Tuổi thơ “hơi” dữ dội

Ngày đăng: 6/05/2013 01:02:24 Sáng/ ý kiến phản hồi (21)

Nếu Phùng Quán có “Tuổi thơ dữ dội”, Maxim Gorki có “thời thơ ấu” là quyển tiểu thuyết dài, đọc hấp dẫn thì Phương Nga chỉ với 1.200 chữ tả tuổi thơ của mình cũng dữ dội không kém các tác phẩm trên. Còn như tính tỷ lệ số chữ của truyện ngắn này với các tác phẩm lớn kia thì cái dữ dội hơn gấp nhiều lần. Ấy vậy mà tác giả khiêm tốn nói “hơi dữ dội” thôi (SOS)

      Tôi không phải sinh đẻ ở Vĩnh Long, mà là dân tứ xứ (không phải tứ chiếng!), do ba tôi khi làm việc, thuyên chuyển gần như khắp miền Nam.  Chào đời ở Mỹ Tho, ăn thôi nôi ở Châu Đốc, tốt nghiệp mẫu giáo ở Gò Vấp,  học dở dang lớp nhì ở Cần Thơ, rồi dọn sang Vĩnh Long, nơi tôi nhận  là quê hương yêu dấu của mình tới ngày sang Mỹ.
      Ôi quá khứ như mới ngày nào.  Nhớ lúc tôi tập nói tiếng Đan Mạch, xém “đớp” miếng thịt cầy lúc ở Gò Vấp ( bài viết trên trang 71, không hiểu có bị virút “trù ếm” đục mất không?).  Nay xin phép tiếp nối dòng tâm sự lê thê của mình về thời gian sống ở Cần Thơ.  Xin chia sẻ hai chuyện “rùng rợn” mà tôi nhớ mãi đến giờ.  Đọc xong, xí xoá cho tôi, lối tả chân, hiện thực phủ phàng nầy nhé.
Bây giờ xin vào đề.  Từ Gò Vấp, chúng tôi dọn về Cần Thơ.  Thời chiến tranh, kiếm một căn nhà để mướn rất khó khăn.  Lúc đầu, chúng tôi ở Đàng Tiên khá xa phố chợ.  Nhà mướn rộng thênh thang, lại thêm căn gác lửng, mà anh em chúng tôi cho vàng, cũng không dám leo lên,  dù là ban ngày.  Nhà kế bên con sông cái- không còn nhớ tên- khi hết thức ăn, má tôi phái anh em tôi ra chờ  có ghe rao hàng chèo qua để mua.  Không hiểu bây giờ còn lối mua bán như xưa?  Anh em chúng tôi lúc đó rất thèm thịt vì ghe bán đa phần là cá (lòng tong, chốt, linh…), hoặc giả tép mòng, đôi khi bán  vài ba nải chuối.  Dễ đoán ra, anh em tôi hàng ngày càu nhàu với cá kho khô, tép mòng cháy mặn, canh là nước cơm chắt.  Bữa nào được má  “chiêu đãi” một nồi chuối xiêm chưng với bột bán nước cốt dừa, rắc lên ít đậu phọng đâm nhuyễn, anh em tôi ngoan ngoãn hẳn, tạm  gác lại mấy lời than thân trách phận về nỗi “cá tép” triền miên.
     Lúc đầu cũng tạm ổn.  Anh em tôi chưa đến tuổi đi học.  Nhà chỉ có độc một chiếc xe đạp, ba tôi dùng để đi làm.  Năm sau là một vấn nạn.  Anh cả tôi vào lớp một, còn tôi, mẫu giáo.  Tính tới tính lui, gia đình phải dọn vô một cái chái dựng cạnh villa của thầy Ba Điệp.  Chỉ nhớ villa nầy xéo xéo với mặt sau của rạp xinê Huỳnh Lạc.  Thầy Ba Điệp có vẻ hiền lành, nhưng rất ít khi ở nhà, nghe nói thầy là thầu khoán ở Sài Gòn.  Trong khi đó, vợ của thầy là người tính toán khắc nghiệt.  Thời cuộc đẩy đưa, có villa tọa lạc trên mảnh đất ngót nghét cả mẩu tây, lại gần chợ, đúng  là gà đẻ trứng vàng,  bà cho cất thêm chái dọc chái ngang để cho mướn, hét giá tới trời xanh.  Than phiền thì bà thản nhiên trả lời, “Không chịu thì thôi, tui cho lính Mỹ mướn, lấy đô la xanh.”  Thế là  xong!
Phải công nhận, nhờ tận dụng “tấc đất, tấc vàng”, vô hình trung bà tạo một “xã hội” nho nhỏ chung quanh villa của mình.  Mặt tiền bên trái bà cho chú Tám mướn làm tiệm hớt tóc, bên phải là tiệm sửa xe đạp của gia đình bác Ba.  Sau tiệm hớt tóc, là cái nhà hộp quẹt của gia đình tôi.  Rồi đến cái nhà kho bà cũng không từ.  Vài tháng sau khi chúng tôi dọn tới, bà chỉnh đốn lại, nhà kho phút chốc thành trường tư thục dạy từ mẫu giáo tới lớp năm!  Từ dạo đó, bà bắt mọi người phải gọi bà là “Bà Hiệu Trưởng Điệp”!
     Năm đó tôi khoảng 5 tuổi, chưa phải đến trường.  Thời khoá biểu của tôi rất giản dị.  Sáng ngủ dậy, đánh răng rửa mặt, ăn điểm tâm xong là tôi dọt lẹ qua hàng xóm.  Trước nhất,  qua “trường”, ngồi chồm hổm ở ngạch cửa coi bà Hiệu Trưởng dạy hát để thị uy.  Kế, rủ đám nhóc con của Bác Ba sửa xe đạp qua tiệm hớt tóc, năn nỉ chú Tám ca vọng cổ.  Chú ấy có giọng hát”mùi” lắm!  Chú nói mình gốc Ấn, vậy mà chú ca “Tình Anh Bán Chiếu” “xem xem” với danh ca Út Trà Ôn. Khi vắng khách, chú vừa ca vừa liếc cây dao cạo trên sợi dây da bò treo trên vách.  Liếc vài cái, chú lại vuốt cây dao lên tay thử. Tụi tui phục sát đất vì thấy cây dao có vẻ bén ngót làm sao!  Thì thầm với nhau, “Chắc chú Tám có võ!” Duy chỉ có thằng Hai, đứa lớn nhứt trong đám, lúc nào cũng ra vẻ “song chì”, không phục.  Nó vênh mặt, ” Liếc dao thôi, khó khiết gì mà tụi bây rùm quá. Đúng là nhát hít.  Ổng chỉ vuốt nhẹ lên tay thôi. Tao cho tụi bây coi kiểu của tao.  Ngon hơn nhiều.”  Rình cho chú Tám đi nhà vệ sinh, nó chụp cây dao cạo của chú.  Liếc lia liếc lịa trên miếng dây da, xong nó vênh mặt lên, ” Coi tao biểu diễn nè.”  Nó kẹp cây dao giữa hai ngón tay rồi vuốt thật mạnh.  Phần hạ màn, xin mọi người suy diễn nhé.

     Có một hôm nhà Bác Ba sửa xe đạp luộc bắp ở giữa sân.  Chao ôi, mùa bắp thơm phức làm tôi thèm chảy nước miếng.  Cứ cà rà kế bên nồi bắp dù cho má tôi hét bắt về nhà, sợ tôi bị phỏng. Bác gái cười, nói cho tôi an tâm, “Về đi, chừng bắp chín, bác hú cho mầy qua ăn.”  Y lời, bác phát cho tôi một trái bắp cùng với đám con. Tụi tôi ngồi bẹp dưới đất cạp lia cạp lia.  Ôi sao trái bắp mau hết quá, tụi tôi còn nhai tuốt luôn cái cùi để hút hết chất ngọt lịm của trái bắp.  Hôm sau, con Út, khoảng ba tuổi, ngồi “ị” trên miếng giấy lót sẳn ngoài sân.  Tôi lúc đó đang ngồi coi Bà Hiệu Trưởng dạy tập thể dục.  Thấy nó “ị” ra vài hột bắp.  Trong lúc ngồi chờ người lớn “thanh toán” dùm cái “đếch”, nó bóc mấy hột bắp nầy bỏ vào miệng.  Cũng xin mọi người tự cho kết luận nhé

    Chúng tôi sống ở Cần Thơ tới năm 1968 mới dọn về Vĩnh Long.  Ngoài những kỷ niệm của một thời thơ ấu, vất vả, nghèo túng, tôi hầu như quên hết tên đường, phố, xã, ấp…Hôm nọ, đọc phản hồi của một người là sinh viên của đại học Cần Thơ cùng khoá với chị Phi Rom.  Trong đó có nói về ngôi chùa Khmer, không nhớ tên, nếu không lầm chùa nằm đối diện với trường nữ tiểu học?  Còn Đàng Tiên và con sông chảy ngang? Bây giờ có trở lại Cần Thơ, chắc tôi không còn nhận ra lối xưa chốn cũ, nơi mình đã từng có nhiều hồi ức vẫn còn tươi nét trong tôi.
Phương Nga

Có 21 bình luận về Tuổi thơ “hơi” dữ dội

  1. Nguyễntuyết nói:

    Tuổi thơ ấn tượng đáng nhớ khó quên . PN , viết văn và kể chuyện hấp dẫn đó nhe  , nhứt là cái câu… Xin mọi người suy diễn và tự kết luận … !! 

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Đúng như SOS nói, với 1200 chữ, tính tỷ lệ cái dữ dội của tác phẩm lớn của Phùng Quán, Maxim Gorki thì bài viết nầy dữ dội hơn, ở những cái mà tác giả nói “để mọi người suy diễn”.Tôi đọc Tuổi thơ “hơi” dữ dội của PN thấy thích hơn, vì nó quá gần gũi với thời thơ ấu của chúng ta ( những người cùng cảnh ngộ ). Tui thì mai mắn hơn PN, sống kiếp nghèo, nhưng nghèo ở vườn, ruộng, chắc đở khổ hơn những mãnh đời nghèo mà sống ở đô thị. Thôi thời tuổi thơ qua rồi, cái khổ cũng qua đi với tuổi thơ, giờ thỉ chúng ta : người thì phải lo đi cày, kiếm cỏ ăn, người thì nằm đó nhơi rơm quanh năm suốt tháng  ( đám nghỉ hưu ) ! Thôi kệ ! Lúc nào cũng có cỏ,  lúc nào cũng có rơm là quá đủ  !

    • PhươngNga nói:

      Anh Cả à, bây giờ đi cày cũng chưa chắc có cỏ ăn.  Rồi tới lúc em hồi hưu,  không chừng  rơm bị mấy người nghỉ hưu trước “dớt” hết rồi hổng chừng.

  3. Hoàng Hưng nói:

    Hồi xưa có một anh bạn có đeo mai, cầm chiếc dao mổ nhỏ xíu, anh nói, đồ quỷ này mà mổ miết cái gi, anh lật ngược dao mổ, vuốt từ sau ra trước (bắt chước tác giả, miển tả sau khi anh vuốt), nhưng nhắc lại còn thấy rờn rợn.

    • PhươngNga nói:

      Nghe nói lúc rày  FAA (Federal Aviation Administration)- cơ quan kiểm soát không vận- đang bàn cải coi nên cho hành khách mang lên máy bay loại dao nhỏ để gọt trái cây hay không?  Nhưng nghe nói bị bác rồi.  Cứ tưởng tượng cây dao mổ, anh tả ở trên là cũng biết nó nguy hiểm cở nào rồi.

       

       

       

       

  4. Trung Nguyen nói:

    Gửi bạn PhươngNga Nếu không lầm thì Đàn Tiên chứ không phải Đàng tiên như bạn nhớ, nay là chùa Hiệp Minh xưa ở đường Paul Emery (sau lần lượt đổi tên là Cống Quỳnh và Huỳnh Thúc Kháng trong chợ Mít Nài, nay là chợ An Nghiệp). Con sông chảy ngang là sông Cái khế, chảy qua các cầu Ninh kIểu ( cầu này mới xây dựng một lúc với cầu Cấn Thơ ) cầu Cái Khế và cầu Nhị Kiều , Đàn Tiên ở khu vực cầu NHị Kiều .) Thời Phương Nga cư ngụ ở đây có lẽ đầu thập niên 60 nơi đây còn h oang sơ lắm,ban đêm thì ếch nhái ểnh ương kêu rền vang . Sông Cái Khế xưa cắt đôi đường xuống bến phà Cần Thơ sau này người ta cho phá cầu lắp sông xây dưng chơ Cái Khế nên chỉ còn nhánh chảy qua cầu Nhị Kiều. ( Muốn tìm hiểu thêm bạn lên google maps nhé ) Trường Nử tiểu học bây giờ là co.op Mart Cân thơ., đại lộ Hòa Bình vẫn còn tên cũ. Rạp hát Huỳnh Lạc xưa chuyên chiếu phim Pháp , phim Nhi đồng nhất là phim Charlot sau 75 còn hoạt đông èo uột rồi chết luôn theo quốc doanh. Lâu quá rồi mình chỉ nhớ có nhiêu đó mong giúp bạn nhớ lại những kỹ niệm thời ấu thơ của mình. Chúc Bạn có nhiều niềm vui và sức khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống.

    • PhươngNga nói:

      Anh Trung Nguyên thân mến.  Có phải anh là anh Trung Nguyên, tác giả của mấy tấm hình tuyệt đẹp (thả diều, đêm ở Vĩnh Long) đăng trên FaceBook không? 

      Cám ơn anh nhín chút thì gIờ cho thông tin mới về thành phố Cần Thơ.  Nhớ không lầm, khi xưa ngoài rạp Huỳnh Lạc chiếu phim Tây, còn có rạp Tây Đô, chuyên chiếu phim Tàu.  Lúc đó PN hay được bà ngoại dắt đi coi Hoa Mộc Lan, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài.  Còn bà nội thì “kết” rạp Casino, độc quyền phim Ấn Độ.  Ngoài ra còn rạp Minh Châu (?), xéo xéo có tiệm sách lớn (quên tên) có lần PN được bà con dắt đi coi tuồng “Con Gái Chị Hằng” của gánh Thanh Minh Thanh Nga.  Không biết mấy rạp hát nầy còn không?

      • TRẦN BÌNH nói:

                                                Chị PHƯƠNG NGA thân mến !

             Bốn rạp hát Huỳnh Lạc, Tây Đô, Casino, Minh Châu đã ngưng hoạt động từ lâu vì hệ thống cửa hàng video làm cho ngành chiếu bóng tê liệt .Nay chỉ còn rạp hát Huỳnh cẩm Vân nằm trên đường Trần Hưng Đạo (gần cơ quan cũ của Bình) là còn hoạt động chiếu phim ,thỉnh thoảng cũng có đoàn cải lương về hát .(Bình có đứa cháu ruột làm ở Bưu điện Cần thơ) nhà ở gần đó cho biết . Vài hàng cùng chị về các rạp hát ở Cần thơ quê nội của Bình .

         

  5. Trung Nguyen nói:

    Phương Nga thân mến,

    Các Rạp xi nê ở Cần Thơ xưa bây giờ không còn nữa, hồi nhỏ mình thích nhất Huỳnh Lạc, còn Casino thì permanent vì thích mấy cái pano vẽ hình mấy anh chà và đầu vấn khăn miệng thổi sáo điều khiển mấy con rắn h ổ mang, rạp nóng hừng h ực mà lúc nào cũng đông khách. Rạp Minh Châu thì nhỏ nhưng lại được các gánh hát lớn như Thanh Minh Thanh Nga lấy nước mắt mọi người, Thủ Đô có anh kép khổng lồ, và đắt khách nhất là gánh Kim Chưởng thường xuyên hát ở đây, tôi cũng là dân mê cải lương nên lúc nào cũng góp phần chen lấn ở khung cửa hẹp của phòng bán vé ở rạp nầy. Nhà sách gần đó nếu tôi không lầm là nhà sách Tây Đô,  sau 75 trở thành Fahasa và bây giờ Fahasa dời lên lầu 1 của Co.op mart chổ này bây giờ bán văn hóa phẩm. Hồi đó mỗi chiều thứ bảy ở cầu tàu bến Ninh Kiều có tổ chức văn nghệ tạp kỹ lúc nào cũng có quái kiệt Trần văn Trạch từ SG xuống bằng xe hơi đặc trưng của mình lúc nào cũng  khởi động bằng manivelle hoặc nhờ khán giả đẩy dùm, vui lắm, lúc đó tôi hay lòng vòng quanh xe để được xem TV Trạch bằng da bằng thịt. Bây giờ Cần Thơ phát triển, rộng nhưng về mặt sinh hoạt văn hóa không vui bằng ngày xưa, tiếc lắm. À đúng rồi, Cám ơn Phương Nga đã bỏ chút ít thì giờ quý báo ngó qua Fb của tôi, mình sẽ cố gắng để không phụ lòng của bạn và mọi người.

  6. Hoàng Hưng nói:

         Ngày xưa trên đường xuống bến Ninh Kiều (không nhớ tên), bên trái có tiệm sách Văn Nhiều, xéo xéo bên phải cũng có một rạp chiếu phim (Lido?).

  7. Thu Nguyet nói:

    Phương Nga ơi! Bài viết của PN ngắn gọn, súc tích, dễ vào lòng người và làm cho người đọc không ngán ngẫm như những tác phẩm lớn vì tuy nhỏ nhưng có võ. TN rất phục trí nhớ của PN, chỉ mới 5 – 6 tuổi thôi mà bây giờ PN nhớ rất rõ. Trước đây, TN cũng đã từng ở học nơi Tây Đô vào các năm 1974 – 1975 và từ 1979 đến 1983, mặc dù những lúc đó TN đã lớn rồi nhưng cũng không nhớ rõ lắm. Giờ đây TN đang nằm nhà nhai rơm, dù sao cũng nhớ chừa phần cho PN mà, yên chí đi, chỉ sợ anh Cả Lần “dớt” hết thôi.

    • PhươngNga nói:

      Nhớ nhiều không biết là tốt hay xấu đó T.Nguyệt ơi.  Nhiều lúc nhớ lại chuyện xưa, nhất là khi lái xe đi làm, uớc gì có thể ghi lại được ngay.  Sau nầy có già (hơn) lẫn, còn chút gì để lại cho P.Duyên. 

      Móc ngoéo nhe, khi nào về VN, nhớ cho PN ăn “rơm” cá đồng nấu với rau đắng.  

  8. NHA nói:

    Phương Nga ơi,

    Anh và ba má anh cũng có lúc trôi nổi đến sống ở chợ Cái Khế (trước 1945 mà anh không biết khoảng náo) và anh gắn bó với Cần Thơ từ mùa tựu trường 1970 cho đến 1975.

    NHA

  9. KiềuOanh nói:

    Chị Phương Nga ơi, Đọc bài viết em thấy tuổi thơ của chị không có “hơi dữ dội” chút nào, mà là …”rất dữ dội”. Dữ dội nhất là cái cô Út nào đó có dịp “thưởng thức” hột bắp đã qua giai đoạn “chế biến”,he he he, Em có từng chứng kiến các em nhỏ “nếm” thử chất lỏng sền sệt chày ra từ mủi chúng nó, nhưng rò ràng còn thua xa cô Út này , chị hé!

  10. Phuong thao nói:

    Hi chi Ba, chi da viet ve “tuoi tho hoi du doi” cua chi roi, thi khong hieu dua em nay co nen co doi dong ve “tuoi tho…hoi luu manh” cua minh khong nhi?

  11. PhuongMai nói:

    Chi PhuongThao oi, hinh nhu trang web nay chi gianh dang nhung mau “truyen ngan”, khong co muc “truyen dai tap”….Oh, co the chia ra nhieu tap giong kieu “xem hoi sau se ro…” thi hoa may duoc 🙂

    PhuongMai

  12. PhuongTruc Tran nói:

    Chị Phương Thảo ơi, hình như không phải chị chỉ có “tuổi thơ lưu manh” mà hình như tuổi “hơi” xế chiều cũng lưu manh luôn!!!! laugh

    P.S.  Viết xong câu này chắc mình phải bỏ trốn 1 thời gian không qua gặp Ba Má quá! smiley

  13. Phuong Thao nói:

    Phuong Truc, 

    Nha nguoi biet ta “luu manh” ma con dam…? Bo chi 4 nay khong biet nha cua mi o dau sao? Cho nha nguoi hay nhe: hinh nha nguoi dang dan day nha cua ta day, mot “lenh truy na” khac, khong phai o VN ma o My do nghe! Lieu hon!

Trả lời TRẦN BÌNH Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác