Ngày xuân bàn chuyện thư Pháp
Ở thành phố Hồ Chí Minh vào những dịp Tết đến có hơn 150 ông đồ viết thư pháp tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung văn hóa Lao động và nhiều đường phố khác. Điều này cho thấy phong trào chuộng thư pháp đã có, nhưng hiểu về thư pháp rành mạch thì không nhiều. Năm nay các phố ông đồ rộn rịp hơn mọi năm, có nhiều phong cách viết chữ mới nên người yêu thư pháp ngày càng đông hơn. Trong những ngày xuân, các ông đồ rất bận vì mãi lo viết chữ, tuy thế nhưng Lương Minh vẫn tìm được ông đồ Hoa Nghiêm để trao đổi về thư pháp vì đây cũng là đề tài mà LM mắc nợ với anh chị em từ mùa xuân trước.
Xin anh cho biết phong trào chơi thư pháp chữ Việt có từ năm nào ? Khi nào thì có chợ thư pháp?
1/ Ngày nay khi nhắc đến nguồn gốc của Thư Pháp Việt ( Quốc Ngữ- Mẫu tự Latinh) thì mọi người đều nghĩ ngay đến Nhà thơ Đông Hồ. Cho đến những năm của thập Niên 70 thì thư pháp chữ Việt cũng chỉ có một số ít người chơi như : sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Trụ Vũ,… thập niên 90 thì xuất hiện một số tay bút tài hoa và gây được tiếng vang như : Kiều Văn Tiến, Chính Văn, Nguyệt Đình, Nguyễn Thế Mẫn, Nguyễn Thiên Chương, Bùi Hiến, Hồ Công Khanh, Thanh Sơn, Văn Hải, Minh Hạnh, Trương Tuấn Hải… Đến năm 2000 thì thư pháp Việt bùng phát thành trào lưu và ngày càng phát triển cho đến ngày nay, một số tên tuổi được nhắc đến nhiều như : Lê Lân, Trần Quốc Ẩn, Nguyễn Hiếu Tín, Lưu Thanh Hải, Đăng Học, Hoa Nghiêm,… Về thời gian xác định mốc cụ thể thì còn là một dấu hỏi lớn.
Xuân 1998 thì nhà thư pháp (NTP) Bùi Hiến đã ra góc đường Trương Định – Điện Biên Phủ tặng chữ, và những năm tiếp theo các NTP ra ngày một đông, trở thành một nét văn hoá trong những dịp Xuân về.
PV: Ở thành phố Hồ Chí Minh đến nay mỗi dịp tết có khỏang bao nhiêu ông đồ viết thư pháp, ở những khu vực nào ?
Hoa Nghiêm: Ở TP.HCM vào những dịp Tết đến có khoảng hơn 150 ông đồ tham gia viết thư pháp. Từ Xuân 2007 ” Phố Ông Đồ ” tại NVH Thanh Niên TP.HCM chính thức xuất hiện ngay mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch với tên gọi ” Ông đồ xuống phố ” , Xuân 2008 ” Phố ông đồ ” thứ 2 xuất hiện tại CVH Lao Động TP.HCM. Đây là 2 phố ông đồ thu hút nhiều nhà thư pháp tham gia nhất, đến nay riêng hai phố này có khoảng hơn 100 ông đồ.
Ngoài ra còn một số ông đồ tham gia vào các Hội Hoa Xuân như : đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa xuân Tao Đàn, trung tâm văn hoá Nguyễn Du, Thành Thái,… Và một số Hội Hoa Xuân thuộc các quận huyện của TP. Hồ Chí Minh.
3/ Để trở thành ông đồ giỏi (hành nghề được) thì người viết thư pháp phải có những gì?
Hoa Nghiêm: Câu hỏi này cũng khó trả lời. Trở thành một ông đồ đúng nghĩa đã khó thì việc trở thành ông đồ giỏi càng khó hơn. Riêng bản thân Hoa Nghiêm quan niệm, để trở thành một ông đồ đúng nghĩa thì bản thân phải luôn nỗ lực học hỏi và rèn luyện rất nhiều. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng viết thì phải tầm sư học về ngữ nghĩa của ngôn từ, phải cố gắng hiểu câu chữ mình đang viết. Viết những chữ, những câu mình hiểu thì mới “phiêu” được, mới cảm thấy thú vị của thú chơi thư pháp.
Có một lần được thầy Trương Lộ tặng một bức thu pháp mà tôi rất trân quý và làm “Kim chỉ nam ” cho mình, nội dung là bốn người thầy mà ta phải ghi nhớ và không ngừng học hỏi : sư cổ; sư vật; sư hoá , sư tâm. Qua đó để trở thành một ông đồ giỏi là một hành trình gian truân.
4/ Tiếp xúc nhiều với người chơi thư pháp, anh thấy có giới sưu tập hay không, thư pháp có thể thành tài sản đắt giá trong tương lai không ?
Hoa Nghiêm :Hiện nay thì không rõ đã thật sự có nhà sưu tập thư pháp hay không (?) hoặc đã có mà tôi không biết, nhưng khi đi nhiều nơi triển lãm thì một số tác phẩm thư pháp được đón nhận một cách trang trọng. Đó là niềm hạnh phúc của người cầm bút.
Việc những tác phẩm thư pháp có trở thành tài sản đắt giá hay không còn tuỳ thuộc vào sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nhà thư pháp. Hiện nay thì thư pháp đã được một số nhà thư pháp “đầu tư” kỹ về cả hai giá trị đó là : giá trị tư tưởng & giá trị nghệ thuật. Và tôi hy vọng trong tương lai thư pháp sẽ được đón nhận với đúng giá trị thưc của nó. Nghệ thuật thì khó định giá nhưng cái giá mà thư pháp đem lại rất lớn đó là phương tiện truyền tải đạo lý một cách hữu hiệu.
PV: Nếu chọn thư pháp làm quà tết tặng người thân, thì có những mẫu nào, giá cả ra sao, trong đó nội dung là những gì để được ưa chuộng?
Hoa Nghiêm: Mẫu mã cũng như chất lượng rất phong phú, có rất nhiều chất liệu để lựa chọn như liễn giấy, đĩa men, gốm sứ, khung kính, sơn dầu, thêu, điêu khắc gỗ, sơn mài,… Tuỳ theo khả năng mà khách hàng có thể chọn cho mình bức thư pháp ưng ý.
Để tặng người thân trong dịp Tết thì đa số khách chọn những nội dung nói về gia đình, cha mẹ, mừng thọ, trao nhau chữ tâm, an, phúc, đức, nhẫn,…
PV: Anh cho biết có điều gì húy kỵ trong giới thư pháp hay không?
Hoa Nghiêm: Có chứ. Thư pháp được khái quát với hai nội dung chính. Một là gắn bó với cơ sở mỹ học của thư pháp ( cách viết, kỹ thuật viết, bố cục, màu sắc,…) Hai là gắn bó với tính cách, tâm tư tình cảm, quan niệm triết học, phong khí của thời đại,… hướng đến chủ quan trong quan niệm nghệ thuật thư pháp. Và hiện nay thư pháp Việt cũng đang trên đường định hình phát triển, chưa tìm được tiếng nói chung. Cho nên tôi hy vọng trong một tương lai gần các nhà thư pháp mở lòng ngồi lại cùng nhau tìm ra tiếng nói chung, xây dựng thư pháp trở thành bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.
PV: xin cám ơn anh.
Lương Minh
(Thực hiện)
H1 Tây cũng thích xem chữ ta
h2 Cung văn Hóa Lao động, một trong hai phố lớn nhất tại TPHCM
PV Lương Minh phỏng vấn Ông Đồ cho trang nhà có thông tin về kỷ thuật viết thư pháp của Hoa Nghiêm.
Tui thích thư pháp, đã có ý định học viết lâu rồi, nhưng chưa có cơ duyên, tui rất quý Hoa Nghiêm, chị Huỳnh Mỹ Lý.
Cách đây 06 tháng, tui có nhờ Hoa Nghiêm viết cho Họ Ngoại nhà tui 05 bức có khung trang trọng, Cô Bác, Họ Hàng ai cũng vuốt ve trầm trồ khen, tui nghĩ viết đã khó rồi, kỹ thuật phối hợp pha màu càng nhiêu khê hơn,tui rất cảm ơn Ông Đồ ! còn hẹn mời Hoa Nghiêm đi uống cà phe, nhưng đến Tết rồi mà chưa gặp Ông Đồ. Nhân đây cô Nhi xin lỗi Hoa Nghiêm và mong có dịp gặp lại. Cô chúc Hoa Nghiêm luôn mạnh khỏe để bàn tay vàng viết lên những mơ ước cao đẹp biến thành hiện thực cho người người, nhà nhà vui sướng.
Thanh Nhi