Tiến Dũng và dàn nhạc CTM

Ngày đăng: 8/08/2013 09:36:19 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Vào ngày 9/8/2013 một chương trình hòa nhạc thính phòng đặc biệt, mang tên “Ngàn Lần Yêu 2013” sẽ được tổ chức tại Phòng Hòa nhạc Lớn của Nhạc viện Tp. HCM nhân kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 8 và kỷ niệm 10 năm ra đời của buổi hòa nhạc “Ngàn Lần Yêu” vào năm 2003 trước đây.

Buổi hòa nhạc này nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám Đốc Nhạc viện cùng với toàn thể cán bộ nhân viên của trường dành cho Tiến Dũng, một nhà soạn nhạc đã từng là giảng viên của Nhạc viện khi còn sinh thời. Buổi hòa nhạc ấy sẽ do gia đình của vị linh mục nhạc sĩ phối hợp với các học trò của ông và Hệ thống Trường Âm nhạc B.A.C.H (BMS) tổ chức. Bên cạnh các nghệ sĩ khách mời, tất cả các tiết mục sẽ được biểu diễn bởi các cựu thành viên dàn nhạc CTM (Công Thức Mới) do nhạc sư Tiến Dũng thành lập trước đây và một ban hợp xướng hỗn hợp gồm: Ca đoàn Cecilia (Gx Phú Bình), Ca đoàn Chúa Kitô Vua (Gx Phú Hạnh), BHX Piô X, BHX Suối Việt được chỉ huy bởi các nhạc trưởng là học trò cũ của cha Tiến Dũng là: Nguyễn Bách, Lê Hoàng Khứa, Tiến Linh, và Trần Vương Thạch.

Một thời vang bóng

Năm 1967, từ Long Xuyên, Tiến Dũng được Hội đồng Giám mục Công giáo mời về Sài Gòn để đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ủy ban Thánh nhạc Toàn quốc với nhiệm vụ chính là phát triển nền Thánh nhạc Việt Nam. Để đạt được mục đích đó, việc phát triển về giáo dục âm nhạc, cách riêng thánh nhạc cho các thế hệ sau là khẩn thiết. Vì thế, cùng với nhạc sĩ Hoàng Kim (cũng là một linh mục) Tiến Dũng đã thành lập trường Suối Nhạc. Theo đó, Hiệu trưởng tiên khởi là Hoàng Kim và Tiến Dũng thuộc Bản Giảng huấn chính thức. Với tên gọi đơn giản: Trường Suối Nhạc, trường đã cho ra đời nhiều thế hệ nhạc sĩ Công giáo lẫn ngoài Công giáo thành danh cho đến ngày nay. Nói thêm là trường Suối Nhạc này không còn trên thực tế và không có liên quan gì với nhiều trường nhạc cùng tên hiện đang hoạt động.

Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bên cạnh hoạt động âm nhạc tôn giáo, Tiến Dũng còn là Khoa trưởng Khoa Nhân văn –  Nghệ thuật của Viện đại học Minh Đức. Tại đây, ông đã kết hợp trường Suối Nhạc với đại học Minh Đức để hình thành Ban Cử nhân Sư phạm Âm nhạc với chương trình đào tạo được chia thành 21 tín chỉ như: Triết học Đông, Tây nhập môn, Sư phạm Âm nhạc, Nhạc lý, Hòa âm, Đối âm, Tẩu pháp( Fuga), Phương pháp Điều khiển (Chỉ huy), Nhạc khí học,… Bên cạnh đó, Tiến Dũng còn chủ trương đào tạo 6 môn bậc Cao đẳng là: ca sĩ, ca nhạc trưởng, quốc nhạc, dương cầm, thánh nhạc và đại quản cầm. Sau ngày 30/4/1975, trên danh nghĩa, Trường Suối Nhạc không còn hoạt động như một cơ sở giáo dục chính thức nhưng vẫn tồn tại qua các lớp nhạc do Tiến Dũng trực tiếp hướng dẫn tại tư gia, Nhà Hưu dưỡng của Địa phận Hà Nội đặt tại Tp. HCM. Với tư cách là một giảng viên của Nhạc viện Tp. HCM và người sáng lập trường Suối Nhạc, Tiến Dũng vẫn tiếp tục công cuộc giáo dục âm nhạc cho các thế hệ sau. Đã có lúc, trường Suối Nhạc tưởng chừng được khôi phục lại như lần cuối cùng vào ngày 7/2/1993 tại giáo xứ Tân Định (Q.I) nhưng đến năm 1995, trường này ngừng hoạt động hẳn và cũng đến lúc này, Tiến Dũng rời Nhạc viện TP.HCM như một giảng viên về hưu.

CTM dàn nhạc độc đáo

Để thêm góp phần tạo “đầu ra” cho việc giáo dục âm nhạc, đồng thời có thêm phương tiện thể hiện những sáng tác của mình, Tiến Dũng đã thành lập dàn nhạc CTM. Đây là dàn nhạc Công giáo đầu tiên ở miền Nam trước 1975 và là dàn nhạc độc đáo có một không hai ở VN và  thế giới.

CTM là chữ viết tắt của CÔNG THỨC MỚI. Tiến Dũng đã tìm (cách thay một số nhạc cụ thông thường trong dàn nhạc giao hưởng bằng những nhạc cụ “bất thường” nhưng có âm sắc tương tự hoặc gần gũi với văn hóa dân tộc hơn để dễ trang bị theo hoàn cảnh kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, thay trumpet (khi cần) bằng guitar điện, thay timpani bằng trống trường, thay woodblock bằng mõ chùa, v.v… thậm chí Tiến Dũng đã từng thay xylophone bằng đàn T’rưng. Đối với các dàn nhạc giao hưởng trên thế giới, những nhạc cụ sau đây thường được coi là “bất thường” (nên không được kể vào thành phần dàn nhạc tiêu chuẩn): organ (đại phong cầm, pipe organ), kèn baritone (euphonium), kèn saxophone, piano, celesta, harp, alto flute, bass clarinet, contrabassoon và harmonica. Ngay cả với các dàn nhạc giao hưởng hiện đại, thành phần nhạc cụ cũng dựa chủ yếu trên 4 bộ: dây, kèn gỗ, kèn đồng, và gõ chứ ít dùng những nhạc cụ “bất thường”. Tính hiện đại thường được thể hiện ở bộ gõ phong phú. Trong dàn nhạc CTM do Tiến Dũng chủ trương có khá nhiều những nhạc cụ bất thường: recorder, alto saxophone, tenor saxophone, baritone saxophone, guitar điện, xylo-phone, vibra-phone, trống cái, mõ chùa,.. và vắng những nhạc cụ thông thường của dàn nhạc như: oboe, bassoon, trombone, tuba, cello, timpani. Như vậy, nét độc đáo của dàn nhạc CTM là Tiến Dũng không xây dựng dàn nhạc hiện đại theo kiểu thường được làm trên thế giới là dựa trên 4 bộ tiêu chuẩn và bổ sung (kết hợp) vào các nhạc cụ bất thường mà tìm cách thay thế một số nhạc cụ khó tìm trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của Việt Nam. Ở Hoa kỳ, từ cuối thế kỷ 20 đã bắt đầu có sự khủng hoảng về kinh phí tài trợ cho dàn nhạc. Sự khủng hoảng ấy vẫn còn kéo dài cho đến thế kỷ 21 như sự kiện dàn nhạc Philadelphia, một dàn nhạc chính của Mỹ đã phải tuyên bố phá sản vào tháng 4/2011 và mới có dấu hiện phục hồi từ đầu tháng 7 năm nay. Trước đó, vào tháng 12/2010, dàn nhạc Louis-ville và vào năm 2006, dàn nhạc thính phòng Northwest cũng đã phải tuyên bố phá sản. Như vậy việc khai sinh ra dàn nhạc CTM của Tiến Dũng không những phù hợp với điều kiện trong nước mà còn đáp ứng với nhu cầu của xã hội đương đại.

Với những nhạc cụ mình có trong tay, Tiến Dũng đã bỏ nhiều công sức không chỉ trong sáng tác cho dàn nhạc CTM mà còn biên soạn lại nhiều tác phẩm kinh điển của Bach, Händel, Haydn, Mozart, Beethoven,…để tạo nên những âm sắc mới cho các tác phẩm ấy. Đó là việc làm của ông từ những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước mà cho đến nay số người làm được điều này có lẽ chỉ đếm được trên một bàn tay. Và ngày nay sau 8 năm công qua đời, sau hơn 40 năm có CTM, người ta vẫn đang loay hoay theo hướng này rồi kêu lên… “âm nhạc đương đại”! Không có gì là lạ nữa khi các nhà soạn nhạc đương đại trên thế giới sử dụng những nhạc cụ ngoài quy ước để tạo nên những hiệu quà dàn nhạc mong muốn. Tuy nhiên đa số họ vẫn dựa trên một cấu hình dàn nhạc quy ước để tạo nên âm sắc và chiều sâu tốt hơn. Chẳng hạn, John Adams thường sử dụng dàn nhạc có biên chế của thời kỳ Lãng mạn và thêm vào đó những nhạc cụ ngoài quy ước như trong vở opera Nixon ở Trung Hoa (Nixon in China) của mình; hay Philip Glass và nhiều người khác sáng tác tự do hơn nhưng vẫn dựa trên kích thước quy ước về biên chế dàn nhạc (theo tiêu huẩn của dàn nhạc Baroque, Cổ điển, Lãng mạn hoặc theo cách nói của các nhạc sĩ Việt Nam “dàn nhạc 2 quản, 3 quản”).

Khi biết chúng tôi có ý định tổ chức chương trình “TIẾN DŨNG – Ngàn Lần Yêu 2013”, có người khuyên là nên chuyển các tác phẩm mà Tiến Dũng đã viết cho dàn nhạc CTM sang dàn nhạc giao hưởng (như truyền thống) để giới chuyên môn âm nhạc dễ chấp nhận hơn. Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều và quyết định không theo lời khuyên ấy để giới thiệu rộng rãi đến công chúng Việt Nam nét lạ và đẹp của CTM mà Tiến Dũng, người sáng tạo ra nó đã dày công theo đuổi. Có thể sản phẩm với CTM chưa được hay, còn lạ lẫm chưa được nhiều người tiếp nhận nhưng một điều không thể chối cãi được là tính sáng tạo và tính dân tộc rất cao trong âm nhạc của Tiến Dũng, người khai sinh ra nó.

Th.S. Nguyễn Bách 

ANVN 30 (07/2013)

 

Có 1 bình luận về Tiến Dũng và dàn nhạc CTM

  1. Phi Rom, lớp 12A 3(NK71) nói:

    Những chương trình như vầy, mong  SOS cho đăng tin sớm để anh chị em nào muốn đi xem đăng ký. Hôm nay 9 tháng 8 rồi !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác