QUÊ NGOẠI

Ngày đăng: 23/02/2014 07:42:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (23)

  Buổi chiều buồn vô cớ.Tôi nghe trong lòng nhung nhớ một cái gì đó không rỏ rệt. Khi nhìn qua cửa sổ thấy mây lưa thưa bay ngang trời và đàn chim đang bay về phía xa xa tít. Từ cái máy hát CD đang chạy bổng phát ra bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè”của nhạc sĩ Bắc Sơn.Tôi thấy lòng mình rưng rưng cãm xúc – Ôi! lời nhạc dạt dào tình tự quê hương làm lòng tôi thấy rai rức nhớ làng quê một thủa nào đó, lúc còn thơ dại sống với ba má, anh em và bà con chòm xóm.“Ngồi buồn nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh”. Tôi nghe như nước bọt trong miệng mình tiết ra. Tôi cũng đang thèm quá đi thôi…

                                 Rau đồng chấm tộ cá kho

                                 Đắng cơm gạo mới, ngọt vừa nhai lâu

                                 Đồng sâu bùn đất bãi bờ

                                 Rau bò mé ruộng em thò tay quơ

                                 Rau đồng chấm tộ cá kho

                                 Nhớ em miếng đắng miếng vò ruột gan

          Trong cuộc sống mình ăn đủ thứ hết, nhưng những thứ hẵm hiu mà lúc còn thơ dại được má nấu từ những đặc sản miền quê, cây nhà lá vườn thì cứ y như là da diết nhớ thương.Từ những đặc sản đồng quê đó, từ những con giồng với lũy tre, cùng với những miếng ruộng bờ ao đã khắc sâu vào tâm khãm tôi với những nỗi niềm nhung nhớ về hai miền quê: Nội, Ngoại.

QUÊ NGOẠI

         Quê ngoại tôi ở quận Cầu Ngang làng Mỹ Hòa, còn quê nội thì ở quận Trà Cú làng Long Hiệp mà bà con địa phương gọi là Trà Sấc. Trà Vinh nằm giửa hai con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu và ăn tận ra biển. Quận Cầu Ngang gần biển, hơi xa Sông Tiền. Ra Bến Đáy vài cây số là biển. Cầu Ngang đất đai hình thành bởi những giồng cát vì xa sông Tiền nên những giồng cát chỉ là những giồng cát ròng. Ở đây có những động cát lớn như Đỗng Cao, Ba Động, ra xa tí nửa về hướng Nam là những cồn: Như  Cồn Ngao, Cồn Lợi, Cồn Cù……

                                 Một thủa bên trời mang gắm vóc

                                 Chân lúa quê hương thắm nước nguồn

                                 Mẹ hát ca dao miền châu thổ

                                 Con lớn ngọt bùi nước phù sa

                                 Đồng rưộng phăng diều căng cánh gió

                                 Gốc cỏ nối liền cuối chân mây

                                 Đường dây tuôn chỉ cao vòi vọi

                                 Nghĩa nước tình sông cũng xum vầy

                                 Nước mặn đồng chua miền lưu xứ

                                 Mảnh đất cheo leo giữa nước trời

                                 Hồn nở năm vành sao muối trắng

                                 Gió uớp thịt da đã mặn mòi

                                 Cây đước cây bần chân giữ đất

                                 Kinh một, kinh hai rẽ mấy dòng

                                 Cha đi ghe mướn qua thành phố

                                 Chở muối đồng quê đổi lấy tiền

                                 Con học nhấp nhem vần quốc ngữ

                                 Mẹ vẽ  I,T trên lá xanh

                                 Lá chuối sấp trên vùng cát mịnh

                                 Lằng chữ in sâu tiếng vỡ lòng

                                 Phênh sóng lá khô đan làm giạc

                                 Chiếu lát mùng thô ấm giấc dài

                                 Manh nóp đường xa cha cơ cực

                                 Mẹ hát ngọt bùi con ngủ say

                                 Sương khuya giọt vắn giọt dài

                                 Đất cồn sóng vỗ đêm ngày thở than

                                 Trùng trùng cát đổ sương tan

                                  Lúa mọc lan tràn cây trái xanh tươi

                                   ………………………………

                                   Sóng bổ cồn xưa còn vọng mãi

                                   Có tiếng quê hương tuổi ấu thời

                                   Ta đứng bên trời nghe xa xót

                                   Một thủa phù sa đẹp dấu người

                                   Trên đất khai sinh hồn phấn đấu

                                   Giờ đứng nơi nầy thương nhớ mong

                                                                (Đất Cồn)

         Những láng như Láng Thé, Láng Sắc, láng Chim, Láng Cò… Ăn qua Trà Cú là láng Đôn Xuân. Trong bài hát “Trà Cú Trong Tình Thương Mật Ngọt” viết trong thời gian nhạc sĩ Trúc Phương sống tại Ngã Ba, huyện Trà Cú, có đoạn:

 

                                   Anh lại theo em dzìa láng Đôn Xuân

                                   Hai mùa ngọt mặn ,

                                   Rửa chân sông cạn ,

                                   Rồi ngơ ngẩn tím bông bần”.

                                   Mùa chướng trơ, đồng khô nắng cháy

                                   Gánh lưng lưng gào nước chia hai

                                   Bưng ly dừa mát dạ những ai

                                   Thương em quá buổi đường dài’

                                     …………………………..

         Ở những vùng giáp biển cây đước, cây mắm, cây bần rể thân tua tủa bám vào đất đễ giữ đất, bên trong tí nữa là đám ô rô, cóc kèn, ráng, lát thêm chân giử cho phù sa đổ từ sông Cữu Long từ các nhánh của sông Tiền sông Hậu làm cho thềm lục địa lấn dần ra biển.

         Lúc còn nhỏ được má đưa về thăm quê ngoại vào những dịp Tết hoặc hè.Tôi thích chạy trên những bãi cát với mấy người anh em cô cậu tìm moi những củ khoai còn sót lại qua mùa vụ, ăn nong nóng dòn dòn và ngọt lịm..Có khi đi đào hang bắt dế đá, hoặc dế cơm. Những chiều ông ngoại ung khói bằng phân cứt trâu phơi khô, bọ rầy bay tứ tung. Bọn tôi thường tìm bắt bọ rầy trên những nhánh sầu đâu hoặc trên những cây đào lộn hột. Ấu trùng của bọ rầy là đuông đất. Mỗi khi ông ngoại cuốc đất làm rẫy, chúng tôi tha hồ bắt đuông và dế. Loại đuông đất và dế cơm đem rang muối, ăn cơm chan với nước canh rau thi cũng rất bắt miệng. Dế thì chỉ lặt đầu, bẽ càng, còn đuông thì phải ngâm vào nước muối cho đuông nhã đất, sau đó bỏ cái bọng cứt của đuông. Dế và đuông đem rang trong cái chảo với muối. Sau nầy dì Tám của tôi mua thêm đậu phọng nhét vào đít con đuông ,con dế đem chiên dòn ăn rất đã miệng. Nói đến đuông phải nhớ đến đuông chà là. Hồi nhỏ tôi không thích loại nầy vì trông nó to gần bằng ngón chân cái lại ngo ngoe thấy gơm gớm. Nhưng sau nầy khi lớn lên, biết nhậu lai rai rượu đế Xuân Thạnh, thì cái món nầy xem ra độc nhất vô nhị. Loại đuông nầy là những ấu trùng của con kiến dương. Mỗi đọt chà là thường thấy một con. Cây chà là mọc bạt ngàn ở Bến Giá, Long Toàn. Người ta nhìn thấy cây nào mà đọt bị quẳp  gảy thì chắc ngay là có con đuông ở trong. Cây chà là được chặt ngã và lấy dao đẵng khúc gần ngọn, cột bó lại. Cứ 10 ngọn thành một bó, đem ra chợ bán. Mấy anh chị bà cô cậu của tôi còn làm thêm cái món khô cá khoai trộn giấm với lá sầu đâu sắc nhỏ, nhậu cũng thấy tới lắm…..

       Hồi đó, bữa cơm trưa thường khi tôi ăn cơm với ông ngoại ở cái chòi nhỏ ngoài rẩy cất gần bụi tre gai. Ông ngọại ít nói, lại điếc tai nên tôi ít khi nói chuyện với ông. Mỗi lần được má dắt về ngoại. Khi vừa xuống xe đò vào nhà trong cởi áo ra là chạỵ liền ra ngòai rẩy. Ông ngoại đang cuốc đất nhìn thấy tôi, ông ngừng tay và nói : Cháu mới qua hử…..Rồi lại tiếp tục công việc. Suốt thời thơ ấu, hình như tôi không có chuyện trò gì nhiều với ông, có lẽ vì ông khó nghe mà tôi thì nói quá nhỏ. Lúc đó tôi khoảng mười tuổi……Duy chỉ có một lần ông bị bịnh, má đở ông lên và mớm cháo cho ông. Tôi đứng gần trước mặt ngọai. Ông ngoại nhìn tôi và bảo cháu đấm lưng cho ông, ông mõi quá. Tôi hỏi đấm chỗ nào- ông chỉ cho tôi. Tôi đấm hai bên vai ông ngoại. Ông ngoại xoa đầu tôi và nói ông thấy khỏe quá…Sau đó tôi đi ngủ và hứa sẽ làm tiếp khi thức dậy. Nhưng tôi không có dịp nữa, khi chợt tỉnh giấc vì tiếng khóc thúc thích của má. “Cậu ơi, cậu bỏ con đi rồi…”.

         Tất cả họ hàng bên ông, bà ngoại đều ở rải rác trong huyện Cầu Ngang và Long Toàn. Lúc còn nhỏ tôi chỉ biết các cậu mợ, cô dì quanh quẩn gần nhà ông ngoại, còn một số bà con ở xa, tôi chỉ nghe má nhắc tới nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Sau nầy khi lớn tôi biết được số tản mát ở xa tận Mé Láng, Cồn Ngao… đa số các cậu, mợ, dì, dượng  đều đi theo kháng chiến từ hồi năm 1945. Các cậu ở gần thì sau nầy đi lính. Tôi nghĩ có lẽ do hoàn cảnh ở gần đâu thì ảnh hưởng đó, hoặc vã ở thế chẵng đặng đừng chăng? Qua cuộc chiến cả bà con đi theo hai phía người còn người mất. Cho dù đi theo bên nào. Cho dù bên thắng bên thua…họ hàng vẫn tìm đến nhau trong tình quyến thuộc.

Huỳnh Tâm Hoài

 

Có 23 bình luận về QUÊ NGOẠI

  1. Một Lúa nói:

    Chào anh Huỳnh Tâm Hoài,

    Tôi có dịp đi ngang Đôn Xuân và Long Hiệp, ấn tượng về những ngôi chùa của người Khmer với những hàng rào xây dựng lộng lẫy dài dằng dặt dọc theo lộ xe,  bao bọc ngôi chùa kiến trúc theo kiểu Angkor. Mái chùa vượt khỏi đám sao dầu, vươn thẳng trời xanh  đẹp hút hồn.

    Nét đặc biệt của vùng đất vồng Trà Cú, hai hàng me keo xanh rợp che mát con lộ trãi đất nung.

    Xin hỏi anh Tâm Hoài, địa danh Xuân Thạnh ở đâu, rượu đế thương hiệu đó có khác với đế nếp Trà Cú hay không.

    Lúa

     

    • tamhoai nói:

      Xuân Thạnh là một ấp nhỏ thuộc xả Hòa Thuận, nếu đi từ thị xả TràVinh về hướng quận Cầu Ngang thì đi ngang cái ấp nầy. Hồi trước người ta còn gọi là rượu Đầu Bờ,sau nầy vì chất lượng rượu ngon do bí quyết gia truyển từ thời ông Hai Biện truyền lại cho con cháu phát triển sau nầy. Cơ sở sản xuất tại  Ấp Xuân Thạnh , sau nầy được phổ biến nên chủ nhân lấy thương hiệu Xuân Thanh.

      Nếu so sánh với rượu ở Trà Cú thì tùy người uống. Rượu Xuân Thạnh nồng độ cồn cao, còn ở Trà Cú thì nồng độ thấp hơn. Hồi đó tôi chỉ thử chút chút rượu XT chứ không dám uống nhiều…sợ xỉn.Thường thì uốpng ruọu nếp Trà Cú hoặc Vũng Lêm.

      *Ghi chú thêm.Thấy bạn viết chữ đất vồng…Nên tôi xin nói lại thêm chổ nầy… chữ giồng  mới đúng bạn ạ.Đó là những giồng đất cao rộng  và dài do cát và phù sa tụ lại theo năm tháng…cư dân  quần tựu cất nhà theo trên đó, có khi những giồng lớn lập thành ấp.Chổ tui có cái ấp gọi là Ấp Đầu Giồng, ấp Giồng Nhỏ, ấp Giồng Lớn, Giồng Trôm, Giồng Lức….

      HTH

      • Một Lúa nói:

        Cám ơn anh Tâm Hoài trả lời về địa danh và lịch sử rượu Xuân Thạnh.

        Chữ vồng là do tôi sơ ý xài lầm, chớ không có ý gì khác.

        Tôi biết Vàm Giồng, Vĩnh Xuân, Trà Ôn là quê bà nội tui.

        Tôi cũng có viết bài “Anh Năm Giồng Riềng” cũng chưa lâu lắm. Vậy mà vẫn cứ quên “Trên đất giồng, mình trồng khoai … cao! Hu hu hic hic

        • tamhoai nói:

          1 Lúa thân mến,

                 Vì muốn xác minh nên tôi nói lại cho rỏ chứ không có ý gì khác..Chuyện sai sót với tuổi khá lớn của tụi mình thì khó mà tránh khỏi nhất là khi đánh chữ xong …vì gấp rút…bấm phản hồi liền thì mấy ai mà không sai.

                Bạn có quê nội ở Trà Ôn…thì thuộc Vỉnh Long.Trà Vinh -Vỉnh Long thì kề bên nhau rồi.Hồi đó lúc Trà Vinh chưa có các lớp đệ nhị cấp(Đệ tam- đệ nhị)Học trò Trà Vinh đều lên Tống Phước Hiệp.Hồi tôi thi Trung Học cũng phải lên Tống Phước Hiệp để thi.Bạn bè tôi rất nhiều người xuất thân từ Tống Phước Hiệp.HTH

  2. Thanh Nhi nói:

    Anh Tâm Hoài kính ! Lúc chưa nghĩ hưu mỗi năm em cùng đoàn khám chữa bệnh,cấp thuốc miễn phí cho người nghèo ở huyện CẦU NGANG, Bà con nông dân ở đây hiểu khách, thật thà, cây nhà lá vườn, có món gì ngon là mời khách ,em mê nhất là mắm kho có tép trứng,cá nhỏ giống như cá cơm, có con đuông,cà tím…ăn với rau đắng và các loại rau hái ngoài vườn, rau thiên nhiên (tự mọc),lúc đầu thấy đuông em hơi bị sợ, khi nghe Bà con nói ít khi được ăn, em vị nể ăn thử rồi mê luôn,còn rượu anh Một Lúa nói em cũng có uống ít ít, nhưng nghe đâu bây giờ không còn ngon và chất lượng như xưa.
    Em thăm anh chị cùng các cháu.

  3. BẠCH LỘ nói:

    Bài viết của  Anh Huỳnh Tâm Hoài phát họa lên một bức tranh về ký ức tuổi thơ nơi vùng quê ngoại thật ấm áp tình quê, khiến người đọc dạt dào xúc cảm và bâng khuâng nghĩ về một miền quê” coi khói đốt đồng ngậm ngùi nhớ lũy tre xanh…”    

  4. tamhoai nói:

    Đúng vậy Thanh Nhi, dân các vùng nầy rất hiền hòa. Còn các món ăn nhà quê thì khỏi nói…dù có cao lương mỹ vị cách mấy cũng nhớ các món nhà quê của mình vì nó đã thấm vào da thịt, máu xương tuổi thơ của mình với bao yêu thương từ bàn tay mẹ nấu nướng .HTH

  5. Lương Minh nói:

    Khoàng năm 1977 , tôi có đi Cầu Ngang thăm ông chú làm lò bánh mì ở đây. lúc đó tôi nhớ chợ Cầu Ngang có đến 3 nhà lồng nối dài, trong khi Chợ lách chỉ có một. Hồi năm ngoái , tôi có theo thầy Khắc minh về Cầu Ngang chơi. Chợ và phố xá bây giờ khác xưa. Bún nước lèo ở tại chợ vẫn ngon, nhưng thầy Minh lại dẫn tôi vào một quán hơi xa chợ. Một tô bún nước lèo chỉ có 8.000 đ, nhưng nếu kêu thêm thịt quay, huyết heo, cá lóc,chả giò chiên thì giá tối đa là 40.000 đ/phần, bằng một tô phở trung bình ở SG. Hương vị bún nước lèo nhờ có sả và nấm rơm nên rất ngọt.

    Về đây nghe bà con nói là ở Ba Động giờ phát triển nhiều, rất vui về đêm, tiếc là thời gian không có để tham quan cho biết.

    • tamhoai nói:

      Ba Động nằm trong khu vực Huyện Duyên Hải.Huyện Duyên Hải bây giờ phát triển mạnh:Hồi tôi về năm 2013 tôi có ghé huyện Duyên Hải vì có đứa em chú bác ở đó.Cây cầu bắt ngang sông Lòng Toàn đã xong(Ngày xưa huyện nầy có tên là Long Toàn).Một nhà máy nhiệt điện đang xây dựng, các trại nuôi tôm bao la.Đêm về rực sáng ánh đèn điện. Bãi Biển cát mở gà có nhà nghĩ và quán ăn.tuy nhiên chưa được huyện quan tâm cho lắm nên chưa được như các điễm du lịch khác.Ba Động(3 động cát to) bây giờ không còn như thuở xưa

           Chổ bạn ăn

           Lần sau LM có về TV, nhớ về Huyện Duyên Hải ,lúc nầy chắc nhà máy nhiệt điện đã hoàn thành và cảng Duyên Hải sẽ là nơi hội tựu của các nhà máy sản xuất Hải Sản.Ở Trà Kha thuộc Huyện Trà Cú nhờ Trằm Bê nên đã có nhà máy xuất cảng hải sản nhiều năm nay rồi.HTH

      • tamhoai nói:

        Chổ LM ăn bún có thể là của bà chị cô câu của tôi.Quán chị Hoa bán bún nước lèo có tiếng ở Huyên Cầu Ngang.Viết đọan nầy tiếp ở trên vì không biết tại sau bấm vào chữ Phản hồi thì bị mất đi.HTH

  6. Hoàng Hưng nói:

         Rượu nặng uống mới đã, ít có rượu đế nào qua nổi rượu Xuân Thạnh. Hình như chữ rượu đế xuất phát từ Trà Vinh, Xuân Thạnh.

    • Một Lúa nói:

      Chào Hoàng Hưng,

      Nghe người ta nói, thời kỳ nước ta thuộc Pháp. Tây có đội “tào cáo” (?) chuyên việc đi bắt dân mình nấu rượu lậu, để bảo vệ quyền lợi các hãng rượu lớn có đóng thuế, như rượu “công xi” ở Trà Ôn thuở trước. Quê tui có câu “Rượu công-xi, cầm ly uống trước”.

      Do việc tránh tụi “tào cáo” phạt vạ, dân ghiền của mình phải mang kháp ủ, nồi ống, thau diệm ra giữa mấy đám sậy đám đế nấu rượu ngoài đó. Họ có nghe tin Tây tới thì bỏ chạy mình không.

      Đầu tiên chắc có lẽ có người đặt tên rượu sậy thì nghe lúa quá. Khi đổi tên rượu đế, vừa oai phong vua chúa, vừa đúng thực trạng trốn chui, bà con ta khoái chí hả hê mà sỉn.

      Lúa

       

      • tamhoai nói:

        Theo tôi biết thì chữ Đế không phải là đế vương !Vì phải nấu rượu chui, rượu lậu nên bà con mình đi vào các rừng bụi cây trong rừng rậm để nấu rượu…dỉ nhiên nhiều nơi ẫm thấp nên bà con mình lấy cây lót như miếng đệm bên dưới để kê nồi kháp rượu,chữ đế có nghĩa như miếng lót như đế giày.Hồi xưa tôi còn nghe rượu rừng,rượu sậy…khác với rượu công xi như bạn nói.HTH

  7. Hoàng Hưng nói:

         Hôm trước Phương Nga nói, rượu đế là vì rượu đó “Đế” trong các loài rượu như trong câu “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư.”  Tôi cũng nghe như Một Lúa giải thích, vì ngày xưa nấu rượu lậu và cất dấu trong những bụi đế, nên gọi là rượu đế, nhưng tôi không biết cây đế là cây gì, nói ra sợ anh Cả “quở.”  Ngày xưa hồi còn nhỏ lắm, tôi đọc tuần san hay nguyệt san Hương Quê hay Quê Hương? Ông Bình nguyên Lộc thường viết những câu chuyện ngăn ngắn trong tập san đó. Tôi nhớ có một câu chuyện, ngày xưa có một loại cối giả gạo bằng chày đạp, một “tào cáo” đến một căn nhà để bắt rượu lậu, lúc đó thì người chủ nhà đang giả gạo . Tôi không nhớ bằng cách nào người chủ nhà nhờ “tào cáo” đạp dùm cái chày, khi “tào cáo” đã đạp cái chày nhắc lên, người chủ nhà bồng đứa bé bỏ vô cối, nếu “tào cáo” buông chân ra thì cái chày sẽ đập lên đứa bé. Người chủ nhà công khai mang những tang chứng đi dấu hết, nên sau này “tào cáo” đi bắt rượu lậu thường đập bể khạp, hay hủ ủ rượu trước khi lập biên bản.

  8. tamhoai nói:

    Bạn Hoàng Hưng,

    Cách giải thích về chữ đế của bạn theo tôi tìm hiểu thêm thì đúng nhất.Tôi cũng không biết chính xác cây đế  nhưng tôi tôi nhớ người ta nói cây tranh,cây đế,cây lát mọc lẩn lộn nhỉều ở Trà Vinh và Bạc Liêu.

    Riêng tôi thì chỉ biết tranh và lát còn cây đế chắc phải tìm tòi thêm.

    Còn giãi thích về chữ đế của tôi (Support) thì chỉ là suy diển khi tra cứu,nhưng tôi biết chắc chắn đế không phải là đế vương,vua chúa.Xin quý vị am tường về cây đế xác minh dùm.Quý mến.HTH  

  9. tamhoai nói:

    Tôi tìm thấy một đoạn văn viết về rượu đế trên NET. Xin trích dẩn và gởi đến 2 bạn 1Lúa + Hoàng Hưng. HTH

    Rượu đế

    Chuyện kể là trước khi người Pháp tới Việt Nam thì ngành nấu rượu đã có. Tuy nhiên, sau năm 1858 người Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam thì họ cũng quyết định thắt chặt việc nấu rượu và thu thuế. Bà con ta tất nhiên là không chịu để bọn thực dân đô hộ bóc lột nên quyết định … nấu rượu lậu. Rượu lậu vừa rẻ lại vừa ngon hơn rượu của nhà nước thực dân, ở miền Nam thì được nấu bằng gạo nếp rồi đem giấu trong những lùm tranh, lùm đế ở xa nhà, hoặc khi thấy Tây đoan, Tàu cáo đến bắt, nghe động thì bê tất cả nồi rượu, bình rượu chạy vội dấu dưới đồng cỏ hoang dại mọc toàn cây đế, một loài cây giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, hay lau sậy mọc cao vút đầu. Tên gọi rượu đế trong Nam xuất xứ từ đó.

    (Không thấy đề tên tác giã)

  10. BẠCH LỘ nói:

    Em nói thử về cây đế để ACE xem có đúng không. Cây cũng gần như cây sậy, mọc nhiều thành đám rậm rạp ở những hoang vu, vùng đất bị bỏ phế,vườn hoang. Thân cứng, đặc không bọng như sậy,bìa lá rất sắc bén, không cẩn thận đụng nào là bị cắt da rướm máu. Hình như bước sang mùa khô (mùa đông?)thì bông đế trổ màu trắng nhờ nhờ phất phơ theo gió như hoa sậy vậy.          

    Nhắc đến bông đế, em lại nhớ bài thơ: Mùa Bông Đế (em quên tên tác giả) xin ghi ra đây cho ACE tường lãm nha:      

                           Theo gió giao mùa lòng chuyển lạnh,                

                          Cơn buồn bổng đến giữa chiều nay.         

                           Mẹ ơi! con thấy lòng tê tái,             

                            Nhớ những năm xưa cũng độ này…          

                    Mỗi độ đông về đem giá buốt,            

                    Đầy trời mưa bụi gió heo may.        

                   Quê ta có tục vào Đông chí,            

                  Tảo mộ Tiền nhân khắp đó đây.           

                          Nên mỗi năm con thường một bận,          

                          Đến hầu mộ mẹ mái đồi Tây.          

                          Quanh nền ngôi mộ nào sim, đế          

                           Trên nấm vàng, xanh lớp cỏ dày.            

                  Lưỡi cuốc con đi từng lát cỏ,                        

                  Rựa dài con phát những chồi cây.          

                  Xong nhìn màu đất lòng sung sướng,        

                  Bông đế đem gom một bó dày.            

                  Quét lại một lần thêm sạch sẽ,          

                  Phấn hoa hòa lẫn khói nhang bay.        

                          Đời em giờ cánh chim phiêu bạt,      

                          Đất khách bơ vơ những tháng ngày.              

                          Gác trọ chiều nay ngồi nhớ lại,            

                          Cõi lòng như xát vị chua cay.        

                          Đồi xưa, mộ mẹ nằm hiu quạnh,        

                          Bông đế nghiêng mình gió lắt lay.          

                          Quê cũ vời trông lòng thổn thức,          

                           Phát cỏ dọn chồi có ai thay?          

                           Chổi hoa ai quét thay nhang đốt,        

                           Bia cũ đồ son giúp một tay?!            

                   Muốn gửi nhớ thương về lối cũ,          

                   Chân trời trắng đục một màu mây.        

                    Lòng em như một cành bông đế,      

                    Theo gió nghiêng mình lảo đảo say!                                                 

                          

  11. tamhoai nói:

    Vâng,đúng như Bạch Lộ mô tả. Xem trên Net tôi thấy hình cây ĐẾ.Muốn tãi vào trang Web mà không ra hình.Bài thơ thật hay,đọc bài thơ tôi bị xúc cảm mủi lòng nhớ đến mẹ tôi giờ cũng khuất bóng.Cám ơn B.L nhiều.HTH

  12. NGUYEN TUYET nói:

    Bài viết về Quê Ngoại  ở Cầu Ngang cuả anh Tâm Hoài , nơi này hồi NT khoảng 15 hay 16 tuổi gì đó , NT có đi theo má NT xuống Cầu Ngang  chơi và ngủ đêm tại 1 nhà gần chợ , và cũng gần trường học , anh TH tả về quê ngoại cuả anh rành và nhớ tên từng điạ danh hay ghê , các ACE khác tả về quê ngoại mình cũng hay , còn NT không biết tả về quê ngoại cuả mình , vì NT không có nhớ tên điạ danh nơi đó  , NT khâm phục anh TH và các bạn quá chừng ,  NT vưà đọc các PH cuả các ACE rất là vui và hào hứng. Cám ơn vì được biết nhiều thông tin hay về rượu đế , cây đế ….! Hay !

  13. Hoàng Hưng nói:

         Cô 9 cũng tả lại cây đế giống như Bạch Lộ tả.

  14. ngocthusa nói:

    NgocThu  cũng mang máng nhớ cây đế Bach Lộ tả , còn có tên cỏ tranh nửa có đúng khg ace ???? 

  15. Hoàng Hưng nói:

         Chị Ngọc Thu ơi, theo cô 9 nhà tui nói, cây đế ốm nhom ốm nhách hơn cây mía lao, ruột nó đặc cứng, cây đế cũng cứng hơn cây sậy, chị Ngọc Thu có thể chặc cây đế về phơi khô làm cây roi đét vào đít một người.

  16. Hoàng Hưng nói:

    Anh Hoài nói cuộc chiến qua vì hoàn cảnh riêng, trong họ hàng mỗi người có thể đi khác đường. Gia đình tôi còn đặc biệt hơn nữa, ông ngoại tôi thuộc thành phần có nợ máu, bị mổ bụng tại cầu tàu Tam Bình, bà ngoại tôi hiện đang an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ. Ba tôi làm cho làng xã, có một đêm có một bà từ trong khu đến nhà tôi cho biết tin tức của cậu hai tôi đang trong chiến khu, ba tôi tiếp đón niềm nở, còn nhờ hỏi thăm dùm chú ruột của ba tôi,tức là ông của tôi ngày xưa kháng chiến ở vùng U Minh đã mất tin tức khoảng vài năm. Hôm sau ba tôi đồng ý cho má tôi đi vào khu thăm cậu tôi. Sau khi về má tôi kể lại cậu chắc làm lớn lắm, phải qua 3 trạm kiểm soát mới gặp được cậu, khi gặp được cậu, cậu mới cho má tôi biết con của cậu tức là anh của tôi đang làm trưởng chi cảnh sát tại Chợ Lách.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác