Mùa Nấm mối

Ngày đăng: 3/07/2013 08:42:16 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Nhỏ bạn viết văn ở Cà Mau có lần ghé Bến Tre chơi được nhóm viết văn trẻ chúng tôi mời ăn một món đặc sản: nấm mối! Nhỏ cứ ngồi tấm tắc khen ngon trong khi bọn tôi thì cũng hơi… “nhót ruột” vì nấm mối đầu mùa, nhất là nấm mối búp (ngon thấu trời xanh – chữ của nhỏ bạn) chỉ khoảng… năm trăm ngàn một ký! Nói nhót ruột là nói cho vui chứ đãi bạn thì có…hao chút đỉnh cũng không sao, hơn nữa, nhỏ bạn viết văn thừa hiểu bọn viết văn chúng tôi “túi nhỏ” cỡ nào để khống chế cái bao tử luôn đòi hỏi được phục vụ tối đa của phái nữ(!). Lần đó về, “Hinh Như” cô nàng có viết một bài tạp văn về nấm mối (sở trường của nàng là tạp văn và truyện ngắn). Chuyện tưởng vậy rồi thôi ai dè mới đây tôi nhận được một cái tin nhắn qua điện thoại: Mùa nấm mối tới rồi, bộ quên sao? Giật mình và tự hỏi: vậy à? Sự gợi nhớ đột ngột khiến tôi bần thần và ký ức tuổi thơ bỗng hiện về, quay quắc…

Cơm áo gạo tiền nhiều lúc làm con người ta quên đi những ký ức đẹp, nhất là những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với miền quê nghèo khó. Người ta không còn để ý đến những con đường làng đầy lá rụng trong hun hút bóng chiều; những xế trưa vắng lặng eo óc tiếng gà; những bến nước không người đau đáu một nỗi niềm chia xa hay những khu vườn vắng sau những cơn mưa vừa tạnh buồn hiu hắt. Ở đó (khu vườn), vào khoảng tháng năm âm lịch, sau những cơn mưa dầm, nắng trở lại sẽ kích thích sự sinh trưởng của loài thực vật nhiều đạm “ngon thấu trời xanh” là nấm mối. Ngoại tôi nói, gần tới mùa nấm mối là bà biết liền vì mình mẩy bắt đầu nhức nhối một cách khó tả (chỉ những người nhạy cảm với thời tiết mới xảy ra hiện tượng này). Rồi còn có những đợt gió “ma”, thứ gió luồn đi lành lạnh dưới chân (có người còn gọi là gió mồ côi).

Trong các cuộc kiếm ăn dân giả, chưa có “món” nào hấp dẫn và đầy kịch tính như đi nhổ nấm mối (dân gian thường có câu: Ham như ham nấm mà, còn nấm… gì thì tùy người đọc suy luận!). Những người nhổ nấm môi chuyên nghiệp sẽ để ý nấm mối năm trước mọc vào ngày nào rồi “canh me” để năm sau phục kích sẵn, không thì bị “hớt tay trên”, vì nấm mối thường mọc đúng chu kỳ một cách lạ lùng. Dân gian còn nói rằng, những người “yếu bóng vía” không bao giờ nhìn thấy nấm mối!? Kết luận này đúng hay sai còn phải chờ giám định từ các nhà tâm linh học nhưng tôi từ cha sanh mẹ đẻ, chưa từng nhổ được cái… chưn nấm mối chứ đừng nói một tay nấm mối. Yếu bóng vía chăng? Có thể!

Xung quanh việc nhổ nấm mối cũng nhiều giai thoại cười ra nước mắt. Có hai người hàng xóm hẹn cùng nhau đi nhổ nấm mối. Khi đi ngang gò mối, người đi trước phát hiện có nấm mối mọc nhưng giả bộ thờ ơ đi luôn để “đánh lừa” người cùng đi rồi sau đó sẽ quay lại nhổ một mình. Người đi sau cũng phát hiện có nấm mối, rất mừng vì người đi trước không thấy nhưng cũng thản nhiên đi tiếp vì sợ mình ngồi xuống nhổ, người đi trước sẽ biết mà… nhổ ké! Hai người đi vòng vo một hồi rồi viện lý do để tách người kia ra. Thật bất ngờ khi lén lút quay trở lại, hai người cùng đụng mặt nhau ở gò nấm mối. Chưa hết… mắc cỡ với nhau thì họ phát hiện gò nấm mối đã bị người thứ ba… nhổ mất! Cả hai cùng cay đắng tiu nghĩu ra về (và chắc là cũng học được bài học để đời).

Ngày trước, nấm mối không quí hiếm như bây giờ vì hình như vườn nào cũng có dù nhiều hoặc ít. Còn bây giờ, nấm mối là mặt hàng “cao cấp”, một trăm gram nấm mối ở đầu mùa tới 50. 000đ mà chỉ có mấy tay thì nhà giàu còn phải e dè còn người nghèo thì đừng có mơ!. Nấm mối bây giờ quí hiếm vì môi trường sinh trưởng của nó đã bị phá vỡ, những khu vườn xưa, vườn cổ đã được xới lên để trồng các loại cây đặc sản, phân thuốc sinh học, hóa học được sử dụng tràn lan, vì vậy mà các gò mối cũng lần hồi bị đào thải.

Nấm mối thì chế biến món gì cũng ngon ngoại trừ… ăn sống! Nấm mối kho lạt vặn chanh, bỏ ớt hiểm hái rau càng cua bóp giấm, rau cải trời và đọt nhãn lòng luộc sơ sơ chấm vào tô nấm mối mới múc ra còn bốc khói, đưa vào miệng… Nấm mối nấu canh lá cách và muối ớt. Màu nâu nâu của nấm mối, màu xanh của lá cách, màu đỏ của ớt… Rồi nùi thơm thơm, vị ngọt ngọt của nấm mối tỏa ra, làm sao cầm lòng đây…? Nhưng đặc biệt nhất là nấm mối nướng lá cách. Lựa nấm mối vừa búp, gọt chưn, rửa sạch quấn vào chiếc lá cách non để trên vĩ nướng với lửa than vừa phải, trở đi trở lại thường xuyên. Lá cách thấm lửa từ từ, mùi thơm mới đầu dìu dịu, đến khi lá cách cháy sém thì cũng là lúc nấm mối kịp chín, hai mùi thơm quyện vào nhau, bát ngát, rồi lột lá cách ra, bóc tay nấm mối chấm vào muối ớt… ối trời, lúc đó thì “dì út” cũng không mời!

Nhưng bây giờ, còn đâu nhiều thứ đặc sản quí hiếm này. Mùa nấm mối mấy năm nay chỉ thấy người ta bán lai rai nhưng giá… trên trời, có thèm cũng chả dám mua. Vậy là phải ăn nấm mối bằng… tưởng tượng và tôi muốn “lây” cái thèm của mình cho nhiều người, trong đó có nhỏ bạn ở Cà Mau với cái buồn vô cớ, man mác và mông lung.

Ngọc Vinh

 

Có 2 bình luận về Mùa Nấm mối

  1. Nguyễntuyết nói:

    Nấm mối nấu canh ăn cũng bắt lắm , nó cũng ngon ngọt như canh nấm rơm , hình như muà mưa lâm râm thì mới có nấm mọc đầy  dưới gốc cây thì phải , có khi mọc rãi rác trong vườn . Nấu canh bỏ chút xiú hành , tiêu  vô , rồi nêm nếm , nhắt xuống ăn cơm nóng với cá kho tiêu nưã thì khỏi nói , ít nhứt phải 2 chén cơm… hi hi

  2. Hoàng Hưng nói:

       Nguyễn Tuyết ơi, nấm mối ngon hơn nấm rơm nhiều lắm, hồi nhỏ hôm nào có canh nấm mối ăn quên thôi.

Trả lời Hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác