Đi khám bệnh từ thiện ở Thủ Thừa
Lần đầu tham gia đoàn bác sĩ khám bệnh từ thiện thành phố, phải thức dậy lúc 4 giờ sáng đến điểm tập trung. Nhà BS Khánh và Nhung là điểm tập hợp, có nơi gửi xe, nhờ vậy mà anh chị em đến đủ là có xe đưa đi liền. Những người đi trên xe, phần lớn trên năm mươi tuổi, có vài anh chị đã hơn bảy mươi tuổi nhưng họ rất nhanh nhẹn và nói cười vui vẻ. Hỏi ra thì họ đã làm công việc này đã hai chục năm nay. Hỏi tên đoàn là gì, không ai biết vì không có đặt tên. Công việc từ thiện thì cứ túc tắc làm, tháng này qua tháng nọ, từ tỉnh nọ đến tỉnh kia, tới đây nghe nói sẽ đi đến một vùng sâu nào của tỉnh Dak Lak.
Anh BS Khánh (tạm gọi trưởng đoàn) cho biết, ban đầu vợ chồng anh tổ chức một nhóm vài người cùng ngành y, có một vài doanh nghiệp hỗ trợ, dần dần người này đồn người kia, thế rồi các thành viên càng ngày càng đông. Có thể có anh chị bận tuần này – vắng, tuần tới đi và sỉ số một chuyến đi lúc nào cũng được trên hai mươi người. Chuyến này, xe 35 người kín cả chỗ. Ngồi kế bên tôi là anh Sáu Tông, một doanh nhân chuyên sản xuất ba lô, túi xách quê ở phường 4, TP. Vĩnh Long. Anh là cựu học sinh Trường kỹ thuật VL, học những năm đầu tiên thành lập trường, những chuyện ở VL vào những năm 1960 anh đều biết rõ. Nhìn gương mặt và tướng tá anh ít ai nghĩ rằng anh đã gần tuổi cổ lai hy. Anh cho biết, ngày nào anh cũng chơi tennis, nhờ vậy mà có sức khỏe. Tham gia đoàn, anh thường hướng dẫn các bệnh nhân già đến bàn khám bệnh của bác sĩ, chuyển thuốc từ bàn phân thuốc đến người phát thuốc cách đó mười lăm mét, đi lại thường xuyên như con thoi. Tôi chợt nghĩ những thành viên trong đòn lớn tuổi này, từ bác sĩ, điều dưỡng đến những doanh nghiệp như anh, ngày chủ nhật ở nhà vui chơi cùng gia đình, lặn lội đến vùng sâu chi cho cực khổ. Lợi thì thấy rõ là không có, riêng anh phải tốn tiền thêm, ấy vậy mà chị Nữ, bạn anh xin chia sẻ chi phí, anh cười nói hãy để tui được hưởng trọn công đức một chuyến. Xét về danh thì đi những chuyến như thế này cũng không có danh gì, tên đoàn không có, báo chí chưa hề nhắc đến. Tôi chưa thấy ai giang tay ra trước ống kính của tôi, dù họ biết tôi chụp vài kiểu để làm kỹ niệm một chuyến đi.
Chuyến này đoàn BS khám bệnh đến chùa Hòa Bình, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, một vùng sâu của Long An. Chùa này xây dựng cách nay 5 năm, đến nay vẫn chưa xong do bà con Phật tử còn nghèo. Ni cô thích nữ Phấn Liên cho biết, chùa mới xây xong chính điện, nhà ăn , còn một nhà cho ni sư ở đang xây dựng. Chùa này cũng có lịch sử lâu đời, xây hồi thế kỷ 19 có tên là chùa Cây Quéo, vì là vùng chiến tranh ác liệt nên chùa bị tàn phá. Ngày hòa bình lập lại, năm 1995 sư cô về đây thấy vậy đặt tên là chùa Hòa Bình. Bà con xã Mỹ Lạc sống về nghề nông và nuôi bắt cá đồng, dân kỳ cựu đa số là có ruộng, nhưng người nơi khác mới đến thì ít đất thu nhập kém. Khi nghe nhà chùa mời đến khám bệnh miễn phí, đã có 500 người đăng ký và đoàn khám bệnh này đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc và đủ số bác sĩ để khám cho một ngày hoàn tất.
Tại khuôn viên chùa, người đến khám bệnh đông vô cùng. Đoàn làm việc rất khoa học, có bàn ghi danh trên phiếu, một bàn dài đo huyết áp, bốn bàn tròn khám bệnh , có từ 2 đến 3 bác sĩ/bàn. Bệnh nhân đi từ bàn ghi danh đến khám xong bệnh thì toa thuốc được đưa cho bộ phận cấp thuốc. Xong có máy tự động hiệu Sautong đưa ra phía trước chùa cho ông trưởng ban tận tay đưa cho bệnh nhân. Hôm nay , người bệnh ngoài việc lãnh thuốc còn được nhà chùa cấp cho một ổ bánh mì có nhân hẳn hoi.
Do có đông bác sĩ khám bệnh nên gần đúng Ngọ là hoàn tất nhiệm vụ khám và phát thuốc. Thỉnh thoảng có một vài bà con đi trễ do công việc đồng áng đều được khám và tiếp tục phát thuốc dù dụng cụ khám bệnh và rương thuốc trước đó đã đóng lại được mở ra. Bác sĩ Việt nói, đã xuống đến đây mà để bà con phiền thì mất phần công đức. Đi đâu, tôi cũng nghe mọi người trong đoàn nói đến công đức, cũng có người đi chùa nhiều, thuộc kinh nhiều, có lẽ vì vậy mà hành động của họ hướng nhiều về việc thiện. Chị Nữ, một doanh nghiệp (dấu tên) nói, trong kinh chỉ rõ trong các hình thức bố thí thì việc hành thí chăm sóc sức khỏe là tốt nhất. Việc này không biết có đúng không, nhưng trong tâm tư mọi người lúc nào cũng vui vẻ, xuống xe còn nhắc nhau chuyến đi tới thì đủ thấy dù lớn tuổi nhưng đi hoài thế này không bị mệt.
Bài và ảnh Lâm Tông Tươi
H1 Chở mì gói cho bà con nghèo
h2 Qua phà về vùng sâu
h3 Vui mừng với sông nước miền quê
10 Va ly thuốc đủ đế cấp cho 500 bệnh nhân
h5 Bàn này 2 bác sĩ khám bệnh
h6 bệnh nhân được đo huyết áp
h7 Càng lúc càng đông bệnh nhân
h8 Mười hai người phân thuốc không nghỉ tay
h9
h10
Cám ơn Thanh Thủy và Lâm Tâm Tươi đã gửi bài cho trang nhà, như vậy trong đoàn này cũng có khá nhiều người Vĩnh Long đã làm từ thiện âm thầm trong mấy năm qua, khiến tôi vô cùng ngưởng mộ.
Qua bài này, tôi lấy làm hỗ thẹn, công việc của tôi không bằng các anh chị mà tôi lại phô trương tùm lum. Giờ thì sẽ rút kinh nghiệm thiết nghĩ hãy còn kịp.
Khám và phát thuốc đến tận tay 500 bà con nghèo một việc làm rất quy mô đầy ý nghĩa, không phô trương hình thức, không màu mè, mà bà con nghèo vùng sâu vùng xa vẫn tận hưởng được những món quà quý…việc làm rất đáng trân trọng, chúc các anh chị nhiều sức khỏe để thực hiện những việc làm từ thiện đến ba con nghèo nhiều hơn nửa.
Quý bạn thực hiện công việc này thực ra không dễ, phải có tình thương người, có đạo hạnh, có điều kiện kinh tế …và hơn hết BIẾT CHO và CÁCH CHO.
Như LM nói, tôi cũng rất NGƯỠNG MỘ.
Cũng như Anh Nha chia sẻ, tôi rất ngưỡng mộ. Khám trị bệnh từ thiện, kèm tặng quà. Đây được xem đoàn tự nguyện lớn với quy mô thiện nguyện ngày mở rộng theo thời gian, hiện không riêng vĩnh long, nhiều đoàn tự gom góp y phục, thực phẩm sau nhiều tháng mới tiến hành. Thưa cùng anh Nha, hiện nay những tấm lòng đùm bọc chia sẻ dưới hình thức tự nguyện, phần đông do các bà từ 50 đổ lên đứng ra vận động, khá là đa dạng ở quê hương mình.
Cám ơn bài và ảnh của anh Lâm Tông Tươi
Ở bên Mỹ , mỗi năm cũng đều có đoàn thiện nguyện về thăm quê hương minh , phải lên mạng đăng ký và chờ duyệt xét , phỏng vấn , được tuyển chọn và training trước, sau mấy tháng chuẩn bị đầy đủ rồi mới xuất phát , người tham gia chịu mọi chi phí tự nguyện vé máy bay và ăn uống tự túc , nhà ở thì người ta lo khách sạn cho ở ( nói vậy chớ , phần ăn uống cũng có 1 nhóm đi theo lo phục vụ) , chị bạn NT đã nghỉ hưu và thương theo đoàn đi tham gia kiểu tự nguyện này , chị đi theo chỉ làm thông dịch cho bệnh nhân hiểu , hoặc thông dịch từ Bs Mỹ nói với Bs VN , bên VN lo thông báo tập trung bênh nhân, trong vali cuả họ chỉ toàn là thuốc men và máy móc về y học, khám bệnh, quần áo chỉ đem theo rất gọn , lưạ loại ít nhăn , không cần uỉ., họ đi từ Nam , Trung , Bắc, tuỳ theo kế hoạch. Có vài Bs trẻ người Việt, sắp sưả ra trường, đang trong thời kỳ thực tập cũng xin về phục vụ quê nhà, để lấy điểm cộng tham gia hoạt động xã hội , đi cực khổ vì làm việc rất nghiêm túc và cực lực , làm suốt cả buổi trưa , buổi đứng luôn,vì bệnh nhân đông quá , nên liên tục làm , và chỉ luân phiên thay nhau ăn mà thôi. Nhưng họ rất vui và rất thích . Một đoàn đi đông lắm. Có 1 anh bạn Bs trẻ VN mới tra trường ,người miền Tây chánh cống , gốc Long Xuyên. Lúc khám bệnh nhân , gặp 1 bà mập mạp , anh hỏi tình trạng bà sao đi khám . Bà nói ” Tôi bị ốm ” Bs này không hiểu , nên hỏi lại , Bác làm ơn nói lại . Bà cũng nói ” Tôi ốm ” ” Tôi bị ốm”. Anh Bs này thấy kỳ kỳ , sao hỏi 2,3 lần bà chỉ nói bà ốm , sao nhìn thấy bà ta mập mạp , khoẻ mạnh , mà cứ nói ốm hoài , anh không hiểu , thế là có người thông dịch nói ốm là bịnh đó, thì ra anh mới hiểu ra, à ! vì anh này là người Việt ( miền tây) , mà sanh đẻ tại Mỹ, anh chỉ biết chữ bịnh, chớ chưa biết chữ ốm…1 chuyện vui cười.. về anh kể lại , mọi người ai nấy cười pể pụng, nhưng anh bảo , năm sau con sẽ cố gắng thu xếp đăng ký xin về phục vụ thiện nguyện bên VN tiếp. Công việc này quá là hưũ ích cho bao bệnh nhân VN mình. Một công việc mang tính nhân đạo về sức khoẻ thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ tấm lòng và đạo đức cuả các Bs trong và ngoài nước.
Anh Trương Mẫn nói đúng đó, ở đây , khi hay tin bạn bè hoặc người quen cho hay , vài tháng nưã họ có chuyến đi về VN, họ liên lạc hỏi , có quần áo cũ còn tốt hong , đủ cở , đủ kích , già , trẻ , lớn bé, đàn ông ,đàn bà cũng được , giặt kỹ , uỉ thẳng nếp , lót giấy thơm bên trong, đồ còn tốt mới gởi đem về cho, người nghèo bên mình cần lắm , vùng núi thì tặng áo lạnh, cái gì cho họ cũng thích, bạn NT kể vậy, NT và bạn hẹn nhau thỉnh thoảng thường đi tìm kiếm đồ rẻ mà đẹp là như vậy , xem xem nó có phù hợp VN thì mua để sẳn, đem để trong kho nhà cuả người bạn , họ tự sử lý khi có cơ hội cần đến , còn thuốc thì thường hay mua thuốc cảm cúm, thuốc ho. thuốc bổ, chỉ loại thuốc thông thường, xem coi cái ngày EXPIRE xa xa năm là mua để đó , vì thế nào trong năm cũng có chuyến tổ chức về quê hương mình, công việc cuả họ rất âm thầm nhưng không kém qui mô , đáng khâm phục lắm vì việc làm tự nguyện tự giác mà, dù không có cơ hội và không được phép tham gia chuyến đi , nhưng mỗi khi gặp bạn , nghe họ tường thuật và xem những đoạn ghi hình thấy cảm động và cũng vui vui, vì người Việt mình cũng luôn quay hướng về quê nhà bằng mọi hình thức, tuy đôi lúc họ giận,họ tức..cho quê mình, nhưng cái tâm họ tốt lắm.
Đoàn khám bệnh không tên này….chúng tôi đến với nhau khi tuổi đời trên dưới ba mươi! Thoắt một cái nghe tin anh này đã nghỉ hưu, sang năm đến lượt chị kia. Có những lần chị Nhung ( vợ anh Khánh) nhờ vài người đan khăn choàng, dặn mọi người nếu có đi khách sạn cho chị xin bàn chải đánh răng! ( Bà này đổi tánh nết chăng?) Chỉ khi đến Lâm Hà, Tùng Nghĩa ….những thứ để dành đó gởi cho các cháu người dân tộc. Có những chuyến khởi hành từ SG lúc 12g, gần 2 giờ sáng mới đến Man Yang (Pleiku). Cả đoàn tranh thủ ngủ vì 7g sáng bắt đầu khám bệnh. Có người đến với đoàn vì thấy hay hay, dần dà gắn bó lâu dài, mong mỏi giúp Đoàn khám bệnh nhiều hơn nữa. Như bạn Tươi chẳng hạn. Tốt nghiệp ĐH Kinh Tế, chủ công ty V. T, quay lại trường học Dược Trung cấp!…Còn nhiều, nhiều lắm tôi không thể kể hết được.