Ấm trà thiền

Ngày đăng: 27/02/2014 03:31:28 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Phổ Tâm là pháp danh của nhà báo Uyên Viễn, thân hữu của trang nhà. Nhân một buổi uống cà phê với Lương Minh bàn về chuyện uống trà Uyên Viễn gửi cho LM bài viết này, nói là đã đăng trong tờ KTSG xuân 2014 rồi, nhưng chắc chắn có nhiều  ACE chưa đọc. Giới thiệu với anh chị em đọc và bình luận cho vui (SOS) 

Trà là phương tiện có công năng giúp hành giả xoay lại chính mình nên phận sự, vì vô tâm mà nhận được của báu trong nhà. Tác dụng của trà là giúp cho người sử dụng ngủ ít, tỉnh táo, sảng khoái lại không làm cho người ta say đắm và rất thích hợp với việc ngồi thiền.

Trong chốn thiền môn tịch lự vô niệm vô ưu, hơn 1.500 năm qua việc thưởng trà đã trở thành “người bạn đồng hành” của các nhà sư và chúng đệ tử tại gia lẫn xuất gia.

Ở Trung Hoa, vào những năm 520-528, dân gian cho rằng việc hình thành cây trà và công dụng của nó làm thức tỉnh các thiền giả trong quá trình tu tập, ngồi thiền được gắn liền với huyền tích Tổ Đạt Ma và tông phong dòng thiền Bích Quán “truyền ngoài giáo lý, không dùng văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” tại Tổ đình Thiếu Lâm, núi Tung Sơn, tỉnh Hà Nam. 

Trà cũng là một trong những phẩm vật tôn kính và lâu đời nhất được các vị thiền sư Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản v.v. dâng lên cúng dường chư Phật, chư vị Bồ tát, cùng lịch đại Tổ sư, thứ nữa nó mới được tiến công các vị hoàng đế, lãnh đạo quốc gia. 

Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814, đời Đường), khi soạn ra “Sắc tu Bách Trượng thanh quy” đã soạn nhiều nghi thức dâng trà lễ cúng dường chư Phật, chư Tổ, các buổi Phổ trà trao đổi thiền lý…

Thiền sư Triệu Châu (778-897, đời Đường) là bậc thượng thủ khi sử dụng công án “Uống trà đi” để hướng dẫn đồ chúng phá bỏ chấp có, chấp không mỗi khi đến gặp ngài để tham vấn. 

                                                                         Ấm trà 18 vị la hán

 

Trà Triệu Châu lừng danh trong nhà thiền và cực kỳ khó hiểu đối với người thế gian, vì bất kỳ một ai cũng được ngài hào phóng mời “Uống trà đi” nhưng không hề có trà để pha, không có ấm để chứa và cũng không có ly để rót. Vậy làm sao để uống trà? 

Theo cách lý giải của thiền sinh Thích Đạo Tâm (môn đồ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trong sách Giai thoại Thiền sư Triệu Châu, trang 90): Nếu bạn muốn uống được chung trà của thiền sư Triệu Châu hãy lắng tâm thức xuống bạn mới thưởng thức được hương vị của trà. Nghĩa là trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, bất cứ ở đâu, tâm bạn rỗng rang không phân biệt mà danh từ chuyên môn trong nhà thiền gọi là vô tâm, thì bạn đã uống được trà Triệu Châu rồi đó. 

Như vậy, việc thiền sư Triệu Châu mời mọi người uống trà, dù đến đây hay chưa đến hoặc đã ở lâu rồi, tất cả đều phải vô tâm. Ngài đã thấu rõ tâm can của chúng ta, cái con khỉ ý thức phân biệt quá nhiều chuyện, vì vậy cần phải lắng dịu xuống, đừng để lăng xăng lộn xộn nữa. Đó là cốt tủy của trà Triệu Châu.

Trải qua hàng ngàn năm gắn bó mật thiết với trà, các vị thiền sư đã chiêm nghiệm ra trà rằng trà có “Tam đức”: Thứ nhất, uống trà giúp tọa thiền suốt đêm vẫn tỉnh táo; thứ hai, lúc bị đầy bụng uống trà giúp tiêu hóa, nhẹ thần khí; thứ ba là “bất phát” khống chế dục tính và bình tâm tĩnh khí khiến hành giả đạt được thanh thản.

Trà là phương tiện. Trà là phẩm vật do thiên nhiên ban tặng cho con người. Nó có công năng giúp hành giả xoay lại chính mình mà nên phận sự, vì vô tâm mà nhận được của báu trong nhà, bởi vì trà có tác dụng giúp cho con người ngủ ít, tỉnh táo, sáng khoái nhưng lại không làm cho người ta say đắm và rất thích hợp với việc ngồi thiền. Trong chốn nội tâm sâu lắng của mình, chúng ta luôn biết quay về với thiên nhiên, hòa nhập một thể thống nhất với thiên nhiên, đó chính là nguyện vọng đẹp nhất mà thiền trà muốn biểu đạt. 

Trong khi đó người thế gian vì mê đắm mà cho rằng những năm tháng trải qua việc uống trà là đã đi tới sự cứu cánh, là tuyệt đỉnh công phu, chính vì thế mới tổ chức các cuộc “đấu trà” về kỹ thuật pha chế, thi các loại trà ngon, so đọ giữa các loại ấm trà với nhau mà sanh ra phiền não, được mất, hơn thua. Thiền ý của trà cũng vì lẽ đó mà mãi mãi cách biệt với nhóm đối tượng này.

Ở Việt Nam, vào đời Lý, thiền sư Viên Chiếu (999-1090), khi trả lời một vị thiện tri thức đến tham vấn đạo lý, ngài đã nói rằng: “Tiễn anh đi ngàn dặm, cười trao một ấm trà”. Ấm trà mà ngài Viên Chiếu trao cho người lữ khách hôm qua cũng như bây giờ là ấm trà vô niệm, vô ưu, cho nên dù có đi đến bất cứ phương trời nào cũng không hề bị lầm lạc.

“Cười trao một ấm trà” hay “Uống trà đi” của hai vị thiền sư nêu trên nào có khác gì nhau nếu biết nhận ra! Một khi nhận ra đó cũng chính là nụ cười hoan hỷ của Đức Từ Thị Di Lặc ban tặng cho chúng sinh trong ngày đầu xuân, hoặc giản dị mà gần gũi biết bao đó là “Cành mai trước sân đêm trước”của thiền sư Mãn Giác. 

Ấm trà thiền là ấm trà của sự tĩnh tại, vô nhiễm. Ở ngay chỗ không có đối đãi, hơn thua, vướng bận giữa danh và sắc thì việc nhận lấy nụ cười và ấm trà ly cấu được trao từ các vị thiền sư là điều hoàn toàn có thể và bình đẳng.

Phổ Tâm 

                                            ấm trà chất liệu đất tử sa có hình Bồ đề đạt ma
 

Có 4 bình luận về Ấm trà thiền

  1. Hoàng Hưng nói:

        Theo những gì tôi biết về đạo Phật, cốt tủy của Phật  giáo cũng là “trà Triệu Châu”  nhưng rất tiếc nhiều nhánh Phật khác đi xa quá. Cũng rất tiếc “trà” tự nó thì rất tốt, có những chất pha trộn vào trà để tăng hương vị lại là những chất độc hại. Làm sao biết được trà nào là trà tốt. Uống trà để tâm lắng đọng, bây giờ uống trà tâm lại không an.

  2. PhuongNga nói:

    Anh HHg, không phải chỉ uống trà, mà ngay cả uống nước cũng chưa chắc yên thân. Tháng giêng qua, West Virginia, hơn 300 ngàn dân thậm chí dám tắm vì nước bị nhiểm độc.  Hôm qua đang lúc chạy xe về nhà, nghe tin tức cho biết là ở Portland, nước uống có hàm lượng chì cao.  

    Nói cho đến cùng, sống như hồi xưa, không hay biết gì hết, vả lại, nghèo quá, có gì ăn nấy, có nước nấu chín rồi uống, cho đở bận tâm.  Miển không chết đói chết khát là may lắm rồi.

  3. NGUYEN TUYET nói:

    Cuối tuần rồi có người bạnVN ghé thăm chơi ,  tặng NT 1 bịt  Trà Sâm Dứa , nhản hiệu 4 con ngưạ vàng , trà này ngộ lắm , NT nấu nước sôi pha trà đãi khách liền , uống thì thơm ngon mùi lá dưá lắm , người bạn nói , ở VN mình có nhiều lá dưá , chắc là trà bằng lá dưá thật mới thơm lừng , ngon bát ngát, NT vưà uống , cảm thấy vưà ý lắm , uống tới chun trà thứ 2 thì ngáp dài như buồn ngủ vậy , nhưng rán tỉnh để cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Đúng như PN nói , nếu mình cứ sống như ngày xưa , có chi dùng nấy , có trà thì cứ uống trà , đừng  mất công tìm hiểu cái chi chi  thì thôi , sao cũng qua , nhè NT cứ thắc mắc , lá trà  là lá dứa thiệt   không , để có dịp sưu tầm mua uống , hôm sau , NT rưả bình trà và xem cọng trà lá dưá ra làm sao , thì thấy nó đâu phải là lá dưá sấy khô , mà là loại lá cây , hay là lá trà đặc biệt chi đó , bây giờ thì mất hứng uống tiếp , trở lại uống trà xanh của Nhật , và trà gạo lức tự bỏ vô lò rang uống. Nghe PN nói nước uống có chất độc chì , vậy , PN ơi , cứ mỗi cuối tuần  tranh thủ đi mua trái thơm hay trái khóm , say lấy nước uống , nó có thể giúp đẩy hàm lượng chì cao ra ngoài.Đúng như anh HHg nói , riết rồi , không biết tin là trà nào là trà tốt thiệt đây , chắc chỉ có trà  ” Từ Tâm ” thôi huynh ơi . hi hi,

  4. Nguyễn Văn Lần nói:

    Đúng như NT và PN nói đó H.Hưng ơi ! Tui ở đây có chi dùng chi. Chỉ duy nhất kỹ 1 điều là rượu chính tông Hòa Hiệp hoặc Xuân Thạnh mới uống, ngoài ra thì miễn bàn. Có như thế mới hẹn gặp bạn già H. Hưng và Thế Điển để mình còn  nhậu ” xỉn cà ná” chứ ! Đố ông Điển tại sao có từ xỉn cà ná ( chỉ Tam Bình mới có ).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác