Hồi ức về thầy cô trường Tống Phước Hiệp
Góp phần với các bạn viết về các thầy cô dạy TPH ngày xưa vì thời gian còn lại quá ít ỏi , khi phần lớn các thầy cô đã U80 , thậm chí có người hơn thế nữa . Ôn lại chuyện xưa để ngậm ngùi phần tử thứ ba sau ma và quỷ . Nếu thầy cô có đọc được những dòng này xin mĩm cười vừa khoan dung vừa sảng khoái .
Tác giả năm 1974
I. Thầy cô đệ nhất cấp :
@Cô Hồng dạy Pháp văn năm tôi học đệ ngũ ( không biết họ của cô ), cô chú trọng nhiều đến cách chia động từ bất qui tắc . Cách cô giúp học trò nhuần nhuyển các động từ này là cô dành ra 15 phút mỗi lần cô có tiết dạy, học trò lấy giấy ra, chia một động từ bất qui tắc ở thì hiện tại , tương lai , quá khứ … , 5 học trò đầu tiên nộp bài và trúng hết sẽ được 20 điểm .
@Cô Lê thị Liêm dạy Việt văn và công dân : Tiết dạy môn công dân cô chọn vài đứa lên thực hành về cách giao tiếp , lần tôi được chọn để diễn kịch khi khách đến chơi nhà …
Tiết dạy văn thì cô chia lớp thành 6 nhóm , mỗi nhóm một trích đoạn trong truyện hay tiểu thuyết nổi tiếng , lúc đó nhóm của tôi bắt đề tài về ” ông Ba đi ghệt ” của Thế Lữ trong Vàng và Máu . Cả nhóm phân công và tôi là người thuyết trình , phần mở đầu tôi nói mà không cầm giấy đọc , cô vỗ tay khen ngợi và bài thuyết trình được 17 điểm .
@Thầy Linh Côn : Thầy người Bắc nhưng rất thật thà, chất phác , lớp tứ 2 của tôi thì hiền nên không phá thầy như lớp tứ 3 . Thầy thường mặc sơ mi tay ngắn , quần màu nhạt và lớp tứ 3 bôi phấn đỏ lên khắp mặt ghế , thầy vẫn vô tư ngồi lên để rồi cứ mỗi lần viết bảng quay lưng về phía học trò là tiếng cười rúc rích nổi lên . Lần khác thì bọn tôi dùng mảnh gương nhỏ , đặt vào nơi có ánh mặt trời dọi vào lớp, xoay kính sao cho tia phản chiếu nhảy nhót trên bảng thầy đang viết, thầy ngẩn người nhìn mà không hiểu vì sao ?!
II. Thầy cô đệ nhị cấp :
@ Thầy Trần Thanh Liêm dạy môn lý hóa, là giáo sư hường dẫn lớp tam A 1 chúng tôi . Thầy là một trong những giáo sư cao nhất trường và là giáo sư ăn mặc chỉnh chu nhất, người duy nhất thắt cravate đến lớp, vào mùa đông thì thầy mặc thêm áo vest . Thầy có thói quen vạch một chữ S nằm ngang dưới mỗi tựa bài , giữa là 2 chữ x . Nét chữ của thầy cũng phản ánh chiều cao của thầy : những chữ g , y đều kéo khá dài xuống dưới , những chữ h k ,l t, d đều kéo khá dài lên phía trên . Bài tập thầy cho khá hiểm hóc cầu kỳ ( tôi nghĩ lớp đệ tam thì không cần những bài tập phức tạp như thế ) . Lần đầu thầy cho bài tập vật lý – đề bài thầy đã cho ở lớp bán công tuần trước và tôi mới vừa đọc qua) , hẳn nhiên là tôi nhanh chóng giải ra . Thầy lướt một vòng từ trên xuống bàn chót nơi tôi ngồi , rồi phấn khích reo lên : A , người này giải ra rồi ! Kết quả là áp đặt tôi làm Trưởng ban học tập của lớp .
Thầy dùng cụm từ ” Oxy sơ sinh ” , và khá đắc ý khi dùng cụm từ này khi giảng về cơ chế tác dụng của nước javel( ? ) . Nhưng với nhiều thầy khác thì dùng cụm từ ” Oxy đang sinh ” . Đúng sai thì nhờ giáo sư lý hóa NHA ( đồng môn của thầy) giảng giúp .
@ Cô Lê thị Nguyệt Ánh : giáo sư Việt văn năm tôi học đệ tam . Lần đầu tiên cô xuất hiện trong sân trường , tất cả học sinh các lớp đều ùa ra hành lang ngắm nhìn cô :dáng mảnh mai , tóc dài đến thắt lưng , duyên dáng với khăn voan quàng trên cổ ( dù trời nóng muốn chết ), có bạn hét lên : cô đẹp quá cô ơi . Cô ngước lên mĩm cười , má hồng lên .
Nhưng khi học cô thì khá buồn vì rất khó kiếm được điểm trên trung bình . Một lần cô cho đề văn nghị luận ” Tôi sẽ nhìn nghiêng nếu bạn tôi một mắt ” Phát bài ra tôi cao điểm nhất 8,5/20 , cô dủa lớp 1 trận và bảo về nhà làm lại . Tôi chép lại y bài cũ vì không nghĩ thêm được ý gì mới . Bài phát ra lần này tôi chỉ còn 5 điểm . Không hiểu tại sao ?
@ Thầy Hồ Ngọc Hữu : Khi thầy cười , cả gương mặt sáng bừng rạng rỡ , năm đệ tam thầy dạy rất vui . Có một lần thầy viết chữ Boeuf lên bảng hỏi là con gì , bỗng dưng tôi bật ra : con ngựa . Thầy cười phá lên, hỏi lại em nói con gì . Nhìn lại tôi cũng mắc cười và trả lời qua tiếng cười : Dạ , con bò !.
Nhưng đến năm đệ nhị , không biết có chuyện gì thầy luôn đăm chiêu buồn bực ,năm này thầy là giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi , và chúng tôi trải qua những giờ học Pháp văn khá nặng nề không vui vẻ như năm trước nữa .Nhưng khi về Cần Thơ học, thầy rất sẵn lòng giúp đỡ khi tôi đề nghị .
@Thầy Lý Di : dạy vạn vật chúng tôi hai năm đệ tam và đệ nhị, thầy vẽ hình khá đẹp . Một hôm vào lớp đã thấy thầy đang vẽ hình trên bảng. Hình vẽ bằng phấn màu : hoa bụp cắt dọc , hôm đó thầy dạy về những bộ phận của hoa .
Kỹ niệm đáng nhớ với thầy Di là một hôm thầy mở sổ đầu bài thì tôi bỗng dưng đau bụng đến toát mồ hôi , tôi gục đầu xuống bàn và thầy gọi tôi lên bảng trả bài . Câu đầu tiên lúc cơn đau vừa dịu , tôi trả lời trơn như ăn cháo. Thầy hỏi thêm câu thứ hai, cơn đau lại tái phát quặn lên và tôi không còn nhớ gì ngoài cơn đau, thế là lảnh 15 điểm thay vì 18 !!
@ Thầy Phan Thành Long, giáo sư lý hóa năm đệ nhị của tôi , khá vui tính. Bài giảng của thầy đối với cá nhân tôi thì đơn giản , ngắn gọn , dễ hiểu nhưng với một số bạn của tôi thì không hẳn . Cô bạn cùng bàn tôi mỗi lần bị thầy gọi là “chào cờ” trên bảng , tôi ngồi bàn nhất thấy tội nghiệp và nhắc bạn . Thầy nghe thấy nói với bạn tôi : “Em là thư ký của H hả , sao nó nói gì em chép y vậy ?” Rồi quay sang tôi , tay giơ lên như muốn cốc vào đầu tôi một cái , thầy trầm giọng : ” Nhắc bạn không phải giúp mà là hại bạn đấy ” .
@ Thầy Huỳnh Tấn Nhàn, dạy sử địa khá lôi cuốn, thầy có chiều cao khiêm tốn , có dáng đi nhún nhảy, nghe đồn thầy có đai đen judo .Thầy rất ghét học sinh nào xoáy vào chiều cao của thầy và tôi chẳng may phạm vào điều ấy .
@ Thầy Nguyễn văn Hiệp, giám học và là giáo sư dạy môn văn năm đệ nhị của tôi . Thầy tính điềm đạm , nụ cười hiền . Kỹ niệm đáng nhớ với thầy là hôm giờ thầy vào 2 tiết cuối , mà tiết giữa thì nghĩ , tôi chạy lên văn phòng dò hỏi biết rằng thầy về Saigon chưa xuống . Vội vã về lớp thông báo với lớp rằng : giờ thầy Hiệp chắc nghĩ vì thầy chưa xuống kịp ” Tôi xách cặp ra về . Khoảng mươi bạn cùng lớp cũng đi về . Nhưng trời bất dung gian nên đến tiết thầy dạy thầy đã kịp đến lớp. Thấy lớp vắng thầy hỏi tại sao, sau khi nghe xong , thầy nhắn ” nói với H , muốn tôi nói một lời hay nửa lời ” . Hôm sau nghe bạn thuật lại tôi lên phòng Giám học tìm thầy nhưng không thấy . Thầy Di ( là phụ tá Giám học ) thấy tôi cứ lấp ló ở cửa mỗi giờ ra chơi bèn gọi vào hỏi . Sau khi nghe chuyện, thầy cười bảo thôi về đi , thầy sẽ chuyển lời đến thầy Hiệp . Tiết dạy lần sau của thầy Hiệp, sau khi an vị , thầy nhìn tôi mĩm cười và bảo : ” Có chút chuyện hiểu lầm nhưng giờ thì hết rồi , các em xem như không có gì xảy ra “. Đến giờ tôi cũng chưa hiểu câu nhắn của thầy :” nói một lời hay nói nửa lời ”
-@ Thầy Chuân: Giáo sư Anh văn người miền bắc cũng rất hiền , mặt trắng, môi son như con gái , thầy là anh vợ của thầy Nguyễn Hữu Lễ (hiệu trưởng TPH trước thầy Thọ ), đặc biệt là chữ thầy thật bay bướm , chỉ ba dòng là hết tấm bảng đen . Tiết đầu tiên của thầy, tôi tấm tắc reo lên : “Chữ của thầy đẹp như rồng bay phượng múa ” . Nhưng qua năm sau, khi đã qua một năm thầy trò thì tôi lại ” Chữ của thầy đẹp như gà bay vịt múa ” . Đang viết thầy quay lại nhìn nụ cười tinh quái của tôi , thầy nheo mắt và phì cười .
@ Thầy Võ Thanh Bai dạy lý hóa năm tôi học đệ nhất. Thầy có đôi mắt hơi sâu so với người khác , cũng rất hiền . Một hôm đi học thấy cổng sau của trường mở , tôi và người bạn đi vào ( đỡ được 200m ) bên trong là nhà xe của giáo sư , lúc đó có thầy Bai và một đồng nghiệp của thầy , Bỗng người kia gọi thầy : ” Này Đông Phương bất bại !” , bất chợt nhìn thấy hai đứa chúng tôi , thầy hơi sượng sùng đỏ mặt . Bí mật này tôi dấu kín từ đó đến nay hơn 40 năm mới kể vì ai đã từng đọc hay xem phim Tiếu ngạo giang hồ thì đều biết nhân vật này . Xin hỏi Giáo sư NHA có biết chuyện này không ?
@ Thầy Kỹ Thanh Vân dạy tôi môn toán năm đệ nhị và đệ nhất. Thầy cũng khá hiền .Thầy mở lớp dạy thêm, bạn bè tôi đi học rất đông nhưng tôi thì không . Vào lớp thầy hỏi sao không đi học thêm ? Tôi cười, em không có tiền ! Thầy bảo cứ đi học, thầy không thu tiền của em đâu ! Nhưng tôi có một tính kỳ lạ là học các thầy ở trường thì được nhưng ở lớp dạy thêm tôi không tiếp thu được gì . Tôi luyện thi bằng bộ sách tóan của Ban Trường thi .
Thầy thường kẹp quyển sổ đầu bài vào lớp để truy bài . Có lần tôi vừa cười vừa nói với thầy : ” Thầy kẹp sổ đầu bài hoài , tụi em sẽ kêu thầy là ông thầy Sổ à nha !” Thầy tỉnh bơ : “muốn kêu gì tùy các em , phải thế mới chịu học” Tuần sau khi đứng trên lầu nhìn xuống thấy thầy kẹp sổ bước vào lớp ở tầng trệt , bọn tôi hét lên : “Thầy Sổ !” rồi bật cười ha hả . Thầy ngước lên , hơi cười và hơi nhún vai rồi vào lớp.
Trên đây là những kỷ niệm về thầy cô, kỹ niệm dù đã hơn 40 năm qua nhưng vẫn chưa phai nhòa trong tâm tưởng của đứa học trò nhỏ ngày nào. Nhớ về để thấy lúc đó mình hồn nhiên và hạnh phúc biết bao .
bài và ảnh La Thị Hiền
Chị Hiền ới ời! những thông tin thời đi học phổ thông được chị cung cấp thật quý hiếm, mỗi người nhớ lại một chút, có thể tổng hợp để viết thành một quyển kỷ yếu nhớ về những kỷ niệm thời đi học thật giá trị đó chị. Rất cám ơn chị
Thầy Chuân đang ở Cali. Thầy thường viết chữ in. Bài học Anh văn đầu tiên thầy dạy lớp tôi là “Một lá thư tình.” Chàng viết thư cho nàng. Đại ý lá thư là chàng vô cùng nhớ nàng. Dù gian nan trắc trở như thế nào Chúa Nhật tới chàng sẽ đến thăm nàng. Phần tái bút chàng viết:”Nếu ngày Chúa Nhật trời mưa, xin em đừng đợi”
Ông Nguyễn bá Cẩn kể lại kỹ niệm thời đi học. Năm 1944 ông học đệ ngủ, cô Le Guezenec dạy Pháp văn. Một hôm cô dạy cách chia động từ có vần “oudre” sau cùng. Cô gọi một nam sinh chia động từ “Remoudre”
Je remous
Tu remouds
IL remoud
Nous remoulons
Vous remoulez
ILs remouent
Cô gọi một nữ sinh chia động từ “Recoudre”
Je recouds
Tu recouds
Elle recoud
Nous recousons
Vous recousez
ILs recousent
Hòang Hưng ơi, Ngôi thứ ba số nhiều (nous) phát âm giọng Việt nghe hay hơn à há HH!…
Ngôi thứ ba số nhiều sao lại là NOUS hở PT*?
Học Anh Văn sinh ngữ 1, và lâu quá quên cách đọc tiếng Tây, Hoàng Hưng hay PT* phiên âm giọng đọc bằng tiếng Việt giùm đi. Cám ơn. 🙂
À há! Minh thật lẫm cẩm Ẩn ơi! Cái đầu và cái tay không đồng bộ…Thành thật xin lỗi mọi người..Muốn nói Ngôi thứi nhất ấy mà..
Mới đầu, em đọc chia động từ của anh,chả hiểu gì hết, xong đọc thêm lần nữa, hiểu ra cười muốn chết. Cám ơn anh HH.
Ngày xưa tình thầy trò giữa tôi và thầy Chuân khá thân thiết , nếu Hoàng Hưng có địa chỉ email của thầy Chuân , vui lòng cho tôi xin .Rât cám ơn
Chị Hiền ơi , chị kể chuyện thời đi học vui ghê, kỷ niệm đáng ghi nhớ không khỏi bật cười, cám ơn chị về ngaỳ cuối tuần vui vẻ naỳ.hihi !
Anh Hoàng Hưng ơi , công nhận huynh kể chuyện vui độc chiêu đó nha.Ha Ha!
Anh Phú Thạnh ơi, HL đọc thêm nhiều chử Việt nữa. Chữ lez HL đọc là lẻ, lent là lén (Xin lổi, HHg đã đánh thiếu chữ L trong chữ remoulent) Chữ dưới đọc là xong, sề, sến
Thuở học trò, giờ học pháp văn vui thiệt! Hình như có đến 8.000 đồng từ, mà có nhiều thì : hiện tại, quá khứ, tương lai… tui thích nhất là thì sai khiến, ngắn dễ nói, vì thế bọn con trai thấy “ghét” nên hay chọc phá hỏi tui:” cảm ơn nhiều” nói sao hả TN? Tưởng bạn quên, nhanh lẹ trả lời:”merci…” cả bọn cười như pha lê bể, bây giờ nhớ lại cười tủm tỉm một mình. Chắc hồi đó huynh HHg được các bạn hỏi chia đồng từ có vần”oudre” sau cùng nên nhớ hoài khó quên!?
Chào chị Hiền,
Cám ơn chị đã nhắc đến tôi trong bài.
Bỏ nghề lâu qúa lâu và bị hụt hẫng nghiệp dạy do thời thế nên về chuyên môn của nghề đã đi vào lãng quên. Danh từ Hóa học do bạn của tôi Trần Thanh Liêm nói cũng có nhiều đồng nghiệp khác đồng ý kiến.
Về chuyện Đông Phương Bất Bại tôi mù tịt.
NHA
Cám ơn ý kiến của Đại sư huynh NHA .
Kính chị Hiền, sau khi đám giổ thầy Thọ, cô Dung đi du ngoạn mấy tuần mới về. Ngày xưa thầy Thọ có đưa cho HHg danh sách giáo sư và cựu học sinh TPH. Mấy ngày nay cố tìm trong những chồng sách báo cũ, nhưng tìm không thấy. Đợi cô Dung về HHg hỏi cô, nếu có số điện thoại của thầy Chuân HHg sẽ chuyển cho chị liền.
Cám ơn Hoàng Hưng và rất mong tin , Nếu danh sách có thầy Phan Thành Long , Kỹ Thanh Vân , Lý Di , Nguyễn văn Hiệp xin vui lòng cho biết e-mail luôn , để có dịp gởi mail thăm . Những thầy này có lẻ vẫn còn nhớ tên La thị Hiền .