Những khoảnh khắc đổi đời

Ngày đăng: 21/07/2013 11:02:33 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Nhà tui đứng khép nép khiêm nhượng cạnh móng cầu Pa-ti-dô một khoảng ngắn bằng tiếng gà kêu. Từ chiếc cầu biên giới giữa hai địa phương, tui thường lội bộ ra chợ Tam Bình. Khoảng đường nầy rất ít người biết chính xác là bao nhiêu mét. Riêng tui có khi thì thấy hơi xa, có khi thì thấy hơi gần, cũng có khi cả con đường thênh thang, dọc hai bên cửa nhà san sát, đèn điện sáng trưng mà tôi không thấy gì hết. Cũng may những lúc liêu xiêu như vậy, phải nhờ đến cây cầu sắt ốm nhom của Tây để lại, giúp cho tui làm mức đến. Nếu không có nó thì hỗng chừng tui dám đi huốt cái tổ ấm mà nhà tui đang chờ bữa cơm tối.

     

   Chân mỏi mắt mờ mà không ngại lội bộ, vả lại dù có lười biếng hay kém dinh dưỡng tới đâu thì ngoài đôi chân đóng phèn, tôi không còn phương tiện nào khác. Còn ông thần tài chợ Tam Bình mạnh khù, lúc nào trước mặt ngài cũng sẵn hoa quả tươi ngon, nhang đèn sáng rực, mà ngài cũng ngại lội bộ để rãi đều vận may cho thần dân bá tánh. 

        Những năm tám mươi, tám mấy, Tam Bình có lẽ là một huyện nghèo của tỉnh Vĩnh Long. Thời đó người ta chưa có hệ thống toán học để xếp hạng xém giàu hay suýt nghèo cho tui. Nhưng trong thâm tâm, tui có một ước mơ rất lớn là một ngày nào đó mình sẽ trở nên khấm khá, đổi đời nghèo khó. 
        Phải nói những năm đó, phong trào vé số kiến thiết lên ngôi huy hoàng trong đời sống giải trí cá cược các tầng lớp dân ta, ít nhất chuyện ăn thua hợp pháp nầy được thể hiện rất rõ trên chốn quê chưa đến nỗi xơ xác lắm. Ở đâu tui cũng thấy người ta bán vé số trên từng cây số. Không riêng những người già cả tật nguyền kiếm thêm thu nhập hay chấp nhận như nghề chánh nuôi thân. Mà có một số không ít những thanh niên đẹp trai đẹp gái cũng góp những  bàn tay búp măng dễ thương để hôm nay cả huyện cùng nhau kiến thiết Bến Tre, ngày mai thì hùn vốn xây dựng cho Đồng Tháp. Còn một đoàn quân tí hon cũng đáng nể, bám đeo dẽo nhẹo, chuyên dúi những tờ vé số vô túi khách, “chú chú, con còn mấy cặp đẹp lắm” mà không cần biết chú chú có tiền trả hay không.

       Có thời gian thần tài tung hoành Thị trấn Tam Bình rất là nhộn nhịp. Ông nầy trúng 10 tấm Hậu Giang, tính ra 2 cây mấy một tờ. Cả chợ bé tí, dư luận xôn xao chưa hạ hỏa thì lại rộ lên, chú nọ vô 15 vé cá cặp Đồng Nai, nghe nói còn 15 tấm bán cho ông già nào hay mặc bộ bà ba trắng. Cứ một vài tuần thì thần tài đáo lại chợ Tam Bình, không biết ổng có thiên vị hay không mà chỉ xom trúng toàn là dân bổn phố.

 

        

        Một người trạc trên bốn mươi, mới nhìn có thể đoán thời thanh niên của anh ta rất đẹp trai. Anh ta có vợ con đông đủ đàng hoàng. Hai đứa con có gia đình dọn ra ở riêng, chỉ còn  hai vợ chồng hủ hỉ trong căn nhà chung dãy, tôn lá xen nhau ở Xóm Chùa. Thị trấn Tam Bình bao gồm Xóm Chợ, giấy tờ văn bản gọi là Khóm I, Xóm Chùa là đơn vị dân cư chủ lực thứ hai, còn gọi là Khóm II và cuối bảng là một ấp ven đô khác.
        Dân cư Xóm Chùa đóng dọc hai bên con lộ đá độc đạo từ huyện lên tỉnh Vĩnh Long. Khóm II bắt đầu từ Xóm Chùa chạy dài theo con lộ, đụng cây cầu Pê-ti-dô trước mặt nhà tui mới chịu ngừng lại. Cũng nhờ vậy mà nhà tui nằm trong Thị Trấn, chớ thật ra khu ngoài rìa nầy không có liên hệ thân thiết gì với thành thị cho lắm.

        Người đàn ông trên bốn mươi đó không biết mắc chứng gì, một ngày mưa gió trời đất u buồn, vợ thì đi đám cưới ở xa, chắc là không quen với cảnh cu ky, anh ta làm một chuyên liều lĩnh nhưng rõ ràng có tính toán. Đầu tiên anh ta hốt chân hụi cũng hơi trọng trọng của vợ. Chủ hụi giao tiền xong, anh gom hết vòng vàng tiền bạc của gia đình, mang theo vài bộ đồ, đón xe đò đi đâu mất tích. 

        Người vợ đi ăn cưới ngoài quê ở Nha Trang mất cả tuần. Về đến nhà khám phá vàng bạc sạch trơn. Chị ta tưởng cướp vào nhà lấy của, giết người diệt tích nên la khóc vang trời. Lối xóm bu lại mỗi ngưới một tiếng xôn xao, có người kêu báo công an. Có người cản lại, tui thấy mấy hôm trước ổng đi xe lên Vĩnh Long ngồi sát vợ ông tập kết. Lúc đó người ta nhớ đến người đàn bà Bắc trẻ đẹp theo chồng về Nam được vài năm thì chồng chết, cô ta sống một mình không thân thuộc ở xóm nầy.

        Chuyện tình tháng bảy nào cũng kết thúc giống nhau. Lá rụng về cội, chàng thanh niên hào hoa kia trở về nhà trong bốn dòng nước mắt, hai dòng là của người đàn ông bị ghệ đá, hai dòng kia là của người đàn bà bị mất sạch gia tài tằn tiện cả đời. Mắng nhiếc làm chi cho khàn hơi điếc ráy, người vợ đáng thương quyết định về ngoài Trung sống với cha mẹ ruột,  bỏ lại gánh cháo lòng và người chồng tội lỗi.

        Sau một thoáng phong lưu thì nợ đòi như chúa chổm. Mỗi lần anh ta ra đường phải ngó trước ngó sau, ai kêu trúng tên cũng không dám quay lại nhìn. Không có công ăn việc làm mà cứ đi đâu không biết cả ngày, đợi tối mịt mới dám ló về. Bước vào nhà của mình mà cứ như ăn trộm, anh ta mở cửa thật nhẹ vừa đủ cho một thân người ốm đói lách vô. Bước vào nhà cứ đi thầm im lặng như kẻ mộng du. 
        Hàng xóm cứ thắc mắc, không lẽ tấm vách ngăn giữa hai nhà đóng bằng loại gỗ tạp mỏng chừng một xăng-ti-mét được dán mấy chục tờ lịch cũ in hình tài tử Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc mà cách âm được tốt vậy sao. Họ để ý từ sớm tới tối không nghe tiếng xoong nồi ly tách khua nhau, không nghe tiếng dao chạm thớt, thậm chí không có tiếng mèo kêu. Nhưng họ có linh cảm phía bên kia vẫn còn dương khí. 

        Một buổi sáng sớm nhưng trể hơn mấy hỗm nay, anh ta vừa lách người ra và đang tính xoay trở vô khóa cửa thì gặp thằng nhỏ cầm cọc vé số còn nịt thun đầy cứng, cười toe toét:

        – Có mấy cặp hết sẩy, bác Hai mở hàng dùm con.

        – Bà xã tao không có ở nhà, tao không có tiền.

        – Con bán chịu, chiều con ghé lấy tiền, tối con mới đi nạp cho đại lý.

        – Mầy lựa tao cặp nào có số 28, hồi hôm tao nằm chiêm bao thấy gà gáy trước cửa, chiều trúng tao thưởng ba trăm ngàn.

Tội cho thằng nhỏ bán vé số, có lẽ nó chưa nghe chuyện của người lớn nên bán chịu cho một người đang khánh tận.

        Xóm chùa vẫn ồn ào không khí sống động thường ngày của nó. Chỉ riêng ngôi nhà của anh chị Hai cháo lòng, đã âm thầm mờ nhạt tự thuở nào, bây giờ không gian quạnh quẻ ấy lại còn vướng thêm chút thê lương. Ông Năm, người hàng xóm khít vách không thân thiết mấy của anh chị Hai. Ông luôn luôn thường trực tại nhà, và vì tấm vách ngăn bằng ván mỏng nên không thể cấm ông nghe những chuyện lớn nhỏ chỉ cách nhau vài mét. Đúng hơn thì ông không ưa cái thằng Hai nầy. Vì điệp khúc lập lại quá nhiều lần nên ông Năm để ý, tháng nào đến đêm trăng tròn thì hai vợ chồng sồn sồn nầy cũng gây nhau một trận, sau đó thì anh ta bỏ nhà đi đâu hai ba bữa, báo hại chị Hai è ạch gánh nồi cháo nặng trĩu lúc hừng đông cho kịp phiên chợ sáng.

       Ông Năm đang thiu thiu trên chiếc võng đan bằng sợi lát, chiếc máy cát-sét trên mặt bàn nước kế bên cũng đang eo éo tuồng cải lương quen thuộc. Bỗng ông giật mình vì có đông người cùng nói lớn tiếng bên nhà thằng Hai, đằng trước còn có tiếng Honda ngừng mà chưa tắt máy. Ông Năm chợt thót người, không lẽ điều mà ông lo lắng mấy hôm nay bây giờ đã thành sự thật, “thằng Hai nợ nần xấu hỗ, tuyệt vọng chán đời nên đã quyên sinh”, chắc là chính quyền địa phương  đang vào nhà ăn-kết.

        Ông Năm vội vàng bước ra cửa để ngó bên thằng Hai xem có việc gì. Đúng lúc gặp nó xếp mấy chiếc xe cho gọn:

        – Mời chú Năm qua bên cháu uống vài chai bia.

Ông Năm còn đang á khẩu, trố mắt nhìn thằng Hai cháo lòng như người từ trên trời rơi xuống.

        – Cháu trúng 14 tấm độc đắc đài Minh Hải chiều nay.

        Sau buổi chiều anh Hai lên đời chừng tuần lễ. Nợ nần thanh toán xong xuôi, con cháu hài hòa, chị Hai cũng tươi rói như hoa, luôn nói cười với bè bạn xóm riềng, hình như không ai còn nhớ tới thãm họa xảy ra tại căn nhà nầy chưa lâu lắm. Anh  Hai đang ung dung trong bộ bi-ja-ma sọc, hàng KT ngoại còn mới cáo, nhàn nhã đứng phơi nắng sáng trước cửa nhà. Từ xa cũng cái thằng nhỏ tay chân thân tín của thần tài hôm trước, xăm xăm đi tới.

        – Bác Hai hỗm nay đi đâu, ngày nào con cũng ghé mà không gặp.

Anh Hai mở cọc vé, xòe ra như rẻ quạt, chăm chú tìm cái gì trong đó, không trả lời thằng nhỏ. 

        – Hôm trước bác Hai hứa trúng số cho con ba trăm ngàn, mà chỉ gởi cho con có đôi dép sa-pô.

Người giàu cũng hơi có khác. Anh Hai nghe thằng nhỏ nói xong, lườm nó một cái lạnh tanh rồi thuận tay tung cọc vé số lên trời. Những tấm giấy nhỏ nhắn sặc sỡ rời ra, túa lên không gian rồi xoay tròn tròn rơi lã chã, từng chiếc chao nghiêng nhẹ nhàng trong nắng ấm ban mai tuyệt đẹp. Rồi cũng chẳng nói chẳng rằng như tự nãy giờ, anh Hai bỏ vào nhà tỉnh bơ, không có gì đáng cho anh phải bận tâm lo nghĩ.

        Thằng nhỏ vừa khóc vừa nhặt những tờ vé số nằm xấp ngữa ngược xuôi đầy trên mặt sân nhà bác Hai trăm triệu phú. Có vài công nhân bốc vác nước đá từ quán cà phê đối diện bước qua nhặt phụ:

        – Mầy gom hết vé số qua quán cà phê bán cho tụi tao, khỏi lựa cặp mắc công.

        Mười mấy công nhân đang ngồi tán gẩu, chờ mẻ nước đá ra bồn để vác xuống những tàu cá đậu chờ dưới bến sông. Họ hùn tiền hốt hết gần 300 vé của thằng nhỏ để đánh bài cào rút. 

        Chiều hôm đó, 30 vé độc đắc may mắn phân phối cho đại lý Tam Bình, lọt hết vô túi những người công nhân bốc vác. Người được một vài tấm, ai xui lắm mới vuột tay không, nhưng bù lại thì được bạn bè đãi nhậu mốp môi cả tháng.

        Dân xóm Chùa vui vẻ chứng kiến cuộc đổi đời ngoạn mục của gia đình anh chị Hai cháo lòng và cuộc trúng số tập thể của nhóm công nhân bốc vác.

        Chỉ mình tui bâng khuâng nhìn trên bản đồ địa lý. Rõ ràng ông thần tài Tam Bình đang di chuyển chậm chạp về hướng nhà mình.

        Nguyên tắc của thiên nhiên là nước lớn đầy bắt đầu từ ngoài vàm mới chảy dần vô ngọn rạch. Tôi tin như  vậy, ít nhất là trong thời điểm đó…

Hết Phần 1

Một Lúa

 

(Cốt truyện, tên nhân vật chỉ là sản phẩm tưởng tượng)

Có 4 bình luận về Những khoảnh khắc đổi đời

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Chào anh Một Lúa đã xuất hiện lại ở sân chơi. Cầu Pa-ti-dô gần nhà ông, biết bi giờ có tên là gì không ? Còn chuyện đổi đời, thì ai đổi không hà, chứ cả Lần thì ngày nào cũng hy vọng từ 1-2 vé số. Nếu để dành chắc gần bằng chú Năm Sình à !

  2. Đức Pham 80 nói:

     

    Chào anh Một Lúa,

    Lâu quá mới gặp lại anh, Đức Phạm em mừng như gặp lại người thân. Bài của anh viết hay quá, mặc dù hư cấu mà y như thật. Lâu rồi anh khuyên ĐP viết nhưng từ dạo đó tới nay ĐP chẳng gõ được câu nào cho ra hồn. Thân chúc anh sức khỏe để còn phục vụ bạn đọc của trang nhà. ĐP

  3. Nguyễntuyết nói:

    NT định giận anh Một Luá  đó …. vì NT ngóng dài cả cổ mà hỏng thấy  huynh đâu , chẳng biết lúc rày  mập , ốm , khoẻ , béo  thế nào !!?? . Nay NT vưà đọc tin anh tái xuất giang hồ ! hi hi ! Thế là hết  giận rùi .NT mới đọc lơ mơ ! chưa hiểu gì ráo  ! nhưng thấy rất là vui . Miển đọc thấy vui là được ruì !  để từ từ đọc lại lần nưã chứ ??  Đổi đời khoảnh khắc !!?? NT thắc mắc  … hỏng biết như vậy có bền hong…. NT đón xem  phần 2 !

  4. Một Lúa nói:

    Chào các bạn,

    Tui có đọc văn và thơ của các bạn, tui rất ngưỡng mộ những đặc sắc của từng bạn.

    Cám ơn Nguyễn Tuyết, Đức Phạm, Anh Lần cho lời bình luận.

    Hỗm nay tui bận việc nên không viết bài, rồi ngại khi viết lại bị sượng cóng, cứ thế mà lần lựa mãi.

    Thân mến

    Một Lúa rưỡi

Trả lời Nguyễn Văn Lần Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác