Chuyện cà kê từ quê lên tỉnh

Ngày đăng: 7/08/2013 09:52:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Năm 1980, một gia đình như nhiều gia đình khác dọn đến cư ngụ trên cái xóm xưa vắng vẻ không tên, địa điểm bắt đầu từ một ngã ba vàm sông, chạy dọc theo hai bên bờ xuôi vô ngọn. Họ cố gắng làm mọi thứ để thích nghi hoàn cảnh mới. 

       

Tui cũng ở ruộng nhưng gia đình không có đất sạ lúa nên chưa đạt danh hiệu nông dân. Bất động sản chỉ là thửa đất 1.850 mét vuông, vị thế đất biền bồi cặp theo bờ sông mà tính ra mương nước nhiều hơn đất nạc. Mảnh vườn tí tẹo vừa làm thổ cư vừa trồng cây tạp thì cũng không thể nhìn đó mà gọi tui là chủ vườn hay chủ rẫy. Tuy nằm gần lộ xe chứ thật ra xóm nhỏ nầy bà con xa lắc lơ với thị thành chợ búa. Thêm một điều ngộ nữa đầu xóm nằm dưới đường dây trung thế 480 Volt, mà chẳng nhà nào được một trăm oát điện để le lói cuộc đời. Còn nước gia dụng thì khỏi nói rồi, xóm tui có một con sông, mỗi năm cả xóm xài chừng non triệu mét khối nước thiên nhiên còn nguyên chất. Điều nầy nghĩa là nước nôi tại đây chưa  qua sàng lọc hay trộn thêm hóa chất thanh tẩy sát trùng, và cũng chưa hề qua đèn UV diệt khuẩn. 
        Con sông chảy ngang quê tui được câu thẳng vào dòng Măng Thít nên lưu lượng được thừa hưởng rất cao. Khúc sông nầy đến xóm tui bỗng nhiên tự chẻ đôi hai nhánh nhỏ thiệt đều. Một nhánh quẹo mặt chỉ thẳng vào Ông Sĩ, Cái Sơn, tải nước vào sâu tới Đìa Thùng, Đá Lửa. Môt nhánh quẹo trái hơi dị tật quam quam,  bọc vòng sau lưng ngã tư cua lộ Ông Đốc, vói tới tận Bằng Tăng, Long Chuối, Chòi Mòi dọc theo hương lộ 16, con lộ trãi đá chủ lực của huyện Tam Bình đi lên Ba Càng, Vĩnh Long thời gian đó.        
        Thường thì hể sông sâu mà lòng hẹp thì hai bên bờ đều lở. Nhưng thẻo đất biền của tui nhờ núp sau doi ngã ba tam biên nên giọt nước lớn đầy từ Măng Thít đạp vô vừa quẹo gắt ngã ba, lực quán tính dòng chảy bung nạo vào bờ phía bên kia quá mạnh, sau đó một khoảng chừng vài trăm mét dòng nước mới lấy lại thăng bằng chảy thẳng vào đồng nội. Do sự lệch tâm của đáy sông, lúc nước dâng đầy bờ bên tui có áp lực ngoại vi dòng chảy, tạo môt dòng chảy nhẹ ngược chiều trở ra. Tự nhiên mặt sông hình thành tình huống mặt nước gần như “đứng”, điều kiện tĩnh lặng cần thiết giúp cho phù sa lắng đọng ngay khi dòng nước còn đang chảy nhẹ vô phía bờ bên kia.          
        Năm 1980 tui được 28 tuổi, cái tuổi không còn sức trai để bẻ gãy sừng trâu. Nhưng bù lại tui có thể bóp bụng nhịn đói từ sáng đến chiều để theo đuổi một việc làm cần thiết kịp thời gian, hay dầm mình trong nước cả đêm để xóc cây dựng đăng dựng nò giúp bà con chòm xóm. Dân cư dọc theo hai bờ khúc sông nầy có thói quen dựng đăng xây nò bên phía nước sâu, quay miệng hình V hướng về con nước ròng chảy mạnh ra để hứng bắt cá tôm tuôn ra từ trong ruộng.
        Những năm đó cá tôm tự nhiên còn rất nhiều trên sông rạch ruộng đồng, nhưng khi hỏi thăm những chủ nò, họ đều trả lời giống nhau “có bữa cũng đủ ăn”. Những câu trả lời giống nhau khiến cho tui nảy sinh ra suy nghĩ, dù họ làm nò lớn cở nào cũng chỉ nép sát bờ vì phải chừa 70-80%  bề ngang mặt sông cho ghe tàu lưu thông xuôi ngược. Con cá theo nước đầy sông lỉnh lảng vô đồng ăn mồi. Nước vừa nhốm vực ròng cá vọt trở ra sông với tâm lý của đám no bụng nhát chết và vì mực sông thấp xuống kéo bề ngang mặt sông nhỏ lại. Bản năng sinh tồn của thiên nhiên khiến chúng lao theo giữa dòng để rút ra sông cái hơn là men theo sát mé, chỉ có đám cá nhỏ hoặc tép riu bị nước xô dạt lao chao mới bị đẩy ra rìa. Có thể vì vậy mà cá lớn ít lọt vô nò. Môt điều bất tiện nữa, dựng nò phía nước sâu thì phải xóc cây rượng thật to và ràng niềng kiên cố để tránh nước chảy mạnh cuốn trôi hoặc xô dạt dàn đăng dài và cao bề dạo, đan bằng nan tre gai bền chắc và rất mắc tiền. Thêm một nỗi lo cho dàn nò đóng  phía nước sâu cũng dễ bị tàu ghe lớn lấn càn khi nước lớn.

         Biết được thu hoạch không mấy khả quan của mấy dàn nò hứng cá tép nước ròng, nên tui không bắt chước người ta dựng nò bên mé hẩm. Một phần quan trọng hơn nữa là tui không có khả năng như dân cố cựu. Bởi đất vườn lâu năm của họ mọc trồng đủ thứ tre nứa tầm vông, cây sắn cây u, trâm bầu, nguồn vật liệu cần thiết cho công việc làm nò bắt cá trên sông.  

         Việc dựng nò trên bãi bồi bên cạnh hàng dừa con mới được trồng trên các mô đất và cách làm có chi dùng chi của tui khiến cho bà con chung quanh được dịp cười bể bụng. Lần đầu tiên họ thấy có người bện đăng bắt cá bằng thân cây khoai mì già mà họ vừa lấy củ xong, bỏ hàng đống ngoài rẫy. 
         Những con nước cao nhất trên sông nầy thì khoảng sát mé trên bãi bồi nầy nước ngập chừng 7-8 tấc, xa mút đầu dàn cột rượng cách bờ khoảng 10 mét ngoài kia nước sâu cũng dưới khoảng 2 mét. Tùy ngày trong tháng, nước ròng thấp xuống  thì có khi một phần gần mé hay cả dàn đăng đứng phơi khô trên bãi. 
         Với chiều cao hạn chế của thân cây khoai mì nên tui chỉ bện đăng  cho dàn nò dỏm khoảng phân nửa chiều dài dự bị. Phần đăng ngoài chỗ sâu hơn được tui bắt chước cách vừng bồ của mấy người ở quê nhốt vịt. Tui đi dài vô xóm hỏi mua nhà vườn nào có mấy cây cau hư hay đui đọt. Đốn xong kéo xuống sông cột dây cặp theo lườn xuồng bè về chẻ rui bện đăng lắp đầy phần còn lại. Trong dịp nầy tui gặp được vài vị lão thành, mấy ổng lập lại y như hôm trước: 
        – Bện đăng phải bằng nan tre trơn láng giúp nước lưu thông rút mạnh lùa cá lọt vô nò, tránh tình trạng nghẹt đăng dội nước cá chạy ngược trở ra. Chú mầy bện đăng bằng cây mì, rồi bây giờ định chẻ rui cau làm nò trên bãi, tính bắt chuột cống ét hay bắt đám thòi lòi.

        Thiệt tình là tui về ở đây mấy tháng nay chưa từng gặp một con chuột trong miếng đất biền nầy. Những đêm có con nước lớn đầy, tui thường nghe tiếng cá đớp mồi vẫy nước trong đám lá mái dầm và rừng ngó bần mọc dầy trên bãi. Ban ngày lúc nước ròng lòi bãi, tui cũng thường bắt gặp những xác vỏ tôm lột bỏ lại lúc nước ngập hồi đêm. Những điều mắt thấy tai nghe nầy thôi thúc tui xây chiếc nò rẻ tiền, đặc biệt chỉ dùng bắt cá tôm khi nước lớn. 

        Khúc sông nầy mỗi tháng có 2 đợt nước lớn đầy, mỗi đợt chừng 5-6 ngày nằm trong khoảng rằm và cuối tháng âm lịch. Thời điểm mực sông cao nhất trong ngày xoay chuyển trể dần chừng một tiếng cho ngày hôm sau. Thời gian dài ngắn của nước cầm, nước ươn và mức độ cao thấp mặt sông cũng khác nhau từng ngày trong tháng. Nắm được thời khóa biểu gần như không đổi của các buổi lớn ròng của đoạn sông nầy, Lúa tui đem hai chiếc lọp hỗm nay được xông khói trên dàn bếp, đặt vào dàn đăng đã hoàn chỉnh, khởi đầu bắt cá. Những ngày đầu tiên tui cứ nôn nóng lặn xuống mở dây niềng và nhổ cây gài, dỡ lọp lên khỏi mặt nước thăm coi có con cá con tép gì hay không. Chắc có cả mấy chục lần lặp lại sớm tối khác nhau mà kết quả vẫn y chang. Suốt tháng đầu ra nghề tui không bắt được một con cá nhỏ.  

        Tui cứ xăm soi lội xuống bãi sình mày mò theo dàn đăng, chen xảm những chỗ đăng thưa rỗng, xem lại dây bện hai cửa sổ tròn khoét trống trên chân của dàn đăng vừa đủ cao hơn mặt sình một chút, xem có sơ xuất gì mà cá không chạy lọp. Riêng lai lịch hai cái lọp xuất thân từ một danh sư, nên tui bỏ qua nghi ngờ hay đổ thừa là không nhạy cá. Kết quả vẫn không khá hơn nên có đêm tui không buồn mang hai cái lọp lên bờ khi nước cạn như lúc trước. Vì sự nản lòng nầy mà một buổi sáng sớm khô bãi, tui khám phá chiếc lọp gần bờ có con gì cắn nát nan lọp một lổ gần bằng trái cam ngay chỗ phần đuôi, lúc đó tui mới để ý những hàng chân chuột và dấu vệt đuôi kéo dài trên mặt sình phía trước và sau lưng hàng đăng. 

Không lẽ lời tiên tri của cô bác trong xóm đã thành sự thật, cái nò của tui chỉ dùng để bắt chuột. Mà có muốn bắt chuột cũng đã không xong.

Hết phần 1

Một Lúa

 

Có 2 bình luận về Chuyện cà kê từ quê lên tỉnh

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Hay quá bạn già ơi ! Sáng nay, dậy sớm, theo thói quen, lên trang nhà xem hết các mục, bắt gặp bài viết của bạn già, đọc phân nửa thôi, trưa về mới “ngâm cứu”, nhưng bi giờ phải lên tiếng, kẻo ông bạn già khó tính bảo : rủ viết bài mà nó hỏng thèm đọc để cho ý kiến ! Ông bạn già của tui không những giỏi việc trên bờ ( trồng trọt ) mà còn giỏi việc dưới sông ( đăng, nò )…… Xin bái phục !

  2. Nguyễntuyết nói:

    Huynh Một Luá ơi , Huynh kể chuyện vưà hay , vưà vui và cũng rất là hấp dẫn quá hà … phải chi hồi nhỏ  nhà NT ở gần xóm anh , thế nào cũng lén xin đi theo để bắt cá  , bắt tôm…. cá thì anh đem về nhà ăn , còn tôm thì  NT  dụ anh lên bờ  lấy rơm nướng  ăn tạị chỗ  nó mới ngon và ngọt ….,  lúc nhỏ …NT về quê ngoại , NT có theo  mấy đứa em cuả  NT  bắt hến , bắt ốc đắng , bắt con cua nhỏ …. xong … mấy em  và mấy anh bạn lối xóm rưả sạch , đem  4 cục gạch hay 3 cục gì đó , lén vô nhà lấy nồi … nấu chính ,  NT thì vưà ăn , vừa khen hít hà …ngon và vui lắm ….ăn trên bàn đàng hoàng hỏng có ngon , ăn ngồi chồm hổm , hoặc  cắt tàu lá chuối lót ngồi  bệch đại xuống  , mà vui lắm ! hi hi.

Trả lời Nguyễn Văn Lần Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác