Nữ tiên trần thế (Phần 2)
Trận mưa đêm hiếm hoi trong tháng mười khiến cho không khí sáng nay mát mẻ lạ thường. Loay hoay mở cái khóa cổng rào chỉ là khung gỗ hình vuông cao chưa tới ngực và đan bằng kẽm gai, tôi cằn nhằn ổ khóa lô can, vừa ngoái lại nói chuyện với thằng em con của cậu mợ đang quét nước khoảng sân xi măng bên cạnh. Linh cảm như có ai đang nhìn mình hay là theo gió thoảng đưa một hương gì khang khác với mùi ẩm mốc của sân đất, tôi quay ra lộ và sững sờ kinh ngạc.
– Anh Lộc.
Cô tiên nhỏ của tôi mặc chiếc áo dài trắng nữ sinh đứng bên ngoài rào, khoảng cách hai đứa chỉ hơn một mét. chiếc nón lá úp trên yên xe đạp, một tay nắm ghi đông, tay kia dụi dụi hai mắt đỏ hoe. Cũng lẹ miệng như ngày nào, nhưng lúc nầy thều thào đuối sức, H buồn bả :
– Anh ở đây hả, từ bao giờ vậy?
Tôi định bước ra để nắm lấy bàn tay H an ủi với cả khối lòng ấp ủ hơn một năm rồi, mới nhớ ra cửa rào chưa mở được. Tiếp tục tra chìa, bẻ tới lui gần gãy mà nó vẫn không chịu bung càng. Thấy tôi lính quýnh, H cũng buồn cười:
– Thôi được, để ít ngày em ghé thăm anh tại đây, được hông?
– Em cứ đứng đây chờ, anh đi vòng cửa sau qua nhà cậu anh, ra đường nhờ cửa rào bên đó.
Trước khi trở vô, tôi chồm người qua khỏi cái cửa rào mắc dịch, nắm hai bàn tay H cũng vừa đưa ra phía trước. Tôi lắc lắc tay H và lập lại mấy lần, “Em phải đứng đây chờ anh”. Nỗi ám ảnh lạc mất H lúc nầy lớn hơn bao giờ hết.
Lúc vòng trở ra, tôi mới chú ý phù hiệu Nữ Trung Học Đoàn Thị Điểm phía trước thân áo dài trắng. Chúng tôi bặt tin hơn một năm mà mái tóc H vẫn chấm vai như những ngày còn ở Tam Bình. H có vẻ cứng cỏi trong lời lẽ và cử chỉ dịu dàng chững chạc hơn. Và hình như cái đuôi mắt nheo nheo sau mỗi câu nói đã không còn làm duyên như những ngày đùa vui tại nhà chị Phương.
Hai đứa cùng dẫn chiếc xe đạp ở giữa, H cho biết mới vừa vào trường Nữ Trung học đó gần hai tháng. Ba của H là một công chức vừa hoán chuyển về Cần Thơ từ một tỉnh miền Trung.
– Gia đình em đang ở dãy nhà chánh phủ ở ngoài đường Nguyễn Trãi gần khu nhà máy nước cũ. Sáng nay trời đất xui khiến em chạy vòng vô đây trả sách cho một người bạn ở đầu đường Phan Thanh Giản khoảng gần ra đến mé sông. Cũng nhờ tránh cái vũng nước phía trước lộ nên em chạy lũi vào phía hàng rào nầy. Thấy tướng người quá quen, đến khi nghe tiếng anh cằn nhằn cái ổ khóa cửa rào, thì em không còn nghi ngờ gì nửa.
Ngưng một chút nghẹn ngào, giọng của H trầm buồn đều đều như ghi trong băng cát-sét:
– Bà nội và tụi em chạy tản cư tá túc quê nội bên cồn, khi trở về Tam Bình em nghe tin anh em của anh rời bỏ trường. Chị Phương trao em bức thơ có mấy chữ vô tình bạc bẻo của anh. Anh chỉ nói ba má gởi hai anh lên Cần Thơ ở trọ nhà bà con nhưng chưa có địa chỉ rõ ràng. Anh hứa xấp xếp xong thì anh trở về Tam Bình. Rồi giống như tuồng cải lương, anh cũng bắt chước Điệp say mê thành đô rực rỡ mà bỏ lại Lan ở quê chịu cảnh vò võ mong chờ. Thêm bất hạnh cho tụi em, trường mình chưa đủ thầy cô tựu về dạy lại thì bà nội em thọ bệnh qua đời. Nhà không còn ai là người lớn, nên tang lễ vừa xong thì ba má rút học bạ và rước hai chị em ra Nha Trang chỗ ba em đang làm việc. Tết năm sau em và má từ Nha Trang về Tam Bình lo việc tảo mộ tổ tiên. Sẵn dịp em ghé nhà anh, má anh cho biết hai anh đi học trên tỉnh nầy. Bác gái chỉ biết nhà người em của bác ở đầu hẽm dãy phố 18 căn trên đường Phan Thanh Giản, chớ không biết số nhà và tên phường khóm. Em không dám biên địa chỉ ở Nha Trang gởi lại má anh, vì ba má em thấy thơ của anh gởi ra, ông bà sẽ đánh em chết. Em nghĩ biển người mênh mông, hai tỉnh cách nhau thâm thẳm, đường xá cách trở thì hy vọng gì gặp lại. Má anh hỏi thăm gia đình em và đãi ly chanh muối. Bác gái nói anh lúc ở nhà rất ưa thức uống đó. Em cũng cảm nhận được mùi vị lạ lạ ngon ngon, từ đó sanh ghiền. Cứ mổi lần thấy ly chanh muối, nhớ gia đình anh và tất cả những gì nơi quê cũ thân yêu.
Riêng tôi không dễ quên H như lời em trách móc. Tết năm đó tỉnh lỵ Phong Dinh không bị ảnh hưởng chiến sự. Thế nên các trường học mở cửa dạy lại sớm hơn nhiều nơi khác. Nhưng chiến tranh đã lấy mạng một số học sinh mà đa số sống vùng nông thôn. Vì vậy anh em tôi có chỗ chen vô trường lúc đang nửa khóa. Mình là học sinh bình thường ở quận, dĩ nhiên phải cố gắng tối tăm mặt mủi học thêm nhiều môn để theo kịp người ta. Cũng có mấy lần tôi về Tam Bình ghé thăm chị Phương, gặp cả đám bạn bè không ai biết tin tức chị Ngoan và H. Ai cũng nghĩ rằng gia đình họ đã bỏ xứ không về.
Gặp lại H trong lúc gần như tuyệt vọng, mình vui mừng như tìm lại kho tàng vô giá, nhưng việc học bỗng sụt giảm ai ai cũng thấy. Mùa học năm ấy, những ai giàu tình cảm cũng nhận ra một chú học trò mỗi sáng đáng lẽ đi thẳng một đường để đến trường. Thì cậu ta đi luồn ngang con hẽm vòng vo rồi để ra con đường khác, hắn lấp ló cạnh những gốc sao già dọc theo đường Nguyễn Trãi để chờ một chiếc áo dài trắng thân quen. Và những hàng quán dọc theo con đường từ nhà H hoặc từ nhà trọ của cậu mợ hắn đến trường, người ta quá quen thuộc với một đôi ly chanh muối. Với những nụ cười bao dung trêu chọc, những người chủ quán sẵn sàng ban tặng họ khi mới bước vào cửa.
Cũng nhờ chị Ngoan che chở và tạo dịp cho chúng tôi gặp nhau lâu hơn trong những ngày Chúa nhật và ngày trường nghĩ lễ. Chúng tôi có những giờ lang thang ở các vườn cây trái xóm Xã Đài trổ ra hẽm Vú Sữa đến công viên Nhị Kiều, một vùng thôn quê giữa lòng thành phố. Hoặc những buổi đến nhà bạn học ở cạnh hồ Xáng Múc câu cá linh cá he, hai đứa bên nhau thầm thì quên cả biển trời. Chúng tôi có những khoảng ngắn thời gian vui vẻ bên nhau và bên bè bạn, quanh quẩn những khu vực không xa nhà để kịp trở về đúng hẹn với chị Ngoan.
Một buổi chiều, thằng em nhà cậu kế bên chạy qua tay cầm lá thơ có dấu Bưu điện. Nó rất ngạc nhiên, điều mà hơn năm nay chưa từng có cho anh em chúng tôi. Tờ thơ dài, tôi mới đọc mấy hàng đầu thì không đủ sức đọc tiếp, gục đầu vào chồng gối trên ghế bố, tê dại đầu óc. Không biết bao lâu, tôi nghe tiếng hốt hoảng của cậu mợ và mấy em, gượng gạo ngồi dậy. Tôi chỉ thấy những bóng đen mờ nhoẹt lọt qua khung cửa, không hiểu họ nhốn nháo nói gì.
– Đưa lá thơ cho cậu.
Cậu tôi bước tới, cẩn thận gỡ từng ngón tay tôi đang bóp chặt tờ giấy đôi vở tập, cậu vừa vuốt cho thẳng vừa bước ra sân cho có ánh sáng. Mợ tôi ngồi xuống kế bên ôm chặt vai tôi:
– Con có chuyện gì, cho cậu mợ biết. Ba má tụi con nhờ cậu mợ săn sóc cho các con.
Tôi bình tỉnh trở lại nhưng chỉ trả lời mợ tôi bằng im lặng. Hồi lâu, cậu tôi bước vào và đuổi mấy em tôi về bên nhà. Mợ tôi đứng lên nhường chỗ cho cậu, vừa vỗ vai cậu nói:
– Cậu đọc lá thơ rất kỷ, bạn con nói nghe tội nghiệp lắm. Để mai mốt cậu mợ tìm cách gặp riêng cô ta.
Tôi không hy vọng cái ngày mai mốt đó, dù biết rằng cậu mợ sẽ làm bất cứ điều gì tôi muốn. Từ lâu, tôi biết ba của H là một công chức cao cấp của văn phòng tỉnh trưởng thì khó mà tiếp xúc người gia đình của người ta. Cô tiên bé nhỏ của tôi không còn phất phơ trên xe đạp hàng ngày trên con đường riêng tôi nửa. Bây giờ nàng là tiểu thư trần giới khuê môn bất xuất, mỗi bữa đi về trên xe có tài xế riêng. Thời gian nửa năm gặp lại H, tôi rất vui nhưng cũng tự biết đang mang sẵn nổi buồn sâu lắng, luôn đối diện với khoảng cách khắc nghiệt do con người đặt ra cho con người.
Như chiếc lá khô rơi trên dòng suối, tôi mặc cho dòng đời cuốn trôi hững hờ hay dữ dội. Dù thang thang nơi nào, tôi vẫn ngó về chốn cũ với những niềm vui còn lưng lững. Lưu giữ trong ký ức những âm thanh ồn ào của một bầy học trò chúng tôi, những tiếng guốc gỗ rộn rã khua trộn trên đường của đám con gái sau buổi tan trường. Những tiếng cười dòn dả vô tư, những tiếng hét như ngỗng kêu kháp kháp của tụi con trai mới bể tiếng. Những tiếng trả lời nhẹ như gió của vài cô bạn có tính thẹn thùng.
Kỹ niệm ngày xưa cũ, vẫn còn âm vang mãi.
(Hết Phần 2)
Một Lúa
Hic hic …
Một cuộc tình buồn ! Tan rồi họp , niềm vui chưa được trọn vẹn thì bỗng dưng có một đám mây đen xám xịt và một cơn mưa lệ buồn rơi rơi mãi.
Anh Một Lúa ơi ! rùi sao nửa ? có tí nào hi vọng còn gặp lại cô tiên đó không anh ?Hãy kể tiếp nhanh nhanh anh nhé
Nghe Một Lúa kể chuyện này anh còn buồn hơn em nữa đấy Phan Lương ạ…Không biết Một Lúa “on bon phi nal” lúc nào…Nhưng anh dự đoán là ‘ tình chỉ đẹp khi còn dang dở” …Phan Lương ơi!!!.
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Tình vui hơn khi mang xe đến chở em dìa
Hihi
Ai cũng nói trái đất tròn. Chịu khó đi mỏi chân rồi cũng gặp lại mà. Hehe
Phần nầy hơi rắc rối rồi đây , tội nghiệp tác giả quá Không có tình yêu cũng khổ, tình bị chia xa cũng khổ Chắc như anh Phú Thạnh nói, ‘ ‘Tình chỉ đẹp khi còn dang dở ?”
Không yêu cũng lỗ, yêu nhiều cũng khổ. Muốn không lỗ, không khổ, được bổ, thì thường xuyên đãi người yêu ăn sâm bổ lượng ở Miếu Quốc Công. Hihi
Anh Thạnh ui! tình dang dỡ mà đẹp cái gì, nó buồn thúi ruột, thúi gan …hic hic… đối với em thì ” tình chỉ đẹp khi đã vẹn câu thề” …hi hi…và lúc nào cũng đẹp: ” Tình là tình thủy chung…” còn quơ đầu này, chụp đầu kia, để lấp khoảng trống tâm hồn, là “Tình là tình thiếu thốn” hi hi…
Ha ha … con nhỏ PR dốt mà bì đặt mần thơ
Phi Rom ơi, khi đọc bài viết này của Một Lúa , anh nhập vai anh chàng Lộc (bạn của Lúa ?) nên rất lo buồn và hồi hồi hộp không biết câu chuyện tình thơ mộng này kết cuộc ra sao! Vì nghe tình hình Lúa kể, anh chỉ sợ duyên không thành mà đành dang dỡ thôi…Cho nên anh chỉ dự đoán trong sự lo lắng và tự an ủi trong trường hợp xấu nhất ấy mà. Còn quơ và chụp như em nói thì đâu phải là yêu mà sợ khổ!.Tiếc là hôm em về VL ăn hủ tiếu,anh không được gặp em để cà phê tâm sự gì cả. Hẹn em Sài gòn vậy. Chúc em luôn có nhiều niềm vui, trẻ khỏe và yêu đời mãi nha…(Hôm Sinh Nhật lần 2,thấy em mệt dữ a…Cám ơn em nhiều.).
Công nhận anh Một Lúa viết chuyện quá ư là hấp dẫn , hì hì ! Mắc cười ghê , muốn nắm tay người ta mà cưả rào chưa mở , thiệt là lúng ta lúng túng , mà gây tình tiết hấp dẫn , gây tò mò , thu hút độc giả à nhe , công nhận anh Một Lúa có lối kể chuyện quá ư là độc đáo . Vui và buồn thấm thiá va lo sợ ! Nếu một mai em đã đi rồi ! Anh sẽ buồn thiủ buồn thiu ! hu! hu! hu!