Lần đầu tới Philippines với tâm trạng bất an…

Ngày đăng: 11/11/2013 09:48:26 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)
Bị ám ảnh bởi những hình ảnh kinh hoàng ở Philippines sau khi hứng chịu siêu bão Haiyan ngày 8/11/2013, tôi lục lại kho ảnh tư liệu cá nhân để nhìn lại những hình ảnh mình chụp trong lần đầu tiên đến quần đảo giữa Thái Bình Dương này hồi tháng 10/2008. Mới đó đã 5 năm rồi, nhưng những hồi ức như cuộn phim chiếu lại tưởng chừng mới hôm qua.

Năm đó, khi phát hiện có một mớ dặm thưởng chuyến bay của Vietnam Airlines sắp hết hạn, tôi liên hệ với hãng hàng không để đổi thành vé thưởng. Điểm đủ một vé khứ hồi Đông Nam Á mà phải tốn nhiều dặm thưởng nhất là Philippines và Indonesia. Chỉ có điều, hãng hàng không chỉ thưởng vé “mộc”, người nhận phải đóng các loại thuế và phí, chẳng êm ái, nhẹ nhàng lắm đâu. Singapore, Thái Lan, Malaysia thì tôi đi hà rầm. Brunei thì hỗng khoái lắm. Myanmar lúc đó còn nằm dưới bàn tay cai quản của giới quân đội cầm quyền. Ban đầu, tôi định đi Indonesia, nơi tôi bị hụt một chuyến đi tới đảo du lịch Bali do ảnh hưởng bởi vụ đánh bom khủng bố đầu tháng 10/2005. Đáng tiếc là hãng hàng không Indonesia tuy bay code-share với VNA, nhưng không chấp nhận các loại vé thưởng. Chỉ còn một cánh cửa là Manila thẳng tiến, được bay bằng hãng Philippine Airlines – đối tác code-share của VNA chấp nhận cả vé thưởng. Đó là một chuyến đi ra nước ngoài trong tâm trạng bất an, vì tôi bị bạn bè rủa là “đồ khùng điên, ba trợn”, bộ hết chỗ đi sao lại mò sang đất nước đầy rối ren, bất ổn chính trị và bạo lực khủng bố Hồi giáo ly khai. 

Sau gần 3 giờ bay, vượt 1.600km trên Biển Đông, tôi đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Ninoy Aquino International Airport của thủ đô Manila vào chập tối 7/11/2008. Terminal 3 của sân bay này chỉ mới bắt đầu hoạt động từ hạ tuần tháng 7/2008. Cảm nhận đầu tiên của khách phương xa đây là sân bay của một nước còn nghèo – cũng chẳng khác chi nước mình.

Khách sạn tôi ở tên Bayview Park, nằm bên bờ Vịnh Manila Bay, trên đại lộ Roxas Blvd, gần góc đường United Nations Ave. Khi lên tới phòng, tôi ra vẻ phong lưu, móc từ xấp tiền peso Philippines mới đổi ở sân bay ra 20 peso giúi vào tay anh chàng nhân viên khách sạn giúp mình mang hành lý lên phòng, thậm chí còn cười toe toét nói: “Cầm chút tiền uống cà phê cho thơm râu hén bạn!” Tới chừng nằm phè cánh nhạn trên giường, ngó vô cái receipt đổi tiền, tôi mới tá hỏa và chỉ muốn lăn xuống gầm giường mà giấu cái mặt. Vào thời điểm tháng 10/2008, 1 USD ăn 47,89 peso Philippines và ăn 16.000 VND. Như vậy 1 peso bằng 330 VND. Vậy là tôi chỉ “bo” cho anh chàng kia chưa tới 7.000 đồng VN. Vậy mà còn ra vẻ ta đây bảnh chọe!

Nằm nghỉ một lát, theo cái thói quen “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” hễ tới đâu, quẳng hành lý lên phòng là tôi lang thang đường ngang ngõ dọc để “thăm dân cho biết sự tình”, tôi đi lòng vòng mấy con đường quanh khách sạn. Đường phố nhập nhoạng tối vì có ít đèn. Những kẻ không nhà kéo về ngủ vạ vật trên những vỉa hè, hiên nhà ngày càng đông. Tự dưng tôi lòng dặn lòng hãy cẩn trọng. Tôi đã mấy phen giật thót cả người khi từ những khoảng tối, những con hẽm đột ngột lao ra những con người với bộ mặt đặc trưng của dân hải đảo Thái Bình Dương khá là ngầu. Cảm thấy bất an, tôi quay vội về khách sạn cho nó an lành. Mai ban ngày ban mặt thì tính!

Tình hình Manila lúc đó thật bất ổn. Các phong trào Hồi giáo ly khai như Mặt trận Moro, tổ chức khủng bố Abu Sayyaf hay cả quân nổi dậy Quân đội Nhân dân Mới (NPA) đang hoành hành ở vùng đảo Mindanao (miền nam Philippines) và thường gây ra những vụ tấn công bạo lực tại thủ đô. Chính trị cũng rối ren (lúc đó đang trào nữ Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo). Bọn tội phạm cũng lộng hành. Ban đầu, khi nhìn thấy nhiều cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp,… được bảo vệ bởi những người mặc đồng phục, cả nam lẫn nữ, mang những khẩu súng thật, thậm chí lăm lăm những khẩu súng săn shotgun, tôi ngạc nhiên thầm hỏi chẳng lẽ cảnh sát ở đây cũng làm cả dịch vụ bảo vệ cho doanh nghiệp sao? Tới chừng không thể kềm lòng, bèn lân la hỏi chuyện, tôi mới biết họ chỉ là những nhân viên bảo vệ. Luật ở đây cho phép nhân viên bảo vệ mang súng. Cả một thành phố chìm trong những biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Khách vào siêu thị, chợ, thậm chí nhà sách, xe điện,… đều phải mở hành lý cho nhân viên an ninh kiểm tra, có khi phải chui qua cổng phát hiện kim loại. Xe nào vào khách sạn cũng phải mở cốp, soi gầm xe để kiểm tra bom mìn. Từ ngoài vào sân bay, xe phải chịu kiểm tra tới 2 vòng. 

Mà đâu chỉ có người Philippines bất an. Nằm ở bên kia bờ Vịnh đối diện với khách sạn Bayview Park mà tôi ở có một tòa nhà to đùng sơn màu trắng với mặt tiền có những chấn song xi măng hình đốt tre giống hệt ở dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ) của Saigon. Tôi biết tỏng đó là tòa Đại sứ Mỹ ở Philippines. Đứng trên sảnh phía trước khách sạn, tôi chĩa máy ảnh qua đó bấm mấy kiểu. Ngay lập tức có một chiếc canô từ tòa nhà đó chạy phăng phăng qua khách sạn. Hai anh chàng người Mỹ có bộ mặt khẩn trương, căng thẳng leo lên xăm xăm tiến lại bên tôi. Họ hỏi tôi là ai, ở đâu, từ đâu tới, sao lại chụp ảnh tòa nhà bên kia? Tôi trả lời ở Việt Nam qua chơi và nào có thấy thông tin gì cấm chụp ảnh đâu. Họ hỏi có biết tòa nhà kia là gì không? Tôi làm vẻ ngơ ngác, nói không hề biết, chỉ thấy nó có kiến trúc đẹp khá giống dinh Tổng thống cũ ở Saigon, lại nằm bên bờ Vịnh rất đắc địa, nên tôi chụp ảnh kỷ niệm thôi. Ông chú bảo vệ khách sạn xác nhận tôi là khách trọ ở đây mấy ngày rồi, người Việt Nam. Hai nhân viên an ninh Mỹ nói với tôi đó là cơ quan ngoại giao của Mỹ, không được chụp ảnh nữa nghen. Rồi họ vội vã xuống canô phóng về bên kia Vịnh.
Một đồn cảnh sát tại gần khách sạn Bayview Park Manila có dòng khẩu hiệu chạy dài ở mặt tiền: “Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ. Đây là đồn cảnh sát thân thiện với du khách và người dân”. Và điều này an ủi tôi, cho tôi thêm chút an tâm để tiếp tục ở lại Philippines.

          PHẠM HỒNG PHƯỚC
          (Saigon 11/11/2013)

   H1

H2

H3

H4

H5

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác