Những chiếc lon nhôm

Ngày đăng: 30/07/2014 02:34:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Hồi lúc còn nghèo cơm hẫm cháo thiu, đời sống hai vợ chồng cực ơi là cực, thì hôm sớm có nhau, khi có chút hơi hám của đồng tiền thì người ta học đòi thói trăng hoa.Giàu đổi bạn sang đổi vợ. Đó là tình cảnh của gia đình vợ chồng chị Gấm. Từ ngày thằng Bần con anh chị gởi tiền về mua được 10 công chôm chôm ở Phú Đa. Căn chòi ngày xưa chỉ để làm nơi cho mối lái tới thu mua cây trái nhà anh chị. Anh Gấm đủng đỉnh với mọi người rồi sanh tật mèo mỡ với một bạn hàng người gốc Sài Gòn. Chuyện ban đầu xì xàm chẳng ai tin, nhưng một hôm chị Gấm về quê cha mẹ đẻ ở Phú Phụng, lúc đi chị nói sẽ ở vài bửa… không dè chị về sớm nên bắt gặp anh Gấm đang tò te với con bạn hàng ở trong phòng ngủ của hai vợ chồng chị. Chị làm dữ nhưng anh Gấm nài nỉ riết chị xụi lơ nhưng buồn lắm. Từ đó tình nghỉa giữa hai người lợt lạt dần. Còn anh Gấm thì quen hơi cứ tìm cách ăn vụn với con bạn hảng trẻ non, ổng a ổng ảnh…Cây nào không trái, gái nào không con. Con bạn hàng cấn thai với anh Gấm. Hai người quì gối xin chị bỏ qua vì dù sao cũng có thêm đứa con để hủ hỉ. Chị Gấm quyết chí không chịu và xách gói ra cái chòi lá ở. Đối với chị là không bao giờ chấp nhận chung chạ như vậy. Chị Gấm chỉ buồn cho cái số của mình sao lận đận, không gần con, gần chồng…

Cuối cùng chị qua Mỹ theo diện bão lảnh của thằng Bần con của chị. Chị muốn đi phức cho thật xa để không còn nghe ngóng gì về anh Gấm. Hôm mới qua Mỹ, đêm nằm trên chiếc nệm dầy nịt, êm thì có êm đó nhưng sao hầm nực cái lưng quá. Chị cứ xoay trở mình hoài, lớp thì nhớ nhà, lớp thì lạ chổ, chị nghĩ ngợi: Qua Mỹ sướng ích gì đây cà…?Buồn muốn chết luôn!

Lúc chị mới qua, con dâu chị cấn thai đứa con so, chị mừng mừng vì sắp có cháu nội ẫm.Tụi nó cưới nhau lâu rồi mà không dám đẻ con vì sợ bận bịu. Chị nhắc con nhỏ đi đứng cẩn thận và nhắc thằng con chị giử gìn chăn gối đề tránh hại cái thai. Chị tưởng tượng sau nầy có đứa cháu nội ẫm bồng chắc vui lắm.Tụi nó đi làm từ sáng đền chiều bỏ chị ở nhà một mình…Ngày ngày sao nó dài thường thượt.

Ở được vài tháng ăn toàn thức ăn bên nầy, mỗi ngày cứ thịt bò, gà…cá thì chỉ có loại cá xứ ngoài nầy, cá rô, cá trê , lòng tong đâu không  thấy. Gà thì thịt mềm rệu không dai như gà miềt vườn nơi quê nhà. Rau cỏ phải đi mua từng bó nhỏ…ở quê nhà làm gì phải tốn kém với mấy cái thứ nầy, ra sau nhà quơ cả nắm ….Chị thấy thèm thèm các món ăn nhà quê của mình như mắm kho, cá kho khô bỏ hành tiêu… Khi đến khu chợ Việt Nam chị để ý xem coi có cá mắm gì hay không? Chị vui mừng khi thấy được hủ mắm cá sặc làm ở Thái Lan. Chị mua đem về. Chỉ nghĩ nấu nồi mắm kho chắc thằng Bần ăn no bể bụng luôn. Chị mua thêm mớ rau cà, mớ cá đông lạnh chứ không có cá tươi.Về nhà chị bắt đầu nấu nồi canh mắm như hồi ở bên nhà.Nồi canh nấu xong bốc hơi thơm phức. Hôm nay thằng con chị về sớm.Vừa mở cửa ra nghe mùi nồi mắm kho nó ngạc nhiên lắm.Căn nhà kín mít nồng nặc mùi mắm. Nó vội mở các cửa sổ và nói với chị.

– Má ơi! ở bền nầy má tìm đâu ra mắm vậy…nấu hôi nhà lắm!

Chị cụt hứng vì cái mặt nhăn nhó của nó và nói:

-Thơm lừng như vầy mà mầy chê hôi hả? Để má dọn cơm ra hai má con mình ăn.

Thằng con chị không nở làm chị buồn nên nó ừ hử rồi vào phòng thay đồ. Hai má con đang ăn ngon lành thì con dâu mở cửa bước vào. Nghe mùi mắm kho nồng nặc cả phòng .Nó nôn ói, bụm miệng chạy vào phòng tắm ói mửa. Ban đầu chị chỉ nghỉ cái thai hành nên nó mới như vậy, không ngờ khi nó bước ra phòng ăn với gương mặt hầm hừ hỏi thằng con chị: “Má nấu món gì cho anh ăn mà hôi thúi như vậy?

Thằng con chị sợ chị giận lại thêm sợ vợ cằn  nhằn nên nhẹ lời: “ Má lở nấu rồi… không ăn sợ má giân. Lần sau anh nói má không nấu nửa.”

Lần đó thằng con nói riêng với chị:Thôi má à…ở đây nhà kín mít, má nên nấu các món ăn đừng gây mùi hôi, vợ con cự nự lắm…

Chuyện nấu ăn đã làm sức mẻ tình cảm giửa chị và con dâu, cả đến cái thằng con ngày xưa ưa ăn mắm của chị nữa….Buồn lòng lắm, biết vậy chị  không thèm qua đây làm gì cho mệt trí, ăn mà cũng kén chọn…chê hôi, chê thúi…Ở trong nhà hỏng được thì đem ra sau nhà để nấu. Không biết cớ gì cứ lâu lâu là chị đâm thèm các món mà chị nấu nướng như hồi ở quê nhà quá trời…Nghỉ vây chị mua cái lò điện nhỏ đem ra bên ngoài mái hiên phía sau nhà để nấu các món riêng cho chị ăn. Đâu đó vài bửa sau thằng con bị nhà người Mỹ trắng kế bên than phiền mùi hôi thúi xong qua nhà nó.Thằng con lại năn nỉ chị đừng nấu bên ngoài vì hàng xóm khíêu nại…nó chỉ nói là họ sợ cháy nhà chứ không dám nói mùi hôi của thức ăn mà chị nấu…Chị buồn và càu nhàu một mình: Nấu ăn nhà mình mắc mớ gì mà khíếu nại.Chị nghĩ không ra cái xứ gì mà kỳ quá trời…tự do…văn minh ở chỗ nào đâu!

Còn mấy chuyện khác nữa. Chị vốn người cẩn thận và kim chỉ nên mấy chiếc lon nhôm thằng con uống bia chị gom một đống ở gốc nhà sau. Các bao ni lông đi chợ về xong chị vuốt vuốt gói lại một bao lớn. Lon nhôm đem bán cũng được vài chục mỗi tháng. Các bao ni lông gói rác khỏi mua bao rác….Chị hà tiện như vậy mà thằng con cứ cằn nhằn chị là ba cái đồ bỏ đó mà giử làm gì cho chật nhà…

Ở lâu chừng vài tháng kế tiếp, chị thấy con dâu và thằng con của chị có cái gì đó hơi lục đục. Đêm khuya có khi thức giấc chị đi tiểu nghe tụi nó cải cọ trong phòng. Chị nghi là có chuyện gì đây hỏng biết, nên gạn hỏi riết thằng con của chị.Cuối cùng nó nói:Vợ con muốn mướn nhà riêng cho má ở… còn không thì nó đi ra ở riêng…Chị đứng trơ như trời trồng.

Nhưng rồi mọi chuyện cũng đến hồi kết cuộc. Để con cái không hụt hặt chị đành gạt nước mắt ra ở riêng. Chị nghĩ ngợi, chắc đây cũng là cái nghiệp chướng vì hồi đó chỉ cũng bỏ mặt nó khi mới 11, 12 tuổi đầu cho người bà con trên chuyến đò chở khách…! Rồi nó trôi dạt qua xứ nầy cũng chỉ một mình  sống với  người lạ…Thôi thì cũng là quả báo!

Căn hộ của chị ở là khu chung cư dành cho người già ở. Chỉ cũng tuổi gần lục tuần rồi. Mọi chi phí thằng con chị lo và còn cho chị mỗi tháng vài trăm đồng để tiêu xài.Ơ căn phòng một mình chị buồn tủi vô cùng. Chị nói với thằng con cho chị về lại Việt Nam ở. Cái số của chị chắc sống một mình chứ không được ở với ai lâu.Nhưng nó nài nỉ và không cho chị về.

Ở chung cư được ít lâu, chị  quen một bà cũng  bị con cái đẩy ra như chị. Bà nầy bày cho chị cùng đi quanh quẩn các khu chợ để kiếm lon nhôm trong các thùng rác.Tiền bán được gởi về tặng cho trại nuôi trẻ mồ côi ở Việt Nam.Thấy công việc từ thiện lại suốt ngày đở nằm không, khỏi lo nghĩ vẫn vơ mà đâm buồn nên chị và bà bạn cứ suốt ngày đi quanh quẩn các khu thương mại, chợ búa..

Môt hôm thằng con của chị được cảnh sát báo là chị bị xe đụng lúc quảy bao lon nhôm băng ngang đường.Nó tức tốc lái xe chạy đến nơi xảy ra tai nạn.Chị được đưa lên chiếc cáng cứu thương…các lon nhôm còn văng tung toé trên mặt đường. Thằng con bước đến hỏi: Má ơi! Má ơi!Má có sao không má?.Chị rưng rưng nước mắt nhìn nó và nói:Con lượm mấy cái lon nhôm cho má.Má còn một bao lớn để ở phòng má chưa bán được. Con bán dùm má và gởi tiền về cho hội nuôi trẻ mồ côi ở Việt nam! Chị được đưa lên xe cứu thương hú còi chạy mất.Thằng Bần đi gom mớ lon trên mặt đường bỏ lên xe của mình, rồi khóc. Nó kêu: Má ơi! Má ơi…! nghèn nghẹn trong cổ họng.

Đối với những người trẻ như thằng Bần thường thích nghi với đời sống bên ngoài nầy mau chóng. Người lớn tuổi như chị Gấm thì chân đi bên nầy mà hồn cứ hướng vọng về quê hương với bao kỷ niệm và thói quen. Quê hương luôn ở trong tâm hồn chị.

 

Huỳnh Tâm Hoài

IMG_0917 ảnh minh họa

Có 14 bình luận về Những chiếc lon nhôm

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Đọc truyện ngắn của HTH, tui thấy toát lên tính nhân văn. Nhưng bạn ( anh, chị ) HTH ơi ! Không riêng gì ở xứ người đâu. Ngay cả ở xứ ta , nếu không cố giữ gìn ( tôi không đề cập đến giáo dục )  truyền thống thì mai kia, tôi, bạn và nhiều bạn già khác  cũng lâm vào tình cảnh như chị Gấm !

  2. Hoành Châu nói:

    Cuộc đời chị Gấm quá khổ rồi, ” tiến thoái lưỡng nan “. Đúng như anh Nguyễn vân Lần nói không chỉ  trong xã hội Mỹ mà ngay trong xứ ta nếu không giáo dục con cái đúng mức , nhiều tệ trạng  cũng có thể xảy ra .phần này nhiều phụ huynh  cần nên suy gẫm  để thấy được tầm quan trọng của giáo dục trong gia đình ( khi mà mọi thông tin giáo dục ĐÚNG~SAI đều tràn ngập các trang mạng ảnh hưởng vô củng sâu rộng đến tăm hồn non nớt của trẻ, thật khó tránh khỏi. Chúc tác giả Huỳnh Tâm Hoài luôn tươi vui,yên bình trong cuộc sống Sáng tác thêm  nữa anh nhé, Em Hoành Châu chờ đọc .

  3. HOA ĐĂNG nói:

    Dọc bài những chiếc lon nhôm sao cứ thấy lòng mình lặng xuống, một nỗi u uất cho tấm lòng một người mẹ xa xứ…Biết nói sao khi người mẹ không còn cơ hội về lại quê hương, một nỗi lòng nặng trĩu của người xa xứ, bây giờ tôi mới hiểu tại sao bạn bè gọi về cứ bảo là nhớ quê nhà không sao tả xiết không như lúc chuẩn bị ra đi nó vui như thế nào. đây có thể là lời nhắc nhở cho những ai còn mong ước dược đi xa để trốn cái nghèo hiện tại.

  4. Một Lúa nói:

    Kính chào anh Huỳnh Tâm Hoài,

    Bài anh viết lột tả một phần sự xung đột giữa hai thế hệ. Đọc xong buồn 6 phút 40 giây.

    Tui biết thân nên tự vác hồi khuya, dù không nhẹ lắm.

    Thứ nhất là bỏ thuốc hút cái rụp sau 18 năm khói lửa nghiện cấp 1 (cách nay 1 góc tư của 100 năm)

    Thứ nhì là bỏ tổ chức ăn nhậu tại nhà, hoặc nhà bạn, đến tàn canh sương tuyết, đám tiệc thì chỉ dô dài de rồi dọt (sau việc bỏ thuốc lá vài năm)

    Thứ ba là bỏ dần các món đặc sản truyền thống (dù chưa cao máu) khoảng 15 năm trước.

    Bất cứ tập thể nào, mỗi người nhường nhau nửa bước thì sẽ thấy trời cao biển rộng sông dài lộ lớn. hihi

    Nếu bà Gấm có nghe câu tiếu lâm hài kịch “Con đặt đâu…” và dùng thử, thì gia đình họ có lẽ vui hơn.

    • Phi Rom nói:

      Anh Một Lúa à! thật là hoan nghinh anh đã bỏ hút thuốc  sau 18 năm nghiện ngập cấp 1, còn cấp 2 là gì?…hút thuốc có bề dầy về thời gian dữ ha,  mà từ giã được khói…xin bái phục! bái phục!… đáng cấp bằng khen, treo ở bếp …hi hi…

      • Một Lúa nói:

        Cô 6 PhiRom,

        Theo hệ thống y tế ấp 5.  Nghiện cấp 1 là hít dưới 10 điếu/ 24 tiếng, cấp 2 từ 10 đến 20…

        Cám ơn cô 6 khen. Thưởng vụ tự vác thì Lúa nhận để treo giàn bếp cho vui, còn nếu thưởng cho tự giác thì chưa bao giờ Lúa biết, nên không dám lãnh. hehe

  5. Nguyễn Văn Lần nói:

    Anh bạn già Một Lúa ơi ! Mừng cho anh. Tui thì chưa bỏ được món nào hết. Hút sách, rượu ( không có chè ), 2 bức kia trong tứ đổ tường thì không biết ( nếu biết thì không biết có bỏ được không ), nhưng có lẽ ở tuổi nầy thì tự bỏ, không gì phải con cháu khuyên. Thỉnh thoảng, đến nhà con thăm cháu, tui nó cũng có hơi cằn nhằn chút đỉnh, nhất là khoản hút thuốc, cháu nội ngoại nói : nội ( ngoại ) đừng hút thuốc gần trẻ con ( quá đúng ). Nhưng đến nhà tụi nó chưa được 1 tuần là cả Lần đã về nhà ở Tam Bình với bà ấy rồi ! Nhà tui tui ở, tui tự làm, tự ăn, tự chịu, không cần gì đến sự nhắc nhỡ của con trai, con gái, dâu, rể, cháu nội, ngoại. Nói đến đây tui nhớ ông chú tui hồi xưa có 3 bà vợ ở chung nhà, 3 dòng con, các cháu nội ( 3 thế hệ ) sống chung hòa thuận. Xin bái phục ! Bái phục ! Quyển sách đó lâu quá, thất truyền rùi !

    • Một Lúa nói:

      Anh Cả ui,

      Tui tạm đủ ăn và dư chỗ ở. Nhưng chỉ lo hai khỉ già ngồi nhăn nhó một mình thui.

      Tụi nhỏ vẫn coi mình như Captain, nhưng không chấp nhận “phụ xử tử vong…”

      Anh mới là người tui khâm phục và học hỏi về nhiều mặt.

  6. hoàng Hưng nói:

    Tôi đã đọc một đoạn văn viết như thế này: “Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh.Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều?  Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ. Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy.

  7. nguyen thi anh tuyet nói:

    Nhân muà Vu lan  mà đọc bài viết naỳ sao cũng bỗng rưng rưng.Nói gì đây…

  8. Nguyen Thi Hanh nói:

    Tác giả Huỳnh Tâm Hoài đưa ra vấn đề muôn thuở của gia đình , của xã hội , nhất là trong xã hội hiện đại : sự khác biệt , cách biệt ngày càng lớn giữa cách sống , thái độ sống , nếp nghĩ của 2 thế hệ xưa – nay , cũ – mới và cả không gian sống Tây – Đông …

    Tôi cũng đã từng đọc , nghe kể , biết về những trường hợp , hoàn cảnh như bà Gấm  ở nước ngoài có , ở nước ta có …

    Thường khi không tìm ra được đâu là nguyên nhân mấu chốt gây ra một hoàn cảnh như vậy , tôi hay đổ cho cái số phận , cái nghiệp chướng !

    Đọc truyện thấy ngậm ngùi thương cảm !

  9. Phi Rom nói:

    Đọc bài của anh Huỳnh Tâm Hoài, rất hay, nội dung sâu sắc, phản ảnh đúng hiện trạng xã hội và con người, cuộc sống là như thế, nếu là tôi, tôi cố nhịn thèm, dù là món quê hương, vì thương con, luôn giữ hạnh phúc cho con mình, không thể trách dâu được, nhà kín mà có mùi gì thì không thể thoát ra được, nhất là món mắn thú thật tôi cũng rất ghiền ăn, nhưng khi nấu mùi của nó thoát ra, đúng là không thể chịu nổi, nhà kín mít, có khi cả 1 tuần lễ chưa hết mùi, nếu tôi là chị Gấm, dù thèm cách mấy tôi cũng không ăn, để tạo không khí hòa thuận, đầm ấm trong gia đình, mà không xử sự đến nổi phải ra ngoài sống, xa con mình buồn lắm, nhất là ở xứ lạ, quê người. Tôi được thưởng thức một bài tâm lý xã hội rất nhẹ nhàng, cám ơn anh Huỳnh Tâm Hoài.

  10. tamhoai nói:

    Bài mới lên trang nhà mà được các bạn đọc và phản ảnh cãm nghĩ…tôi rất vui và cám ơn sự chia sẻ của các bạn.Truyện về chị Gấm và thằng Bần còn diển tiến. Tôi sẽ viết tiếp để các bạn trang nhà cùng đọc. Quý mến.HTH

  11. Lê Liên nói:

    Đọc truyện ngắn này lòng ta chùng xuống!

    Chuyện thay vợ đổi chồng là chuyện thường tình ở XH ta ngày nay. Chuyện con cái ruồng rẫy Cha Mẹ cũng có nhiều! Đạo Đức suy đồi! Ôi nhiêu khê lắm!

    Nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều tấm gương Hiếu Thảo, Thương người!

    Cảm ơn bạn Huỳnh Tâm Hoài đã cho đọc một truyện ngắn đầy thương tâm. LL cảm thấy thương cả thằng Bần khi nó vô phương thuyết phục vợ, để giữ Mẹ ở lại trong nhà mà phụng dưỡng. XH phương Tây là thế! Buồn quá, phải không các bạn? Còn XH ta, nếu không có phương pháp quản lý , giáo dục mới, thì e rằng lớp trẻ sống trong thế giới ảo, đánh mất hết tình người.

    Mến chúc bạn Huynh Tâm Hoài luôn An Vui và có nhiều sáng tác mới

    Thân Ái,

    Lê Liên

Trả lời Nguyễn Văn Lần Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác