Giữa thành phố cổ Ellicott City
Tôi nói thiệt bụng là tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục ai đã chế tạo ra… tôi, đặc biệt là ở cái khoản “sức bền vật liệu”. Ngày 20/9/2013, tôi ngồi xe chạy gần 10 tiếng từ Denver (bang Colorado) tới thị trấn Keystone (bang South Dakota) – thiệt ra là do đi lạc tới hơn 100 mile, tức gần 2 tiếng, chớ bình thường khoảng 7-8 tiếng là tới. Tối 21/9 ngồi xe 8 tiếng về lại Denver. Rồi tối 22/9, từ 10g đêm, tôi có mặt tại sân bay Denver (DEN) để bay về miền Đông Hoa Kỳ. Đúng 1g sáng 23/9, máy bay rời Denver giữa cơn mưa dai dẳng suốt từ tối. Bay khoảng 2g35ph là tới điểm trung chuyển là sân bay quốc tế Charlotte Douglas (CLT, bang North Carolina). Lúc đó ở đây mới 5g50 sáng 23-9. Ngồi đợi tới 8g10, máy bay chở tôi tới sân bay quốc tế Baltimore (BWI, bang Maryland) cách xa đúng 1 giờ bay. Vậy mà sau một đêm coi như thức trắng, ngoại trừ chừng một tiếng chập chờn trên máy bay, và hành hạ tấm thân hao gầy này trên những chuyến bay, hễ đặt chân được xuống mặt đất ở nơi xứ lạ là cái máu ham vui bẩm sinh nó sôi lên khiến tôi sung trở lại!
Trên đường về khu vực Washington DC, tôi đã tí tởn ghé thăm Ellicott City – thành phố cổ thuộc Hạt Howard County (Maryland) được thành lập từ năm 1772. Cho tới nay, người ta vẫn lưu giữ được các kiến trúc cổ xưa, bảo tồn hầu như nguyên vẹn dáng dấp của một thành phố cổ của người Anh khi di dân sang Tân Thế giới. Hiện nay, Ellicott City thuộc khu Baltimore-Washington Metropolitan Area, nằm ở gần xa lộ bang số 40 và hai xa lộ liên bang I-70 và I-695. Thành phố nhỏ có diện tích gần 78 km vuông với số dân hơn 65.000 người.
Khung cảnh Ellicott City rất lạ, tạo cảm giác như lạc vào một khu vườn cổ tích châu Âu. Những ngôi nhà gạch nhỏ, cũ xưa (nhưng không nhếch nhác) với những màu sơn chỗ tuơi tắn, chỗ buồn buồn một nỗi niềm hoài cổ.
Thiệt ra, Ellicott City không có “thân phận” rõ ràng, nó là một cộng đồng không có “tư cách pháp nhân” (unincorporated community) do không có bộ máy chính quyền riêng biệt mà chỉ được cơ quan điều tra dân số Mỹ (USCB) coi như một đơn vị thống kê gọi là CDP (census-designated place) trong các cuộc điều tra số dân.
Ellicott City được hình thành từ năm 1772 khi ba anh em John, Andrew, và Joseph nhà Ellicott thuộc giáo phái Tin lành Quaker từ Hạt Bucks (bang Pennsylvania) tới đây chọn khu đất hoang có phong cảnh đẹp phía thượng lưu ở Elk Ridge Landing (nay là thành phố Elkridge) để lập một nhà máy xay bột tên Ellicott’s Mills. Nơi đây đã trở thành một trong những thị trấn chế tạo và xay bột lớn nhất ở miền Đông Hoa Kỳ.
Ba anh em nhà Ellicott được ghi nhận công lao trong việc cách mạng hóa nông nghiệp ở khu vực này. Họ đã thuyết phục các nông dân ở đây bỏ nghề trồng cây thuốc lá để chuyển sang trồng lúa mì cung cấp cho nhà máy. Họ cũng giới thiệu việc dùng phân bón để cải tạo đất cho thêm mầu mỡ.
Năm 1867, nhà máy Ellicott’s Mills giành được hợp đồng thuê thành phố và được đổi tên thành Ellicott City. Nhưng tới năm 1935, thành phố cho thuê duy nhất của Hạt Howard đã bị hủy bỏ quy chế cho thuê. Nó được địa phương thiết kế thành một quận lịch sử từ năm 1973. Hiện nay, Ellicott City là nơi đặt trụ sở chính quyền Hạt Howard.
Trước khi băng qua cây cầu vào thành phố, tôi thấy ở bên trái đường Frederick Rd có một nhà máy to đùng với nhiều bể chứa hình trụ tròn bằng bêtông lớn và cao ngất. Ban đầu, tôi liên tưởng tới những cái bể chứa na ná ở nhà máy xi măng Hà Tiên ở cửa ngõ Saigon. Sau đó mới biết đó là nhà máy xay bột mì và bắp của hãng Wilkins-Rogers (thành lập năm 1913) có trụ sở chính tại Ellicott City. Nhà máy vẫn đang hoạt động.
Cây cầu bắc ngang một con sông nhỏ xíu đang mùa cạn nước trơ ra những khối đá bị bào mòn qua thời gian, bên này là đường Frederick Rd, còn đầu cầu bên kia là con đường chính Main St của Ellicott City. Tôi hình dung vào mùa thu, trên mặt nước lững lờ lác đác những chiếc lá vàng và những cụm bông tuyết trôi, cảnh thiệt là nên thơ!
Tại Ellicott City hiện còn di tích nhà ga xe lửa cổ B&O Railroad Station (xây dựng năm 1830) với chiếc đầu máy xe lửa cổ mang số hiệu C-2149. Đây hiện là nhà bảo tàng của hãng B&O.
Từ nhiều vị trí ở thành phố Ellicott City, người ta có thể nhìn thấy tháp chuông cao vút của ngôi nhà thờ Công giáo St. Paul’s Catholic Church xây năm 1838.
Nhiều nhất ở Ellicott City là những tiệm antique-shop bán những món đồ cổ và giả cổ. Trong một tiệm, tôi thấy bày bán những loại dầu thơm, mỹ phẩm có bao bì y chang đồ ngày xưa, nhưng ruột chứa chất mới sản xuất theo công thức và hương vị của thời xa xưa. Có cả những ống kem dưỡng da. Một chiếc xe đạp trẻ em kiểu cổ giá 65 USD. Một chiếc hộp thiếc đựng thuốc lá cũ ghi giá 28 USD.
Có những ngôi nhà gỗ dựng trên những cái sàn bằng những chiếc dầm sắt lớn bắc ngang hai bờ suối giữa lòng thành phố. Lãng tử phương xa đi ngang qua nhìn ngắm những di tích cổ xưa của những kiến trúc bên trên, nghe tiếng nước chảy róc rách trong con suối bên dưới những ngôi nhà tạo ra những hiệu ứng nghe nhìn ấn tượng.
Trong một tiệm bán đồ giả cổ, tôi thích thú với vô số những chiếc muỗng, nĩa kim loại có những cái cán được bẻ quặp thành cái móc để móc vào dây thắt lưng.
Sau hơn 240 năm, thành phố cổ Ellicott City vẫn còn tồn tại như một chứng nhân của một mảng lịch sử Hoa Kỳ ở Bờ Đông. Những con người của thế hệ hiện tại vẫn chung sống hòa bình với những giá trị cổ xưa. Cả chính quyền lẫn các cư dân hiểu rõ những giá trị tiềm ẩn và sâu sắc của thành phố cổ này. Nhờ vậy mà nó tồn tại giữa bao phong ba bão táp, giữa bao biến động của thời cuộc. Nếu không như thế, làm sao sáng nay tôi lại có thể bổ sung được vào cái kho “nhiều chuyện năm châu bốn biển” của mình những món hay vật lạ mới.
Thiệt là một cảm giác rất lạ và tuyệt vời khi lang thang trên con đường chính Main St cùng nhiều du khách từ khắp nơi tìm tới giữa một buổi sáng chớm thu ngập nắng vàng, tiết trời lành lạnh nhìn đâu cũng thấy cổ kính nhiều trăm năm. Khi ngồi trên chiếc ghế gỗ khung sắt trước nhà ga B&O, tôi nghe như có tiếng còi tàu, tiếng bánh sắt lanh canh lăn trên những đường ray từ trăm năm vọng lại. Lên dốc, xuống dốc mỏi chân rồi, ngồi xuống chiếc ghế tương tự nơi một vườn hoa nhỏ bên hông tiệm bán đồ lưu niệm Precious Gifts ngay ngã ba đường Main St và Old Columbia Pike, tôi vừa dưỡng cho 2 anh bạn đồng hành, vừa lan man nghĩ về cuộc sống ở đây cách nay hơn 2 thế kỷ.
Cuối cùng, nói thiệt các bạn thương, tôi vốn là người yếu bóng vía (có lẽ bị lũ yêu nhền nhện của động Bàn Tơ ám từ kiếp trước chưa chịu buông tha), nên khi đi lang thang giữa thành phố cổ Ellicott City thỉnh thoảng nhìn vô những con hẽm sâu hoắm, những ngôi nhà cổ xưa, tôi nghe sống lưng mình ớn lạnh một cảm giác rờn rợn. Từ hồi nhỏ xíu, tôi đã bị “đầu độc” rằng những ngôi nhà cổ ở Âu Mỹ có nhiều… ma! Rồi cho tới nay, hễ xem phim kinh dị, ma quỷ thì hầu hết cũng xảy ra trong những ngôi nhà cổ. Thôi, tôi bỏ của chạy lấy người đây!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Ellicott City 23/9/2013)
H1
h2 Phố trong sương sớm
h3 kiến trúc cổ
h4
h5
h6 Thành phố bắt đầu thức dậy
h7
h8