Nghỉ tết

Ngày đăng: 1/02/2014 10:57:30 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

 Hồi mới qua Mỹ mỗi tuần đi học bốn ngày, ba ngày cuối tuần đi làm cho một siêu thị Việt Nam. Gần Tết ông chủ hỏi tôi, năm nay tết nhằm ngày cuối tuần, phố Tàu ngoài Los Angeles vui lắm giống như Chợ Lớn ở Việt Nam ngày xưa, mới đến Mỹ có muốn nghỉ đi chơi cho biết không. Nghe ông nói vậy tôi xin ông nghỉ. Ông lì xì cho tôi bằng tiền lương một ngày làm. Không những ông chủ này tốt, cả gia đình ông đều là những người tốt. Mùng một Tết tôi đến Los khá sớm, vậy mà phố cũng đã có nhiều người rồi, đã có tiếng pháo nổ, đến trưa con đường Broadway ngập đầy xác pháo. Có nhiều cô quăng cả phong pháo vào xe Cảnh Sát chạy qua. Tôi ngạc nhiên thấy xe Cảnh Sát vẫn tiếp tục chạy đi, chẳng để ý đến phong pháo hay người quăng phong pháo. Xe Cảnh Sát ở Mỹ quây kính xe bít bùng không giống xe Cảnh Sát ở Việt Nam trước năm 75, nên một phong pháo nổ chẳng hề hấn gì.

     Năm sau tôi xin vô hảng Mỹ làm, lương tàm tạm, khá hơn làm ở siêu thị khoảng gấp ba lần nhưng công việc lại nhàn nhả hơn. Vì tiếc tiền, nên  những ngày Tết tôi vẫn đi làm bình thường. Mãi đến khi cô 9 qua, tôi mới xin nghỉ ngày mồng một.  Sáng mồng một tôi thức khá sớm, nhưng cô 9 đã thức trước lâu rồi, nhìn cô 9 đang ngồi xắc bì, tôi nhớ  ngày xưa, ngày thường má tôi bận việc, ngày mùng một không biết thức lúc nào, sáng sớm đã thấy má tôi ram xong một chảo thịt, bắt đầu xắc, tôi mon men lại bóc thịt ăn, bị má la, đầu năm đầu tháng mà ăn bóc ăn hốt. Tôi mắc cười, vậy là suốt năm bị “ăn bóc,” có nghĩa là suốt năm không bị đói, vì có thức ăn, mới có bóc. Rồi nhớ đến ba, cũng giờ này nhiều năm trước, ba tôi đang ngồi uống trà, đợi các con thức dậy, phát tiền lì xì.Đang ngồi mơ màng về những cái tết thời xa xưa, cô 9 bưng ly cà phê nóng và dọn đồ ăn sáng. Cô 9 nói, ăn xong chở cô 9 đi chùa. Tôi cũng muốn đi ra ngoài cho khây khỏa, uống xong cốc cà phê, ăn qua loa vài miếng, đi đến một ngôi chùa nho nhỏ vừa mới xây.  Chung quanh nhà tôi có nhiều chùa lắm. Thời Phật thịnh, chùa chiền mọc như nấm, ở đâu có người ở đông đông một chút là có thêm chợ, thêm chùa. Sau 5 năm chợ “nở nồi” hơn một chút nhưng chùa xây lại lớn gấp đôi, gấp ba.
     Ngày Tết người đi chùa khá đông, nên phải đậu xe khá xa đi bộ lại chùa, còn cách xa mới đến chùa đã ngửi được mùi hương, gần đến chùa mùi hương càng tỏa bát ngát hơn. Vừa bước vô chùa bên tay phải có một bàn để đơn xin cúng sao giải hạn. Cô 9 đến “thỉnh” đơn đưa tôi, bảo tôi điền tên. Tôi thấy đơn đâu có đủ chỗ ghi tên cho bảy, tám chục triệu người, mà có đủ chỗ, tôi cũng đâu có biết hết tên đâu mà điền vô. Mà tôi điền bằng chữ Việt, Chư Phật có đọc được không. Rồi tôi nhớ lại, tôi đã từng nghe đồn rằng Phật có thiên lý nhãn, thiên lý nhỉ, và còn nhiều cái thiên nữa. Tôi tỉnh ngộ, vậy là Phật đã biết hết rồi, ai được giải hạn, ai không, đã được định rồi, không cần phải điền đơn nữa, tôi đem đơn để lại chỗ cũ. Sau khi đưa đơn cho tôi, cô 9 đi thẳng vào chánh điện, đang thành tâm lạy Phật. Tôi đứng nhìn kỹ tượng Phật, Phật Việt Nam khác với Phật của những nước khác. Đạo Thiên Chúa có “hệ thống” hơn, tượng Chúa ở đâu cũng giống nhau. Chỉ có Nguyễn tất Nhiên thấy tượng Chúa “gầy hơn xưa” thôi. Nhìn Phật tôi nghĩ, Phật Chúa có linh hiển, nhiệm mầu không? Cúi đầu thành khẩn con kính lạy. Phật, Chúa từ bi soi sáng dùm. Ông cha con đến từ ngoài đó. Tận dòng sông Dương Tử Bắc phương. Bị lấn dài chạy mãi trời Nam. Chưa đủ sao?  Mấy ngàn năm, họ còn ăn hiếp.
     Lạy Phật xong, cô 9 đi ra phía hậu liêu, tôi cũng ra phía sau. Một tượng Phật nằm khá lớn. Tôi đến gần coi kỹ, không thấy dấu ráp nối chổ nào. Vậy là tượng Phật liền lạc khá nặng. Vậy là trước khi được thờ phụng, Phật trải qua thời kỳ bầm dập, bị trói buộc, xe cần cẩu móc lên, bỏ lên xe, tàu chở đi.  
  

  Đi chùa vừa về đến nhà, một người quen gọi điện thoại rủ tôi đến nhà ông ta đánh bài “cách tê” chơi, đã có ba tay rồi. Đến nơi tôi thấy một ông đang lảnh tiền già, một ông đang lảnh tiền bệnh, một cháu còn đang đi học đang đợi tôi. Tôi nghĩ hai ông già dịch này, mặc dù hai ông đang lảnh tiền trợ cấp, nhưng cũng còn có đồng ra đồng vô, vậy mà hai ông còn muốn ăn thua với một cháu còn đang đi học. Tôi hỏi hai ông, đánh bài “cách tê” ba lá hay mười ba lá, hai ông trợn trừng trả lời, bài cách tê 6 lá, tôi hỏi, vậy là ba lá trên, ba lá dưới phải không? Hai ông trả lời một cách thất vong, hỏng biết thì thôi đi ông ơi, tôi trả lời hai ông, vậy thôi tôi dìa há.
     Về nhà tôi nói cô 9 cuốn mấy cuốn bì, nhâm nhi vài chung rượu cho qua cái tết xứ người, từ đó tôi không bao giờ xin nghỉ tết.

Hoàng Hưng

Có 3 bình luận về Nghỉ tết

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Hôm nay, mùng ba Tết. Đọc bài của Hoàng Hưng, có đoạn nhắc đến má, đến ba. Tự dưng buồn buồn, nhớ lại, lúc còn ở nhà học ở Trung học Tam Bình, thì đêm mùng một hoặc mùng hai là má bắt canh chừng nồi bánh tét. Canh nồi bánh tét thì rất khỏe, toàn chụm bằng củi gốc. Mấy anh em ở xóm xúm lại ngồi gần bếp lửa đánh bài cào 3 lá, nếu thua hết tiền lì xì để dành, thì qua Tết nhịn. Nhưng rất vui. Tui thì không bao giờ thua hết tiền, thường thì ăn được chừng 5-10 đồng hoặc thua 1-2 đồng là nghỉ, nên tụi bạn kêu tui bằng thằng ” cờ bạc cơm gạo”.

  2. PhươngNga nói:

    Qua chiện nầy không biết anh HHg đóng kịch giỏi hay hai ông bác (dịch) kia khờ? Khi hỏi cách tê chơi 13 lá, là biết tẩy “ông” nầy biết “bài bạc” là gì rồi.  Nếu không tại sao không là 10 hay 12?

  3. Hoàng Hưng nói:

    Anh Cả ơi, anh cờ bạc cơm gạo như vậy là làm bạn với Hồng Lợi được rồi. Hồng Lợi rất bận săn sóc cho cháu David và cũng bận theo dỏi thị trường chứng khoáng từng giây. Mỗi ngày kiếm được 100 là nghỉ.

    Phương Nga ơi, đâu biết đánh bài, hồi xưa nghe ông Tùng Lâm ca bài “xập xám chén”   Phù lũ tàng tàng thì bán chiếc Honda,   thì biết có bài 13 cây.   Nghe thầy Vỹ hỏi: Đố tụi bây tại sao có bài Ấn Độ 6 cây?  Thì biết có bài 6 cây. Còn bài cào đếm nút tính tiền thì hình như ai cũng biết.

Trả lời Hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác