Con ba khía
Nguyễn Đình Bổn quê ở Cần Thơ, chuyên viết văn, làm báo, quen tôi gần 20 năm. Lâu rồi , tôi không gặp anh, hôm qua gọi điện hỏi, anh bảo là đang thất nghiệp nên ở nhà viết tản mạn chơi. Hỏi ngược lại tôi: còn anh làm gì? Bảo làm web để bạn bè đọc cho vui. Vậy thì em gửi anh vài cái “tản mạn” cũng để đọc cho vui. Bổn cười nói như thế. (SOS)
Hồi xưa, ở miền Tây có câu đố nhau như vầy: Đố chớ bốn con gì nặng một cân? Và trả lời con… ba khía! Vì sao là con ba khía? Thiệt đơn giản, cách đây chừng 30 năm về trước, ở miền Tây người dân vẫn xài cân đòn, loại xách tay, trên đòn cân có những cái “khía” đánh dấu 50g. Con…3 khía tức nặng 150g, bốn con nặng 600g, mà hồi xưa, người miền Tây nói 1 cân là 600g, 1 ký là 1kg!
Thời gian trôi qua, cái gọi là “giao thoa văn hóa” các vùng miền và những thay đổi để thích nghi với cuộc sống đầy biến động đã làm mất đi nhiều nét riêng đặc sắc tại vùng đất này. Món mắm ba khía vẫn còn nhưng cái cân xách tay đã gần như biến mất, cũng không còn ai nói 1 cân là 600g nữa nên câu đố xưa đã trở thành bí hiểm. Cùng chung số phận với cái cân đòn, một số vật dụng cũng chỉ còn trong ký ức. Nếu về miệt vườn chơi, có thể bạn sẽ bắt gặp những cái cối đá, cối xay, những cái kiệu lớn đựng nước mưa nằm đâu đó ngoài vườn. Trong đo lường, thì hai đơn vị dùng đong lúa là giạ và táo cũng một đi không trở lại và có thể thế hệ sinh sau năm 2000 không biết cái táo để đong lúa nó hình thù ra sao trong khi trước đây, người miền Tây định lượng lúa thu được hay bán đi bằng giạ, một giạ bằng 2 táo và một táo tương đương 20 lít.
Cuộc sống đổi dời, sông núi còn thay đổi huống hồ ngôn ngữ và vật dụng. Cũng chính vì vậy ký ức cần ghi lại dù không biết nó ích lợi hay là để cho ta những dư vị ngậm ngùi? May là cái món ba khía thì vẫn còn ở quê và cả ở… Sài Gòn để lâu lâu bà xã nhớ quê, mua vài ba lạng về trộn chanh, ớt, đường… Cũng mặn mặn, cay cay… cái hương ba khía cực kỳ đặc trưng Tây nam bộ, nhất là khi xế trưa đói bụng, xúc vài muỗng cơm nguội, nhấm nháp vài cái càng ba khía. Dù vậy cái cảm giác ngon lạ lùng là không thể tìm lại được, nó chỉ có ở cái thời ngồi giữa vườn dừa xào xạc dưới những mái lá đơn sơ ăn cơm nguội với mắm kho hay mút vài cái chân con ba khía.
Nguyễn đình Bổn
Nhìn cái cân biết đã lâu không xài, giờ chỉ để làm kỉ niệm !
Bốn con 1 cân thì lúc còn nhỏ tui đã nghe người lớn nói rồi. Vì là dân miền Tây nên không lạ gì câu nói nầy. Nhưng bây giờ nghe nhắc lại, thấy vui vui. Đọc bài văn của anh bạn già, mới thấy đúng chất của nam bộ nói chung và miền tây nói riêng. Cám ơn bạn già đã tản mạn cho 1 bài viết hay để đọc.
Một Lúa kính chào anh Nguyễn Đình Bổn đến với trang bằng bài viết thân thiết quê hương.
@Anh Cả Lần
Người lớn xóm tui thì có câu đố về con ba khía hơi khác người lớn xóm anh một chút: “con gì lớn nhỏ cũng nặng bằng nhau”. Nghe hình như chưa hay như xóm anh của anh lắm. Hoặc là cái cân quá sét nên đo lường không nhạy. Ha.. ha
Xin được nói thêm, trong ” hệ thống ” cân đo ngày xưa của ông bà ta, ngoài 1 cân là 600 gram, còn có 1 lạng là 60 gram, 1 yến là 6 kg và 1 tạ là 60 kg. Khi nói con heo vô tạ là con heo được 60 kg. Để phục vụ cho những người thường sử dụng hệ thống cân nầy, như các bà thường làm bánh mứt…người ta có cây cân ta. Về hình dáng và nguyên tắc giống như cây cân tây ( hình ), nhưng đơn giản và thô sơ hơn. Dĩa cân nhỏ, đường kính khoảng 20 cm, thường làm bằng thau. Dây treo dĩa cân, dây xách bằng chỉ xe. Đòn cân bằng cây, tròn, dài chừng 40 cm, có khắc các vạch 1 lạng, 2 lạng, 3 lạng…Lâu rồi không thấy xuất hiện chốn giang hồ.
Xin cám ơn anh Nguyễn Đình Bổn, một đoản văn hay. Q Đ,
Cám ơn các bạn đã đọc. Mình chỉ là… rể của miền Tây thôi, nhưng yêu vùng đất này như quê hương ruột thịt!