Lương Minh và tác phẩm

Ngày đăng: 19/12/2013 10:54:28 Sáng/ ý kiến phản hồi (9)

 Nhân ngày Sinh nhật của nhà báo Lương Minh (19/12) – Chủ nhiệm trang Tongphuochiep-vinhlong, là đồng nghiệp nhiều năm cùng gắn bó bên nhau ở Thời báo Tài chính Việt Nam – tôi trân trọng gửi đến bạn đọc trang nhà bài viết về anh sẽ đăng trong bộ sách tuyển tập Tác giả & tác phẩm – “NGƯỜI ĐỒNG HÀNH QUANH TÔI” – quyển IV, do nhà nghiên cứu Ngô Nguyên Nghiễm thực hiện ( Phạm Đức Mạnh)                                                                                               

 

(Từ trái qua): Nhà thơ Phong Tâm, chị Mỹ Linh, chị  Ngọc Thu, tác giả Phạm Đức Mạnh,  Lương Minh, anh Văn Năng, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.

                 NHÀ BÁO LƯƠNG MINH  VÀ NHỮNG TÁC PHẨM “ĐỂ ĐỜI” VIẾT VỀ CHỢ

      Nói đến nhà báo Lương Minh, nhiều đồng nghiệp, nhất là ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam luôn nghĩ tới một cây viết lâu năm có “tay nghề” vững trong làng báo Việt Nam. Các bài viết đa dạng của anh không chỉ mang tính thời sự nóng hổi, đem lại giá trị vô hình cho những nhà làm kinh tế, thương mại, gây ấn tượng với bạn đọc,… mà còn tạo nên phong cách riêng được xuất bản thành sách.

      Yếu tố để tạo nên chân dung Lương Minh khiến mọi người nể anh – đó là sự năng động, “cày” không mệt mỏi. Thời trẻ cũng như sắp qua tuổi hoa giáp, còn năng lượng và trong hầu bao còn đủ “cơ số đạn an toàn” là anh không bao giờ từ bỏ bất kỳ một chuyến đi thực tế nào để thỏa mãn lòng yêu nghề, và ôm về một “kho dự trữ tư liệu” cho cả những mục tiêu dài hạn.

      Có “của ăn, của để”, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho Thời báo Tài chính Việt Nam (nơi anh công tác); tham gia cộng tác viết bài cho nhiều tờ báo có uy tín như: Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Doanh Nhân Sài Gòn, Pháp Luật Việt Nam, Người Lao Động; Tạp chí Thương Mại, Thị Trường Chủ Nhật; một số báo mạng,… anh còn âm thầm “thai nghén” và cho ra mắt những tác phẩm “để đời” về “CHỢ” khiến không ít đồng nghiệp vừa bất ngờ, vừa cảm phục.

      “Đời Chợ” – đứa con đầu lòng “trình làng” năm 2000 của anh (in chung với Các Ngọc – Báo Sài Gòn Tiếp Thị) được viết bằng niềm say mê chợ là một quyển sách quý, chuyên sâu, chứa nhiều thông tin, tư liệu để tìm hiểu, tra cứu về “những chợ và phố ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh”. Đọc và viết lời tựa cho tập sách dày hơn 300 trang này, nhà văn Sơn Nam đánh giá: “… Từng bài báo nói về chợ lớn, chợ nhỏ đã xuất hiện từ lâu, nhưng chuyên tâm nghiên cứu, giới thiệu các chợ Sài Gòn và các tỉnh cho tương đối hệ thống là việc chưa ai dám làm. Nay có nhà báo trẻ thử mạnh dạn đi vào công việc khó khăn này, gọi là bước đầu “tiếp cận”. Riêng tôi đọc “Đời Chợ” thấy có nhiều điều thú vị, nhiều chuyện lớn nhỏ mà tuy sống lâu ở cái vùng đất sôi này cũng chưa biết tới. Tập sách này quả là một công trình cá nhân, đơn giản nhưng đáng khích lệ. Ước mong rồi đây chủ đề này sẽ được triển khai với nhiều tư liệu hơn, sắc sảo hơn. Và nhiều ngòi bút có thiện chí khác sẽ cùng tiếp tay, nỗ lực…”.

     Có lẽ, một phần từ sự khích lệ của nhà văn Sơn Nam và đề nghị của bạn đọc:“…nên có tiếp vài quyển về chợ ở mọi miền”, nên sau tác phẩm in chung “Bến Nghé – Bến Thành xưa và nay” năm 2005, tháng 8/2012, nhà báo Lương Minh và Các Ngọc tiếp tục xuất bản “Chợ Tỉnh – Chợ Quê”. Rất tiếc, nhà văn Sơn Nam đã “đi xa” không còn được chứng kiến “đứa con tinh thần” viết về chợ đa dạng hơn, phong phú hơn, chắc tay hơn… như ông mong muốn. Nhưng bạn đọc ở mọi tầng lớp, nhà nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước “yêu chợ” Việt Nam… lại có thêm tư liệu quý lưu giữ trên tủ sách của cặp đôi “đồng điệu” vượt qua bao vất vả để khẳng định lối đi riêng của người cầm bút với tác phẩm xứng đáng tồn tại với thời gian.

      “Chợ Tỉnh – Chợ Quê” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, dày hơn 400 trang, với 116 bài viết kèm ảnh minh họa về đủ các loại chợ lớn, nhỏ ở khắp miền Nam (dù chưa thống kê hết), có những chợ tồn tại hàng trăm năm, có chợ nằm “âm thầm” tận miệt quê hẻo lánh. Với những tư liệu đầy ắp và có giá trị lịch sử được ghi chép tỉ mỉ, cuốn sách trở thành nhân chứng giải tỏa nỗi lo của “…nhiều người cho rằng loại hình chợ sau này sẽ dần dần bị triệt tiêu, thay vào đó là các siêu thị sẽ tràn ngập” (Chợ Tỉnh – Chợ Quê). Trên thực tế, năm 2008 theo kế hoạch của UBND.TP việc di dời, bố trí cho trên 1.300 hộ tiểu thương buôn bán NSTP truyền thống lâu đời từ các chợ nội thị về kinh doanh ổn định, lâu dài tại Trung tâm Thương mại Bình Điền, để không gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan Thành phố… là một chủ trương đúng. Tuy nhiên sau khi “xóa sổ” hàng chục chợ cũ như: chợ cá Hòa Bình, chợ nông sản Trần Chánh Chiếu (Q.5); sân cá đồng 50 và chợ rau Mai Xuân Thưởng (Q.6); chợ tạm thủy hải sản Chánh Hưng, chợ cá Xóm Củi (Q.8); chợ khô Bình Hưng, chợ thịt An Lạc (Bình Tân)…thì việc muốn tìm hiểu về giá trị giao thương, giá trị văn hóa, nét truyền thống của một số “Chợ xưa ở Sài Gòn” như kể trên chỉ có thể hình dung trên sách, vở như “Chợ Tỉnh – Chợ Quê”.

      Dù vậy, vẫn còn hàng trăm chợ được duy trì và tồn tại một cách tất yếu trong “văn hóa chợ”, trong cuộc sống của người Việt, mặc cho những siêu thị hiện đại, trung tâm thương mại sầm uất đang mọc lên như nấm. “Bằng chứng là khi đi du lịch một nơi nào đó trong nước hay ngoài nước, nhiều người Việt Nam vẫn thích đi chợ để mua sắm và để hiểu văn hóa, kinh tế của địa phương đó phát triển như thế nào, đi chợ để hiểu đất, hiểu người,… để tìm ra sự khác biệt của chợ này với chợ khác, nét độc đáo riêng của mỗi chợ” (Chợ Tỉnh – Chợ Quê).

       Lần theo “la bàn” hướng chỉ của tác giả trong “Chợ Tỉnh – Chợ Quê”, nếu bạn “xem việc đi chợ như một thú vui”… thì hãy “lập trình” kế hoạch đi các “Chợ ở Sài Gòn” sẽ khám phá ra rất nhiều điều lý thú về giá trị lịch sử, tên chợ, các thương gia; sự phong phú của hàng hóa đậm chất vùng-miền; giá cả, nét văn hóa… Có những tên chợ đã trở thành “tương hiệu” rất quen thuộc với nhiều thế hệ như chợ: Bến Thành, Bình Tây, An Đông, Kim Biên, Nguyễn Tri Phương, Xóm Củi, Đông y Chợ Lớn, Bà Chiểu, Hòa Hưng, Phú Thọ, Phú Nhuận, Nguyễn Văn Trỗi, Thị Nghè, Tân Định, Thái Bình, Dân Sinh, Bàn Cờ, Vườn Chuối, chợ Thiếc, Tân Định, Ông Tạ, Hòa Bình, Thanh Đa, Võ Thành Trang, Tân Trụ, Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai, Bàu Cát, Phan Văn Trị, Hạnh Thông Tây, Tân Sơn Nhất, Hóc Môn, Củ Chi,…

      Bên cạnh đó, tác giả cũng thống kê những chợ chưa được nhiều người biết tới như chợ: Cũ (Q.1), Cây Quéo (Bình Thạnh), Bàu Sen (Q.5), Minh Phụng (Q.6), chợ thơm Cảng 6 (Q.1), Bùi Phát, Đại Quang Minh (Q.5), Cây Thị (Bình Thạnh), chợ Quảng Phương Nam (Tân bình), chợ Ông Hoàng (Tân Bình), Long Kiểng (Q.4), Rạch Ông (Q.8), chợ Đường (Q.12), Phú xuân (Nhà Bè), Xuân Hiệp (Thủ Đức),…

    Ngoài ra, tác giả còn “khám phá” thêm chợ chơi tem (Q.1), chợ Báo Sài Gòn, chợ thiệp ngày xuân, chợ lồng đèn, chợ phố Hàng Buồn (Q.1), phố Hàng Mạ, Thợ Bạc (Q.5), phố sắm xe bán hàng (Q.5), phố xích lộn, chợ số đẹp, Xiếu dẹ (Q.6)…

      Dù chưa thỏa mãn nhu cầu bạn đọc đi dạo khắp chợ to, chợ nhỏ trên khắp cả nước, nhưng trong “Chợ Tỉnh – Chợ Quê” vẫn “lộng lẫy” những trang viết về chợ nổi tiếng: Đồng Xuân (Hà Nội); Tân Thanh, Kỳ Lừa (Lạng Sơn); Trảng Bàng (Tây Ninh); Lái Thiêu, chợ Búng (Bình Dương); Bửu Hòa, chợ Sắt, Long Thành, Tân Hiệp, Tân Phong (Đồng Nai); chợ Phan Thiết; chợ mới Vũng Tàu; chợ trời biên giới (Long An); chợ Lương Qưới, chợ Lách, chợ Giồng Miễu (Bến Tre); chợ Phú Phụng, chợ Cái Nhum (Vĩnh Long); chợ sầu riêng Ngũ Hiệp, chợ vú sữa Vĩnh Kim (Tiền giang); chợ Rạch Giá, chợ Dương Đông- Phú Quốc, chợ Hà Tiên, Ba Hòn (Kiên Giang); chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)…

       Đi tìm tòi, sưu tầm và viết – đó là thói quen nghề nghiệp đã ngấm vào trong máu của anh. Không những thế, bằng nhãn quan và sự sáng tạo luôn dẫn người đọc cùng khám phá cái mới, cái lạ, tác giả Lương Minh còn “pha thêm chất hài” đầy tính hấp dẫn, quyến rũ trong cách sử dụng ngôn từ và đặt tít lớn, nhỏ cho từng bài viết. Đơn cử như viết về “Chợ lạ ở Đồng bằng sông Cửu long” – tác giả đã “dụ” người đi chợ vào những cái tên lạ mang sắc thái riêng, đặc trưng mà chưa có tài liệu nào đề cập tới: chợ hột Cái Mơn (Bến Tre); chợ rơm (Lai Vung, Đồng Tháp); hay chợ đồ gỗ “cũ người, mới ta” chuyên thu gom hàng đồ gỗ “thải” từ các thành phố về bán lại cho bà con nghèo vùng quê ở các tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang; hay đặc sản đồng bằng “lên thành, lên mạng”; chợ tết ở quê… Và “cao hứng”, tác giả còn chu du các chợ tỉnh vùng biên giới, qua tận đất Angkor để quan sát “thời cho hàng Việt” xuất ngoại của các doanh nghiệp Việt Nam trên đất bạn Campuchia…

      Có lẽ đến đây, bạn đọc đã hiểu được những điều tôi muốn nói về anh! Vâng – đó là con người có lòng say mê kỳ lạ về chợ. Ngay cả những chuyến đi công tác hay đi du lịch ở tận tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, hay ở giữa thủ đô Hà Nội, hoặc bất kỳ vùng đất nào khác – sự quyến rũ và thôi thúc bước chân anh đến đầu tiên nơi đó là “CHỢ”. Vì vậy, đọc những tác phẩm của Lương Minh, tôi không có gì phải đắn đo khi gọi anh là “Nhà Chợ học”.

       Những ai chưa có dịp đọc những tác phẩm chuyên về chợ như “Chợ Tỉnh – Chợ Quê” của anh, hãy tìm đọc để không nuối tiếc các bài viết ấn tượng, đậm phong cách bình dị, mộc mạc… của nhà báo Lương Minh.

 

                                                                                                  Phạm Đức Mạnh

Có 9 bình luận về Lương Minh và tác phẩm

  1. Ngoc Thu nói:

    Chị đã đọc quyển này rồi, đọc lướt qua những chợ quen trước, chợ lạ để dành đọc sau. Qua bài viết này, đã thôi thúc chị đọc thêm và thấy những nhận xét của nhà thơ là đúng.

  2. Thanh Nhi nói:

    Chào nhà thơ ,nhà báo Đức Mạnh ! Chị đã đọc và rất thích :”Đời Chợ”, “Chợ tỉnh – Chợ quê “tác phẩm của nhà bảo LM ,văn của Anh : bình dân, giản dị ,dễ hiểu ,dễ nhớ. Chị cũng có những suy nghĩ như Đức Mạnh và rất tâm đắc với tên gọi :”NHÀ CHỢ HỌC”.Chị mừng cho nhóm YAMAHA có bạn nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu. …toàn là bạn nổi tiếng .
    Chúc quý nhà…. luôn khoẻ mạnh để sáng tạo, sáng tác nhiều thơ văn .

    ..

  3. Phạm Đức Mạnh nói:

         Cảm ơn chị đã dành cho các nhà (nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà chợ học…) những lời động viên đúng phong cách YAMAHA. PĐM ước gì trang nhà mở thêm chuyên mục “TỦM TỈM CƯỜI” – dành cho những “Cây” hài có tài, lực, kho tiếu lâm và “siêu” nói “lái” như chị Thanh Nhi… (cả thể loại văn xuôi và thơ) để mỗi ngày mở TPH hay THCL.com ta lại “Cười ủm tỉm”.

           Không biết ông SOS và mọi người có đồng tình không ?

  4. ngocthu nói:

    Hi Đức Manh ! chị đồng tình với em mở mục < tum tỉm cười > và bầu thủ lĩnh nhóm YamaHa làm chủ bút mục này nghỉ sao hả TN!!!! ỳ

  5. Thanh Nhi nói:

    Rất vui khi được nhà văn PĐM tin tưởng. Cảm ơn chị NT . PĐM, đã khuyến khích,nhưng TN không dám đâu !? mà chuyên mục “Tủm tỉm cười ” TN cũng thích lắm , đôi khi bọn mình gặp nhau “Cười ủm tỉm “là quá sá vui rồi.
    Muốn vui hơn nữa thì chị Thu bay về hỗ trợ cho đầy đủ.
    Chúc cả nhà đón giao thừa tưng bừng và cười như pháo nổ.

  6. Lê Liên nói:

    Lê Liên tò mò về  quyển sách này quá chừng.

    Đầu tháng 9/2014  Lê Liên  xuống SG, anh Lương Minh có thể chỉ cho Liên đến nhà sách nào để  LL được sở hữu quyển sách này nhé?

    Có những lần lang thang đây đó, LL thấy nhiều Chợ xây xong lèo tèo vài cái cột, chống đỡ mái chợ thấp lè tè… nghe đâu hạch toán chi phí lên đến vài tỷ, nhưng không đưa vào sử dụng… vì đấu thầu quá cao, tiểu thương đành ra ngoài chen chúc, lấn chiếm lòng lề đường mà mua bán!!!!Thật lãng phí!

    Trong khi đó trẻ con vùng cao phải học tập trong những phòng ốc xiêu vẹo…. mưa dột, nắng rát.. thật đáng thương… Lê Liên nghĩ sao mà bất công thế?… Nói thật, LL rất bức xúc, không lẽ mình … biến thành con cháu Chí Phèo…để  mà… chửi đổng!?

    LL Hy vọng được cùng các anh chị lang thang qua nhiều CHỢ trong tác phẩm của anh Lương Minh.

    LL Chúc cả nhà thật An Vui.

    Thân ái.

  7. Luong Minh nói:

    Lê Liên thân

    Sách ra đã lâu (cuối năm 2012) không biết các hiệu sách có còn không. Tuy nhiên, nếu LL có lòng yêu thích thì LM sẽ đưa LL đến nhà sách mua cho một cuốn, ký tặng đàng hoàng quyển sách xưa đó, có sao đâu.

  8. Lê Liên nói:

    Không sao đâu anh Lương Minh. Sách của anh do nhà xuất bản nào phát hành vậy anh? Sách ra cuối năm 2012 nếu bây giờ bán hết thì thật mừng, vì quyển sách HOT.

    Liên sẽ ghé ra nhà Sách Văn Lang và Trí Đức ở Nguyễn Thị Minh Khai  SG tìm trước. ( Liên hay mua sách ở  nơi đây vì được sale off tứ 10 đến 25 ! Tiết kiệm thêm một chút ấy mà! Tuy nhiên không phải vì thế mà Liên không ghé các nhà sách khác ( FaHaSa, Phương Nam…)

    Hồi còn làm việc dưới  SG Liên thích nhất là những ngày lang thang trong Hội Chợ Sách… sau đó về TƯƠNG TƯ sách hihhiiiii….

    Liên có thói quen ghé vào các hiệu sách mỗi khi đến nơi nào đó du lịch, Thỉnh về 1 quyển để làm kỷ niệm….Liên nghĩ chắc các anh chị cũng có cái bệnh “yêu sách” … giống như Liên vậy !Hihi…

    Chúc cả nhà ta thật An Lành .

    Thân ái,

    Lê Liên

  9. Hoành Châu nói:

    Xin kính chào “Nhà chợ học”, Hoành Châu  đã được  đọc quyển”Chợ Tỉnh chợ Quê “,lời văn giản dị mộc mạc đặc  biệt là  vô số bức ảnh  về chợ nhỏ  chợ  lớn  kẻ buôn người bán rất tấp nập  , thật  vui mắt tưởng chừng như mình đang đi chợ vậy .Rất mong đọc thêm   những tư liệu khác của tác giả nếu có điều kiện , mong  tác giả vẫn yêu  chợ như ngày nào nhé  và những hình ảnh dấu ái xưa cũ  khi bước tới  bất kỳ một phiên chợ nào ở Tỉnh hoặc ở quê .!!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác