ: Ông A tặng một chai rượu cho ông bạn B, ông B đem tặng chai rượu đó cho ông sui C. Thời gian sau, con dâu của ông C thấy ba chồng của mình không dùng rượu nên xin chai rượu không rõ xuất xứ mang về nhà cha ruột là ông B để gia đình dùng trong bữa tiệc đầu năm. Cả nhà khám phá ra chai rượu bị hư kia có quá khứ gần gủi với họ và hành trình lưu diễn vòng vo tam quốc.

Dù ông B hú hồn là sui gia C không biết chai rượu đã hư và họ có chút hổ thẹn bởi lòng tự trọng. Nhưng xét cho cùng thì chai rượu là vật có lỗi duy nhất trong vụ nầy, nó đã không hoàn thành trách nhiệm được hãng chế biến giao phó. Còn ba ông A-B-C đều tròn lễ nghĩa của mỗi người. Tuy rằng chưa ai nếm được hương vị cay nồng chất rượu, nhưng họ đã nếm tình cảm ngọt ngào của tình bạn bè thân thiết, tình sui gia mỗi ngày được trân quý vững bền.

Nhắc đến rượu làm tôi nhớ về những năm 1980, gia đình tôi và các cựu nông dân khác từ các nơi thành thị hồi cư về ruộng vườn cũ tại ấp Năm. Đám thanh niên loàng xoàng trên dưới 30 ngang cở anh em chúng tôi rất nhiều. Độ tuổi phải nói là còn sức và có ít nhiều trải nghiệm trên các trận mạc đình đám rượu chè. Thời gian đó, năm-ba  thằng trong đám tụi tụi rảnh rổi tình cờ gặp nhau, chỉ cần chút ít mồi màng là cưa đứt gốc can nhựa 4 lít rượu đế 35 độ dễ dàng. Hình như tụi tui chỉ làm được một việc là dùng rượu để tiêu dao ngày tháng và quên nỗi buồn thân phận. Mà đâu chỉ riêng đám thanh niên rổi việc mới nhậu nhẹt mát trời ông địa. Tôi có ông cậu ruột lớn hơn thằng cháu 20 tuổi, cũng uống rượu như ba tây. Đặc biệt ông cậu ở Ngã Bảy nầy thương mến gia đình chúng tôi nên rất thường lặn lội đến địa phương khỉ ho cò gáy của huyện Tam Bình. Những năm kham khổ, ba má tôi giỗ quải tổ tiên chỉ dọn mời khách khứa và người nhà tổng cộng đầy hai bàn là xôm tụ lắm rồi, nhà thì chỉ có một cái bàn tròn chưa đủ 8 ghế. Tụi tui trãi đệm trên sân đất trước cửa nhà để chén chú chén anh, lần nào cũng có mặt ông cậu thích ngồi cùng con cháu. Có một lần ông cậu nầy thuật câu chuyện xảy ra mấy năm trước từ miền sông nước Ngã Bảy, Hậu Giang, quê ngoại chúng tôi.

Cùng xóm với Cậu tôi có ông kia cưới vợ cho con trai được chừng 2 tuần lễ, con cháu nhà ông tát mương vườn bắt được nhiều cá. Ông ta rộng lại mấy con cá lóc to nhất và hẹn ngày mời ông sui vừa kết thông gia qua nhậu món cá nướng trui. Trong buổi tiệc gia đình sau ngày tát mương chỉ có 3 người: ông sui chủ nhà, ông sui mới và ông sui cũ cùng xóm. Ba ông sui gia nầy uống rượu rất cứng. Họ cùng nể nang nhau, nên dốc lòng nhậu sạch chai rượu nếp cao độ 4 xị mà chưa thấy xi nhê. Ông sui chủ nhà kêu con dâu mới cưới vô góc bên trái phòng chứa đồ của ông lấy chai rượu khác ra để tiệc rượu không bị tạm  ngưng. Cô dâu vô phòng bằng cửa đi từ bếp, cô tìm được chai thủy tinh 1 gallon loại đựng thuốc tây thời quân đội Mỹ. Cô mang ra sau bếp dùng phểu chiết đầy chai lít mang lên phòng khách cho cha chồng và cha ruột. Ông chủ nhà cầm chai rượu được con dâu đem lên rót đầy vào 3 chiếc ly đã cạn khô sát đáy. Ông sui cũ cùng xóm ực một ngụm rồi dừng lại nói rượu nầy sao kỳ cục quá, ông ta phun lượng rượu còn trong miệng phèo phèo vào cái chén của ông. Ông sui mới đang cầm ly rượu vừa được rót đầy: “Rượu gì mà kỳ”, nói xong thì ông ta ực đánh trót một tiếng. Ông sui chủ nhà hình như tự ái vì rượu nhà mà bị khách chê nên cũng ngữa mặt cạn ly một lượt với ông sui mới của ông. Ba ông chưa kịp cảm giác rượu ngon dở thì miệng lưỡi họng hầu và bụng đau dữ dội, ba người nhào lộn ú ớ kêu la.
Nhà chỉ có con dâu mới, cô ta cuống cuồng chạy ra sân la làng cho lối xóm đến cứu. Có thằng cháu ông chủ nhà ở gần đó, nó chạy tới hỏi người chị dâu rồi nghi điều gì nên chạy ra sau bếp. Thấy cái bình thủy tinh 1 gallon, nó kêu trời không ngớt vì đó là chai a-xít loại đã pha loảng nhưng phải pha thêm lần nữa để đổ bình ắc-quy cho tiệm sắp lắc chì làm bình điện của thằng con bác chủ nhà. Bi thảm cho gia đình họ là cái chai lít mà con dâu dùng chiết thứ dung dịch từ chai lớn ra giống hệt như những chai rượu mà ông cha chồng dựng trong góc mé trái dãy kệ từ phòng khách ngó vào, trong khi cô dâu lại tưởng phía trái từ nhà bếp đi lên. Và cô dâu nầy cũng chưa nghe ai căn dặn trong nhà chồng có chai a-xít. Kết cuộc tiệc rượu tang tóc đó là ông chủ nhà tắt thở trên đường chở ra huyện, ông sui mới kết cầm cự đến được bệnh viện nhưng bác sĩ cũng bó tay, ông sui cũ được chuyển lên Cần Thơ nằm bệnh viện cả tháng trời mới khỏi.
Năm 1982, tụi tôi chứng kiến một sơ sót nhỏ về chai rượu dành cho người lớn, suýt gây ra tai nạn về tình cảm trong thân thuộc quê tôi. Thường thường thì mỗi chi họ đều có ông trưởng tộc đại diện họ hàng để ăn nói giao thiệp trong các lể cưới hỏi. Vị nầy không nhất thiết phải vai vế cao to cho lắm, nhưng bắt buộc phải cao niên đẹp lão, lanh lợi nhạy bén, rành rẻ phong tục thờ phượng và nghi lễ cưới xin, đặc biệt phải có đủ hoặc có thừa nghiêm khắc. Chú Ba trưởng họ là em kế ba tôi, ngày thường  gặp đám tụi tui ăn nhậu thì chú chỉ rầy sơ sơ. Lúc trong thân tộc có đám tiệc cưới hỏi trọng đại thì chú giữ chằng chằng tụi tui không cho phạm vào tửu giới. Như hôm đám vu quy của đứa em con chú Sáu, cả ngày tụi tui chạy bàn đãi ăn tiếp khách, thằng nào cũng thèm rượu muốn rớt cặp môi. Đến chiều tối mừng muốn chết, tụi tui nháy nhó với nhau vớt ra tô một mớ xí quách bê-đan ghi-đông ở những nồi xúp để anh em tụ họp lai rai. Chưa kịp rót rượu thì chú Ba trưởng họ đến tịch thu cái can 4 lít, nhưng chú ngẫm nghĩ sao đó nên kêu một thằng cháu đem ra 2 ly cối, chú rót gần đầy 2 ly vừa phán: “Đêm nay tụi cháu đàng hoàng thì sáng mai chú cho đi đưa dâu con hai Huệ”. Đêm đó tụi tui uống nhín nhín tráng miệng, ngồi chưa nóng ghế thì 2 ly cối đế nếp đều sạch nhẵn.

Ngoài sân còn tối hù mà chú lôi đầu tụi tôi thức dậy, mắt cay xè mà cũng ráng ngồi dậy đi làm vệ sinh, thay quần áo chỉnh tề. Bàn ghế nhà tiệc tụi tui dọn dẹp sạch sẻ gọn gàng hồi đêm, sáng nay chú còn kêu xem lại ly tách ghế ngồi đủ chưa, chú còn nhắc mọi người phải làm theo chỉ thị đã được phân công bằng giấy tờ hồi tối. Chuẩn bị xong xuôi thì chúng tôi ngồi nghí ngố uống cà phê chờ nhà trai. Tôi biết sơ sơ chương trình các lễ rước dâu ở miền quê, thì hôm nay nhà gái chỉ đãi họ nhà trai trà bánh trong thời gian hai họ và chú rể cô dâu tiến hành nghi thức hôn phối cổ truyền.
Chú Ba đại diện lo quá xa nên chúng tôi dư giờ một sãi. Ba tôi thấy thời gian theo giao hẹn còn nhiều nên sẵn dịp nhắc lại câu chuyện thoái hôn rất ly kỳ ở cù lao Mây. Chuyện gần như trở thành truyền thuyết của dân chúng các địa phương một vùng rộng lớn. Kể lại chuyện nầy chắc là ba tôi ngụ ý nhắc khéo cho chú trưởng họ đừng quá câu nệ chấp nhứt khi đối đãi với đàng trai. Ba tôi chậm rãi nên chuyện chưa đến kết cuộc thì có tiếng xuồng máy đuôi tôm vang rần dưới bến sông. Mấy đứa nhỏ tốp chạy xuống tốp chạy lên loi nhoi háo hức: “Đàng trai tới rồi, đàng trai tới rồi”

Năm đó tôi đã ba mươi tuổi mà không được giao cho chân rót nước hầu cho cái bàn dài dành riêng cho đại diện hai họ và sui gia nói chuyện với nhau. Cũng may là anh tôi nói nhỏ: “Mầy nhờ đứa nào coi luôn bàn của mầy ngoài nầy, em vô trong coi dùm anh bàn khứa lão, anh về nhà uống thuốc nhức đầu để lát nữa còn đi đưa dâu”. Tôi thay chỗ hầu bàn của anh tôi vừa lúc ông đại diện nhà trai rót 3 chun rượu kính dâng lên bàn thờ ông bà nội chúng tôi như lời chào hỏi gia tiên. Kế đến ông ta rót ly rượu mời trưởng họ nhà gái để xin phép cho ông trình bày lý do và giới thiệu từng người họ nhà trai đang ngồi đối diện. Chú trưởng họ chúng tôi nâng ly rượu uống ngọt xớt, xem như là cử chỉ chấp thuận. Ai cũng vui khi thấy chú Ba uống xong ly rượu giao hảo. Nhưng tôi giật thót người khi nghe chú tằng hắng hai tiếng, bàn tay chú đưa lên quạt quạt, hai vành tai ửng đỏ. Chết rồi, chúng tôi đã quá quen động tác “lên dọi” nầy mỗi lần chú sắp nổi trận lôi đình “bố ráp” tụi tui. Có lẽ ba tôi cũng có nhận xét đó nên nắm bàn tay đang huơ huơ của chú, tôi đứng sau lưng nghe ông nói nhỏ “Em cho anh uống ly rượu chào hỏi của họ hàng nhà trai”. Ba tôi xòe tay ra vừa lúc ông đại diện cầm ly rượu đưa tới. Ba tôi uống xong khà một tiếng dài, không giống thói quen uống rượu thường ngày của ông. Sau đó thì những trưởng bối trong bàn đều “khà” đầy kịch tính khi uống xong ly rượu lễ, y hệt như ba tôi.
Thủ tục trình nạp quà lễ của đàng trai, trao đeo nhẫn cưới giữa cô dâu chú rể hoàn tất, cô bác nào có tình trạng vợ chồng suông sẻ, có thể ra tay đeo số nữ trang cho cô dâu mà nhà trai vừa tặng. Đến phần nghi thức cặp tân hôn lạy ra mắt ông bà tổ tiên, dâng rượu và lạy đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục, tác hợp hôn nhân cho con cái của tứ thân phụ mẫu, dâng rượu cám ơn cô bác chứng nhận hôn lễ. Cha mẹ và chú bác cô dâu giáo huấn về bổn phận dâu con và tình nghĩa vợ chồng cho đôi tân hôn vừa dứt, thì ông đại diện nhà trai xin phép rước dâu và mời họ hàng nhà gái đến họ nhà trai dự tiệc rượu “đơn sơ” thân mật. Hai họ tập trung trên bến sông chờ xuống xuồng máy đuôi tôm, bỏ lại gian nhà chú Út vắng ngắt. Tôi nhớ ba chun rượu của nhà trai còn trên bàn thờ và sự nghi ngờ thái độ uống rượu của các trưởng bối. Tôi xá xá mấy cái trước bàn thờ xin ông bà tha lỗi, tôi bạo gan dùng một ly khác để rót ra ít rượu từ một trong ba chun của họ nhà trai. Nước lã, dù tôi nghi ngờ có chuyện bất thường trong nhạo rượu của đàng trai, nhưng tôi không thể nào nghĩ được đó là nước lã.
Tôi không có tên trong danh sách đưa dâu, nhưng ấm ức việc nước lã làm rượu lễ nên đi nhanh xuống bến sông kịp lúc anh tôi đang mở dây xuồng. Tôi ngồi sát bên làm bộ phụ mở dây để nói nhỏ với ảnh: “Em nghi nhạo rượu của đàng trai có vấn đề nên em lén uống ly rượu họ cúng trên bàn thờ ông bà nội, khám phá toàn là nước lã. Anh có quen nhiều bên đó, anh dọ hỏi tại sao họ làm chuyện lạ đời như thế”.

Chiều hôm đó, đám thanh niên đưa dâu trở về nhà chú Út đều say khướt, anh của tôi cũng vậy. Cái tật say sỉn lớn hơn cái tuổi, ảnh vừa gặp tôi là oang oang, bất kể quân thần phụ mẫu chung quanh:

– Chuyện mầy nhờ, tao lo xong trong vòng 30 giây, để mầy nể thằng anh nầy đâu có tệ. Tao qua bển gặp thằng Tư Xê bạn học ở Tống Phước Hiệp hồi niên khóa 1967, nó là chú họ của thằng em rể tụi mình. Tao thách nó muốn cụng ly với tao thì phải trả  lời thắc mắc cho thằng em tao. Nó kiếm thằng cháu hỏi cho ra lẽ. Mầy biết không, sáng nay ông đại diện nhà trai xuống ghe đi một khoảng mới hay chiếc nhạo rượu nhẹ tênh trong khay trầu rượu. Trên ghe rước dâu cứ người nầy đổ thừa người kia loạn nhặng mà mấy ngài bô lão cương quyết không cho ghé vào hàng quán ven sông. Họ nói tục lệ ngàn xưa của ông bà trong việc rước dâu là phải đi đến nơi về đến chốn suôn sẻ một lèo theo đúng hoạch định, đại kỵ việc tự ý nửa đường quay về hay xẹt ngang đi tắt, gián đoạn hành trình, như vậy sẽ có huông không tốt cho hạnh phúc vợ chồng tụi nó sau nầy. Cuối cùng thì ông đại diện túng thế phải thò tay múc đầy nhạo nước giữa sông, hy vọng là sui gia sẽ nể nang mà xí xóa.
Nói một hơi coi bộ còn chưa đã, ông anh của tôi hơi xuống giọng nhưng chắc là ai cũng nghe:

– Ê nhỏ! Tao nói với mầy thôi nghen, chú Ba không thích tụi mình uống rượu nên người ta mời chú nước sông. Nghĩ cũng lạ thiệt hả mậy, hồi sáng chú uống rượu lễ lạt nhách, mà sao ổng chịu nín thinh!

(Hết phần 1)

Một Lúa 

0 ll 0                       Rượu lễ nghĩa, rượu uống thay nước, rượu uống sỉn

 

Có 8 bình luận về Rượu lễ nghĩa ( Phần 1)

  1. Trịnh Thị Như Thuỳ nói:

    Phong tục miền Nam, nhơn nghĩa ở đời được thể hiện qua cách kể lan man nhưng hấp dẫn và đầy kịch tính !….Cám ơn anh Một Lúa rất nhiều !!!

    • Một Lúa nói:

      Chào Như Thùy,

      Lan man lơn tơn, nhưng hể họ rượu dù là chai ve hủ keo thùng can khạp đều bà con với nhau. hihi

      Tui cám ơn Như Thùy mới phải

      Lúa

       

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nhạo rượu đi rước dâu mà cho toàn nước sông. Xin bái phục các sư phụ ! Phải cho thêm vào đó 1 tí cà phê làm giả rượu thuốc thì hôm đó anh sui gái bị Tào Tháo rượt chạy mất dép !

    • Một Lúa nói:

      Anh Lần có từng đi uống cà phe quên mang tiền

      Đi chợ mua hành hẹ  tiêu tỏi đường đậu mà quên shopping list ở nhà

      Đến nhà bạn rồi để lại nón, kiếng, cell phone

      Cả trăm thứ vân vân khác…

  3. trương mẫn nói:

    Anh một lúa kể lại chuyện rước dâu gợi nhớ , tôi kể tí, song không liên quan đến rượu mà là chuyện làm khó nhau. Thuở  tuổi tôi ở nữa băm, tôi về nông thôn quê ngoại tá túc, vì còn độc thân, nên khi có đám cưới gã trong thân tộc tôi đều được < gắn lon rể phụ >. Đâu khoảng năm 78 tôi bên đàng trai đi rước dâu, trưởng tộc là ông bảy Ngự, đi bằng hai chiếc ghe máy, chạy vòng vo hơn 3 giờ mới đến nơi. Trước khi rước dâu, ông bảy dặn _ Hể tao trình lễ rước dâu, làm lễ xong mầy bưng khay trầu rượu tự động đi trước thì rể dâu bắt buộc phải theo ra cổng xuống ghe, tao dặn nhớ chưa. Tôi dạ cái rụp mà lòng thắc mắc sao kỳ vậy. Thông thường khi hoàn tất lễ thì hai đàng ngồi uống nước tâm tình, nhìn bên trong thấy trưởng tộc cáo thối, thì thân rễ phụ mời chậm rãi nâng < đít> đi tà tà cho dâu rể theo sau. Khi vào trình lễ, tôi liếc bên bộ ngựa thân nhân đàn gái ngồi thấy một bà sồn sồn ốm, tóc ngay ra sau, tức búi tóc không tựa lưng, khăn choàng cẩn thận, ngồi nghiên, một bên gối nằm, đầu gối bên kia đứng, tay trái kê trên đầu gối. Trong bụng tôi nghi – rồi, rồi bà dị nhân, bà chằng đích thị rồi, mệt mỏi nghen. Y như trong kinh, vừa xong lễ, bà lên đồng bắn liên tu bất tận đàng trai, bắt đủ thứ lỗi, đến độ tôi tưởng tượng, cái lỗi mình cất dấu trong tủ nhà mình bả cũng ráng thò tay móc ra cho được. ông Bảy thấy tôi mê nghe, phất tay nói _ Đi mậy, Tôi dạ lớn, tay bưng khay trầu dông thẳng xuống ghe, rễ dâu đàng trai lục tục theo sau tôi.  Sau về đến nhà hỏi lại, rõ là đàng gái cho hay trước chuyện sẽ xảy ra, đàng trai khi ruớc dâu phải ..vậy ..vậy.. Ôi trời đúng là < Giựt dâu hợp pháp> có yểm trợ đàng hoàng hì..hì..

  4. HOA ĐĂNG nói:

    Tui tính đi ngủ, nhưng thấy bài  rượu lễ nghĩa lại đọc tiếp, bài nầy gợi cho tôi nhớ nhiều vụ đám cưới hỏi cũng li kì, hẹn song hành cùng rượu lễ nghĩa, nhưng không dài như bầi của ông bạn đồng hương, hãy đợi đấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác