Xe ngựa miền sơn cước

Ngày đăng: 30/01/2014 09:11:44 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Tiếng vó ngựa lúc nhặt lúc khoan khua lóc cóc và những chiếc xe ngựa lạ mắt trên Tỉnh lộ 948 là những âm thanh và hình ảnh quyến rũ bất cứ khách phương xa nào khi đến vùng sơn cước biên thùy Tây Nam Tổ quốc

 Đó là những chiếc xe ngựa dân dã với hai gọng gỗ quàng cổ ngựa và thùng xe gỗ không mui tạo hình ảnh lạ mắt, thu hút bất kỳ ai một lần đến miền sơn cước huyện Tịnh Biên (An Giang). Tiếng móng ngựa gõ mặt đường là âm thanh của những phận đời nghèo. Họ sống lương thiện với cái nghề không ai gọi “xà ích” mà “chính danh” là “bo xe ngựa”.

          Để có một chiếc xe ngựa chở hàng, đầu tiên mua ngựa, loại ngựa nhỏ con. Ngựa mua từ một sóc nhỏ bên kia biên giới thuộc tỉnh Takeo (Campuchia). Tùy theo xe và ngựa, tùy theo mua mặt hay mua chịu, toàn bộ xe và ngựa khoảng 12 đến 15 triệu đồng. Có người đi xe ôm qua biên giới, mua xong chạy xe ngựa về. Có người đạp xe đạp qua đó, mua xong, cho xe đạp lên xe ngựa, chạy về. Ở Vĩnh Trung có lò đóng xe ngựa, 3 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên mua xe cũ tại địa phương của những người bỏ nghề, rẻ hơn, 1,2 triệu đồng/chiếc… Để phân biệt ngựa tốt xấu, người ta cho ngựa chở nặng chạy một đỗi. Nếu ngựa hất mình té xuống thì không nên mua. Có điều kiện mua móng ngựa bên Takeo rẻ hơn. Nếu không, mua tại thị trấn Vĩnh Trung (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) do thợ rèn rèn. Thợ Vĩnh Trung đóng một chiếc móng ngựa ăn công 25.000 đồng. Cứ 1 tháng đóng 1 lần toàn bộ móng ngựa. Ngựa là con vật nuôi ít tốn kém. Chúng ăn khá đơn giản: cỏ tươi, chuối cây xắt, cẩn thận hơn thì cho ăn lúa. Một con ngựa ăn mỗi tháng một bao lúa, khoảng 200.000 đồng. Cho ngựa ăn vừa phải. Nếu ăn no, “ra” (nôn) liền. Ngựa rất ít bịnh, không hề bị lở mồm long móng hay các dịch bịnh khác, chỉ thỉnh thoảng bị đau bụng nhưng thường tự hết. Đêm giăng mùng chống muỗi cho ngựa ngủ. Mỗi ngày đều tắm ngựa, nếu không da ngựa đóng vảy, sinh ghẻ chóc.

          Anh Chau Socran, sinh năm 1979, người bo xe ngựa trên địa bàn Tịnh Biên từ nhiều năm nay. Cho chiếc xe ngựa của mình đậu trên lề đường, anh lom khom cắt những lọn cỏ non xanh. Vừa nhanh tay cắt cỏ cho vô bao nylon, anh vừa thố lộ: “Mới chở một chuyến xe gỗ tạp, về ngang đây thấy cỏ non quá nên tranh thủ ghé cắt cho ngựa ăn”. Nhờ bo xe ngựa thồ cùng 2 công ruộng lúa trên (*) mà anh nuôi vợ (nội trợ) và 2 con nhỏ học hành đàng hoàng. Chị Neang Sabêt (36 tuổi, ấp Bần Ro, xã Văn Giáo, Tịnh Biên) cho biết chồng chị bo xe ngựa đã 6 năm nay. Con trai chị, Chau Wannak, năm 15 tuổi đã bo xe ngựa. Neang Sabêt khoe chồng chị, anh Chau Wanna là người bo xe ngựa “chuyên nghiệp”. Năm 2011, anh được đi học lớp “lái” xe ngựa ở thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên). Sau một tuần học, được cấp tiền ăn, nơi nghỉ, Chau Wanna có cấp bằng “lái” (bo) xe ngựa. Neang Sabet thổ lộ, trước đây chị leo thốt nốt, cắt lúa mướn. Trước kia nhà chị có 2 chiếc xe ngựa. Gần tháng nay 1 con ngựa chết, chồng chị đi Bình Dương làm hồ. Nhà không có ruộng vườn, chị ở nhà nội trợ, chồng làm hồ và con bo xe ngựa mà gia đình sống khá hơn xưa, dù không dư. Ngoài con trai 17 tuổi bo xe ngựa, cô con gái 12 tuổi đang học lớp 6. Nhìn căn nhà tường khá khang trang, chị cho biết đó là nhà tình nghĩa. 

Không ai biết nghề bo xe ngựa ở Vĩnh Trung có từ khi nào. Vài chục năm trước, người ta bo xe ngựa nhiều lắm. Gần đây, xe ngựa ngày càng ít vì có nhiều phương tiện cơ giới vận chuyển người, hàng hóa, vật dụng vừa nhanh vừa rẻ. Vĩnh Trung là xã có nhiều xe ngựa thồ, với khoảng 50 – 60 chiếc. Có thể nói nhà nào cũng bo xe ngựa. Bến xe ngựa thồ duy nhất ở gần chợ Vĩnh Trung, hoạt động hai lần: sáng sớm, lúc 7 giờ và buổi trưa lúc 1 giờ. Đó là giờ vận chuyển khứ hồi hàng hóa cho chợ, còn lại chở gỗ tròn (bạch đàn) cho một trại gỗ bên trong bến. Thời gian còn lại, người ta bo xe ngựa chở cây, ván, lúa, vật liệu nặng, vật liệu cồng kềnh, một vài món hàng không mấy vệ sinh, di chuyển trên những con đường đất lồi lõm, bùn sình mà xe cơ giới không lưu thông được. Tiền công tính theo độ dài chặng đường và sức nặng món hàng. Nếu chở hàng nặng 300kg trên đoạn đường dài khoảng 15-20km thì tính 200.000 đồng. Chau Socran cho biết thêm nếu chở trấu cho xóm thì tính 500 đồng/bao. Một xe chở 20 bao trấu. Một ngày chở 200 – 300 bao, tính ra cũng được 100.000 đồng – 150.000 đồng. Đó là số tiền kiếm được bình quân một ngày. Tuy nhiên cũng có ngày chẳng được một đồng nào!

Nhưng, xe ngựa vùng nầy đâu chỉ thồ hàng hóa mà còn chở… khách du lịch. Anh Chau Socran nở nụ cười múm mím cho biết lâu lâu cũng chở khách du lịch một chuyến. Là vì người ta thích xe ngựa duy nhất hiếm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nầy. Lại nữa, có lẽ nghĩ ngồi xe ngựa lọc cọc qua những rừng cây thốt nốt xòe tán, xa xa những ngọn núi xanh mờ mịt khói mây quấn chóp và những cánh đồng mạ non xanh dờn, làm sao không bị quyến rũ. Một chuyến xe chở 5 khách từ thị trấn Nhà Bàng – núi Cấm (Tịnh Biên), 200.000 đồng. Chau Wannak cụ thể hơn: “Một thùng xe chở tối đa 10 người. Khách ngồi hai bên thùng và trên sàn xe trải chiếu. Không nói giá. Ai cho bao nhiêu thì cho. Thường thì khoảng 200.000 đồng/chuyến từ thị trấn Nhà Bàng đến núi Cấm. Tuy nhiên cũng có lúc gặp khách sộp cho nhiều tiền, còn “khuyến mãi” lon Heineken hoặc lon Bò cụng để… tăng lực. Mình vừa bo xe vừa làm hướng dẫn viên du lịch, kể sự tích núi Cấm cùng những gì hiểu biết về mảnh đất nầy bằng tiếng Việt “rặt” giọng Khmer. Đó là hạnh phúc của những người bo xe ngựa. Đề nghị chị Neang Sabêt bo xe ngựa cho chúng tôi chụp hình, chị cười e thẹn: “Dớ… con gái bo xe ngựa người ta cười chết. Con trai mới được bo thôi”.

   Buổi trưa nắng gắt, tiếng móng ngựa gõ lọc cọc âm vang mặt đường nghe rộn rã. Tiếng móng ngựa gõ thay tiếng kèn xe chào mời khách. Âm nhịp buồn buồn của cuộc mưu sinh.

                                                               Bài, ảnh: PHÙ SA LỘC

 Lúa trên: Lúa mùa trồng bên chân núi, rất ngon cơm

———————-

           Neang Sabêt ngồi trên xe để Chau Wannak chuẩn bị bo ngựa

     Xe ngựa đang vào bến Vĩnh Trung

 

 

Có 1 bình luận về Xe ngựa miền sơn cước

  1. Hoàng Hưng nói:

       Hôm trước tôi đọc được một bài nói về xe ngựa ở miền Trung. Năm 1990 tác giả đi thăm một người anh, lúc đó khách không còn đi xe ngựa nữa, xe ngựa chỉ còn để chở hàng. Tác giả đến một thị trấn vào buổi chiều không còn xe đò chạy vào một miền sơn cước xa, xe ôm đòi giá quá cao, tác giả tìm đến một chiếc xe ngựa. Chủ xe ngựa chỉ lấy giá tượng trưng 500 đồng.Trên đường đi chủ xe ngựa biết tác giả đến nhà một người quen với chủ xe ngựa, chủ xe ngựa là chú Chín. Chú Chín đưa thêm một đoạn đường nữa đến nhà anh của tác giả và trả lại 500. Tác giả cũng cho biết, nuôi ngựa ở miền Trung cũng tốn kém lắm, phải mua thêm cám cho ngựa ăn, ngựa mới đủ sức chở hàng đường xa. Sau này chú Chín mất, con ngựa bỏ nhà vào rừng sống, thỉnh thoảng người ta thấy con ngựa về thăm mộ chú Chín rồi trở về rừng.

Trả lời Hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác