Chừng nào đuổi kịp
Một bữa sáng như mỗi ngày, nơi mà người mua kẻ bán tựu về đây từ 3-4 giờ khuya đến 9-10 giờ sáng. Chỗ hò hẹn của bà con trong huyện tái lập hoạt cảnh họp tan chợ búa quen thuộc ở huyện nhỏ nầy trong bao nhiêu năm nay.
Hình ảnh những người trong quê mang ra những lồng giỏ kẽm nhốt một hai chục vịt tàu lông rằn, bày hàng dọc theo khu vực gia cầm. Những nhóm vịt cùng lứa đang hốt hoảng xô qua dạt lại lau nhau, giương cao cổ trố mắt nhìn những người xa lạ đi qua bước lại. Kế bên các bội, giỏ tre, lồng nhốt những chú vịt quê là những cô mái tơ lông vàng lông đen và các anh trống tơ vừa ló cựa hạt bắp. Nhìn bộ vó mồng mỏ mà nghĩ rằng tụi nó mới biết gáy không lâu. Tất cả bị trói gô hai cẳng, nằm nghiêng há mỏ yên phận trên những tấm nylon. Mục đích những tấm trải có lẽ cho chúng không bị trầy da xước lông trên nền xi-măng hơn là giữ cho sạch sẽ. Chúng chỉ chòi giò đập cánh, miệng la oang oác khi có ai xách bổng lên, vạch lông tìm vết hoặc có người cắt cớ rờ nhột hai hai bên yếm ngực.
Bây giờ những người mua kẻ bán đó đang bươn bả về nhà về để trở lại cuộc sống thường ngày trong từng cảnh đời riêng lẻ. Họ tạm chia tay khu vực mới mấy tiếng trước còn ồn ào náo nhiệt kèn cựa giá cả, cười nói mời chào, tiếng gia cầm kêu thét, tiếng máy xe. Và đủ thứ mùi từ nông thôn quen thuộc như hành hẹ, đến mùi mỡ heo khắn sâu dưới lớp gỗ những sạp thịt, mùi nhớt của cá trê cá lóc vẫy vùng tìm đường đào thoát trong những chiếc khênh nhôm có vách cao dựng đứng. Lâu lâu người ta còn ngữi được mùi hóa chất đắt tiền cao sang thoảng bay trong gió.
Không gian dành cho nhu cầu bếp núc đang được thay thế bằng sinh hoạt cần thiết khác, là những quán cà phê đông nghẹt, đa phần là những khuôn mặt sống chung quanh khu nầy và một số đến từ những địa phương lân cận. Người ta nói nhau nghe chuyện thời sự thế giới nóng hổi nghe được hồi hôm, rồi thi nhau mà bình luận chín người mười ý.
Mặt trời đã lên cao tỏa nóng hầm hập, chiếu những vệt nắng xuyên qua khe hở những miếng vải bạt ken kết liên tục của dãy quán hủ tíu, cháo lòng và quán nhậu cặp một phía hông mặt tây của Siêu thị Tam Bình. Ngay từ sáng sớm, bên chiếc bàn vuông nhỏ và thấp, có hai người bạn đang nhậu lai rai trong một quán ở chợ Tam Bình. Phải nói là ông chủ điểm nhậu nầy chọn chỗ làm ăn thật tốt, vừa đông vui giữa nơi chợ búa, vừa kín đáo ấm cúng. Ngoài món chiêu bài trấn sơn nổi tiếng là phèo non xào khóm và đủ loại khô nướng xé nhỏ trộn với xoài bầm và rau râm. Quán anh ta đặc biệt đong rượu cao độ từ những lò ngoài xã Hòa Hiệp.
Đang đối ẩm hào hứng thì anh Cả nhận điện thoại của thằng bạn, nó rủ tụi tui ra nhà nó ở Ba Kè để thanh toán dùm mấy con cá lóc luộc hèm. Mới trước lúc đó chừng nửa tiếng, hai thằng tui cứ tưởng tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Ai dè chưa được nửa chừng xuân thì trời đã biểu thôi. Ngày thường thì cho dù vợ có kêu hộc tốc kiểu nầy cũng chưa chắc lay chuyển tình nghĩa keo sơn giữa người và ly hoặc giữa người và quán. Nhưng hôm nay chỉ nghe hơi gió thoảng qua tai mà anh Cả muốn buông ly.
Nói ra cũng hơi kỳ, rượu xóm thằng bạn đó theo cái gu gì mà ai nấu cũng lạt nhách dở ẹt. Còn nhà của nó bán phân bón, thuốc chuột, thuốc ốc bưu vàng, thuốc trị rầy nâu, ba đồ độc thì có chi mà hấp dẫn. Chỉ có chuyện đáng để lân la làm quen trở lại với thằng bạn cũ, là bắt đầu từ ngày có bà dì vợ của nó không biết từ đâu nhảy ra. Một tiên nữ trong vai ô-sin phụ việc cơm nước và trông coi mấy nhỏ để vợ chồng nó rảnh tay lo việc giúp đở bà con nông dân diệt rầy, tăng năng suất lúa. Mới đầu tiên nghe mấy thằng ở vùng Cái Sơn Bé khen nức nở bà dì họ còn độc thân và trẻ đẹp hơn con cháu gái là vợ của thằng Tám “ốc bưu vàng”, tên làm ăn thành danh của thằng bạn khá giả có kho phân bón lớn nhất Ba Kè và lân cận. Tới chừng đám bạn cũ tụi tui có dịp dự đám thôi nôi con nó, tự nhiên có vài anh lâu nay vỗ ngực ình ình thề thốt sống chết có nhau, giờ cũng bày đặt theo đào bỏ bạn.
Hai dĩa mồi chưa vơi phân nữa thì anh Cả hối thúc:
– Ông đi bộ thì lo đi trước. Tui về nhà lấy xâu khô cá chạch, sẵn mua chút đồ cho cô Lan.
Ai mà không biết cô Lan là dì vợ thằng Tám, nhưng Lúa làm bộ hỏi móc:
– Cô Lan nào vậy anh Cả?
– Ông lo đi cho rồi, 20 phút sau tui vọt theo, tui sẽ đuổi kịp ông tại cầu Cái Sơn Lớn.
– Sao anh chắc là sẽ bắt kịp tui tại cầu Cái Sơn Lớn.
– Ông không biết tính nên làm lính suốt đời. Tui tính rợ cho ông nghe, ông đi trước tui 20 phút, ông đi thêm 10 phút nữa là được nửa giờ. Hồi tiểu học thầy nói mình đi bộ 5km/giờ, đạp xe đòn dông như tui được 15km/giờ. Nửa tiếng lô-ca chân của ông được 2 cây số rưởi, 10 phút đạp cong lưng của tui cũng 2 cây số rưởi. Từ đây tới cầu Cái Sơn Lớn vừa đúng 2 cây số rưởi. Tui ông và cây cầu gặp nhau một chỗ.
Ông vua toán rợ đạp xe tới Ba Kè mà không gặp thằng tui, ổng cũng không buồn lo lắng vì mâm bàn chủ nhà đã dọn sẵn sàng. Hai ông thần nầy kéo cò cưa đến xế chiều muốn bứt 2 cây đế thì tui lò dò ra tới. Tuy rằng trên bàn nhậu chỉ còn trơ lại mấy cái sọ cá lóc lăn lóc trong chiếc dĩa bự chảng. Nhưng tui đâu có lòng dạ mà ăn uống, vì hồi giữa trưa tới giờ dính độ ở nhà thằng cháu gần cống Ông Sĩ trên đường đi đến đây.
Ba thằng bạn uống rượu vua- nghĩa là uống rượu không mồi, vì chỉ nghe vua thí tửu chớ chưa thấy vua thí mồi bao giờ. Tiệc trước gần tàn, dù tui có sinh động thêm một chập thì cũng phải vảng tuồng. Hai thằng khách rụt rịt nhổ neo thì bà dì xinh gái của thằng Tám “ốc bưu vàng” xách cái bịch nylon từ sau bếp bước lên.
– Anh Cả làm ơn cho em gởi ra Tam Bình cặp cá nướng trui.
– Cô cho tui và thằng Lúa hả cô Lan.
– Dạ không, mấy bữa trước anh Bảy Trà ghé đây chơi với thằng Tám, em nghe ảnh nói thích ăn cá lóc nướng trui, nên gởi cho ảnh ăn lấy thảo. Anh Cả ráng đạp xe vô cầu Hàn giao cho anh Bảy Trà ăn tối nay, đừng để sáng mai không ngon. Lan cám ơn anh Cả nhiều lắm.
Anh Cả không nói không rằng máng cái túi nylon vào ghi-đông, trời hơi chập choạng nên tui không thấy mặt anh xuống sắc đen sì. Anh Cả quày quả dẫn xe ra khỏi nhà thằng Tám rồi chạy tuốt. Lúa tôi thất thểu lội bộ trở về nhà. Trong những bước chân âm thầm trên 4 cây số, lết về cầu Pa-ti-dô gần 7 giờ tối, Lúa cứ miên man một câu hỏi:
– Chừng nào mình đuổi kịp thằng Bảy Trà Và?
Tự nhiên tui cũng thấy ghét cái tên kia chi lạ!
Một Lúa
h1
Một Lúa ơi! Tui bái phục bạn. Bài viết hay quá, nhất là thời điểm này…Về lối hành văn thì chắc Hồ biểu Chánh cũng còn thua, Còn nói về ý nghĩa thời sự về vụ ” San bằng cách biệt” của Hòang Hưng thì bạn là số 1 (Đúng là Một Lúa mà!) . Không biết vô tình hay cố ý mà bạn viết những chi tiết về ” chợ vịt” thật dí dỏm, độc địa quá….Tóm lại “Chừng nào đuổi kịp” thì chắc đang hồi hấp dẫn lắm đây…Khóai nhất là vụ 2 con cá lóc nướng trui..”.Hãy đợi đấy !!!” ….PT*.
Chào anh Phú Thạnh,
Em thức khuya cũng có hạng lắm nhưng chịu thua anh rồi đó.
Em viết bài bởi đam mê, bạn bè anh em giải trí là vui lắm rồi, em không mong gì hơn.
Em cũng khoái tình tiết hai con cá lóc nướng trui trong chuyện nầy. Chắc em vẫn còn tơ tưởng món cá lóc nướng trui ở bờ đông cầu Tham Lương.
Có dịp anh em tụ họp nghiên cứu cá luộc hèm, cá trui, cháo bầu, cháo cò, anh Phú Thạnh nhé!
Bi giờ là 3 giờ 40 phút ( giờ VN ). Hôm qua, nhậu với mấy bạn già đi ghe cào ở Cầu Mới về, nhưng nhậu chưa đủ “đô”. Thì đứa con gái gọi về, nhờ in dùm nó mấy mươi trang giáo án ( bỏ lở cuộc nhậu ). Đêm nay, khó ngủ, nên dậy sớm, theo thói quen, lên mạng, xem trang nhà, thấy bài ” Chừng nào đuổi kịp” của Một Lúa. Ông Một Lúa nầy giỏi thiệt, bày ra chuyện đi nhậu ở Ba Kè, Cái Sơn Lớn, Cái Sơn Bé ( quê đất, quê người của tui ), cô Lan,….làm tui nhớ hồi đi hoc tiểu học, mặc quần “tà lỏn”, áo sơ mi ngắn tay có chút phèn. Nhưng tui vẫn hiểu ông Một Lúa muốn nói gì rùi, vì là tri kỷ thì quá hiểu ý nhau. Nhớ có lần, 2 đứa ngồi nhậu, đem chuyện xưa ra bàn : bài toán đi bộ 5km/giờ, đi xe đòn dong 15 km/giờ ( bi giờ không bàn nữa), mà nhắc chuyện 4 vòi nước, 3 vòi chảy vào hồ, 1 vòi chảy ra, vòi 1 chảy 6 giờ đầy hồ, vòi 2, vòi 3…, vòi 4 tháo ra trong… giờ cạn hồ. Hỏi : nếu khi mở 1 lượt 4 vòi lúc 8 giờ sáng cùng chảy thì bao lâu sẽ cạn hồ. Ông Một Lúa vọt miệng nói : mấy cha nầy tào lao, ai ở không mà làm chuyện ấy, mở cho nước chảy vào chảy ra, rồi bắt mình ngồi tính, đau đầu chết mẹ !
Chào anh Cả,
Chuyện xưa viết lại mà không hỏi ý anh, đừng buồn nghen.
Cô Lan hiện nay ra sao? Cổ có gia đình chưa ….
Bài viết cái tưạ không đã hay rồi , nội dung thú vị , hai câu kết hay nhứt , phải hong chị Rom và các ACE. hi hi hi
Nguyễn Tuyết nói đến Phi-Rom, tui mới nhớ mình còn gởi cái đuôi con cá lóc nướng trui ở cái tủ gạc-măng-rê nào đó. Hihi
Khổ thân cho bạn già Một Lúa của tui. Gì mà phải hỏi ý, tui có giữ bản quyền ” cầu chứng tại tòa” đâu mà phải hỏi ý ! Cô Lan đã có gia đình, 2 con đã lập gia đình, có cháu nội ngoại đề huề. Chồng thì đã chuyển hộ khẩu đi nơi khác ở vĩnh viễn rồi ! Tui không có xin số phone của cổ, nếu có, tui sẽ chuyển cho bạn già.
Anh Cả,
Như vậy thì từ đây tới sau, tui có quyền: tiền giết (viết) hậu tấu hén.
Anh gởi tui số điện thại cô Lan. Giờ cổ cũng U 60 rồi đó, còn đẹp như những ngày xưa thân ái hông?
Cái cùi bắp của anh có cho ai không, tui gọi số ……7346 xin gặp thầy xưa, nghe giọng nữ trả lời: lộn số.
Bạn Một Lúa! tui phục cái “chợ vịt” của bạn luôn, cái nhận xét của bạn rất là đáo để, nhìn bộ vó mồng mỏ mà bạn biết nó mới biết” gáy ” khà khà…gà, vịt mà cũng biết nhột, nhân cách hóa chừng chừng…đánh giá chính xác một trăm phần dầu, xin bái phục, hôm nào xin thọ giáo nghen, cúng tổ một con cá lóc nướng trui. Cả ơi! cố lên để đuổi kịp anh 7 Trà ( đừng nói là mình hỏng có cửa nghen)
Bạn Phi-Rom,
Hồi xưa tui nuôi vịt rằn chạy đồng. Mỗi lần lùa vịt vô cánh đồng ấp 2 đều mất vài con. Tui nghe đồn vùng nầy có loại chồn ruộng rất tinh ranh. Hôm trước đọc trên trang nầy thấy có ai nói đào hầm giữa đồng, miệng bằng cái khạp, vách sâu thẳng đứng, nhưng không cho biết người bỏ công đào hố giữa ruộng làm gì.
Anh Cả của tui phấn đấu dữ lắm để lọt vào gia tộc “ốc bưu vàng”. Nhưng Phi-Rom cũng biết, tình yêu có cái gì bí ẩn khó giải thích. Đẹp trai, học giỏi, con đại điền chủ như anh Cả cũng chưa xi-nhê. Nói chi là Lúa, buồn thiệt.
Anh Cả ơi, có một vòi nước tự nhiên chảy mạnh hơn, thành ra khó làm toán lắm.
Một Lúa ơi, còn 1’16” thì đuổi kịp.
Anh Cả của tui vẫn còn gân mà Hoàng Hưng ơi!
Đọc truyện mỗi người hiểu một cách, khoái một câu không ai giống ai. Không biết sao tui lại khoái câu này ” Nói ra cũng hơi kỳ, rượu xóm thằng bạn đó theo cái gu gì mà ai nấu cũng lạt nhách dở ẹt. Còn nhà của nó bán phân bón, thuốc chuột, thuốc ốc bưu vàng, thuốc trị rầy nâu, ba đồ độc thì có chi mà hấp dẫn.”
Thế mới biết mỗi người một gu, không biết có ai giống tui không ?
Chào chị Ngọc Thu,
Cám ơn chị đọc và nhặt ra vài câu.
Những trường hợp như trong câu chuyện nầy rất thường xảy ra ở huyện. Chị Thu ơi.
Lúa
Một Lúa ơi,
Đọc bài này anh bị sựng lại khi đụng chữ Bảy Trà Và, nói chính xác hơn là chữ Trà. Nếu tên của một nhân vật tại địa phương Lúa đề cập thì khỏi nói nhưng nếu có ý chỉ người Ấn Độ thì, theo anh hiểu bấy lâu nay từ ngữ đó là Chà Và. Nhớ ở Sài Gòn hình như có cây cầu tên là cầu Chà Và thì phải.
Phản hồi của anh chỉ vậy thôi.
NHA
Chào anh Nha,
Tay Trà nầy cũng thứ bảy trong gia đình, bạn bè tụi em gọi nó là Bảy Chà, nhưng em ngại và không dám đổi tên người mà có nhiều người biết.
Cám ơn anh đọc và bình luận
Chúc anh chị vui khỏe
Lúa
Anh “đuổi” kịp rùi. Cám ơn.
Em cũng đuổi gần kịp mình chứ chưa vượt lên chính mình nỗi. Hihi
Lúa
Giờ chót coi bộ đuối sức rồi…ối …ối!!!.
Cứ mở / tắt rồi mở / tắt ….là đuổi kịp, thậm chí qua mặt cái vù luôn, hết mệt đó bạn.! Không biết…mánh gì hết!
Khoảng 11 h 09 PM (2712557)