CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ.
Dạo này, tôi có vẻ chạy theo thương hiệu ” sướt mướt” quá đà, nên một bạn phone đến mắng vốn” trời đã mưa hoài rầu muốn chết, mà đọc toàn yêu yêu, nhớ nhớ, thương thương hoài , hổng chịu nổi qua con trăng này “! Tôi tự kiểm lại mình và hứa hôm nay sẽ viết một bài không buồn, nếu có buồn thì chỉ là buồn…cười chút thôi.
Và cũng lại là một câu chuyện ngày xửa ngày xưa.
Hôm qua, Như Thùy – một bạn nữ chưa quen, qua những bài tôi viết trên một trang web của Trường cũ, có nhắn cho tôi rằng : lâu lắm rồi mới gặp lại Cô Bắc kỳ nho nhỏ của Tống phước hiệp ngày xưa và nhắc lại hình ảnh tôi thuở ấy mà bạn còn nhớ. Lời của Thùy khiến tôi vô cùng xúc động và chợt nhớ về bao nhiêu ký ức êm đềm về một thời là Cô Bắc kỳ nho nhỏ lạc đến xứ thần tiên…Vĩnh long.
Gia đình tôi từ Banmethuot chuyển về Vĩnh long năm tôi tám tuổi, tôi được vào học lớp Ba trường Nữ tỉnh lỵ. Hồi đó trường ở miền Tây Nam bộ rất ít học sinh người Bắc nên khi mới vào, bạn trong lớp khó nghe nổi tôi nói gì và ngược lại. Nhưng cô giáo thì thường kêu tôi đọc một lần bài chính tả trước khi cô đọc cho cả lớp chép vì giọng Bắc ” chuẩn không cần chỉnh ” của mình. Lâu rồi mọi người cũng quen dần. Dạo ấy, nhà tôi ở đường Lê Văn Duyệt, gần miếu Bảy bà, hàng ngày đi bộ đến trường khá gần trên con đường ngắn trồng toàn cây bã đậu rợp lá xanh mướt. Tôi không nhớ nhiều về thời tiểu học, ngoại trừ những kỷ niệm về cô bạn thân tên Mạc Thị Lan Hương, tóc cắt ngắn như tóc con trai ( hiếm có lúc bấy giờ), có đôi mắt to tròn rất dễ thương. Nhà Hương ở gần cầu Khưu Văn Ba trên đường Đồng Khánh phía hướng về cầu Công xi heo. Nhà Hương có khu vườn rộng, với nhiều cây mận, cây soài cổ thụ. Tôi hay đi bộ đến chơi cả buổi không chán. Hương có hai anh trai, một anh lớn hơn tụi tôi vài tuổi, 11 hay 12 tuổi gì đó. Hình như, tôi thấy thinh thích anh này vì anh rất chiều hai đứa, hay leo lên hái traí cây cho ăn. Thỉnh thoảng, anh lén nhìn tôi, chắc vì tôi ham ăn quá. Tôi cũng thoáng mắc cở, nhưng lần sau vẫn ăn nhiều. Hương kể , anh nó bảo thích nghe tôi nói chuyện, giọng Bắc ngộ ngộ. Tôi cũng không hiểu sao khi lên trung học tụi tôi lại không còn chơi thân nữa, hình như sau này gia đình Hương chuyển đi đâu đó!?
Rồi tôi thi đậu vào lớp Đệ thất trường Tống phước Hiệp năm 11 tuổi, chọn Anh văn là sinh ngữ. Học với nhiều thầy cô nhưng tôi chỉ còn nhớ rõ về cô Phương Phi dạy Anh văn, và thầy Trần Minh Chính dạy Lý Hóa, nhất là thầy Chính. Thầy người Bắc, dáng cao gầy, trắng, môi đỏ và đeo kính cận. Tụi trong lớp nói, tôi và thầy giống hai anh em. Thầy rất cưng tôi vì tôi học giỏi môn của thầy, và có lẽ một phần vì tôi là cô học trò người Bắc hiếm hoi. Trong lòng tôi, thầy Chính là hình ảnh thần tưọng đầu đời.
Thi xong đệ nhất lục cá nguyệt thì đến Giáng sinh, đêm đó tôi cùng mấy bạn trong lớp cũng học đòi rủ nhau đi xem lễ Noel ở nhà thờ Chánh tòa VL. Đêm về tôi bị sốt mê man, rồi bệnh nhiều ngày liền, đi đủ các bác sĩ Tây ta, thầy lang nổi tiếng trong tỉnh nhưng không khỏi, cuối cùng phải vào nhà thương nằm gần nửa năm trời. Hồi đó, bác sĩ Giản, Giám đốc bệnh viện trực tiếp điều trị cho tôi, cũng không nói tôi bịnh gì, chỉ sốt hoài không dứt. Bây giờ, tôi biết đó là bệnh nhiễm trùng máu, ngày ấy y học chưa phát triển và do thể trạng tôi yếu nên lâu hết. Về sau, bác sĩ Giản bảo, may mà tôi qua khỏi.
Thế là, tôi bỏ mất nửa niên khóa và không dự kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt. Theo quy định của trường, tôi phải ở lại lớp, không bị đuổi học vì có lý do chính đáng. Vừa mới bình phục, tôi lại rất buồn vì không được lên lớp. Tuy nhiên, do kết quả kỳ thi đệ nhất LCN của tôi xuất sắc, cộng đề nghị của Giáo sư hướng dẫn cùng các thầy cô khác, tôi được. Trường xem xét cho thi lại 4 môn học chính : Viêt văn, Anh văn, Toán, Lý Hóa. Dù mới bệnh xong, tôi phải lo học miệt mài. Việt văn thì tôi không lo, tự học theo sách giáo khoa, tả tình tả cảnh tôi cũng có chút năng khiếu. Anh văn cũng vậy, thêm anh tôi dạy kèm. Riêng Toán Lý Hóa thật gay go, thầy Chính đã tự nguyện dạy thêm cho tôi cấp tốc nửa tháng ngoài giờ . Đây là lò luyện thi bao đậu 100% vì cho ôn thi sát đề thi, mà người ra đề là thầy. Rồi cũng có một kỳ thi lại chỉ với một thí sinh thi hết 4 môn một buổi. Kết quả có 1/1 thí sinh đậu, tôi được lên đệ lục. Hình như các thầy cô đều cho đề thi không quá khó!
Tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn nhà trường và các thầy cô của tôi đã chiếu cố tôi lúc ấy, chả biết có phải là ngoại lệ? Đặc biệt , từ đó đối với tôi thầy Chính là hình ảnh một thiên thần. Rất buồn qua năm học sau, thầy lại chuyển về Saigon.
Không hiểu có phải vì thế chăng mà cho đến hết thời trung học tại TPH, tôi có thêm hai thiên thần nữa mang dáng dấp của thầy Chính, là thầy Chuân và AQ. Cả ba đều cao gầy, thư sinh, dịu dàng , đeo kính cận và viết chữ rất đẹp ( À, thiên thần thứ ba AQ chữ không đẹp lắm vì chẳng fải thầy của tôi ).
Thời đó, có một bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy phổ nhạc khá nổi tiếng trong giới trẻ , có câu “cô Bắc kỳ nho nhỏ tóc demi garcon ( do bàn phím thiếu chữ c có móc chân nên không viết đúng được chữ garcon theo tiếng Pháp). Demi garcon là kiểu cắt tóc cao như con trai mà hồi ấy có một số cô gái nhỏ yêu thích.
Nhưng tóc tôi ngày ấy, là demi lửng lơ chỉ chấm ngang vai, theo kiểu ” tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.”
Tôi rất cảm ơn Như Thùy, đã gợi tôi hồi tưởng về những kỷ niệm êm đềm tươi đẹp thời thơ ấu ở Vĩnh Long, cùng ngôi trường thân yêu, lúc còn là một cô Bắc kỳ nho nhỏ ngây thơ nhiều mơ mộng. Cám ơn Như Thùy vẫn còn nhớ đến tôi. Yesterday, once more.
Nguyễn Thị Đức Tính
Lời thêm
Tối qua, trước khi viết bài này, khi đi uống nước với mấy anh chị bên trang web trường cũ , tôi có tò mò hỏi về Như Thùy, tình cờ chị H, lại có số phone của Thùy, chị bấm số và đưa máy cho tôi nói .
Tôi : Thùy có biết là ai không ?
Thùy : Chị ĐT phải không !
Tôi : Sao Thùy biết ?
Thùy : Em vẫn nhớ giọng của Cô Bắc kỳ nho nhỏ.
Tôi : Hồi đó mình không quen nhau, cũng chưa từng nói chuyện với Thùy, sao em nhớ.
Thùy : Em đứng gần, nghe chị nói chuyện với người khác.
Tôi : Thùy ơi đã hơn 40 rồi đó.
Tôi có thể không khóc được chăng ! Và tôi được biết ngày xưa, Thùy học TPH , sau tôi hai lớp.
Chị 11 đã đọc bài viết này của Như Thường trên Facebook và đã gõ Like rồi . Cho nên khi đọc lại trên trang nhà mình , chị 11 cũng ok y như vậy , chẳng biết nói gì thêm.
Như em Út Hoàng Hưng đã nói , em là một trong những viên ngọc lấp lánh trên trang nhà mình . Hết ý em ạ !
Ủa chị Hanh, cho em làm bạn voi chi trên fb đi, em đau biet chi mà tìm hihi
Em 15 ,
Tôi lại về quê ngoại yêu thương
Ôi quê hương của một thời trẻ dại
MỸ AN HƯNG ! MỸ AN HƯNG
Xa xôi vẫn nghe lòng nhớ mãi …
Chị trả lời câu hỏi của Cô Bắc kỳ nho nhỏ rồi đấy nhé !
Chị 11 Hạnh của em oi, em nhận ra chị trên fb rồi nhờ hình ảnh của chị , vẫn diu dàng như ngày nào cách đây hơn 40 năm. Em cám ơn nhg ưu ái chị dành cho em.
Hồi đó lên Sài Gòn học chung với nhiều cô gái Bắc. Có một lần nói với chị Hoa 51, những cô học chung lớp ở Sài Gòn nói chuyện ngọt hơn những cô học chung lớp Tống phước Hiệp Vĩnh Long. Chị Hoa 51 trả lời, Ơ mà! những cô học chung ở Tống phước Hiệp Vĩnh Long dể thương hơn. Chị Hoa 51 nói đúng, những cô học chung ở Tống phước Hiệp Vĩnh Long dể thương hơn, cũng như chị Đặng Huệ, nhưng mà thương đâu có dể.
Anh Hoàng Hưng ui, t nghe một câu rằng ” cái đẹp của người phụ nữ nằm trong đôi mắt của người đàn ông”, nên t cũng xin phép sửa lại rằng ” cái hay của giọng nói thuộc vào đôi tai của người yêu họ”, nen cũng khó xác định chuyen này lắm anh Hưng ạ. Hi
Đọc qua bài viết của Đức Tính tôi không định có ý kiến, tại vì tôi có dính dáng gì với THTPHVL đâu mà biết, chỉ có chút ngậm ngùi và thắc mắc vì sao Đức Tính gốc người Banmethuot mà tự cho là “cô Bắc kỳ nho nhỏ”. Nhắc tới BMT (Phố núi) tôi chợt nhớ năm đi trại sáng tác Gia Lai – Kon Tum – Bình Định tôi có làm bài thơ ngắn in trong tập BẾN, chép ra đây tặng ĐT cùng ACE trang nhà.
Phố núi
Chầm chậm tối
Chạm chân phố núi
Không ai đưa ta về Buôn Đôn
Ở đó cầu treo vắt suối
Voi nhớ Lá rừng dưới chân.
Phong Tâm
Anh Bang Chủ thân mến
Và Chị Bắc Kỳ Nho Nhỏ
Hôm nào sẽ viết một bài ngăn ngắn về “phố núi cao phố núi đầy sương” Vernonia, na ná giống như Ban Mê Thuột.
Tiếc là không có voi, nhưng lá rừng thì tràn ngập. Tuy vậy ở đó có sư tử….
Chờ lắm đó Phuong Nga, lâu lắm chưa thấy Nga viết gì hihi
Anh Phong Tam oi, cảm ơn anh đã quan tâm đên bài viết, gia đình em là người bắc, ba em hồi đó là công chức nên chuyển công tác lên Banmethuot thôi ,sau lại về vinhlong. Anh ạ.
Anh Phong Tâm ơi, lại là Như Thuỳ đây !
Chị Đức Tính không tự cho mình là CÔ BẮC KỲ NHO NHỎ đâu, mà là em gọi đó chớ . Ngày xưa, khi học ở Tống Phước Hiệp, em là fan của hai nhân vật nổi tiếng trong trường : một là chị Đức Tính, nổi tiếng văn hay chữ tốt ( làm trưởng ban Báo chí ); hai là chị Thanh Trúc , nổi tiếng xinh đẹp . Vì mê hai chị nên mỗi khi hai chị xuất hiện là bọn nhỏ tụi em tìm cách lân la . Lúc đó chị Đức Tính có quá nhiều vệ tinh vây quanh ( chính chị cũng đã xác nhận trong một bài viết gấn đây..hi!hi! ), nên đâu chú ý gì đến đám nhỏ nầy . Cũng nhờ những lần “lân la dòm ngó” đó mà em nghe chị nói tiếng Bắc, và cụm từ rất hot xuất hiện từ tên bài hát Cô Bắc kỳ nho nhỏ ( thơ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy phổ nhạc ) đã được em dành cho chị .
Em cũng như chị Đức Tính, quê không ở Vĩnh Long nhưng đã có những năm tháng “không thể nào quên” dưới cùng một mái trường, nên được gặp lại nhau ( dù chỉ mới trong thế giới ảo ) cũng đủ mừng vui lắm .
Với em, cái tên Đức Tính không chỉ gợi nhớ một cá nhân mà còn gợi nhớ một nơi chốn, một vùng kỷ niệm, một ngôi trường….!
Buổi sáng thức giấc, đọc phản hồi của Như Thùy thấy lòng xúc động và ấm áp lạ thường, cảm ơn Như Thùy nhiều lắm. Bài viêt này từ cảm xúc từ Như Thùy, cũn muốn gửi đến em nên mượn trang nhà làm cầu nối. Chị có dám nhận mình có nhiều vệ tinh gì đâu, chỉ là kể lại những tình cảm vu vơ thời làm học trò TPH thôi, ngôi trường đã ghi dấu một thời thơ ấu êm đềm thơ mộng. Cảm ơn nơi đó đã cho ĐT được có nhung bạn bè thân mến, và cảm ơn Trang nhà đã giúp T có thêm nhiều ace thân thương, cũng như cô em Như Thùy yêu dấu của chị đây. Chúc em một ngày Chu nhật tươi đẹp nhé.
Anh Phong Tâm, em cảm ơn bài thơ anh gửi cho em và ace trang nhà, chỉ mấy câu ngắn mà rất nên thơ và hàm chứa nhiều cảm xúc, em rất thích Em xin lỗi được muốn biết quê anh o đâu ạ. Kính.
Lại anh Phong Tâm ơi,
Em mãi mê về chị Đức Tính mà chưa nói là PHỐ NÚI của anh rất tuyệt . Bài thơ ngắn, chỉ năm câu, nhưng nhịp điệu, từ dùng, và âm trắc chủ trong toàn bài đã gói được hồn của thành phố cao nguyen Không gian, thời gian, các đặc điểm sinh thái….và cả cảm giác của du khách trong buổi đầu đước chân đến Ban mê nữa, đã được anh thể hiện “quoá” tài tình .
( Chỉ cho em hỏi nhỏ, sau khi ở trại sáng tác lần đó về anh có mang theo thuốc ngâm rượu của Ama Kông ? ) Hi!hi!
Thân kính !
Cũng nói nhỏ với Như Thùy, vốn kỵ rượu mà PT bị nhà thơ Thanh Mừng, Lê Văn Ngăn… Hội vn Bình Định chào cho mấy cốc Bàu Đá xiểng niểng, đâu dám mở mắt ra tìm Amakông !
Đức Tính ơi, Tôi người Việt gốc Tre! (đùa chút) – Quê cha Bến Tre, quê mẹ Vũng Liêm VL.
Có thân quen nhiều bạn Bắc, Trung. Thích tiếng ( Bắc Kỳ ) vì trước đây dịp làm cầu nối cho phạmthịcúcvàng, ngânliên – clb thơ cung văn hóa lao động Sg giao lưu với hội VHNT/
BT. Các thành viên clb hơn 90% người Bắc, trao đổi với nhau họ luôn xưng hô “Bắc Kỳ” nghe rất vui và gần gũi.
Phương Nga, Chờ đọc bài ” phố núi cao phố núi đầy sương ” PN nhớ đứng ngoài lưới viết, đừng quên đứng gần rất nguy hiểm…
NT nhớ có 1 vài câu hát như vầy nè :
Cô Bắc kỳ nho nhỏ
Tôi muốn cô em chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và chỉ có
Nhớ tôi , mỗi lúc tôi xa xôi…
Đúng là giọng nói cuả các cô gái Bắc rất là dễ thương. Riêng chị ĐT có giọng thương , mà lại viết văn dễ mến nưã . Chị ĐT à, chuyện vệ tinh vây quanh ái mộ ái nị cũng là chuyện nhỏ mà hé , cái chính là khắc ghi nơi chị nhiều kỷ niệm vui vẻ với bạn bè nhớ hoài vào thời yểu điệu thục nữ dưới mái trường Tống phải hong nè.!!! hihi.
Cảm ơn Nguyen tuyet nhạ, T chua bao giờ quên những kỷ niem êm đẹp thời hoc trò o TPH, đã cho T nhg tháng ngày thơ mộng, bạn bè yêu dấu, mà đến bây giờ trên trang nhà lại giúp T có thêm nhiều anh chị em trường cũ thật dễ thương, trong đó có Nguyen Tuyet, Phuong Nga, Nhu Thùy và nhiều nhiêu nữạ hihi