Vu Lan viết về những bà mẹ
Trong các món ăn mua về trút ra dĩa xơi ngay với cơm, khó có món nào hội đủ 3 yêu cầu mà không chỏi ngược với nhau về các mặt ngon-bổ-rẻ, còn thêm tốt bụng là không kén chọn tuýp gia thế bình dân hay bậc sang cả để đem thân phục vụ. Món ăn lại có đức tính không hề đối xử kỳ thị phân biệt giới kiêng khem chay lạt hay dân ăn thịt cá tả-pí-lù. Xin được nói cho rõ ràng và gần lại, đó là món tương hột.
Mình biết đến tương hột cũng lâu lâu lắm. Vì thế dù hiện tại muốn ghi rõ quen với nó năm nào thì e rằng không chính xác. Chỉ nhớ thời đó má mình hay đưa một nắm tiền cắc cà-ru-bi rồi căn dặn mấy lần. Vậy mà 10 lần không phản 1, mình chạy tới quán chạp phô giữa xóm, buông tay ra cho nắm tiền rớt xuống mặt quầy, đôi khi có vài miếng còn dính sát da tay. Miệng ấp úng chỉ nhớ nửa lời má dạy “bán cho má con bao nhiêu đó tương hột”. Công nhận bác Hai chủ tiệm là tay thiện nghệ, tay trái bác xòe ra túm bầu tròn 2 chiếc lá môn lành lặn cắt sát cuống xếp chồng lên nhau, tay mặt bác dùng chiếc cống lường làm bằng lóng tre cắt tiện có cán dài, múc tương từ trong chiếc khạp tráng men màu vàng da bò có dung tích chừng 10 lít. Đong đưa rót lượng tương hột sền sệt vào đáy túm lá môn một cách gọn gàng. Xong, bác vói tay rút sợi dây lát khô quấn 2 vòng cột miệng túm lá môn, chụm 2 đầu dây rồi ngoáy nhẹ vài tua. Mối dây thắt lại, nằm yên chuyên nghiệp.
Quận đi mình đến tiệm đã xứng đáng được khen rồi, thì chuyến về càng giỏi hơn nhiều. mình nắm cái chóp túm lá đựng tương đi một mạch về nhà, không dám ngó đây kia quanh quất. Vì nghe người lớn hay nói với nhau “chén tương đổ xuống đất khó mà hốt lại”, cho nên mỗi chuyến đi tiệm cho công tác nầy đều được mình đặt dưới tình trạng cảnh giác cao độ, cho nên 9 lần chưa phản 1.
Những buổi xế chiều đi mua tương như vậy thì ít khi có vụ má tui chỉ đơn giản xào mỡ đổ ra tô để cho tui múc 2 muổng chan lên mỗi chén cơm, lùa vô miệng còn nóng hổi. Thưởng thức mùi mỡ chiên tỏi và mùi thơm tương thân quen, nhai trộn những hạt tương béo ngậy với cơm gạo nàng hương thơm phức. Có lẽ như bao bà nội trợ trong chợ quận nhỏ, má tui hay thủ sẵn vài cái trứng vịt trong tủ gạc-măng-rê. Gặp những buổi chiều thắt ngặt đó, bà hào phóng trút hết gia tài dự bị vào nồi nước sôi, được bà tính toán thời gian làm sao mà khi bóc vỏ dầm vào tô tương hột, lòng đỏ trứng vừa mới quánh lại đặc sệt.
Lâu lâu cả nhà tui mới có dịp dùng tương trực tiếp như là một món ăn chủ lực trên bàn ăn. Thường khi thì tương hột chỉ đóng giai trò phụ gia hạng 2, hạng 3 cho những món ăn khác của gia đình. Má tui ăn chay mỗi tháng vài ngày, riêng tháng bảy thì nhiều ngày hơn một chút. và bà chỉ làm món chay cho riêng một mình bà. Trong những ngày đó má tui thích dùng tương hột kho đậu hủ với một vài trong các thứ lê-gim như bầu, bí, khổ qua, bắp cải, trái su, củ cải trắng, đu đủ xanh hay mỏ vịt, sa kê, mít non. Và cũng chỉ mình tui là người hay chia phần để được hưởng nửa chay nửa mặn trong những ngày chay lạt của má.
Ba má tui không giàu có gì, cũng không được tiếng là dân bổn phố. Nhưng nhờ ba má tui quen mặt một số bà ở trong quê, họ có món gì ngon và thuận đường ghé mời má tui trước khi mang luôn ra chợ. Hoặc là nhờ một phần do bà con đồn đại với nhau, bà giáo Quới mở hàng thì không sợ ế. Thật ra thì má tui mua hàng quê không nhiều lắm vì nhà có hai người lớn và hai đứa con nít, ăn uống bao nhiêu. Các món má tui hay mua từ các thúng rổ của bà con trong quê như nửa chục xoài cát, 1-2 nãi chuối xiêm mà sau nầy lên thành tui mới nghe bà con gọi là chuối sứ. Cũng đôi khi vào những buổi xế trưa, có người bưng một thau nhôm đây bằng chiếc rổ tre, đến mời má tui mua cá trê vàng hay bóng tượng, mà họ vừa mới tát mương hay đăng nò bắt được ở trong quê. Và việc làm của tui là đổ nước vào một phần chiếc khạp nhỏ, trút cá vào và dùng tấm thớt gỗ dầy đậy lên miệng khạp, còn dằn lên bên trên chiếc cối đá dùng vả gừng vả tỏi. Má tui hay nói, mình mua giúp bà con lỡ làng buổi chợ, mà mình có được cá ngon. Chắc chắn ngày mai gia đình chúng tôi có món cá bóng tượng chưng tương hột với các phụ gia như bún tàu, kim châm, nấm mèo, hành lá cắt khúc, gừng xắc nhỏ. Ba má tui cũng thích món cá trê vàng nướng vĩ trên lửa than. Cứ lâu lâu vào khoảng 4 giờ chiều, mấy nhà lối xóm la làng, nhà ai nướng cá thơm không chịu được.
Tụi tôi có người chú ruột sống cách nhà ba má chừng non 2 cây số, tui cũng thường lội bộ vô chơi với mấy em cùng trạng tuổi. Chú có thêm nghề chài chụp, đặc biệt là trên khúc sông đó chú thường bắt được nhiều cá lăng và cá trê trắng.
Được ăn món ngon trong nhà chú Út, tui về nhà mình cứ khen nức nở. Ba má tui ít khi mua về cá trê trắng, nhưng thấy thằng con bổng nhiên ưa ngang món lạ. Nên có thể từ đó, nhà chúng tôi thường xuất hiện ơ cá kho sắc nước, bên trong là những khứa trê trắng tươi ngon hòa quyện những hạt tương nâu đen, công thức giống hệt như bếp nhà chú thím.
Ai có từng đến siêu thị của dân Á châu ở Mỹ mà mua về keo tương hột thì như vớ nhằm hủ muối. Dù có thương quý bao nhiêu cũng không thể nào ăn những hạt tương mặn thấm tận xương. Vì vậy mà câu ca dao “Ra đi ta nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, đã không thể nào nhớ nỗi.
Có lần mình mon men vào Sam Club, chợ bán hàng giá rẻ cho khách hàng mua lẻ nhưng cố ý bán ép bằng cách đóng gói với số lượng nhiều hơn các tiệm thông thường. Trong muôn ngàn món hàng trong tiệm mà tui không kết, hay do duyên trời dung rũi mà tui lại kết bao chỉ bố đựng 50 cân Anh hạt đậu nành. Nhìn bảng giá của nó mà không nỡ bỏ đi, bởi với số tiền cho bao đậu đó mà đem về tiệm gần nhà thì mua chưa được 30 cân Anh.
Bởi tui có tật tò mò tọc mạch, tiền bạc không dư mà hay sắm những món chẳng giống ai. Cả nhà không có nhu cầu uống sữa đậu nành mà cũng ráng sắm cái máy liên thủ xay đậu nấu sữa của dân xứ Phù tang. Không biết chiếc máy xài lâu hay hắn ta thấy cái bao đậu nành tổ bố mà nản chí, làm reo. Nên một hôm hắn đang chạy ro ro thì cả bếp bốc mùi khét lẹt, máy báo khói trên trần nhà không biết ất giáp cũng báo động vang trời. Mình không tiếc cái máy cháy ruột mà tiếc cối sữa dỡ dang còn lạt như nước ốc.
Máy làm sữa ra đường nằm lăn lóc, bỏ lại thùng hạt đậu nành khô nằm yên trong xó bếp quạnh hiu. Đem bỏ thùng đậu thì thương mà vương mang thì chật chội, nên mình vào google vấn kế thiên hạ bốn phương. Mới biết món ăn vừa mặn vừa ngọt, vừa thơm vừa béo, vừa cái vừa nước đã từng góp một phần nuôi mình từ tấm bé, được làm bằng những hạt đậu nành tròn vo nhỏ xíu. Thùng đậu nành tưởng chừng vô dụng, nhờ bàn tay cần cù của bà xã, trở nên những keo tương hột liên tục mấy năm nay.
“Cố ý xay sữa, sữa chẳng nên. Vô tình ủ đậu, tương rất ngon”. Mình xin sửa lời một câu nói rất hay cho những trường hợp xảy ra ngoài ý. Những keo tương của mình tuy chẳng là vật trân quý, nhưng nó cũng tháp tùng theo những món bánh tét, bánh ít, bầu mướp, khổ qua dâng cúng đám giỗ Cậu tôi sáng chúa nhật hôm qua.
Bà Mợ 85 tuổi, cảm động nhìn thằng cháu cũng đã lục tuần nhà ở dưới quê, khệ nệ ôm những hương vị quê hương, không quản tuyến đường 200 cây số.
Một Lúa
Thông thường thì người lớn khen người nhỏ. Còn Một Lúa là bạn lại là cây viết giỏi thì mình khen , đôi khi hiểu ngược lại là phạm thượng. Đọc những từ như “quận” (lâu lắm rồi tôi không được gặp) nó tương đương với chuyến. Hồi nhỏ chơi trò chơi, sau khi mình đi xong, liền nhắc bạn: Tới quận mày ! Ôi ! từ ngữ thân thương hồi thơ ấu , nay gặp lại , hỏi sao không thấy đã.
Một chi tiết nữa là mua tương đựng trong chiếc lá môn. Ai sống ở dưới quê VL đều biết việc này. Lúc đó nào có bao ny lon, mà giấy nhựt trình, giấy xi măng đều không dùng được, chưa nói đến không hạp vệ sanh. Lá môn , lá khoai, lá sen là thứ để gói tương, nước tương tốt nhất, lại dễ tìm, chỉ cần bảo trẻ con trong ruộng đi học cắt chừng vài chục lá là có thể đổi lấy gói xôi ăn sáng.
Đưa nhiều danh từ ở quê vào bài, chứng tỏ tác giả là nông dân chính hiệu, thế nhưng nó không quê mùa mà thể hiện sự quan sát tinh tường và nhớ lâu của người viết.Tôi không dám nói nhiều, chỉ vắn tắt là : “Quá đã”
Má đưa cái tô kêu đi mua tương, đi dọc đường làm bể, bác Hai phải lấy lá môn đựng tương thôi.
Bên Cali có nhiều chùa bán tương ăn cũng ngon lắm, nhưng không để lâu được
@Hoàng Hưng,
Khoảng thời gian đó mình chưa có trình độ cầm tô sành đi ngoài lộ đá một mình.
@Lương Minh,
Muốn viết bằng từ tân tiến cũng không nỗi. Ở Sài Gòn có lò chuyển ngữ không.
Ha…ha…ha
Nhờ vậy mà anh Một Lúa và Bà xã có thêm nghề …làm tương hé, mà lại là tương ngon nữa chứ, Anh Hoàng Hưng nhớ năm sau chuẩn bị gởi tặng anh Một Lúa một thùng đậu nành 50kg nhe , để có tương hột ngon ăn dài dài cả năm. Nhất là dịp Rằm Tháng 7 này . Đỡ phải mua hé.
Lâu quá không gặp cô Tư hỉ,
Gia đình của huynh đã từng làm được bánh ít, bánh tét, bánh bía, in, dẽo, trung thu… Vật liệu có sẵn ở tiệm, máy trộn bột trong bếp, khuôn ép và cách làm nằm trên mạng. Huynh làm tương mà phải giảm lượng muối, làm xong kiếm người cho bớt liền, ăn cả năm sợ hư.
Cám ơn cô Tư đọc bài và PH nghen