Chợ trời cuối năm

Ngày đăng: 27/01/2014 03:20:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

 Kể từ dạo ấy, tôi mê một loại khu chợ bình dân bán hàng tạp nhạp mà người Mỹ gọi là Flea Market. Có thời gian không biết bao lâu, tôi dịch chữ đó ra ngôn ngữ ấp Năm là “Chợ bù chét”. Mục đích chỉ dùng giao thiệp trong gia đình còn nói tiếng ta của mình. Ví dụ như: “Thứ bảy nầy bà có đi chợ bù chét với tui không”, hay thậm chí tôi nói với mấy đứa cháu được sanh trong các nhà thương trên xứ Mỹ: “Ngày mai có đứa nào đi chợ bù chét với chú không”. Thì hầu như những người đối diện đều hiểu tôi muốn nói chuyện gì.  Đến khi nghe cô bác đồng hương và những lão làng đáng kính vùng nầy không ai dùng tiếng nhà quê đó, nên tôi từ từ sửa lại thành chợ Trời cho giống với người ta. Chứ thực tế nhiều chợ trời không hẳn là chợ nhóm ngoài trời bởi lý do thời tiết có 6 tháng từ lành lạnh đến cực lạnh trong một năm trên miền đông bắc Hoa Kỳ. Hoặc là cũng có một vài khu chợ với những gian hàng chủ lực, họ buôn bán suốt năm bên trong những dãy nhà kín thì làm sao thấy mặt trời, mặt trăng. Chỉ đến khi xuân hè nắng ráo mới có thêm một số “hàng xáo” đến trải đệm nhóm chồm hổm ngoài trời, ai có chi bán chi, miễn là nạp tiền đủ cho mấy ông chà góp chợ, lệ phí tùy thuộc giá trị hàng hóa và diện tích mình chiếm ngự. 

       Dạo ấy là những năm đầu thập niên 1990, thời gian tôi mới định cư trên đất Mỹ với thân trần lưng trụi. Tôi chẳng có việc gì để gọi là bận bịu hơn việc được người quen đến chở, sáng  đi chiều về làm công cho hãng. Hai ngày cuối tuần của một người an nhàn không có cỏ để cắt, không đứng chủ căn nhà để dành ra thì giờ sửa chửa những sút sổ hư hao. Nhờ tay chân táy máy nên tôi có bằng lái xe rất sớm nhưng không sắm nỗi chiếc xe cũ để o bế lau chùi.  Không có nơi giải trí dù chỉ là ngồi chung với đồng hương một bàn cà phê mà tán gẫu. 

        Chồng đi cày, vợ chăm sóc con thơ và lo cơm nước, chúng tôi tằn tiện ít tháng để mua cái TV 27″. Luôn tiện kéo truyền hình cáp, tính ra mỗi ngày giá rẻ hơn một ly cà phê uống ngoài tiệm mà tải hơn trăm đài đủ đầy thể loại. Từ ngày có món giải trí nầy, tôi cảm thấy hơi đở buồn một chút, tuy dư thì giờ nhưng vì thiếu chữ nghĩa, thế nên không thể bắt vịt tàu cả ngày ngồi nghe sấm. Ngay cả được lối xóm cố cựu cho mượn một thùng băng gốc Tề thiên Đại thánh phiên bản 1986 của điện ảnh Hong Kong có lồng tiếng Việt chuyên nghiệp, tôi cũng không thế nào ngồi luyện cho lâu.       
        Lúc đó tôi chưa có xe, hằng tuần cứ lóng nhóng để quá giang đi chợ với bà con hay lối xóm. Bởi vậy người ta đi chợ Việt thì mình ráng cộ gạo Thái, mắm muối cá tôm rau củ. Họ ghé chợ Đại Hàn thì mình được biết kim-chi, cá cơm phơi khô, nếm thức ăn chế biến nêm ớt cay xé miệng. Người ta đi chợ Mỹ mua thịt bò bích-tết thì mình cũng bích-tết cho sang. Về nhà dòm lại miếng thịt bò bự chảng dầy cui, mà chỉ cho một khẩu phần có vẻ không đúng truyền thống gia đình cho lắm, nên bà xả lấy ra một miếng, dùng dao xắc lát mỏng xào củ hành cà chua một dĩa đầy vung cho cả gia đình. Ôi tài tình cho bà nội trợ Việt Nam, lo xa tuần tới không người đến chở. 

        Lo xa là bản tánh tốt của người kim chỉ. Chớ ở đây một thời gian thì quen biết mối mang cũng khá. tuần nào cũng có một-hai người đến rủ chúng tôi đi chợ. Tình cảnh đắc mối làm chúng tôi lúng túng, không lẽ chồng đi xe nầy vợ đi xe kia, thì tiền đâu mua đồ hai chỗ. Bụng thì rộn rả vui tươi nhưng mặt cố làm buồn: “Tiếc quá, tuần nầy tụi tui hứa với anh Hai, tuần sau chị có đi chợ nhớ hú bà xã tôi nghen, cám ơn nhiều lắm”.

        Anh Hai là chủ căn nhà chúng tôi đang mướn. Gia đình anh sống ở nhà nầy lâu lắm, anh ấy vừa mua căn nhà khác ở vùng tốt hơn trước khi chúng tôi qua đây chừng ít tháng. Anh ta cũng là một tay siêng năng lùng sục hàng chợ trời. Hôm trước anh mua được một món hàng thật đắc ý và buồn cười. Anh khoe chuyện đó với tôi 2 lần, một lần bằng miệng và mới đây bằng hiện vật. Món đồ mà anh ta cứ trầm trồ là một chiếc bóp da cũ của đàn ông, tuy bạc màu nhưng da còn rất tốt.  Anh Hai thích chiếc bóp cũ vì nó vừa vặn trong túi sau chiếc quần jeans, không như loại bóp đang xài nằm quay nghiêng dễ rớt. Sau lần ướm thử chiếc bóp vào túi quần thì anh quên bẳng, đến khi anh chuẩn bị dồn quần áo vào máy giặt mới khám phá trong chiếc bóp chợ trời còn có kèm thêm quà tặng. Chiếc bóp cũ giá 4 đô có chứa trong các ngăn 3 tờ giấy 5 đô phát hành đúng ngay năm sanh của anh Hai, 1950,  và một ít giấy tờ tùy thân chủ cũ. 

        Các món cổ vật mua bằng 4 đô của anh Hai chưa ai ước tính ra thời giá bao nhiêu, trước mắt biết chắc anh có trong tay 15 đô trước đã. Nhưng thương vụ một vốn bốn lời của anh Hai không nhằm nhò gì nếu so với một tay mua hàng chợ trời đang làm xôn xao giới truyền thông và dân tình cả nước.

         Một ngày hè 1989, tại khu chợ trời tại Adamstown, thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, có một người mà cho đến nay rất ít người biết được danh tánh. Ông ta mua một bức tranh cũ kỷ tầm thường với giá 4 đô. Về đến nhà, ông nhận thấy cái khung gỗ của bức tranh đã xiệu xạo nên mua một khung mới để thay. Lúc đó ông ta khám phá một bản văn khác thường nằm giữa bức tranh và miếng bìa cứng phía sau. Đó là bản Tuyên ngôn Độc lập 4-7-1776 của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Ông ta biết là vật quý nên bí mật mang lên New York nhờ giảo nghiệm. Người ta đề nghị ông ta cho bán đấu giá bản văn được công nhận là 1 trong 500 bản Tuyên ngôn gốc, và là bản thứ 24 được khám phá từ trước tới nay. Kết quả cuộc đấu giá đình đám ở New York tháng 6-1991, một doanh nhân người Atlanta Tiểu bang Georgia, trả giá 2.42 triệu đô la cho bản văn lịch sử lưu lạc giang hồ hơn 200 năm. Nghe nói là cũng bản văn đó, năm 2000 nó lại được mang ra đấu giá. Lần nầy một nhà sản xuất phim ảnh trả giá cao nhất với giá 8.14 triệu để được làm chủ. 

        Khác với những bức họa có giá chục triệu đô la, bản Tuyên ngôn Độc lâp Hoa Kỳ quý ở chỗ là bản văn lịch sử lâu đời nhất trong công cuộc thành lập quốc gia. Điều làm tăng giá trị của bản văn là nội dung mà nhiều dân tộc công nhận hoặc noi theo trên cơ bản. Và điều kiện để làm chúng vô giá là toàn dân Mỹ có thực hiện đúng đắn ý nghĩa tờ khế ước cao cả đó hay không. Vì vậy mà người ta không dễ dàng xuất ra một số tiền lớn để mua về một thứ kiểng vật vô hồn, hay vật vô dụng bị người đời nhạo báng. Thử xem một trong những đoạn đầu tiên trên bản văn đó, xem nó có xứng đáng nhận được sự tôn trọng của thiên hạ.
        “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những điều tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.   

        Không biết chỗ bán xe, bán nhà, bán ngọc ngà châu báu có được người ta gọi là chợ búa. Câu chuyện nầy xin được nói riêng về những ngôi chợ cho những nhu cầu thiết thực bình phàm, không nơi nào có thể bán ra món đồ giá trị hàng triệu đô la như ở chợ trời. 
        Từ dạo ấy, tôi bắt đầu kính nể và sinh ra thói đam mê lang thang ở những chợ bán hàng Secondhand hay còn gọi thân mật là chợ Si-đa. 

Nguyễn Thế Điển

  

flea market

(Source: MSN News)

(Source: Internet)

Bản Tuyên ngôn Độc lập nầy được xếp nhỏ lại và dấu sau lưng một bức tranh.

Lúa tui mua bức tranh nầy ở chợ trời với hy vọng có sự ảo diệu sau lưng. Không có gì hết nên treo lên ngắm đở. 

 

Có 10 bình luận về Chợ trời cuối năm

  1. Hoàng Hưng nói:

    Flea Market tưởng là chợ bán “Flea”

    • Một Lúa nói:

      Chào Hoàng Hưng,

      Nhân tiện chúc Hoàng Hưng và gia đình một cái tết vui vẻ đoàn tụ. Năm mới nhiều sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc.

      (Flea market không bán flea, mà chỉ bán ghế sofa cũ và tặng theo một ít flea. Haha)

  2. tuhientri nói:

    Ở Saigon tôi có tham gia một CLB sưu tầm xe mô hình tĩnh tỷ lệ 1/64.Đầu tiên vì mình thấy thích mà hồi nhỏ không được chơi, sau đó thằng con nó lại mê hơn mình nữa.Thấy nó mê cái này đỡ hơn mê game nên mình cũng an tâm.Không ngờ dần dà cả 2 cha con đều nghiện nặng..(hu..hu….)

    Trong CLB có một số a e rất giàu sưu tầm được rất nhiều xe ( vì hảng Matei sx từ năm 1968 đến nay só lượng vô cùng, có một số chiếc đến giờ trên thế giới chỉ còn 2 chiếc ,1 trong nhà bảo tàng, 1  của nhà sưu tập nên nó có giá đến 170,000 USD) Các anh em đó một số có thân nhân ở Mỹ, sau đó lại định cư ở Mỹ luôn, về gặp lại tâm sự họ vẫn thích nhất là cuối tuần đi săn hàng chợ trời về xe. Lượm một lô cả 100 xe  chỉ có 50$ thôi mà về xem kỹ nhiều xe rất xưa rất đẹp, rất quý mà mình còn thiếu thật là hạnh phúc…..,đem vế VN khoe ai cũng trầm trồ ganh tỵ, thật đúng là “Ngọc trong đá”.

    Thấy A Điển đưa đề tài này lên, nhớ lại tâm tình ngày xưa, ngày Tết ôn lại kỷ niệm cũ nên mạo muội tham gia .

    Năm mới xin kính chúc tất cả Sức khỏe dối dào, An -khang thịnh- vượng, Vạn sự Như ý, Mã đáo thành công,xin chúc, xin chúc,

    • Lương Minh nói:

      Ở TP.HCM có một quán cà phê chuyên chơi về xe mô hình ở đường Huỳnh Khương Ninh (Q1) của một tay đam mê xe, nay kho6ngt biết còn không. Hiền Trí đeo đuổi về việc này, anh đề nghị viết một bài giới thiệu với làng chơi xem sao (LM)

    • Một Lúa nói:

      Chào anh Từ Hiền Trí,

      Cám ơn anh đọc bài và viết bình luận.

      Người Mỹ xài vật dụng,  đồ chơi v..v.., họ giữ rất kỷ. Do đó mà họ trao qua bán lại những món đồ hằng chục hoặc trăm năm vẵn chưa hư bể hay tróc nước sơn. Trong môi trường như thế mới không ngọc nát vàng phai, đúng không bạn.

      Theo đề nghị của anh Lương Minh, bạn Hiền Trí viết ít bài về chuyện sưu tập lý thú của các bạn.

      Chúc bạn Từ Hiền Trí và gia đình hưởng cái tết Giáp Ngọ vui vẻ, năm mới 2014 mọi sự tốt đẹp.

      Điển

  3. Hoàng Hưng nói:

         Tôi rất ít khi đi chợ trời,  hôm trước có một người đi chợ trời “thỉnh” được một tượng Phật, tôi cũng muốn đi thử. Một hôm Hồng Lợi rủ tôi đi, tôi mua được một bầy chó bằng đồ gốm, bà bán chó cho biết, đó là bầy chó của bà nội của bà từ hồi đệ nhị thế chiến, bây giờ bà già rồi, dời nhà về ở gần Phương Nga, nhìn mưa cho mát cuộc đời còn lại, bà mới đem bầy chó của bà nội đi bán.

    • Một Lúa nói:

      Chào anh Hoàng Hưng,

      Nếu anh có dịp đến những chợ đồ cũ như Goodwill chẳng hạn, đôi khi sẽ mua được những món đồ cũ vừa ý.

      Mặc dù những món đồ ấy do bà con quyên tặng nhưng ít thấy vụ sứt gọng gãy càng.

      Năm mới 2014, chúc Hoàng Hưng sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc

      Một Lúa

  4. neangphirom 12 A 3 71 nói:

    Nhìn cảnh chợ trời cuối năm thích thật đó, ở bên này tui cũng là chuyên gia thích ngâm cứu thị trường chợ trời, nhiều lúc mua được món đồ, tha về chưng trong nhà, lâu lâu có khách đến nhà chơi thấy đẹp và lạ, tấm tắc khen ” cô Phi Rom mua cái này ở đâu đẹp quá mà em đi tìm mãi không có? ” Vậy mới hay chứ, những món mình mua được  thích lắm, vừa đẹp, vừa lạ, không đụng hàng, rất cám ơn bạn ML. Xin lỗi vì hổm rày rất bận nên chúc tết muộn.

    Năm mới chúc bạn Một Lúa cùng gia đình một năm vui vẻ, khỏe mạnh, con cháu sum vầy hạnh phúc, hưởng một mùa xuân thật đầm ấm.

  5. Anh 1 Luá à , chợ trời bên anh nhìn vui quá , đúng là chợ trời thật đúng nghiã , ở đây em mỗi tuần  chủ nhật cũng tranh thủ đi chợ trời 1 lần, nhưng bên em họ che liều , vô sạp , nên không có ý nghiã giống như bên anh , nhưng nó bán đủ thứ hết , cái gì khó tìm thì ra chợ trời kiếm , thế nào cũng có , tuy là hàng chợ trời nhưng có nhiều chỗ bán y như trong tiệm , nó rẻ hơn nhiều vì không thuế má , và tốn chi phí mặt bằng , còn đồ second hand thì có nhiều món cũng tốt và mới toanh , họ giữ rất kỹ và đem bán rẽ bất ngờ , ông xã Nguyễn Tuyết thắc mắc hỏi , bộ NT có hẹn ai ngoài chợ trời hả  , sao tuần nào cũng đi , NT nói  NT có người yêu là ông chợ trời , thế là ông Q nhà em cười hì hì…. đi vòng hết chợ trời khoảng 2 giờ đồng hồ ,coi như NT đi bộ tập thể dục vậy…. NT chọn lọc món nào thật ưng ý mới mua… rất là vui !

    • Một Lúa nói:

      Chào Nguyễn Tuyết,

      Năm Giáp Ngọ 2014, Một Lúa thân chúc Nguyễn Tuyết và gia đình sức khỏe, bình an, may mắn, hạnh phúc và công thành danh toại.

      Một Lúa

Trả lời Hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác