Huế , đại nội và tôi

Ngày đăng: 22/08/2014 10:25:54 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Năm ngoái 2013, cô và các anh chị em của cô từ Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu, hẹn gặp nhau tại Sài-Gòn để làm một chuyến đi xuyên Việt. Phái đoàn gồm 16 người đều ở lứa tuổi trên 60 và trên 70. Trong phái đoàn có người đã về thăm nhà nhiều lần và cũng có nhiều người mới trở về thăm VN lần đầu tiên. Riêng cô thì đây là lần thứ nhì (lần đầu vào năm1997). Cô và các anh chị em của cô lần này đưa Má cuả cô (91 tuổi) về thăm quê ngoại ở Huế, quê nội ở Thanh-Hóa và rất nhiều tỉnh khác, nơi mà mọi người đã từng sinh sống. Đây là một chuyến đi  “tìm lại kỷ niệm“ và đã để lại trong lòng mọi người bao nhiêu cảm xúc khó quên. Thời gian trôi qua, có biết bao nhiêu là thay đổi nhưng quê hương vẫn là một ràng buộc, một nỗi niềm lưu luyến khó phai.

ngo-mon-hue1

HUẾ,  ĐẠI NỘI  và  TÔI

Thời gian như ngừng đọng,

Thoảng đâu đây hương nhẹ Hoàng cung,

Gót hài nhung từng bước nhỏ ngập ngừng,

Vườn Ngự uyển hoa chập chùng đón nắng.

Lối xe ngựa của một thời vang bóng,

Ngõ rêu phong đâu thấy dấu chân người,

Hạt sương đêm trên đám lá chơi vơi,

Chừng như thể giọt lệ vời thương nhớ.

 

Nhà Thủy tạ ngọn gió nồm chợt tới,

Hồ sen xưa, lá ngọc bích đón mời,

Một mình thôi, câu đối ẩm, chén ly bôi,

Ai thấu được nỗi buồn vui khôn tả.

 

Cây im bóng, trời mây giăng mấy ngã,

Tiếng ve kêu như rộn rã muôn lời,

Tìm về đây ghi lại thoáng hương rơi,

Ngày xưa ấy của một thời vương giả.

 Lê-Thân Hồng-Khanh (05.2014)

Có 9 bình luận về Huế , đại nội và tôi

  1. Phạm Trung Hải nói:

    Cô ơi bài thơ  của cô thật sự làm cho em xúc động. Một niềm hoài cổ thanh thoát và sâu xa, chân thành với nhiều xúc cảm làm em nhớ tới bài ” Thăng Long Thành Hoài Cổ ” của bà Huyện Thanh Quan.

    Bài thơ của cô thật hay, chắc chắn ai đọc cũng cảm thấy bồi hồi xúc động, hoài niệm về một thời đất nước thanh bình êm ấm. Những “gỏt hài nhung, vườn thượng uyển, lối ngựa xe, hồ Thuỷ tạ, hồ sen xưa” và  cả “hương nhẹ Hoàng cung ” thoang thoảng nữa, tất cả như đang sống lại một cách êm đềm nhưng nhiều u uẩn trên mảnh đất Thần kinh của  trăm năm về trước.

    Có ai mà không tiếc nuối những hạnh phúc đã qua !

     

  2. Hoành Châu nói:

    Văn phong này nghe quen thuộc làm sao ! Cố gắng đọc hết bài mới thấy tên tác giả, cô Lê Thân Hồng Khanh  năm ngoái  cùng Mẹ đi Huế các bạn  ơi~ chuyến đi ” tìm về kỹ niệm ” đầy ý nghĩa của giòng tộc , Ta hãy nghe 2 câu cuối  để thương  cảm tâm trạng của cô mình nhé !
    ,,,”Tìm về đây ghi lại thoáng hương rơi ,
    Ngày xưa ấy của một thời vương giả ,,,”,
    Cô ơi, ai về lại quê hương lần cũng khóc phải không cô ? Hãy lướt qua trang nhà mỗi tuần  dù  bận , cô nhé . Chúc cô toàn ý ,nhớ cô nhiều lắm ,,Em Hoành Châu


  3. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô thương yeu của tụi em , thật không chỉ dạy hay dạy giỏi mà còn là một nhà thơ nữa. Em ngưỡng mộ quá đi. . Anh Phạm Trung Hải đã nói dùm hết những cảm nhận của em, về niềm.hoài cổ thiết tha trong thơ của cô đối với que huong cố đô của mình. trước khung cảnh ” lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, lầu cũ lâu đài bóng tịch dương”. Mong cô lại về thăm Vn để tụi em có dip gặp lại . co thuong . yêu.

     

  4. nguyễn thành công nói:

    Hoàng thành trầm mặc và dòng Hương Giang lặng lờ trôi mãi theo năm tháng như còn lưu giữ một thời vàng son trong quá khứ.Tâm sự của cô bâng khuâng nhớ tiếc khi trở về thăm quê ngoại dấu yêu Cô đã trãi lòng mình bằng những vần thơ xúc động lòng người ! Cô dạy ngoại ngữ cho chúng em và dạy cả tính nhân văn

  5. Nguyen Thi Hanh nói:

    Vậy là Cô đã về thăm lại quê hương 2 lần , năm 1997 và 2013 . Phải chi chúng em biết tin Cô sớm hơn một chút thì Cô trò mình tái ngộ năm rồi , Cô nhỉ !

    Bài thơ về xứ Huế mộng mơ , quê ngoại của Cô mang nỗi hoài cố hương nhẹ nhàng , đằm thắm , vương giả , thể hiện được cốt cách quý phái của nhà thơ – khuê các .

  6. Lyhuong nói:

    Em Lyhuong đây Cô ,đọc thơ Cô nghe lòng mang mang,nỗi hoài niệm thật thâm trầm ý nhị,là tâm tư của một hoàng tộc ngẫm lại vương triều.Ngày xưa còn bé ,dưới mắt tụi em Cô là một nghệ sỹ đáng khâm phục (bây giờ họ gọi là “Sao “đó Cô),còn nay Cô là một Thi sĩ tuyệt vời .Tụi em hy vọng có ngày gặp lại Cô,Cô ạ.Thương kính.

  7. nguyenthikieutrinh nói:

    Cô kính yêu của tụi em,

    Mới hồi chiều em  đọc bài THIÊN ĐƯỜNG ĐÃ MẤT, giờ được đọc tiếp bài thơ nầy nữa! Nói sao giờ khi mà “bản chất cuộc đời là thay đổi”! Em ở chính đất nước mình mà lại phải ly hương biền biệt nên em có những đồng cảm cùng Cô khi NHỚ những gì không tồn tại nữa hoặc bị “cách tân” vì lý do nào đó!

    Cô ơi, chỉ nỗi nhớ mới giữ y nguyên “một thời vang bóng!”, Cô ơi!

    Em: kiều trinh.

  8. Hoành Hà nói:

    Cô kính yêu,  bài thơ  được viết rất chân thực bày tỏ  tâm trạng  tiếc nuối một thời kỳ huy hoàng rực  rỡ ở Thành nội  Huế mà tác giả  là một nhân chứng sống  , Hoành Hà   cảm động lắm cô ơi , những điêu tàn  thực tế   đã biến cô mình thành một nhà  thơ ưu tư  thực sự   rồi ! Chúng em  càng  thương quý cô hơn , thường xuyên gửi bài cho trang nhà cô nhé ,  chúc cô và gia đạo vạn an . Em Hoành Hà,

  9. Lê-Thân Hồng-Khanh nói:

    Các em thương mến,

    Không gì vui hơn là làm thơ mà có người thưởng thức, cám ơn các em đã cảm nhận được hồn thơ. Ngày xưa khi còn đi học, cô cũng có làm vài bài thơ nhưng mấy chục năm sau đó hầu như không còn nghĩ gì đến chuyện thơ thẩn nữa cả. Năm ngoái sau khi về thăm quê nhà, bao nhiêu cảm xúc dâng tràn, trở lại Đức cô thử tập làm thơ lại để ghi ra bao nhớ nhung, bao kỷ niệm với quê cũ mà mình tưởng chừng như đã mất . Càng lớn tuổi càng cảm nhận ra tình quê hương là một thứ tình cảm mà không ai có thể quên được, bây giờ mới hiểu được là tại sao ngày xưa các cụ gìa lúc nào cũng mong mỏi được chết và an táng ở nơi chôn nhau cắt rốn.

    Hiện nay cô đang có vài vấn đề khó khăn về kỹ thuật nên chưa có thể tham gia vào trang nhà một cách nhanh chóng và đều đặn. Hy vọng trong vòng một tháng nữa sẽ có thể liên lạc với các em đều đặn hơn. Các em chịu khó chờ cô nhé. Gởi lời thăm tất cả các em.

    Cô HK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác