Tản mạn về câu hát ru em (kỳ 2)
Trong cuộc đời không phải mãi êm xuôi êm ả, cũng có lúc gập ghềnh, thất bại. Tìm được sự đồng cảm, tha thứ, an ủi, khuyên nhủ sẽ là một khích lệ cho người gặp cảnh không vừa ý.
“Đắng khổ qua, chua đà chanh giấy
Ngọt thứ mấy cũng tiếng cam sành
Xe lửa đâu đâu cũng tựu lại Bến Thành
Dù ai ngăn qua đón lại, dạ em không đành thời thôi
“Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám dỡ mùng chun vô”
“Gió đẩy đưa lược thưa uốn éo
Gởi thơ về dạy khéo kẻo quên”
“Bìm bịp kêu nước lớn em ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
“Chim khôn tránh bẫy tránh bờ
Người khôn tránh đứa hồ đồ mới khôn
“Cục đá lăn nghiêng lăn ngữa
Khen ai khéo sửa, cục đá lăn tròn
Anh giận thì nói vậy chớ dạ còn thương em”
“Trách mẹ cha, qua không trách bậu
Cha mẹ ham giàu gả bậu đi xa”
“Rượu ngon bất luận ve sành
Thịt ôi khéo ướp tiêu hành cũng ngon”
“Chim khôn tránh bẩy tránh bờ
Người khôn tránh đứa hồ đồ mới khôn”
“Đèn treo cột đáy, nước chảy lồng đèn xoay
Đôi đứa ta đi ra cũng xứng, đứng lại cũng vừa
Tại cha với mẹ kén lừa sui gia”
“Trách ai rọc giấy bỏ bìa
Khi thương- thương vội, khi lìa- lìa xa”
“Bảy với ba tính ra một chục
Tam tứ lục tính lại cữu chương
Liệu bề đát đặng thì đươn
Đừng gầy rồi bỏ thế thường cười chê”
Trong tình yêu thì không nên tính toán như những con số vô tình. Nhưng trong việc xây dựng gia đình cũng nên chú ý việc đảm bảo an toàn cuộc sống, đừng để xảy ra những khó khăn cản trở dẫn đến việc phải đổ vỡ, hục hặc. Giống như khi đan thúng rỗ, phần đan phẳng cho mành mê gài nan long mốt, long hai rất dễ. Đến phần đát, là công đoạn dùng những nan tre vót nhỏ mịn đan theo kỷ thuật chia bốn hình bán nguyệt trên chu vi mê thúng. Việc làm khó khăn nầy tác dụng uốn cho tấm mê phẳng từ từ đứng lên chụm lại, tạo hình lòng thúng tròn trịa bầu bỉnh. Xong rồi “nức” vành thúng bằng những nan tre lớn và kết lại bằng những sợi da mây rất nhỏ. Hoàn tất công trình, vui vẻ cả nhà.
“Trách lòng con chó nhỏ sủa dai
Đêm năm canh anh tới, nó sủa hoài sáng đêm”
“Gió đưa trăng thì trăng đưa gió
Trăng lặng rồi, gió biết đưa ai”
“Ví dầu bậu có muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ để rồi bậu ra”
“Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng bỏ nhau”
“Dốc lòng trồng cúc hai hàng
Hay đâu cúc mọc mỗi hàng mỗi cây”
“Cầu cao ván yếu, con ngựa nhỏ xíu nó chạy tứ linh
Em đi đâu tâm tối một mình, hay là em đã tư tình với ai”
“Tiếng đồn cha mẹ em hiền
Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai”
“Công anh xúc tép nuôi cò
Cò ăn cho lớn, cò dò lên cây”
“Cây vông đồng không ai trồng mà mọc
Thiên sanh nhơn, hà nhơn vô lộc
Địa sanh thảo, hà thảo vô căn
Thuở xưa không biết nên lầm
Bây giờ biết đặng, vàng cầm cũng buông”
“Chiều chiều gọt mướp nấu canh
Chạy vô xách chảo, gặp anh trèo giàn
Thôi thôi thiếp chẳng ưng chàng
Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin”
Ngày xưa có tục lệ, sau lễ hỏi xong thì chàng rể phải qua nhà ba má vợ để “làm rể”. Nhiệm vụ nầy là chuẩn bị các thứ như sửa sang nhà cửa, xay lúa giả gạo, chẻ củi chất vựa cho đám cưới sắp tới, kể cả công việc không dính líu như tát vét mương và phụ giúp ruộng nương nếu đúng dịp. Và thêm một lý do là cho đôi trai gái có dịp quen biết nhau, bởi trước đó có thể họ quen biết sơ sài hoặc hoàn toàn xa lạ. Do làm việc nhiều mà không dám ăn thẳng kè như ở nhà mình, nên khoảng 3 giờ chiều chàng ta ngó trước sau rồi lén trèo lên giàn treo thức ăn trên chái bếp coi có món gì đở đói. Không may cho anh, cô vợ tương lai không thương tình mà nỡ lòng bắt tội.
Chiếu theo gia pháp “Gái lộn chồng của một đền hai. Trai hồi vợ gia tài mất hết”, cô gái tuyên bố không ưng và tịch thu phân nửa vòng vàng bên đàng trai đi cưới. Chỉ trả lại đôi bông cho chàng trai xấu số lấy kinh nghiệm để còn chút của mà đi cưới vợ khác.
“Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài
Hay đâu giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây”
“Con chim nho nhỏ, cái lông nó đỏ, cái mỏ nó vàng
Nó kêu bớ nàng sao nỡ bỏ anh”
“Quả năm ngăn trong lòng đựng mứt
Em có tiếng gì mà anh vội dứt tình thương”
“Ngọn cỏ phất phơ, ngọn cờ phơ phất
Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi
Như hai đứa ta, duyên nợ định sẵn rồi
Tại sao cha mẹ nỡ ngăn đôi cho đành”
“Quạ đen lông kêu bằng ô thước
Em có chồng, vô phước anh thương”
“Kê tai hỏi nhỏ Phật đồng
Trai tơ lậy gái có chồng đặng chăng”
“Sông sâu biết bắc mấy cầu
Phận em là gái, biết hầu mấy nơi”
“Phải chi nhan sắc em còn
Anh vào chốn đó chiều lòn cũng cam”
“Đá cheo leo trâu trèo trâu trợt, ngựa trèo ngựa đổ
Tiếc công anh lao khổ tự cổ chí kim
Đứt dây nên gỗ mới chìm
Tại cha với mẹ, anh mới tìm nơi xa”
Ngày xưa, những nhà có con gái đến tuổi cập kê thì thường có những cậu trai làng tò vè tới lui. Nhiều chàng bạo dạn nhào vô tự nguyện gánh vác giúp việc nặng nhọc cho gia đình cô gái, công việc mà trâu ngựa cũng phải què. Nhưng cha mẹ cô gái nhờ vả một thời gian rồi chấm dứt quan hệ. Chàng thanh niên ngậm ngùi tìm nơi khác.
“Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ, tay ẳm tay bồng
Tay nào xách nước, tay nào vo cơm”
“Gió đưa cây cải về trời
Rau râm ở lại chịu đời đắng cay”
“Con cá lý ngư, sầu tư biếng lội
Con chim xa cành lìa cội biếng bay”
“Gió đưa cô Tảo cô Tần
Đưa cô xuống vịnh, cô lần cô lên”
“Chiều chiều ông Ngữ đi đăng
Cá tôm mất hết, nhăn răng cười hoài
Chiều chiều ông Ngữ đi cày
Trâu mang gãy ách, ngồi bờ khoanh tay”
“Mười giờ thầy chánh về Tây
Cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn”
xox
“Chanh chua thì khế cũng chua
Chanh bán có mùa, khế bán tư niên (quanh năm)
Chắc là ông bà muốn nói khi cần chất chua cho một việc nhất định, thì thay vì dùng chanh thì nên dùng khế sẽ dễ tìm và rẻ hơn.
“Bước lên trường án, vỗ ván cái rầm
Vỗ vai anh Biện, bạc tiền để đâu”
“Ngó lên chót vót ngọn bần
Thấy ba ông Địa ở trần nấu cơm
Ông kia xách chén lại đơm
Ông nọ lụm cụm, nồi cơm chín rồi”
“Trâu anh con cỡi con dòng
Lại theo con nghé, cực lòng thằng chăn”
Ở nông thôn, một người giữ số trâu đó cũng chưa đến nỗi phải than cực. Hay là ẩn ý ví von câu chuyện nói về một chàng trai tơ cưới một phụ nữ đã có con nhỏ và bà mẹ vợ già yếu. Nếu thực vậy thì cũng nên khen tình yêu và lòng tốt bảo bọc cho một gia đình yếu đuối.
“Mười giờ tàu lại Bến Thành
Súp lê vội thổi, bộ hành lao xao”
“Gió nam non thổi lòn hang dế
Bớ anh học trò mưu kế anh đâu
Mưu kế tôi để ở nhà
Đâu dè em hỏi tôi mà đem theo”
“Ầu ơ con cá nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”
“Chiều chiều quạ nói với diều
Ở bên đống trấu có nhiều gà con”
“Cây khô tưới nước cũng khô
Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo”
“Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài
Ham chi bóng sắc mà nó hành hài tấm thân”
“Trắng da vì bởi phấn dồi
Đen da cũng bởi thiếp ngồi chợ trưa”
“Tẳn mẳn tê mê vì cô bán rượu
Liệt chiếu liệt giường vì bởi mụ bán men”
“Lưới thưa bủa lấy cá duồng
Buông lời hỏi bạn, bơi xuồng đi đâu”
“Thế thường gần mực thì đen
Chứ đêm hôm tăm tối, gần đèn sáng trưng”
“Trăng lên khỏi núi, khuất bụi chuối con trăng mờ
Tiếng anh ở chợ sao khờ bán buôn”
“Lọng che sương, dù sườn cũng lọng
Ô bịt vàng dù trọng cũng ô”
Lọng và ô là những vật dùng để che mưa nắng. Nhưng lọng thường để cho vua chúa và giới quý quyền sử dụng, lọng có tán lớn và cán cao to do người hầu cầm giữ. Theo quan niệm xưa cũ, dù cho chiếc lọng rách nát trơ sườn nhưng vẫn còn danh tiếng quý quyền. Còn chiếc ô có cán nạm vàng thì vẫn là chiếc ô dân dã.
“Má ơi con má hư rồi
Còn đâu má gả, má đòi bạc trăm”
“Má ơi con má chính chuyên
Ghe hầu đi cưới một thiên tiền đòi
Không tin mở hộp ra coi
Nữ trang ở dưới, tiền đòi ở trên”
Những nhà giàu ở nông thôn ngày xưa thường sắm ghe hầu, dùng chở người trên sông. Thuyền độc mộc được đẻo da móc ruột từ nguyên thân cây gỗ quý. Ghe hình thuôn dài, lái mủi đẻo quớt cao lên và điêu khắc hoa văn chìm nổi, thân ghe sơn màu rực rở. Ghe có 2 tay chèo hoặc nhiều hơn tùy mức giàu sang của chủ, thường thì có thêm một tài công để chỉ huy lúc ghe di chuyển và coi sóc lúc cặp bến.
“Phụng hoàng đua, se sẻ cũng đua
Dạo chơi trước miễu rồi lại sau chùa
Em dụng người quân tử, chớ chốn quê mùa thiếu chi”
xox
Câu hát ru em là tài sản văn hóa của làng xóm, của một vùng, của dân tộc. Một gia đình không thể nào ghi lên và phân loại rạch ròi được hết. Những người viết bài nầy ước mong nhận đươc sự bổ túc và sửa chửa chính xác từ các bạn bốn phương.
Trân trọng.
Một Lúa
Xem thêm phần 1
https://tongphuochiep-vinhlong.com/2013/09/tan-man-ve-cau-hat-ru-em-ky-1/
Trong 1 ngày mà ngồi gỏ 2 bài. Chắc con gà nầy đói dữ. Tui gỏ hỏng nổi rồi, còn thời gian đâu đẻ đi nhậu. Sáng nay theo thói quen, mở trang nhà coi thì gặp ngay bài viết 2 kỳ của Một Lúa đăng trong 1 ngày. Xin bái phục ! Xin bái phục !
Cám ơn bạn già đọc dùm bài viết. Có nghe câu gà gái gáy bình minh chưa, bái phục nỗi gì. Có dịp gặp lại uống Xuân Thạnh, lúc đó phục cũng chưa muộn.
Ha…ha
Hôm nay trời mưa dầm dề, không đi đâu hết. Ngồi nhà, đọc mấy câu ca dao trong bài viết của anh Một Lúa, nhớ nhà quá chừng.
Chào Phương Nga,
Trời mưa bên Oregon của PN làm mình nhớ câu mà hồi xưa hay hát nghêu ngao, sò ốc:
“Trời mưa bong bóng phập phồng
Em đi lấy chồng, để khổ cho anh”
Không rõ đó là ca dao tục ngữ hay trích đoạn cải lương, nó chỉ là trùng hợp tâm trạng thôi chớ không phải của mình
Đọc hết hai phần, không thấy hai câu: “Trồng trầu thì phải khai mương. . ”
Làm sao mà mình quên câu đó. Nhưng bị bà xã kiểm, diệt.
NT có quen 1 cô bạn , hình như nhà chị này ở Phước Hậu, chị thành thật kể , một hôm chồng chị thành thật khai báo chuyện cuả anh ta và xin chị chấp nhận , lúc đó chị mới vở lẻ ra , chị không nói không rằng , không cải , không cọ 1 lời nào , chị nói ông cứ đi lo làm đi , chiều về tui tính , khi chiều , anh Hoàng trở về nhà sau công việc , cũng là lúc cuối tuần , anh thấy vợ anh là chị Hoàng đã sắp sẳn 1 cái vali , trong đó có đủ các thứ cần thiết cho anh sử dụng du lịch dài hạn , sau đó anh mừng lắm và liền quảy gánh lên đường thiệt nhưng lòng anh cứ đắng đo thắc mắc , sao mà chị tốt dữ vậy kià , vì chị im ru bà rù, ra đi xong , anh cũng cảm thấy không vui , cứ nhớ cái không khí vui vẻ cuả vợ con anh , tối ngày anh buồn thiủ buồn thiu , chỉ 1 thời gian rất ngắn , anh xách cái va li trở về nhà và xin tạm trú lại bên vợ và các con anh, chị hỏi anh sao mình đi du lịch mà về sớm thế !! thôi cho anh xin lỗi , từ nay anh không như thế nưã . vì ai cũng giống như vậy mà thôi , vả lại , khi không có tiền thì không có tình , chỉ có nơi chị , khi không có 1 đồng xu dính da , anh vẫn no đủ và rất là ấm áp nghiã tình , vì vậy , thôi đừng đuổi anh đi như vậy nưã nhe , chị vưà kể , NT vưả mắc cười mà phục chị quá , nhưng NT không có tốt được như chị., hiện nay 2 vợ chồng chị và các con đã ở nước ngoài , rất vui và hạnh phúc..
Anh Một Lúa ơi , em hỏng có hiểu anh hiền thiệt vậy hong nè !! nghi quá đi thôi .
Còn anh Hoàng Hưng , hì hì , sao anh nói nghe mà oai vệ ghê , nhưng em cũng hỏng tin anh luôn !! vì đó chỉ là 1 câu nói cuả dân gian , cuả đờn ông thui !!!