Ngũ thập tri nhân mạng

Ngày đăng: 26/05/2013 01:02:35 Chiều/ ý kiến phản hồi (25)

Với cổ nhân ngũ thập tri thiên mệnh, còn với Phương Thảo ngũ thập nhìn lại quá khứ thì mới biết được cái mệnh của mình. Chuyện này rất hợp lý mà ít có người nhận ra. Với lối kể chuyện khôi hài, tác giả muốn nhắc nhè nhẹ lớp trẻ ngày nay nên sống tử tế, một triết lý tàng ẩn trong câu chuyện vui (SOS)

Tuần qua, tôi vừa tròn…52 tuổi. Hôm nay, ngồi ngẩm nghĩ, suy tư về cuộc đời mình, tự dưng thấy buồn man mác như, “Những chiều vàng héo hắt. Lòng chợt tiếc nuối một thuở huy hoàng, đời mình đã tắt”.  Nhạc sĩ nào đó , chuyển dịch bài hát “Love Story” như đọc được tâm trạng của tôi, ngày tôi lên…52 tuổi!
     Sống quá hơn nửa thế kỷ ! Theo quan niệm tây phương, đó là thời kỳ rực rở của đời người – “The golden years”. Theo tôi đó là một cách nói an ủi, chào đón một thành viên mới của “Câu Lạc Bộ Cao Niên”.  Cám ơn lòng tốt nầy!  Cái thuở “huy hoàng” nầy không là danh vọng, tiền bạc, (cũng muốn lắm, kẹt cái là không được!) mà là những kỷ niệm thật hồn nhiên của một thời niên thiếu. Chúng vô giá đối với tôi và là những ngọc ngà châu báu,  mà trong suốt cuộc đời còn lại, tôi nguyện sẽ nâng niu trân quí.
     Nhớ lúc lên 3, má tôi kể, có một trưa hè ở Cần Thơ, sau giấc ngủ trưa, tôi đi một mạch tới gánh hàng rong ngoài ngõ, tự thưởng cho  mình một cái bánh tráng nướng.  Sau đó dõng dạc tuyên bố: “Lát má tui ra trả tiền nhe!”. Kể xong, má tôi nói, thiệt là trời thần đất lở ! Đừng nghĩ tôi chỉ biết ăn chịu, lúc ấy tuy nhỏ tôi cũng biết lo cho gia đình.  Qua chơi hàng xóm, lúc về trong túi áo tôi lúc đầy đinh, khi thì tăm xỉa răng…vui không? . Lấy về phụ giúp gia đình đó mà! Má tôi giận quá, bắt mang đi trả và phải xin lỗi cẩn thận.
     Năm mẫu giáo, đang lúc học, tôi “ộc” một con bạn, vì tật nịnh nhà giàu thấy mà ghét! Nhưng cô giáo không hiểu thấu chính nghĩa trừ gian diệt nịnh, mà bắt phạt tôi úp mặt vô vách.  Ức quá, tôi chạy te về nhà. Qua hôm sau, chị con dì Ba của tôi lại phải dắt tôi đi xin lỗi cô.
      Từ nhỏ, thể chất của tôi vốn yếu đuối do bị suyển kinh niên, nhưng tôi lại là đứa phá phách nghịch ngợm nhứt nhà.  Trò chơi nào tôi cũng thử, hay “tham gia” tới bến, vít hình, búng thun, năm mười, cút bắt, tán u; thậm chí tôi còn đu nhánh cây chờ người nào đi ngang là nhào xuống “khè” cho họ sợ chơi.  Leo nóc nhà rượt bắt cũng có trong mục nầy.  Đánh nhau với đám con trai, tôi cũng không ngán, nhưng thường khi thua, mấy thằng nầy mạnh quá.  U đầu sứt trán như cơm bửa.   Có lần tôi còn bắt chước Lý Tiểu Long, đá song cước qua khỏi đầu, hậu quả là tay tôi bị gảy, băng bột vài tháng.
      Nhà có 6 đứa con gái, tôi là đứa bị ăn đòn nhiều. Nhớ một lần tôi cầm đầu mấy đứa em đi phá hàng xóm, bị mắng vốn tới tận nhà. Ba tôi bắt cả đám nằm cuối xuống đánh đòn.  Con em kế tôi rất nhát, nó khóc ngay lập tức, “Xin lỗi ba, con không dám vậy nữa”.  Trong lúc nằm chờ ba đi lấy cây chổi lông gà, tôi “khuyên” nó, ” Làm gì mà khóc, ráng chịu vài cây là xong ngay”.  Ba tôi nghe được,  quất thêm tôi vài cây nữa cho đáng tội.
     Cứ thế tôi ” tung hoành ngang dọc” từ nhà tới trường.   Năm lớp 2, tôi theo học cô Sáu Quân, nổi tiếng dạy hay nhưng khó tính. Tôi ngồi ở đầu bàn, mấy đứa ngồi trong khi nộp bài phải chuyền qua tay tôi. Nhỏ ngồi trong cùng, không biết có gây thù chuốc oán gì kiếp trước, mà tự dưng nhìn mặt nó là tôi…không ưa.  Bây giờ nghĩ lại vừa hối hận vừa cảm thấy mình vô duyên.  Có một bữa, trước khi nộp bài của nhỏ nầy, tôi ghét nó nên lấy viết quẹt tùm lum lên bài của nó. Cô hỏi nó tại sao như vậy, nó quá ngạc nhiên, “Dạ, em đâu có làm!”.  Tự dưng cô nhìn thẳng vào tôi, làm tôi điếng hồn.  Có lẽ nhờ phước ông bà để lại, cô không nói gì cả dù tôi chắc như đinh đóng cột, cô biết ai là thủ phạm. Từ đó về sau, tôi “cạch” không dám hó hé gì nữa.  Cạnh tôi có nhỏ M, đi học túi lúc nào cũng rủng rĩnh tiền. Tôi “lợi dụng” tình hàng xóm tối lửa tắt đèn trong…lớp mượn tiền nó lia chia.  Hai năm học chung, tôi nợ nó như chúa Chỗm. Cùng hoàn cảnh tương tự, nhỏ LH cũng là “chủ nợ” của tôi. Một lần tình cảm sứt mẻ, nó  méc chị Ba tôi.  Bửa sau, tới trường, mang cái mặt”hầm hầm” tôi tới ngay nó hỏi tội, động trời chưa? Không hiểu sao nó chối phắt.  Tuy vậy tôi vẫn “giận” nó làm mất uy tín của tôi.  Rồi vì giận, tôi “không thèm” trả nợ cho nó. Lô gic quá há!
      Vừa học, chơi, quậy, và suyễn cùng một lúc, tôi vẫn đậu vào lớp 6 trường Tống Phước Hiệp với hạng cao, có học bỗng nữa đó. Vì thế, tôi trở nên cao ngạo, và có cớ để mình quậy tới bến hơn ở môi trường mới. Mới  tựu trường lớp 6, tôi đã “sáng mắt” lôi kéo ngay vài đứa bạn đồng chí hướng: ham vui là chính, học hành là phụ, bày đủ trò.  Chúng tôi dứt khoát không muốn có mối liên hệ gì với dân học gạo, chán lắm.  Giờ chơi, cột áo dài lên nhảy dây, đánh đủa.  Bạo hơn nữa, giờ nghỉ, lựa mấy phòng chứa bàn ghế cũ, để chạy rượt bắt trên bàn như đánh nhau trên Mai hoa thung. Có khi hụt chân, té rách cả vạt áo dài, đầu u trán sứt, đau thấu trời xanh!
      Tôi nhớ như in,  lúc tôi 13 tuổi, ba tôi dạy mấy anh em tôi chơi đàn mandoline.  Do “máu” văn nghệ tràn đầy trong huyết quản, và niềm đam mê âm nhạc, tôi học rất nhanh so với anh chị em tôi.  Nhớ lúc lớp có giờ trống, là tôi phóng như tên bắn về nhà, xách đàn vào trường, ngồi đàn hát nghêu ngao với bạn, nào là: “Ngồi kề bên nhau cất tiếng ca, say tình chan hoà…”
Bài hát nầy sống mãi trong tâm khảm tôi.  Các bạn cùng lứa, ít ai  biết loại nhạc nầy.  Phút chốc, tôi trở thành “thần tượng” của khối đứa bạn đó nghe.  Có đứa còn mua nhạc đem tới nhờ tôi chỉ giáo.  Khà khà, lúc đó có lẽ lỗ mủi tôi lúc nào cũng hỉnh và đầu lúc nào cũng ngẩng tới trời xanh, không biết và cũng cóc cần biết chữ khiêm nhường đánh vần ra sao.
       Ai họcTống Phước Hiệp, chắc còn nhớ ba quán chè. Tôi “kết” quán Chú Lùn nhất. Cách vài tuần, tôi tới quán mua…chịu, ” Chú Lùn, bán hai ly chè đậu xanh, ghi sổ “.  Chú chẳng màng dòm tới mặt của tôi mà múc ngay hai ly cho…4 đứa. Có lẽ tình trạng ăn chịu nầy quá phổ cập chăng?. Ly chè đậu 20 đồng, sâm bổ lượng 25 đồng.  Chúng tôi cũng biết tự lượng sức mình, chỉ ghi sổ cho món chè đậu, nào dám tơ tưởng tới chè sâm. Ấy thế mà món nợ cũng lên tới hàng trăm.  Định trả từ từ giử uy tín để còn mua thiếu, nhưng không biết sau 75 chú Lùn dọn đí đâu mất. Không biết, các đồng môn có ai ăn chịu như tôi không? Anh SOS chẳng hạn?
       Có ai đó, dường như là nhà tâm lý, nói rằng, dù nghịch ngợm phá phách, ngỗ ngược ngang tàng, rồi ai cũng một lần phải lớn lên.  Không ngoại lệ, năm 14 tuổi, học lớp 8, tôi tự dưng đứng đắn đàng hoàng hẳn, lại bớt phá phách. Năm đó khi về thăm ngoại ở Bạc Liêu. Chị bà con bạn dì có quán bán chạp phô, khi xưa hay theo dõi, “canh me” tôi, do tôi là đứa đầu têu, phá quán hay “chôm” bánh kẹo của chị ăn.  Chị ngạc nhiên khi thấy cô em họ khác hẳn, chỉnh tề và khiêm cung, mời gì cũng không ăn, chỉ ngồi võng đu đưa ở quán.  Sau đó chị khen tôi quá sức.  Dạo đó, anh em tôi hết mê mandoline, mà chuyển qua guitar.  Ba tôi tậu về một cây guitar màu mè rực rở.  Có lẽ hy vọng giúp tụi tôi đàn hay hơn? Lại mua thêm sách “Tự Học Đàn Tây Ban Cầm” của giáo sư Nam Phong.  Anh em tôi tự dợt với nhau.  Nào là Valse  (chát chát bùm,chát chát bum); nào Fox (chát bùm chát bum). Qua những hợp âm, đô trưởng, la thứ…Tôi vẫn là đứa giỏi nhất trong mấy anh em.  Nhờ đam mê với cây đàn mà có lẽ tôi “sao nhãng” việc phá phách chăng?
     Sau 75, trường nữ và nam sát nhập.  Lúc đó tôi lên lớp 9, được bầu làm trưởng lớp. Cô giáo chủ nhiệm biết tôi vì suyển yếu sức, nên giao chức nầy cho bạn M. Cô cho tôi đảm nhiệm lớp phó học tập kiêm văn nghệ.  Thỉnh thoảng, M. xách mandoline vô lớp, gãy tới gãy lui.   Hắn ta chơi cũng khá. Tôi tuy mới biết lỏm bỏm vài hợp âm, dăm điệu nhạc.  nhưng nghĩ rằng cây guitar bự hơn mandoline, nên tôi vác cây guitar xịn mượn của bạn anh tôi vào lớp, “sạt tới sạt lui” coi đời bằng nửa con mắt.  Nghĩ lại thấy mình quá là ngông cuồng tự đại, lại  không biết rằng mình đã gây tổn thương tới tự ái của bạn mình. Sau đó M bỏ luôn chuyện mang mandoline tới trường nữa.  Năm đó, lớp tôi được giải nhất hay nhì gì đó qua bài dân ca ba miền.  Thầy Sang dạy sử địa, bỏ công dợt cho tôi đệm đàn cho cả lớp cùng hát.  Giải thưởng nầy giúp cho tôi càng thêm yêu thích âm nhạc và cũng tạo điều kiện cho tôi kết thêm bạn đồng sở thích để trau dồi thêm môn dàn guitar sau nầy.
     Yêu thích âm nhạc dạo đó,  tôi bỗng dưng thấy mình sống như triết nhân (?), cứ như là mình ở trên…mây, mơ mộng và hay ra vẻ bất cần đời.  Mà không nghĩ đời nào có cần gì  mình đâu?Lại khi dễ mấy đứa bạn là trẻ con quá , cho nên chỉ giao du qua lại với một ít bạn trong lớp. Triết nhân thường làm việc khác đời, và chơi nổi (sic), lúc đó có phong trào làm lưu bút, nhưng tôi không.  Giờ nghĩ lại thấy tiếc hùi hụi, giận mình ngu xuẩn, không thì đã có một quyển lưu bút kỷ niệm cho một thời vàng son của tuổi học trò.
     Mơ mộng, lãng mạn giúp cho tôi thấy thêm gắn bó với cây guitar hơn.  Nhừng đêm khó ngủ do cơn suyển hoành hành, tôi bỏ ra hàng giờ đánh đàn, tập thêm giai điệu mới, bài nhạc hay. Sau đó, nhỏ bạn ND giới thiệu với tôi nhạc độc tấu guitar cổ điển.  Nhờ đó, từ việc đệm đàn cho bạn hát, tôi như bước sang một lãnh vực rộng lớn hơn. Tôi mê mẫn với nhạc độc tấu cổ điển. “Romnace D’Amour”, “Natalia”, “My Favorita”, “Feste Lariane”…tôi tập đi, tập lại với niềm đam mê bất tận. Ngồi trước tấm gương, vừa gãy đàn vừa ngắm nghía những ngón tay mình di chuyển lã lướt trên phím đàn, thấy sao mà hạnh phúc quá.
Mê mãi với cây đàn, tôi chểnh mãng chuyện học hành.  Mất căn bản trầm trọng hai môn Lý và Hoá, 2 môn chính của ban Toán. Tôi rớt kỳ thi vào đại học, khi mà gia đình tin tưởng tôi sẽ vượt qua không một chút khó khăn.  Một cú sốc đánh thật mạnh vào cái đầu kiêu ngạo, ngông nghênh của tôi.  Đó cũng là một bài học dạy cho tôi biết thế nào là vấp ngã; hơn thế còn bảo cho tôi biết thế nào là biết khiêm tốn và hoà nhã trong cuộc sống.
      Niên thiếu đã qua với nhiều kỷ niệm đáng yêu, đáng trân trọng, những sai lầm mà tôi quyết sửa nếu cho tôi thêm một lần cơ hội.  Tất tất đều ấn những nét sâu đậm trong tâm hồn tôi mãi mãi không phai.  Sống quá nửa đời người, 52 tuổi, nhìn lại quá khứ, thuở huy hoàng xa xưa, tôi nhủ với lòng, phải rèn cho mình một niềm an nhiên tự tại, bình thản chấp nhận bất cứ điều gì xãy ra cho mình. Hơn thế nữa, một”minh triết” trong đời sống phải biết bớt sân si, tham thố, nhiệt tình hơn với gia đình, thân nhân, bạn bè, và người chung quanh.  Đó cũng là chân ngã của hạnh phúc.  Trong tôi vẫn vấn vương, “Hạnh phúc nào, không tả tơi, không đắng cay?”.

Viết xong ngày 21 tháng năm, 2013
Phương Thảo

 

Có 25 bình luận về Ngũ thập tri nhân mạng

  1. PhươngNga nói:

    Một tuổi thơ…lưu manh nhưng dễ thương của thời cắp sách.  Còn thời cắp sách của học trò, nhất là học trò của tôi bây giờ?  Than ôi!!!!

  2. Anh Tuấn nói:

    Phương Thảo, tuổi thơ cô bé thật dễ thương, 22 năm qua mình mới biết rõ là thế…mỗi người đều có một định mệnh, nếu PT văn ,vỏ song toàn… có lẽ PT sẽ là một nhà lãnh đạo cao cấp.  

  3. Nguyễntuyết nói:

    Chèn ơi  , NT tưởng Phương Thảo là con trai , ai dè là con gái , còn bi giờ thì là phụ nữ rồi , chắc hồi ở trong bụng mẹ , mụ bà nắn lôn đó nhe … hi hi …. đọc bài  thấy vui , thơ ngây và cũng dễ thương quá . PT có kể chuyên cho ông xã nghe hong …1 thời vui , hồn nhiên , đầy kỉ niệm  lưu manh dễ sợ… hi hi. Đúng là câu , cái gì , trò chơi gì , chiện gì con trai làm được , con gái cũng chẳng thua đâu hé !!??

  4. Phuong thao nói:

    Thành thật cám ơn anh SOS đã cho bài nầy một lời dẫn thật hay. Thảo cũng không “ngờ “mình đã “tiềm ẩn” một triết lý sống trong bài viết nầy. Anh SOS một lần nữa làm Thảo ” thấy mình như một triết nhân”! Sau nầy, có điều gì xãy ra…là SOS phải ” hoàn toàn chịu trách nhiệm ” đó nhé! 

  5. Phuong thao nói:

    Chị Ba,
    Rất cám ơn chị đã chịu khó bỏ thời gian góp ý, sữa chửa, bỏ dấu cho bài viết! Chị lúc nào cũng luôn là một con chim đầu đàn gương mẫu dìu dắt các em mình trên “đường đời muôn vạn nẻo”!

  6. Phuong thao nói:

    Hi chị NT,

    PT ước gì được mụ bà nắn đừng có lộn hết sức, để hồi nhỏ đánh nhau với bọn con trai không bị thua! Nhiều khi bị tụi nó  đấm vô lưng muốn lầm phổi luôn vậy đó! Hên là còn sống sót tới ngày hôm nay đó chị. Bởi vậy em khuyên con em đi học võ mà không đứa nào chịu hết! Rất cám ơn chị đọc bài nầy!

    Hi Mr. Võ,

    Nghĩ kỹ lại, chúng ta trời sinh một cặp! Giống như Đồ Long Đao phải đi đôi với Ỷ Thiên Kiếm phải không? Chính nhờ 2 bảo đao nầy mà tụi mình mới “tề” được đám con “nội công ” thâm hậu, nhiều lúc làm mình muốn khùng luôn ! Nhưng đành phải cắn răng nuốt nước miếng vô cho đở tức vì nó sao giống cha mẹ nó quá !

  7. Anh Tuấn nói:

    Đồ Long Đao đã bị mất rồi,chỉ còn Ỷ Thiên Kiếm, cố gắng gìn giữ Ỷ Thiên Kiếm để Tề con ,cháu  

  8.       Bài viết sinh động, kể lại nhiều kỹ niệm thời ấu đáng nhớ . Không ngờ PT yêu âm nhạc, mê chơi guitar, gợi lại nhiều kỹ niệm trong tôi, tôi cũng mê đờn, tôi cũng học quyển nhạc của giáo sư Nam Phong, tôi cũng học một quyển khác tựa đề ” bãy ngày biết đờn tây ban cầm:” . Cũng mê đờn tôi xém bị rớt lúc thi vào lớp chín, còn tập sáng tác nhạc, có lần sáng tác một nhạc tặng cho người yêu với điệu boléro nhưng bị cô ta chê nhạc giống cải lương thành giải nghệ .

          Cám ơn tác giả  bài viết đã mang cho tôi nhiều hồi ức của một thời .

  9. KiềuOanh nói:

    Phương Thảo ơi, Thì ra là thằng em KO nhớ không lầm chút nào, Khi hỏi nó biết ai là T,Võ không thì nó nói biết, còn nói T.Võ có vợ là Thảo hay chơi Tây Ban Cầm nữa. Bạn và T.Võ đúng là Trời sinh một cặp. Anh Tuấn ơi, Đồ Long Đao nếu lở bị mất rồi thì hai người thử luyện “Song Kiếm Hợp Bích” đi, có còn nhớ cách luyện không? khà khà…Chỉ sợ luyện xong rồi chưa kịp xưng bá thu phục quần hùng thì sản xuất thêm “tiểu quí tử” thì khổ! KO chúc hai bạn thành công nhe, he he…

    Phương Thảo có phước ghê, có một bà Chị Ba tuyệt vời, luôn gương mẫu dìu dắt các em ……”quậy”….ý hông phải, “dìu dắt các em vậy“. hì hì em xin lỗi chị Ba của Phương Thảo vì em nói nhầm tầm bậy, trúng tầm bạ nhe.wink

  10. Phuong thao nói:

    Hi KO 

    Cám ơn phản hồi của Oanh. Cho Thảo gởi lời thăm Đức! Thực hiện lời hứa, Thảo đã thành thật khai báo hết thành tích…lưu manh của mình, mong các bạn đừng…oa oa xịt tui ra nhe! Oanh à, cho dù mất đồ long đao, nhưng võ công tụi nầy đã tới mức thượng thừa rồi, không cần phải tập thêm kiếm pháp nào nữa, kẻo bị tẩu hoả nhập ma thì khốn!

    Hi anh Châu Phương,

    Chắc cô bạn gái của anh thích loại nhạc kíck động chớ gì? Nếu anh viết cho cô vài bản loại Hùng Cường, Mai Lệ Huyền trình diễn thì anh sẽ chiếm ngay quả tim vàng của nàng rồi ! Cho Thảo tò mò một chút về cuộc đời văn nghệ của anh, rồi sau đó anh có tiếp tục đàn không? Mừng cho anh đã đậu vào cấp 3 năm ấy và cũng không quên cám ơn anh đọc Ngũ Thập Tri Nhân Mạng!

  11.     Để trả lời tò mò một chút của Phương thảo, VCP cũng viết môt chút về máu mê văn nghệ của mình . Lớp chín trong trường không ai canh tranh mình về việc học nhất là môn toán nên ỷ lại, suốt cà mùa hè năm đó lúc ngoài công việc đồng ruộng, mình chỉ biết đến cây guitar, không ngại ngày đêm, không biết mệt mỏi, đến nổi lúc đi thi tưởng chừng mình thi rớt . Đến lớp 10 và cả 3 năm của cấp 3 thì khác, nhiều cao thủ nên đành treo cây guitar trên trường . Khi vào đại học phong trào văn nghệ rất là sôi nổi, nhạc lý của mình trình độ còn rất thắp, nhưng những bảng nhạc sau 75 không hợp đành viết theo ý , mình lại thích nhạc kích động hát nháy giọng của hùng cường, đa số sinh viên mê nhạc trước 75 những bảng mình hát được chào đón . Trước khi ra trường, viết bài với điệu boléro để tặng cho người yêu, ở quê mình thích nghe Chế Linh, Duy Khánh …, nàng ở thành phố thích nghe Lệ Thu, Elvis Phương …. Phương Thảo biết đó, điệu boléro cứ 5 từ lặp lại, như : biết rằng anh sẽ buồn, ngày mai đến nhà tôi, mong thăm người bạn cũ . Muốn đoạn nào ngân dài một chút mình chiêm 4 chữ, muốn ngân dài hơn hai hoặc 3 chữ . Bản nhạc mình viết cho nàng nhiều đoạn ngân dài quá, nàng là con người nghĩ sao nói dậy, nàng chê nhạc cải lương, thế thì VCP giải nghệ sáng tác từ đó . Sau nầy đến bây giờ chơi Piano với tình độ thắp, chỉ đánh những bảng mình yêu thích, nhất là những bảng của Trịnh Công Sơn, mình chơi đờn chỉ để mình nghe.

  12. Phương thảo nói:

    Cám ơn anh Châu Phương nhín chút thì giờ trả lời câu hỏi của Thảo. Yêu văn nghệ như vậy, chắc anh theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc chứ? Anh cũng đàn piano nữa à? Bửa nào chắc phải bái anh làm sư phụ mới được! Hy vọng anh thâu nhận học trò hơi lớn tuổi nầy nhé! Cám ơn anh.

    •            Phương Thảo ơi , tôi mê đờn,  hoàn cảnh không thuận lợi, nên tự học là chính, đâu có trường lớp, đâu có bài bản, cả đờn Piano cũng tự học, chơi guitar chắc tôi kém xa bạn . Bạn biết không  Khi  keyboard piano mới xuất hiện, nó nối trực tiếp cumputer, lúc đó nó mắt lắm,  mê quá nên tìm mọi cách mua về để học . Không ngờ người viết Software dạy piano trên cumputer thâtyj hây, dễ tự học lắm, bạn có thể học đánh nốt nhạc , nhiệp , hợp âm, ngay cả hoà âm,  học nhiệp, học hợp âm có những Game cho mình thực hành vừa vui vừa học . Keyboard piano nó có cấu trúcc giống piano thật, nhưng lúc đánh trên cây piano thật bạn sẽ dùng sức mạnh hơn trên từng ngón tay, một điều hay, dù bạn có  đánh nhiều trên piano đầu ngón tay của bạn không bị chay như chơi guitar . Guitar nếu bạn biết được quy luật của cung và bán cung, trên một dây đờn các nốt nhạc liên tục theo thứ tự DO RE MI FA SOL LA SI, tất cả nốt nhạc cách nhau một cung chỉ có MI cách FA nữa cung và SI cách DO nữa cung, bạn sẽ biết hết toàn bộ nốt nhạc của cây đờn . Ở  piano 7 nốt nhạc cũng theo thứ tự đó mà liên tục trên  phiếm đàn trắng, còn phiếm đờn đen dùng để dùng chơi nốt thăng hay  giáng .  Ngày nay keyboard piano dùng cumputer không đắt , nếu bạn muốn luyện mua về học, tôi tin tưởng với năng khíu của bạn chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ đờn hầu hết nhạc VN , còn những  nhạc của Beethoven,  mozart, Schubert, Mendelssohn, schumann chỉ nằm mơ chớ không dám nghĩ đến .

  13. PhuongMai nói:

    Đọc đi đọc lại bài này lắm lần vẫn không thấy chị Tư nhà mình bớt “lưu manh” tí nào hết! Nghĩ lại Ba Má cũng bị “tả tơi” không kém gì bạn bè của chị Tư smiley

    52 tuổi thì nhớ ra chừng ấy kỷ niệm “lưu manh”, 63 tuổi không biết chị Tư sẽ cho mọi người thưởng thức hồi ký “gai gốc” gì đây? Phương Mai đang nôn nóng chờ ngày xuất bản “lưu manh” phần II của chị Tư đó nhé!

    PhươngMai

  14. Võ Lê Mỹ Linh nói:

    Chào Phương Thảo, Hồi xưa Linh cũng học lớp 2 với cô Sáu Quân, vậy là mình học chung với nhau nhưng Linh không nhớ, vậy P Thảo có nhớ hay không?

  15. Phuong thao nói:

    Hi Mỹ Linh,

    Hồi đó Thảo ngồi đầu bàn thứ tư dãy bên trái từ trên bảng nhìn xuống. Hình như nếu nhớ không lầm, Mỹ Linh ngồi  những bàn trên và có thể không thuộc loại cá biệt như mình nên ít giao du chăng? Giờ thì cũng không muộn nhìn lại bạn cũ chứ? Thân ái!

     

    • Võ Lê Mỹ Linh nói:

      Linh ngồi đầu bàn nhì, cũng bên trái. Linh còn nhớ hoài, có một hôm Cô Sáu Quân đang giảng bài, mà Linh lại không nghe, ngồi chơi với mấy cây viết, bị Cô gọi lên lấy cây thước dài quất vào tay mấy cái đau quá trời luôn (nên khóc một buổi ). Phương Thảo hên quá !!! Nghịch ngợm hết sức mà hỏng bị phạt gì hết…. I’ m jalous.

  16. Phuong thao nói:

    Hồi đó thầy cô giáo ưa đánh học trò quá hé Linh? Ờ, mà ngộ ghê, không hiểu sao cô không “dám” đánh Thảo gì hết? Chắc cổ cũng ” sợ” Thảo luôn chớ gì? Nhìn mặt Thảo thấy “du côn” quá nên cổ “ớn”?

  17. Võ Lê Mỹ Linh nói:

    Chắc vậy quá, còn Cổ thấy Linh “hiền ” nên mới ăn hiếp !!!

  18. Phuong thao nói:

    Laugh out loud! Hồi đó phải Linh và Thảo có qua lại “mật thiết” với nhau… thì Thảo đã ra tay” nghĩa hiệp” mà “bảo hộ” cho Linh khỏi bị ai ăn hiếp rồi, ngay cả các thầy cô luôn!

    Đùa chút cho vui thôi. Linh và gia đình đều khoẻ cả chứ? Linh hiện cư ngụ ở đâu? Có về VN chơi thường không? Hai bác, ba mẹ của Linh khoẻ hả? Cô Tuyết dạy Vật Lý và cô…gì mình quên tên rồi( cổ dạy Vạn Vật năm mình học lớp 8) phải là dì của Linh không? Các cô đều khoẻ hà? Cho Thảo kính lời thăm tất cả nhe. À, hồi học cấp 3, Linh học lớp nào vậy? Thảo thì học C5, rảnh rổi liên lạc cho vui nhé. Mến!

    • Võ Lê Mỹ Linh nói:

      Cám ơn Thảo nhe, thật là tiếc há, phải chi hồi đó nhờ Thảo bảo vệ thì đở biết mấy. Gia đình Linh sống ở Montreal ( Canada). Ba Má Linh vẫn khoẻ, không biết Thảo có biết Cô Liêm làm giám thị ở TPH hay không ? Má Linh đó. Còn cô Tuyết và cô Tú đều là dì của Linh, 2 cô cũng mạnh khoẻ . Có phải Thảo ở Mỹ không? Cô Tú cũng ở Los đó.
      Linh học C3 Thảo học C5,đâu có xa gì mà mình không biết nhau hén.

  19. Ngoc Duy nói:

    Có phải Mỹ Linh có  người chị hay em song sinh học cùng lớp không?

  20. Phuong thao nói:

    Không phải! Mỹ Linh kia là Huỳnh Thị Mỹ Linh và em song sinh là Huỳnh Thị Kim Chi. Hai người nầy học chung với Thảo 3 năm lớp 6 7 8. À, Ngọc Duy học lớp nào?

  21. Phạm Thị Xuân Lộc nói:

    Vui quá, trên trang này gặp lại được bao nhiêu là bạn thân mà bấy lâu nay Xuân Lộc không biết. Xuân Lộc học chung với Phương Thảo gần hết phổ thông và với Võ Anh Tuấn hồi cấp ba. Võ Lê Mỹ Linh là hàng xóm, ngôi nhà tam đại đồng đường ở xéo nhà Xuân Lộc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác