CHÚT HOÀI NIỆM
Những đóa phượng nhạt nhòa vì trận mưa phàm phũ vây quanh báo hiệu tháng hè dần qua nhường thời gian lại cho mùa lá vàng. Mùa lá vàng khẽ khàng đến gõ cửa vũ trụ gắn bó với những hạt mưa thu, lách tách, dai dẳng đan bên song cửa mà nghe rạo rực trở giấc trong lòng. Những quyển sách miên trường nơi kệ – tôi dỗ dành đánh thức gọi dậy – chúng vươn vai, ngáp dài đưa tay dụi mắt nhìn lại cô chủ. Những tập vở mới tôi cho theo đến trường. Tôi tìm lại cái mới trong cái cũ hàng năm, nhận diện lại bạn bè trong ánh mắt vui tươi pha lẫn chút ngỡ ngàng vì dù chỉ vài tháng hè chúng tôi đều có phần lạ lẫm! Tôi sẽ gặp lại thầy cô mới, cũ… biết đâu có một vài gương mặt nào đó đã vắng nhưng rồi thời gian sẽ làm cho tôi quen đi bỡ ngỡ lúc ban đầu. Thời gian có bao giờ dừng bước để cho kỷ niệm vẫn mãi là kỷ niệm, để cho tất cả vẫn còn là tất cả….không bị mất mát, hao mòn cho dù là một vi phân nào đó. Tôi thương nhớ năm tháng cuối cùng thời Tống Phước Hiệp – tháng ngày của huỳnh đàn nhuốm khổ đau, của phượng vĩ rộ vui mừng, của nắng hạ có pha lẫn một chút giọt mưa đầu mùa và của những tháng ngày không bao giờ đến nữa….
thầy giảng bài (ảnh minh họa)
Trường cấp 3 Thị xã Vĩnh Long
10D7 ( 1975 -1976 )
Năm học mới nhiều thay đổi.Trường đổi tên. Nhiều gương mặt lạ của thầy cô trường khác về.Thầy Lắm dạy Pháp văn lớp tôi. Trước khi học thầy, tôi được nghe rất nhiều điều về thầy. Dạy hay nhưng rất nóng tính. Thêm các bạn trường Thủ Khoa Huân đồn thổi, tôi có phần e dè, sợ hãi.
Thầy vui vẻ, nhiệt tình như bao thầy cô khác. Tâm hồn thầy thơ văn lãng mạn. Kết thúc giờ học cuối tuần thầy kể lớp nghe một truyện ngắn nổi tiếng. Hôm đó như thường lệ, thầy hỏi “ Qui veut dire? ”. Lúc nào cũng là tôi. Thầy khoát tay, ý chờ bạn khác. Thầy hỏi đến lần thứ ba, cả lớp im phăng phắc. Im lặng đến ngột ngạt, đáng sợ! Thầy không dạy, bắt đầu lên lớp. “ Tôi đã kiên nhẫn chờ các em đọc bài nhưng các em ngoan cố, không muốn học……” Cuối cùng chữ D đậm nét, to tướng kèm theo lời phê “ ngoan cố! ” nằm tròn trịa trên sổ đầu bài và thầy giận dữ bỏ đi. Tiết học sau là thầy chủ nhiệm dạy. Tôi cố vớt vát “ ngoan cố là ngoan ngoãn và cố gắng đó thầy. Không đủ giấy thầy Lắm ghép chữ ”. Thầy chủ nhiệm lắc đầu ngao ngán. Tôi và vài bạn đi gặp thầy Lắm nhiều lần xin lỗi và năn nỉ đổi lại chữ C cho đỡ xấu hổ hơn!
Có lần Như Tuyền xì hai bánh xe của thầy. Sau giờ dạy vừa mệt, vừa đói, vừa bực tức thầy đành dắt bộ chiếc xe đạp nặng trịch và nhìn Tuyền bằng nửa con mắt sắc như dao. Thế mới biết không phải nghịch phá nào cũng dễ thương!
Gần đến hè lớp mời thầy đi cắm trại Bình Hòa Phước. Sau này nhóm tôi còn đi cù lao An Bình với thầy nhiều lần nữa. Chẳng biết sao thầy đặt tôi biệt danh “ cô bé hay hờn ”.Thầy sống rất tình cảm, chân thành, chỉ bảo bọn tôi kinh nghiệm cuộc sống. Dù không còn học với thầy thỉnh thoảng gặp thầy, hai thầy trò lại nhắc đến chữ D giận dữ ngày xưa. Ngày xưa thầy biết chuyện tình của tôi….Đến ngày biết tin thầy bệnh nặng, chưa kịp gọi điện, về thăm thì thầy đã mất. Trong thâm tâm tôi không ngờ thầy ra đi sớm như vậy. Cũng như Như Tuyền – tôi vẫn không tin Tuyền mất ở độ tuổi thanh xuân. Nay tôi viết dòng hồi ức này để nhớ đến một người thầy đã gặp gỡ, dạy bảo chúng tôi suốt một niên học và mãi đến hôm nay tôi vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm đẹp ngời về thầy Lắm. Như nén hương muộn màng thắp lên bên di ảnh của thầy quí mến.
Lớp 12D5 ( 1977- 1978 )
Lớp tôi sĩ số 40 học sinh. Thầy Dũng chủ nhiệm là giáo viên dạy Hóa. Thầy hiền lành giảng dạy dễ hiểu, tận tâm. Giờ sinh hoạt lớp mỗi tuần thầy trò tôi tranh thủ học Hóa. Nhờ phương pháp sư phạm – tôi nghĩ đúng hơn là “ nghệ thuật giảng dạy ” – thầy đã truyền cho lớp tôi niềm say mê học Hóa. Ngay cả các bạn mất căn bản cũng dần lấy lại “ tình yêu hóa học ”. Thầy chuẩn bị các đề thi đại học khi lớp tôi bước vào học kỳ II. Ngoài ra lớp tôi còn tham gia giải đề hóa của phòng thí nghiệm mà thầy là người lục lọi, tìm tòi bài thi hóc búa!
Buổi trưa thầy nghỉ lại ở phòng thí nghiệm ( chú Sanh phụ trách ), thầy thường nhờ tôi phụ giúp vài việc về sổ điểm, sổ sinh hoạt lớp… Trả công lại là thầy mất nửa ổ bánh mì phần ăn sáng! Tôi nhớ nhỏ bạn tên Chính ngồi kề bên, về quê Cái Tàu Hạ xuống trễ giờ học đứng ngoài đường nói vọng vào xin phép thầy nghỉ học tiết đầu ( chả là bàn thầy bên cửa sổ lớp mở ra sát mặt đường). Khi ấy thầy giậm một chân xuống bục gỗ chỉ kịp kêu lên “ Trời đất quỉ thần ơi!… ” khiến cả lớp cười như ong vỡ tổ.
Ai đạt điểm giỏi học kỳ I thầy sẽ cho chơi pháo đập. “ Chắc chắn có Thủy đó ”- chú Sanh tiết lộ. Tôi thích thú và tưởng tượng cầm viên pháo đập mạnh xuống đất nổ giòn giã hay lốp bốp cũng vui tai. Mùi lưu huỳnh phảng phất không thua pháo Điện Quang. Nhất là được chính tay thầy chủ nhiệm làm cho cả lớp, còn gì bằng!
“ Thầy bị phỏng vô bệnh viện rồi Thủy ”. Chú Sanh ghé lớp thông báo. Ôi, làm sao đây? Tôi về nhà xin phép má vào bệnh viện thăm thầy. Bàn tay thầy đắp gạc vaseline trắng xóa. Có lẽ đau lắm, tôi nghĩ vậy. Tôi giúp thầy vài việc lặt vặt. Thầy nhờ tôi đánh điện tín về gia đình. Tôi còn nhớ địa chỉ nhà đường Phan Đăng Lưu, Saigon. Thấy bạn nam nào ghé thăm tôi mừng khấp khởi vì mong mỏi bạn ấy ở lại bệnh viện với thầy trong lúc chờ gia đình thầy. Vài bạn nam chỉ tạt vào thăm ít phút. Toàn là bạn gái lớp tôi, lớp khác đến thăm. Thậm chí có bạn quì bên giường thủ thỉ, lí nhí điều gì rất lâu và nước mắt đầm đìa! Có bạn đứng chờ đến lượt mình vào thăm vì “ khách thăm ” tâm tình, quyến luyến bệnh nhân ! Có lẽ tôi vô tình, càu nhàu bạn “ nói gì lâu quá, về cho thầy nghỉ ngơi, ta còn về nhà nữa ”. Hai buổi chiều đến tối tôi ở bên thầy. Đó là những ngày áp Tết. Những ngày áp Tết đầu tiên tôi đi thăm bệnh.
Cuối năm lớp tôi 40 bạn đậu tốt nghiệp phổ thông, 6 bạn vào Đại học – đó là niềm hãnh diện cho thầy. “ Lớp tôi thà thi rớt chứ không đậu vớt ”. Cả thầy lẫn trò tự hào như vậy. Có lần lớp phá phách, nghịch ngợm quá thể, thầy hỏi 40 người giống chuyện gì ? Tôi nhanh nhẩu nói “ Alibaba và 40 tên cướp ”. Thầy cười nắc nẻ vì so sánh ngộ nghĩnh. Thầy đâu biết rằng “ 40 tên cướp ” ngày nào trôi nổi theo giòng đời đã có người trở thành ông bà nội ngoại, thỉnh thoảng gặp nhau vẫn mơ màng nhắc nhớ về “ Alibaba ” hiền lành thuở nào. Nếu thầy chưa quên chiếc nón ( casque ) xanh biển của D5 tặng nhân ngày nhà giáo, nếu thầy còn nhớ lời hứa đãi bánh xèo cho ai vào đại học thì học trò thầy chủ nhiệm vẫn nhớ đến thầy như mới hôm qua, như vẫn còn nghe tiếng giảng bài của thầy đi lại giữa hai hàng ghế…..
Tà áo trắng ngây thơ ngày nào có còn tìm về hành lang xưa cũ để nghe dư hương dĩ vãng trải dài trên lối nhớ, để thấy từng kỷ niệm chất đầy trên cánh phượng đong đưa… Tôi gọi ngày xưa với chút hoài niệm, luyến lưu. Tôi nói với kỷ niệm bằng những câu văn chết đuối với những dòng chữ chấm than, chấm hỏi và nhiều chấm….
Thanh Thủy 12D5
Thanh Thuỷ thân mến, tò mò quá, như vậy em có được chơi pháo đập năm đó không?
Chị Nga ơi,
Lớp em không được chơi pháo đập như dự tính. Thầy Dũng chưa làm xong pháo đập đã vội vào BV vì bị phỏng nhẹ bàn tay . Tiếc thật!